Các cuộc tàn sát, tắm máu và trả thù đồng bào thiểu số Tây Nguyên thời 2001-2004, có “công” rất lớn của Trần Đại Quang. Ông ta là đạo diễn và là người chỉ huy mọi thứ ở Tây Nguyên giai đoạn 2001-2004.
Cách đây nhiều năm, tôi có xem một bộ phim Mỹ. Mở đầu phim là cảnh một gia đình đang sống bình yên, rồi một nhóm mafia lao vào bắn ông chồng nhưng không chết. Chúng trói người vợ và bắn đứa con gái nhỏ trước mặt 2 vợ chồng đó. Bọn cướp thay nhau hãm hiếp và giết chết người vợ, rồi mới bắn mấy phát đạn cuối cùng vào ông chồng. Ông ta không chết, sau khi khỏi thương tích, người chồng bắt đầu đi trả thù, nói chung rất tàn bạo và lạnh lùng. Tôi nhớ bộ phim này vì cái ác vượt quá tầm tưởng tượng của bản thân.
Tôi bị ám ảnh bởi phim đó khá lâu. Đến nỗi đầu năm 2016, khi ngồi nói chuyện với mấy anh chị Tù Nhân Lương Tâm thụ án trong các trại ở miền Trung - Tây Nguyên. Họ kể về các tù nhân người thiểu số ở vùng Tây Nguyên bị tù đày trong vụ bạo loạn từ 2001-2004. Ký ức về bộ phim lại ùa về, khi nghe kể: Trong trại có một tù nhân người thiểu số, bị án 20 năm, và quan trọng nhất là ông ta đã hóa điên từ trước khi tòa xử án.
Những người tù nhân cùng quê, cùng vụ với ông ta kể lại: Năm 2004, sau khi đổ quân để đàn áp và tắm máu những người biểu tình/bạo loạn trong vụ nhà nước Tin lành Đề Ga. Công an, mật vụ đã đi lùng sục bắt bở và trả thù tàn bạo những người trong nhóm cầm đầu, sau khi dẹp được biểu tình bằng bạo lực. Khi công an, mật vụ ập vào nhà ông này, chúng đã đánh ông như đập mớ giẻ rách, bà vợ không chịu được liền lao vào che cho chồng. Bà ta bị đánh, bị đá, đạp túi bụi vào người. Và đứa con trong bụng bà ấy mới 6-7 tháng đã bị chúng đạp vọt ra ngoài. Vợ và con ông ta chết ngay tại chỗ. Ông ấy điên từ đó và vẫn điên trong khi thụ án.
Đó là câu chuyện tôi bị ám ảnh cùng với bộ phim đã xem. Nếu bạn hỏi tôi: Chứng cứ đâu, nhân chứng đâu? Hình ảnh, âm thanh đâu? Tôi xin chịu thua, tuy nhiên, hãy nhớ năm 2004 điện thoại, mạng chưa phổ biến ở Việt Nam. Vùng Tây Nguyên lại càng tăm tối hơn, khi đàn áp mọi thông tin, liên lạc với bên ngoài bị cắt, điện bị cắt. Làm sao có chứng cớ? Lúc mới nghe, tôi không tin hoàn toàn vào câu chuyện vừa đau thương, vừa mang hơi hướng truyện kiếm hiệp Tàu đó, chỉ là nghe rồi để đó.
Nhưng sau này, tôi quan sát các cuộc biểu tình, các cuộc xuống đường của người dân. Tự mình thấy sự tàn bạo, máu lạnh, mất nhân tính đến độ khát máu của công an, an ninh thường phục tôi bắt đầu tin càng nhiều vào câu chuyện bi thảm ở Tây Nguyên, tin vào lời kể về người tù tâm thần đó. Rồi các cuộc đánh lén, cướp bóc người đấu tranh mà tôi biết, chuyện công an đánh chết người trong đồn, nhưng lại dửng dưng và đắc trí với những lý do man rợ và dối trá kiểu: tự tử bằng dây giày, tự tử bằng dây sạc điện thoại, tự cầm dao cắt cổ, tự đập mặt vào bàn, tường, tự ngã... mà chết trong đồn. Tôi càng rùng mình về sự tàn độc, khát máu của lực lượng công an, và niềm tin về chuyện tôi nghe càng được nâng lên.
Cho đến mấy ngày gần đây, trên mạng xã hội tràn ngập các video, hình ảnh về sự khát máu, tàn bạo của các lực lượng công an, an ninh trong các đợt đàn áp biểu tình chống luật đặc khu, luật an ninh mạng. Tôi gần như khẳng định rằng câu chuyện tôi đã nghe là có thật. Sự tàn nhẫn, máu lạnh của các lực lượng bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ càng được lột tả qua các bài viết, tường thuật lại việc họ bị đánh trong đồn, bị tra tấn, nhục hình khi “làm việc”. Các khuôn mặt đầy máu, sưng húp, méo mó vì tra tấn, đánh đập. Các clip 7-8 tên công an, mật vụ đánh đập tàn bạo người biểu tình ôn hòa ở Sài Gòn, các tiếng kêu rên vì đau đớn, các tường thuật trong đồn, mà mỗi con chữ là một giọt máu, mỗi câu phải đánh đổi bằng một nắm đấm, một cùi trỏ, một cái đá hay một dùi cui vụt vào người. Những dữ kiện, sự thật và minh chứng đau đớn đó, gần như xóa nhòa mọi nghi ngờ câu chuyện tôi đã nghe, về người tù tâm thần ở Tây Nguyên.
Sự đau đớn trong tôi lớn đến mức, tôi chỉ ước ao: Giá như đây chỉ là giấc mơ, rằng tôi đang ngủ mà gặp ác mộng. Nhìn các clip, hình ảnh người biểu tình đầy máu, méo mó vì bị tra tấn, đánh đập. Đọc các dòng tường thuật phải đánh đổi bằng máu và đòn thù tàn bạo của công an, tôi lạnh người, rùng mình khi nghĩ đến câu chuyện người tù tâm thần đã nghe.
Bùi Văn Thuận
Bài về Tội phạm-Ác độc: