Thuần hóa động vật và trò chơi xiếc thú

Tôi đề nghị dẹp ngay trò chơi giáo dục theo cách này. Một khi tiến đến mô hình tự chủ thì việc trước tiên là dẹp ngay sự bao cấp của Bộ. Không có lý nào Bộ bao cấp nội dung bao cấp luôn cả phương pháp, lấy một phương pháp giảng dạy do mấy ông ngồi phòng lạnh trên cao nghĩ ra và bắt tất cả các trường và giáo viên răm rắp làm theo. Theo tôi được biết, ở phương Tây, các phương pháp mà các ông tha về làm dự án ấy là do chính những người đứng lớp và trải nghiệm thực tế đúc kết và phổ biến thành lý luận và thao tác cụ thể để mọi người tham khảo chứ không phải từ phòng lạnh trên cao áp đặt xuống. Source: fb.com/long.chumong.16/posts/129491651343002
Thuần hóa động vật và trò chơi xiếc thú

Một bạn share clip dạy mẫu lớp một cho tôi xem và hỏi: đây là giờ dạy theo sách công nghệ giáo dục hay theo sách chính thống? Chỉ xem vài ba phút, tôi đã có thể khẳng định, về nội dung, đó là sách công nghệ giáo dục. Còn về phương pháp thì đó là nửa công nghệ nửa chính thống, đúng hơn là chính thống nuốt sống công nghệ.

Tôi từng dự rất nhiều giờ ở phổ thông, chán đến mức gần đây tôi chỉ phân công cho giáo viên bộ môn đi dự, vì họ thích được… chia tiền.

Sợ trí nhớ mình có vấn đề, tôi hỏi thằng con trai ngày xưa từng học sách công nghệ, rằng con có bị học như vậy không? Nó bảo không! Trò làm theo hiệu lệnh răm rắp, giơ tay răm rắp, kể cả cái món “thảo luận nhóm” giả tạo kia là phương pháp dạy học phổ biến, chính thống, từ mầm non đến trung học phổ thông.

Tôi xác tín điều con trai tôi nói, đúng như trí nhớ của tôi từng đi dự giờ phổ thông. Ở trường mầm non, các cháu xếp hàng răm rắp, đứng lên ngồi xuống răm rắp… và kể chuyện răm rắp như một bản sao của cô. Trong giờ kể chuyện, cô giẫm cái chân, cô tròn cái môi, cô chỉ cái tay: Này con dê kia! Các cháu thuộc lòng và thực hành y chang, cũng giẫm cái chân, tròn cái môi, chỉ cái tay: Này con dê kia! Đến mức ngữ điệu của cô “này con dể kia”, các cháu cũng “này con dể kia”. Ngay cả khi tổ chức trò chơi, ăn ngủ cũng răm rắp như cái máy.

Thuần hóa động vật và trò chơi xiếc thú

Khi dự giờ ở tiểu học, tôi từng ngạc nhiên khi thấy cô giáo chưa kịp hỏi xong câu hỏi, học sinh đã giơ tay trước và em nào cũng trả lời y chang một cách. Tôi hỏi vợ dạy trung học phổ thông, rằng cái món thảo luận nhóm hiện nay thực chất thế nào? Vợ khẳng định y chang trong clip. Tôi hỏi, vậy thì chia nhóm làm gì? Vợ nói, thì trên bảo phải chia, còn các nhóm trả lời giống nhau là do bắt buộc chuẩn bị trước theo mẫu.

Thảo nào thời gian cho thảo luận nhóm chỉ diễn ra vài giây! Thông minh hơn cái máy tính!

Một lần dạy lớp nâng ngạch, tôi hỏi một giáo viên trung học cơ sở, rằng ở lớp 7 có bài học “Đêm nay Bác không ngủ” với câu hỏi: “Bài thơ đêm nay Bác không ngủ kể về chuyện gì?” thì thảo luận thế nào? Cô cười và nói: “Thì cứ cho học sinh thảo luận nhóm vài giây cho có vẻ “động não” rồi vài nhóm đại diện đứng lên trả lời”. Tôi nói, rằng hỏi như vậy thì khác nào hỏi “Năm điều Bác Hồ dạy có mấy điều?”, trẻ con nó động não kiểu gì hè? Sao không hỏi, trong tình huống Bác không ngủ “Rồi Bác đi dém chăn/ Từng người từng người một…” là Bác làm công vụ cho mấy anh đội viên hay mấy anh đội viên kia làm công vụ cho Bác? Hỏi thử vậy xem có nảy sinh vấn đề hơn không? Cô giáo bật cười và bảo, thầy hỏi sách giáo khoa, tụi em chỉ biết làm theo… pháp lệnh!

Cái phương pháp thảo luận ấy được một số giáo sư tiến sĩ đầu ngành gọi là hiện đại theo tinh thần đối thoại lấy học sinh làm trung tâm đấy!

Mà đâu chỉ cấp học phổ thông. Khi hướng dẫn một giáo sinh thử việc ở đại học, trong phần dẫn chứng minh họa tác phẩm Chí Phèo, cô ta phát vấn: “Chí gì các em?” Ở dưới sinh viên giơ tay rần rật và nhiều học sinh đứng lên trả lời cái rụp: “Phèo!”. Tôi cho trượt thẳng cẳng và bị Hiệu trưởng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ gọi lên đe dọa đến tưởng chừng mất việc!

Và cuối cùng là trò này không chỉ cho học sinh, sinh viên. Khi dự tập huấn VNEN, rồi Thông tư 30, Thông tư 22, cái anh gì đó tên Huỳnh Công Khanh, PGS.TS của Trường Đại học sư phạm Hà Nội, chủ trò cho giảng viên nhiều trò chơi trước khi anh ta báo cáo chuyên đề. Nào tất cả đứng lên, nào nắm tay nhau, nào ôm hôn nhau, nào cắn tai nhau, nào cắn đuôi nhau… Tôi hoảng hốt không chịu làm theo, nhưng gần như tất cả các giảng viên đều làm theo răm rắp. Tôi nhìn và thốt lên: Giời ạ!

Khi về khách sạn, bạn tôi hỏi, cái trò đứng lên, nắm tay, hôn nhau, cắn tai, cắn đuôi nhau… răm rắp là trò gì vậy anh? Tôi nói, đó là trò thuần hóa động vật, trò xiếc thú, chỉ khác là người chủ trò không có cái roi điện! Bạn tôi vặt lại, rằng anh định nói các giảng viên tham gia cuộc tập huấn này là động vật hay thú à? Tôi cười, rằng vâng, họ là động vật hay thú được thuần hóa đến thuần thục, ngay từ mầm non!

Các bạn bảo họ sản xuất robot. Nhưng tôi cho rằng, đó là thuần hóa động vật, trò chơi xiếc thú!

Tôi chính thức thưa các bạn rằng, việc đổi mới giáo dục hiện nay đang nằm trong tay những người làm nghề thuần hóa động vật hay xiếc thú, nhưng họ vẫn vỗ ngực tự hào là áp dụng phương pháp giáo dục hiện đại. Điều này rất nguy hiểm, vì đó là nền giáo dục sinh ra con người bầy đàn, và hậu quả, mỗi khi có sự kiện gì đó là người ta có thể ra hiệu lệnh hoặc xỏ mũi cho cả bầy đàn tấn công cá nhân, bất luận cá nhân đó tiêu cực hay tích cực. Cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản, chống nhân văn – giai phẩm đã từng tốn bao nhiêu xương máu vì trò chơi đó rồi!

Vào tháng trước, từng xuất hiện cái clip cô giáo ra hiệu lệnh, một đàn trẻ em xông lên tấn công hội đồng một em bé bị xem là vi phạm, tôi hình dung là kết quả của sự huấn luyện trên!

Tôi đề nghị dẹp ngay trò chơi giáo dục theo cách này. Một khi tiến đến mô hình tự chủ thì việc trước tiên là dẹp ngay sự bao cấp của Bộ. Không có lý nào Bộ bao cấp nội dung bao cấp luôn cả phương pháp, lấy một phương pháp giảng dạy do mấy ông ngồi phòng lạnh trên cao nghĩ ra và bắt tất cả các trường và giáo viên răm rắp làm theo. Theo tôi được biết, ở phương Tây, các phương pháp mà các ông tha về làm dự án ấy là do chính những người đứng lớp và trải nghiệm thực tế đúc kết và phổ biến thành lý luận và thao tác cụ thể để mọi người tham khảo chứ không phải từ phòng lạnh trên cao áp đặt xuống. Và hệ quả, tùy theo cấp học, môn học, ở xứ người ta, người dạy được quyền lựa chọn một cách tự do và sáng tạo các phương pháp tích cực, hiệu quả chứ không có chuyện lấy một khuôn mẫu phương pháp áp đặt cho tất cả và biến thành phương pháp chung mang tính chất thuần hóa động vật hay xiếc thú nói trên!

Chu Mộng Long
Bài về chủ đề Nghiên cứu:
Về đầu trang