Món nợ Năm Căn

Với cá nhân, tôi luôn cảm giác mình nợ bà con Năm Căn món nợ quá lớn. Suốt 17 năm qua, biết, nhưng cả ngòi bút lẫn nghề nghiệp của tôi vẫn vô dụng, không làm gì được để có thể giúp người dân kêu đòi công lý. / Với chính quyền các cấp, từ Thị trấn Năm Căn đến tỉnh Cà Mau, nếu cần phải nói thêm, tôi sẽ chỉ dùng mấy từ: vô cảm, vô trách nhiệm. Source: fb.com/NguoiCuaGiangHo04/posts/10210327865753070
Món nợ Năm Căn
NHL - Với cá nhân, tôi luôn cảm giác mình nợ bà con Năm Căn món nợ quá lớn. Suốt 17 năm qua, biết, nhưng cả ngòi bút lẫn nghề nghiệp của tôi vẫn vô dụng, không làm gì được để có thể giúp người dân kêu đòi công lý.

Món nợ Năm Căn

Với chính quyền các cấp, từ Thị trấn Năm Căn đến tỉnh Cà Mau, nếu cần phải nói thêm, tôi sẽ chỉ dùng mấy từ: vô cảm, vô trách nhiệm. Bao nhiêu đời cán bộ các cấp, họ đều biết rất rõ là dân người dân gặp oan khuất, quyền lợi hợp pháp bị tước đoạt trắng trợn. Biết, nhưng vẫn cứ bám khư khư vào những quy định, công văn, quyết định đối phó, cứng nhắc, không minh bạch nếu không nói là dối trá để làm ngơ trước nỗi oan khốc và tiếng kêu của nhân dân; bám khư khư vào vào hai chữ “nhà nước” để cướp trắng quyền lợi chính đáng và hợp pháp của nhân dân.

Trong mỏi mòn đợi chờ và tuyệt vọng, bà con Năm Căn lại gọi cho tôi. Họ không trông chờ gì, chỉ bày tỏ rằng “Bà con vụ cháy chợ Năm Căn thấp cổ, bé miệng chúng tôi khẩn thiết kêu gọi cộng đồng mạng, các friends share bài, lên tiếng để đánh thức lương tâm còn sót lại của những chức trách, công bộc dân giải quyết vụ việc cháy chợ Năm Căn, một vụ Thủ Thiêm thứ N tại Cà Mau”.

Bởi, thực trạng vẫn y nguyên như 17 năm trước, như những gì trong bài báo đầu tiên về vụ việc mà tôi từng viết. Ảnh là bản PDF bà con Năm Căn chụp lại từ trang báo mà họ đã lưu giữ suốt 17 năm. Một chỗ dựa quá mỏng manh và hoàn toàn không rõ nét!...

Không phải khi nào đạo lý và công lý cũng chồng khít lên nhau. Nhưng ít ra cả hai luôn gặp nhau ở cùng một điểm: bất cứ món nợ nào cũng luôn phải trả!

(— Nguyễn Hồng Lam)

Xung quanh việc giải tỏa Thị trấn Năm Căn (Cà Mau):
MỘT QUYẾT ĐỊNH KHÔNG HỢP LÒNG DÂN

◪  Bất ngờ sau vụ hỏa hoạn

Theo điều tra ban dầu, nguyên nhân vụ cháy ngày 25-7-2001 là do chập điện. Ngọn lửa bắt đầu từ nhà của ông Trần Hoàng Chênh. Chủ nhà đi vắng, cửa khóa nên ngọn lửa đã không được phát hiện kịp thời. Nơi bị cháy - Khu vực 1, khóm 2, thị trấn Năm Căn, Ngọc Hiển, Cà Mau - nguyên là dãy chợ nhà lồng, lối đi chen chúc, hẹp, hàng hóa để san sát nên việc dập tắt đám cháy trở nên hết sức khó khăn. Đã vậy, dụng cụ chữa cháy lại không hoạt động được. Do đó, chỉ trong vài giờ, lửa đã lan rộng và thiêu rụi 99 căn nhà, cùng với toàn bộ tài sản, hàng hóa. Theo ước tính sơ bộ của UBND huyện Ngọc Hiển, tổng thiệt hại của vụ cháy là một con số không nhỏ: 62 tỷ đồng.

Cơ nghiệp gom góp cả đời người, phút chốc trở thành tro bụi mà không biết kêu ai, những gia đình nạn nhân của vụ hỏa hoạn đành nhặt nhạnh vài mẫu gỗ lạt còn sót lại che lều tạm để tiếp tục buôn bán làm sinh kế và tìm cách vay mượn, xây dựng lại nhà cửa. Bất ngờ, ngày 01-8-2001 UBND thị trấn Năm Căn đã họp dân lại, thông báo cho họ biết: UBND Huyện Ngọc Hiển đã cấm 56 hộ dân dãy mé sông không được xây dựng lại nhà, vì khu vực này thuộc dạng đang bị lở đất nguy hiểm, sẽ bị giải tỏa trong nay mai!

Đúng một tuần sau, ngày 09-8-2001, một ban công tác liên ngành do Ủy ban huyện thành lập, thành phần gồm cả Ủy ban, Phòng Địa chính, Phòng Giao thông- Công nghiệp- Xây dựng, Công an… đã có mặt tại khu vực bị cháy, tiến hành tháo dỡ toàn bộ số nhà tạm mà các gia đình trong khu vực vừa dựng lên.

Những gia đình vừa bị hỏa hoạn hết sức ngỡ ngàng, tỏ ra thắc mắc, bất bình. Các thành viên của đoàn công tác trả lời họ: “Đây là chủ trương của UBND huyện, có thắc mắc cứ lên đó mà hỏi?” Tưởng thật, một chủ quán cà phê tên là Hà Quốc Minh đã chạy ngay lên UBND huyện, cách đó không xa. Ngay lập tức, anh ta bị một số thành viên trong đoàn công tác chặn lại, lột áo… trói và giải về công an huyện vì tội “gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ”!

Theo quyết định của UBND huyện Ngọc Hiển, 56 hộ này thuộc diện giải tỏa trắng, không được đền bù. Điều đáng nói là trong số này gồm cả 10 hộ có đầy đủ giấy tờ nhà đất hợp lệ. Tháng 6-1994, 10 hộ này mua lại của Nhà nước nền nhà lồng chợ đã được phân lô bán, diện tích mỗi lô đồng đều là 4mx8,2m, giá 35 triệu đồng/lô. Hóa đơn thu tiền của hộ Vũ Ngọc Ánh (1 trong 10 hộ nói trên) đề ngày 13-6-1994 có ghi rõ “Thu tiền mặt bằng chợ nhà lồng”. Một tài liệu khác mà chúng tôi thu thập được là bản “Họa đồ vị trí và hiện trạng nhà” của hộ Nguyễn Ngọc Kim, với đầy đủ con dấu và chữ ký xác nhận của Phòng Nhà đất, Phòng giao thông – Công nghiệp – Xây dựng… càng chứng tỏ quyền sở hữu – sử dụng mặt bằng của 10 hộ nói trên là đầy đủ và hợp pháp. Tuy vậy họ vẫn bị giải tỏa, không đền bù, dù trước đó họ chưa hề nhận được một quyết định thu hồi đất nào.

Biện pháp “hợp lý” duy nhất của chính quyền địa phương khi bắt buộc họ phải di dời “ngay tức khắc” là đồng ý bán cho mỗi hộ 1 nền nhà 134m2 với giá 2,4 triệu đồng/m2, giảm 30% hỗ trợ hỏa hoạn còn 1,68 triệu đồng/m2, cho trả trước 40%, phần còn lại cho nợ (không rõ thời gian) với lãi suất 0,81%/tháng. Cho đến nay, khu đất này cũng chỉ mới giải tỏa mặt bằng chứ chưa hề có cơ sở hạ tầng gì cả nên người dân chưa thể tái định cư để có thể thực hiện việc “di dời ngay” được. Mặt khác, cơ nghiệp vừa trắng tay, họ lấy đâu ra tiền để mua đất, xây nhà mới? Do vậy, quyết định của UBND huyện, dân dù muốn chấp hành, họ cũng không đủ điều kiện để có thể thực hiện.

◪ Những điều bất hợp lý

Mang theo những thắc mắc của dân, chúng tôi cố tìm gặp lãnh đạo chính quyền địa phương. 2 giờ chiều, trụ sở UBND thị trấn Năm Căn vắng hoe. Tại UBND huyện, cả chủ tịch, phó chủ tịch cũng đều “đang bận”. Trước những chất vấn mà chúng tôi đưa ra, Chánh văn phòng huyện, ông Lý Tiến tỏ ra khá lúng túng.

Ông Tiến cho rằng, ngay từ năm 1996, huyện đã “có chủ trương” giải tỏa – không chỉ 56 hộ bị cháy – mà hàng trăm căn nhà ven sông Kinh Tắc để chống xói lở. Do đó, huyện cấm không cho xây dựng lại nhà là hợp lý, để tránh lãng phí tiền của của dân. Chúng tôi chất vấn “Tại sao chưa có quyết định giải tỏa, huyện đã tiến hành biện pháp cưỡng chế”. Ông Tiến khẳng định “Đã có quyết định từ lâu bằng văn bản”. Tuy nhiên, lục mãi, điện thoại hỏi khắp nơi, ông Tiến vẫn không tìm được văn bản nào cả. Cuối cùng, tại Phòng Giao thông – Công nghiệp – Xây dựng, theo yêu cầu từ văn phòng huyện, ông Lê Xuân Thái, Trưởng phòng, mới lục được cho chúng tôi một bản thông báo số 33/TB-UB liên quan đến việc di dời do Chủ tịch huyện Trần Hoàng Chen ký ngày… 26/7/2001 nghĩa là sau vụ hỏa hoạn đúng…1 ngày. Nội dung bản thông báo này còn nhiều điểm chưa rõ ràng, mục 3 bản thông báo ghi: “Đối với số hộ đang sinh sống ven bờ sông từ cầu Sắt chạy dọc đến Hạt (tức bao gồm cả đoạn 99 căn bị cháy – NV) cũng sẽ tiến hành giải tỏa theo quy hoạch nhưng do (ý muốn nói là ‘tùy theo’ – NV) quy hoạch mới, giải tỏa đến đâu sẽ thông báo sau”. Rõ ràng, bản thông báo này đã xác nhận điều mà nhân dân thắc mắc: Huyện đã tiến hành giải tỏa, không đền bù trong khi chưa hề có quyết định giải tỏa, chưa hề có quyết định thu hồi đất và cũng chưa kịp quy hoạch để phục vụ việc di dời, lại không đưa ra hạn thời gian để người dân có thể lo liệu chuẩn bị mà đã vội vã áp dụng biện pháp cưỡng chế, bắt buộc. Liệu như vậy có phải là ép dân?

Về trường hợp 10 hộ dân mua nền nhà lồng chợ của Nhà nước năm 1994, ông Tiến cho rằng, vào thời điểm đó, Nhà nước chỉ bán khung nhà chợ, không bán mặt bằng. Theo chúng tôi, điều này không thỏa đáng, vì chỉ đến tháng 8-1994, 2 tháng sau khi được bán, cả 10 căn nhà chợ này đều bị lở đất và đổ xuống sông Kinh Tắc nhưng Nhà nước không hề đền bù gì, cả 10 hộ đêù tự bỏ tiền túi xây dựng lại trên vị trí cũ (được thể hiện bằng bản vẽ). Do đó, không thể nói là không bán mặt bằng. Biên lai thu tiền cũng ghi rõ là “tiền mua mặt bằng”. Ông Tiến trả lời: “Tại biên lai… ghi sai!”. Sau đó, ông lúng túng: “Lúc đó tôi chưa làm chánh văn phòng nên… không rành lắm!”

Một điều đáng quan tâm khác là việc giá bán đất nền nhà do Công ty Phát triển và Kinh doanh nhà Minh Hải rao bán đã đột ngột tăng vọt một cách rất đáng ngờ, Trước vụ hỏa hoạn khoảng 1 tháng, đất tại khu quy hoạch trung tâm thương mại được rao bán từ 800.000 – 1,2 triệu đồng/m2. Ngay sau vụ hỏa hoạn, con số này đã tăng vọt lên 2,4 triệu đồng /m2, nghĩa là tăng từ 200 đến 300%. Khi chúng tôi chất vấn, Chánh văn phòng UBND Lý Tiến thừa nhận “Đúng là giá đất lên quá nhanh, nhưng giá này… không cao, bằng chứng là ‘người ta vẫn sẵn sàng mua’”. Theo ông việc này huyện không thể can thiệp được vì “Họ (chỉ Công ty Phát triển và Kinh doanh nhà đất) kinh doanh, họ có quyền giữ bí mật”. Và cái “bí mật” ấy được ông đọc vanh vách: “Hiện có 160 miếng đất rao bán nhưng đã có tới 300 đơn xin mua với giá 2,7 triệu đồng/m2”.

◪ Dân kêu, ai nghe?

Theo những gì đã thu thập được, trong thời gian có mặt tại thị trấn Năm Căn, chúng tôi thấy rõ ràng rằng, chủ trương giải tỏa di dời dân ven bờ Kinh Tắc của UBND huyện là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, việc tiến hành giải tỏa, thời điểm và biện pháp thực hiện của chính quyền địa phương lại có quá nhiều điểm bất hợp lý và không hợp lòng dân. Điều cần phải xem lại trước tiên là việc giải tỏa không đi kèm với việc đền bù, quyền lợi chính đáng của các hộ dân trong diện giải tỏa hoàn toàn không được quan tâm. Việc tiến hành giải tỏa ngay khi dân vừa lâm nạn bằng biện pháp cưỡng chế, trong khi họ chưa có điều kiện, cũng không có thời gian chuẩn bị là không hợp lý. Đã thế, chính quyền địa phương còn thả nổi cho giá đất tăng vọt càng khiến dân chúng lao đao hơn.

Theo ghi nhận của chúng tôi, quyết định và biện pháp của UBND huyện đã khiến ngay cả nhiều cán bộ địa phương, khi thực hiện cũng cảm thấy bối rối, khó xử. Trong ngày giải tỏa, Phó chủ tịch thị trấn Năm Căn, Trịnh Hoàng Chiến, cũng có mặt. Bị đoàn công tác tháo tung mái tôn, vách tôn, ông Phạm Văn Lộc, nhà số 117 vừa bị cháy, đã hỏi ông Chiến: “Không cho lợp tôn, vậy tôi lợp tạm bằng tấm cao su có được không?”. Ông Chiến tỏ ra áy náy: “Ở vậy thì nắng mưa chịu sao nổi?”.

Sự bối rối của ông Phó Chủ tịch thị trấn đã chứng tỏ rằng chủ trương cưỡng chế giải tỏa của huyện rõ ràng là rất cần phải xem xét lại, ít nhất vào thời điểm hiện nay, hàng chục hộ dân, hàng trăm con người đang màn trời chiếu đất. Trong khi đó mùa mưa đã ùa về sầm sập, nước sông Kinh Tắc đang dâng cao từng ngày. Không có tiền mua đất xây lại nhà, che chắn tạm thì không được phép, hàng trăm con người hoạn nạn sẽ ở vào đâu?

Chúng tôi muốn nhấn mạnh: UBND huyện Ngọc Hiển đã đưa ra khá nhiều quyết định vội vã, bất hợp lý, gây thiệt thòi cho số dân đang gặp nạn. Đó là: giải tỏa không đền bù, không đúng thời điểm, không có quyết định giải tỏa, không có quyết định thu hồi đất, không trả lời xác đáng thắc mắc của dân, thời điểm giải tỏa đúng lúc dân hoạn nạn trắng tay, cũng không cho thời gian chuẩn bị, giá đất tái định cư lại quá cao…v.v và v.v…”.

Những cái “không” ấy là một sự vi phạm quyền lợi của dân, coi thường dân, vi phạm nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Với những quyết định như vậy, những người có trách nhiệm có tính đến những hậu quả khôn lường?”

Nguyễn Đức Vinh
(Báo An ninh thế giới, số 247, ra ngày 26/9/2001, mục An ninh kinh tế, trang 12—13).
Về đầu trang