Phàm trên đời bất luận thiết chế tổ chức nào cũng đều “sinh, thành, hoại, diệt”, tới cực đỉnh vinh quang, rồi suy trầm, và chấm dứt sự tồn tại. Các công ty, tập đoàn đa quốc gia cỡ vài chục năm hoặc hơn trăm năm; bền bỉ hơn là các triều đại vua chúa, mỗi triều đại giỏi lắm tồn tại vài trăm năm là đứt bóng, nhường chỗ cho triều đại khác.
Cao hơn nữa, xét về mặt thiết chế tổ chức (organization), là các quốc gia. Bạn sẽ thấy rằng chưa có quốc gia nào có tuổi thọ tới 2.000 năm hết! (ở đây nói về lịch sử thành văn, có ghi chép xác thực chớ không kể những “huyền sử” mông lung). Theo dòng lịch sử, có những quốc gia bị thâu tóm, sáp nhập, rồi về sau lại phân thành nhiều quốc gia khác, tiến trình thâu tóm và phân chia như vậy cứ xoay mòng mòng. Xin nhắc lại, không có một quốc gia nào xưng danh dưới vòm trời này được liền một mạch tới hai ngàn năm!
Nói ngay nước Việt. Thời Bắc thuộc khoảng một ngàn năm, sau đó kể từ lúc nước Việt giành quyền tự chủ (lấy mốc năm 938, thời Ngô Quyền) tính cho tới nay cũng mới ngoài một ngàn năm (1080 năm). Kỳ thực, nước Việt (với các quốc danh lần lượt: Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Ngu, trở lại Đại Việt, Việt Nam, Đại Nam, trở lại Việt Nam) cũng đâu tồn tại tự chủ một lèo cả ngàn năm, mà “đứt bóng” một lần bị nhà Minh thôn tính ngót hai mươi năm, một lần bị người Pháp cai trị cỡ tám mươi năm.
Còn nước Tàu? Lãnh thổ Hoa lục trở thành một quốc gia, liên tục từ Đại Nguyên (năm 1271), Đại Minh, Đại Thanh, Trung Hoa dân quốc, rồi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (quen gọi là “Trung quốc”), cho tới nay được 747 năm. Đây là quãng thời gian dài nhứt mà lãnh thổ Trung Hoa hợp thành một quốc gia. Trước đó, cũng có những lúc thống nhứt làm một quốc gia nhưng thời hạn tồn tại vài chục năm, vài trăm năm rồi “đứt bóng”, lại phân ra thành nhiều quốc gia, đánh nhau loạn xạ ngầu.
Duy nhứt trên thế giới, chỉ có Giáo hội Công giáo là tồn tại một mạch cho tới nay tính ra gần 2.000 năm! Vị giáo hoàng tiên khởi là thánh Phêrô, vị giáo hoàng thứ 266 hiện nay là Phanxicô. Giáo hội Công giáo đã có những giai đoạn suy trầm thê thảm, tan đàn xẻ nghé, mà theo qui luật thông thường “sinh / thành / hoại / diệt” thì lẽ ra Giáo hội Công giáo đã phải chấm dứt sự tồn tại. Nhưng, bất chấp suy trầm, Giáo hội Công giáo vẫn hiện hữu.
(Mở ngoặc ghi chú để tránh nhầm lẫn: Ở đây nói về thiết chế tổ chức chớ không phải nói về sự ra đời của tôn giáo, tỉ dụ Ấn Độ giáo, Phật giáo ra đời trước đạo Công giáo, hoặc Hồi giáo ra đời sau Công giáo... Nhưng, không có tôn giáo nào hình thành nên một thiết chế như Giáo hội Công giáo: bao trùm toàn cầu, kết thành một khối với vai trò dẫn đầu của giáo hoàng, và tồn tại bền bỉ suốt hai thiên niên kỷ)
Đối với giới nghiên cứu về mặt tổ chức học (histology), xã hội học (sociology), câu hỏi đặt ra là: Các yếu tố nào của Giáo hội Công giáo đã giúp cho thiết chế này có được sự trường tồn đáng kinh ngạc đến vậy?
Nguyễn Chương
Bài về chủ đề Khác lạ-Kỳ thú: