Vào đầu thế kỷ XIII, các vị giáo hoàng bắt đầu vinh danh một số vị thánh là những thầy dạy mẫu mực trong các chủ đề thần học hoặc tâm linh. Những vị thánh nam nữ này được Giáo hội chính thức tuyên là “Tiến sỹ” (Doctor), từ nguyên Latin là docere, có nghĩa là “dạy”.
Danh sách này khá khiêm tốn nếu so với con số các thánh trong Giáo hội. Chỉ có 36 vị thánh được tuyên là “Tiến sỹ”, trong số đó, 4 vị là nữ giới. Những vị thánh nữ này được xem là những nhân vật có ảnh hưởng quan trọng trong lịch sử Giáo hội, và di sản của họ vẫn còn sống động đến ngày hôm nay nơi vô số người nam và người nữ được gợi hứng từ cuộc đời và lời dạy của các vị.
🌸 Thánh nữ Têrêsa Avila
Sinh ngày 28/3/1515, thánh nữ nổi tiếng là người nhiệt huyết. Mẹ thánh không bằng lòng sống một đời tầm thường, và nhờ Chúa linh hứng mẹ đã trợ giúp công cuộc cải tổ dòng Cát Minh. Mẹ đã cộng tác với thánh Gioan Thánh giá (vị này cũng là Tiến sỹ Hội thánh) để canh cải đời sống các anh chị em dòng Cát Minh, đưa họ trở về với đời sống cầu nguyện triệt để hơn. Công việc cải tổ đòi hỏi nhiều tâm huyết này, đã khiến mẹ trở thành mục tiêu chống đối trong chính Giáo hội, và đây là một thập giá nặng nề đối với mẹ. Mẹ còn là một nhà thần bí lớn, và những trước tác tâm linh của mẹ, như cuốn Lâu đài nội tâm, đến ngày nay vẫn còn giúp hướng đạo cho nhiều người.
🌸 Thánh nữ Catarina Siena
Thánh Caterina Benincasa sinh ở Siena, nước Ý, ngày 25/3/1347. Từ khi còn trẻ, cô đã có một thị kiến, cô thấy Chúa Ki-tô hiển ngự giữa ánh quang, đàm đạo với thánh Phêrô, thánh Phaolô, và thánh Gioan, và biến cố này đã thúc đẩy thánh nữ lập một lời khấn tư, tận hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa. Khi thánh nữ từ chối kết hôn, bố mẹ cô nhận ra sự thánh thiện nơi con gái của mình, và đã xây cho cô một căn phòng riêng — giống như phòng của một nữ tu — để thánh nữ có thể sống và cầu nguyện trong đó. Sau đó, thánh nữ gia nhập Dòng Ba Đa Minh, sống đời cầu nguyện nhưng vẫn tích cực hoạt động giữa lòng thế giới. Thánh nhân không ngại đương đầu, thậm chí còn đi đến tận Avignon, Pháp, nơi đức giáo hoàng Gregory XI đang ở, và đã ở đó ba tháng để cố gắng thuyết phục vị giáo hoàng này trở về Rôma. Và cuối cùng, ĐGH Gregory đã trở về Rôma, ngược lại với ý kiến của các cố vấn thân cận nhất của ngài, đưa ngai toà trở lại Thành đô Vĩnh cửu.
🌸 Thánh nữ Têrêsa Lisieux (Têrêsa Hài Đồng Giêsu)
Sinh ngày 2/1/1873, Têrêsa là một cô bé bướng bỉnh, trải nghiệm một sự biến đổi sâu sắc trong đời sống lúc 13 tuổi. Sau biến cố đó, thánh nhân gần Chúa hơn và cảm thấy mình được kêu gọi để sống đời thánh hiến. Năm 15 tuổi, thánh nhân nhận thấy Chúa gọi mời cô gia nhập dòng Cát Minh địa phương, nhưng cả mẹ bề trên địa phương và đức giám mục đều không cho phép. Không chấp nhận việc bị từ chối, trong chuyến hành hương Rôma, Têrêsa đã mạnh dạn trực tiếp xin ĐGH Lê-ô XIII đồng ý cho cô vào dòng khi tuổi còn nhỏ. Việc làm của cô đã được bản quyền địa phương chú ý, các vị đồng ý cho cô trở thành nữ tu ở tuổi 15. Cuộc đời của thánh nhân ẩn kín với thế giới bên ngoài, cho đến khi qua đời ở tuổi 24, ngay sau khi cuốn tự thuật thiêng liêng, Câu chuyện một tâm hồn, trở thành sách “bestseller” trên khắp thế giới và truyền cảm hứng tới cho vô số tâm hồn qua nẻo đường nên thánh “bé nhỏ” của ngài.
🌸 Thánh nữ Hildegard Bingen
Thánh Hildegard sinh khoảng năm 1908 tại Đức, ngay từ nhỏ đã có nhiều thị kiến thiêng liêng. Thánh nhân gia nhập một đan viện Biển Đức ở địa phương và trở thành mẹ bề trên ở đó. Gương sống và các trước tác của thánh nhân có ảnh hưởng rất lớn. ĐGH Bênêđictô XVI đã đưa ra những lý do cho việc chị được tuyên là Tiến sỹ Hội Thánh trong một tông thư như sau:
“Việc nữ tu Hildergard Bingen được tôn vinh là Tiến sỹ Hội thánh có ý nghĩa lớn lao đối với thế giới hôm nay, và có tầm quan trọng đặc biệt đối với phụ nữ. Nơi chị, người ta có thể nhận thấy những phẩm chất đẹp nhất của người phụ nữ, vì thế sự hiện diện của nữ giới nơi Giáo hội và trong xã hội cũng được toả sáng qua chị, xét trong cả lãnh vực nghiên cứu khoa học lẫn các hoạt động mục vụ. Chị có thể trò chuyện được cả với những anh chị em đã nguội lạnh đức tin và xa Giáo hội, điều ấy cho thấy chị chính là một chứng nhân đáng tin cậy trong công cuộc tân Phúc âm hoá.”
Philip Kosloski
Chuyển ngữ: Nhóm phiên dịch Mai Khôi
https://aleteia.org
Bài về chủ đề Chuyển ngữ (Nhóm Phiên dịch Mai Khôi):