Chiều 21-11, BCH Đảng bộ TP.HCM đã thống nhất chọn hình thức “cảnh cáo” với ông Tất Thành Cang. Đây chưa phải quyết định cuối cùng, kỷ luật có lẽ cũng chưa dừng lại ở mức độ chỉ hai từ. Số phận của ông Cang sẽ do Ban Bí thư quyết định. Tương lai của ông Phó Bí thư thành ủy e cũng khó sáng sủa hơn so với số phận cấp trên trực tiếp cách đây chưa lâu. Trước khi bị khởi tố và nhận mức án nặng trong hai phiên tòa, ông Đinh La Thăng, cựu Bí Thư thành ủy cũng chỉ bị cảnh cáo trong kỷ luật về mặt Đảng.
Thú vị và đáng quan tâm ở chỗ: ông Đinh La Thăng bị Đảng “kỷ luật” vì ông bị đánh giá là một chính trị gia đang sử dụng chiêu bài dân túy chủ nghĩa. Ngược lại, để “kỷ luật” Tất Thanh Cang, Đảng đã sử dụng chính chiêu bài dân túy làm giải pháp.
Ngày 7 - 11, ông Tất Thành Cang đã được Thành ủy giao kiêm thêm chức Trưởng ban “Ban chỉ đạo TP HCM thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại những hoạt động nhằm giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại tòa án hai cấp”. Truyển thông chính thống chỉ đưa tin trung dung và dè dặt như chính vị thế và truyền thống của nó, không bình luận. Truyền thông lề trái giữ im lặng thăm dò; nếu có cũng chỉ dẫn lại truyền thông lề phải, không hấp tấp phản đối. Chỉ truyền thông không lề - truyền thông nhân dân - vốn chẳng chịu trách nhiệm gì ngoài mục đích tỏ ra thạo tin, lỡ sai thì xóa béng đi để tỏ ra vô can, là ngay lập tức bàn tán xôn xao.
Dư luận cho rằng đây là một dấu hiệu bao che sai phạm cho cán bộ. Ông Tất Thành Cang đang là một tâm điểm trong những chỉ trích, cáo buộc của dư luận quanh “lò lửa” Thủ Thiêm, rồi vụ mua bán công sản sai trái - đất Phước Kiểng - gây thất thoát cực lớn… Cử ông ra làm Trưởng ban chỉ đạo, có vẻ như Đảng và chính quyền đã không thật sự nghe tiếng nói của dân, coi thường dư luận. Đó là một biểu hiện mai mỉa của luật pháp thiếu minh bạch, yếu thế so với những toan tính chính trị. Những oan khốc, thiệt thòi của nhân dân rồi sẽ bị đem ra đánh đổi và nhấn chìm trong lãng quên. Những kẻ phải chịu trách nhiệm rồi sẽ vẫn ung dung trên ghế quyền lực, có khi còn được cất nhắc lên cao hơn, tăng thêm. Dư luận vì thế càng chất thêm quanh tân Trưởng Ban chỉ đạo nhưng bức xúc, oán hờn, càng đòi ông Cang và những người có trách nhiệm khác phải sớm bị xử lý thỏa đáng, không… hòa giải, chỉ đạo gì nữa!
Tất nhiên nhà nước không khó khăn gì để nhận ra chuyện dư luận sẽ phản đối gay gắt việc đó. Biết, nhưng vẫn làm, vì thật ra đó là chiêu bài. Người ta muốn nhìn thấy sự cuồng nộ của dân chúng được thổi bùng để nhanh chóng dẫn đến việc xử lý một/một số lãnh đạo tại TP Hồ Chí Minh có “những sai phạm nghiêm trọng gây bức xúc dư luận”. Đưa Tất Thành Cang kiêm nhiệm chức Trưởng ban là đặt ông ta vào điểm cụt con đường, buộc phải quay lại đối mặt với những gì ông và nhóm cùng hội cùng thuyền đã gây ra. Chiêu bài dân túy được sử dụng là phương tiện để loại trừ một mối nguy lớn hơn: chủ nghĩa tư bản thân hữu. Trước đó, nguy cơ này vẫn được gọi bằng cụm từ gần với đời sống, ít màu sắc thuật ngữ chính trị hơn, ít tàn hại hơn: lợi ích nhóm.
Không nghi ngờ gì nữa, Tất Thành Cang có đầy đủ yếu tố lún quá sâu, thành một nhân tố của cấu trúc tư bản thân hữu trong vai trò một lãnh đạo có vị trí cao nhất nhì của Đảng và chính quyền thành phố. Vì quan hệ này nên mới có chuyện bán đất Phước Kiểng trị giá 2400 tỷ đồng chỉ với giá 419 tỷ đồng. Vì quan hệ này, 12 km đường ở khu Thủ Thiêm mới bị đội giá lên xấp xỉ 12.000 tỷ, cao hơn ít nhất 3 lần giá thực tế. Đã thế, doanh nghiệp còn được trả bằng hơn 79 ha đất ở vị thế đắc địa, tha hồ đầu tư hạ tầng phân lô bán nền với giá gấp hơn trăm lần giá đền bù giải tỏa.
Phía sau những sai phạm cụ thể đã được chỉ ra là cả một mối oan khốc Thủ Thiêm kéo dài hơn 20 năm, liên quan đến quyền lợi và số phận của 15.000 người dân bị đặt vào “vùng quy hoạch Phố Đông TP Hồ Chí Minh” theo mô hình Đông phố Tân khu của Thượng Hải, Trung Quốc. Bao nhiêu tham vọng của nhiều thế hệ tư bản thân hữu đã biến thành 20 năm tuyệt vọng và đau khổ của hàng chục người dân thành phố.
Ông Tất Thành Cang, vì đang giữ vị trí nên dễ bị nhận diện. Thật ra, đó chỉ là một mắt xích yếu trong toàn chuỗi nguy cơ mạnh. Mục tiêu cao nhất của cuộc đốt lò chống tham nhũng thật ra là tiêu diệt các thế lực tư bản thân hữu đang trỗi lên, nhắm đến những cá nhân lớn hơn nữa nay đã về “cố gắng làm người tử tế”. Cùng lúc với việc tin ông Tất Thành Cang sắp bị xử lý, mạng xã hội cũng rộ lên chuyện vợ chồng ông Lê Thanh Hải đi thăm cháu nhưng bị con dâu không chính thức từ chối, bị bảo vệ chung cư lập biên bản; rồi chuyện công khai một số hình ảnh sinh hoạt khẳng định tính quan hệ giữa “Kiều nữ và đại gia” - Lý Nhã Nhã Kỳ và cậu ấm Lê Trương Hiền Hòa con trai ông Lê Thanh Hải. Lại thêm một chiêu dân túy nữa được tung vào môi trường truyển thông không lề. Nếu không có chủ trương, chắc chắn những hiện tượng này sẽ không có cơ hội được xảy ra và đề cập xoáy sâu trong cùng thời điểm.
Dùng dân túy phát động chiến dịch chống tư bản thân hữu, có vẻ Việt Nam đang hành động như một bản sao từ Trung Quốc. Điều này đúng. Xã hội Việt Nam đang vấp phải những mối đe dọa tha hóa giống y hệt Trung Quốc. Phần tử tham nhũng chính sách đã len vào tận những ví trí lãnh đạo rất cao, cấu kết với nhau và cấu kết với tư bản lũng đoạn hình thành nên các tập đoàn tư bản thân hữu. Thừa nhận hay không, về bản chất, chính những yếu kém trong quản lý xã hội của quá trình thực hiện định hướng xây dựng nền kinh tế thị trường XHCN đã đẻ ra những vấn nạn đó, tàn phá đất nước, tàn phá luôn cả mục tiêu XHCN và đe dọa chính sự tồn vong của Đảng Cộng sản. Nguy cơ giống nhau, mục tiêu giống nhau tất phương cách giải quyết cũng sẽ không mấy khác.
Tất nhiên, tư bản thân hữu đã thành tập đoàn, quyền lực chính trị không hề yếu, tiềm lực kinh tế rất mạnh cũng không ngồi yên khoanh tay chịu trói. Nó cũng có những chuẩn bị để “tự vệ phản kích chiến”. Muốn chống tư bản thân hữu có hiệu quả, cuộc chiến phải sử dụng nhiều cách. Trao thêm chức Trưởng ban chỉ đạo cho Tất Thành Cang hai tuần trước vừa là quyết định thỏa mãn được yêu cầu nhân sự của Đảng bộ thành phố trong hiện tại, vừa là một bước thỏa hiệp tạm thời của Đảng với chính CNTBTH, tạo cơ sở để kích động tinh thần dân túy trong quần chúng xã hội làm một hậu thuẫn chính trị cho sách lược.
Bản thân chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy cũng bắt nguồn từ việc nhân dân bất mãn với những tha hóa của bộ máy công quyền, mất lòng tin với tình trạng cán bộ nhà nước tha hóa có hệ thống, tình trạng tham nhũng, nhũng nhiễu tràn lan, chà đạp lên luật pháp, bức hại nhân dân khá phổ biến. Nó cũng là một nguy cơ rất lớn tàn phá xã hội và đất nước. Nó là công cụ rất hữu hiệu của phe đối lập để làm suy yếu tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản và thể chế XHCN. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, phe đối lập chỉ là một tập hợp những cá nhân, nhóm chống đối đơn lẻ, rời rạc, chưa đủ sức trở thành một lượng lượng đối trọng thực sự cho nên chủ nghĩa dân túy có trỗi dậy ở mặt nào đó thì cũng chưa đủ sức để trở thành vũ khí, phương tiện lật đổ chế độ, chưa phải là nguy cơ cao nhất. Chắc chắn, Đảng Cộng Sản Việt nam đã đánh giá được mức độ của điều này.
Chống tư bản thân hữu, tiêu diệt các tập đoàn tham nhũng là mục tiêu sống còn của cả Đảng và Nhà nước. Xử lý kỷ luật Tất Thành Cang chỉ là dấu hiệu bắt đầu của một giai đoạn đi xa hơn nhiều, mạnh mẽ hơn nhiều. Sớm thôi, bởi nguy cơ đe dọa của chủ nghĩa tư bản thân hữu đã trở nên hết sức cấp bách. Làm được điều đó là một cách để Đảng khẳng định vai trò lãnh đạo của mình. Và do đó, cuộc “đốt lò” sẽ chưa thể dừng lại.
Nguyễn Hồng Lam