➥ Ngày 14/12, công ty Johnson & Johnson tiếp tục bị cáo buộc đã biết sản phẩm phấn rôm trẻ em của mình chứa chất gây ung thư từ 47 năm trước.
Theo Hãng tin Reuters đưa tin hôm 14/12, qua kiểm tra các bản ghi nhớ, báo cáo nội bộ và các tài liệu mật khác của công ty đã cho thấy, từ năm 1971, Johnson & Johnson đã biết trong sản phẩm bột Talc (gồm cả phấn rôm trẻ em) có chứa chất amiăng (asbestos).
Ngoài ra hãng tin này cũng phanh phui chuyện Johnson & Johnson đã chi “hoa hồng”, trả tiền cho các nghiên cứu được thực hiện với chuỗi sản phẩm phấn rôm trẻ em của họ sau đó thuê người soạn lại các bài báo để đăng tải trên tạp chí nghiên cứu.
Ảnh hưởng bởi thông tin này, giá cổ phiếu trong ngày thứ Sáu của Johnson & Johnson giảm 10%, khiến giá trị thị trường của công ty bốc hơi khoảng 40 USD chỉ trong 1 ngày. Các nhà đầu tư lo ngại rằng thông tin này có thể khiến cho Johnson & Johnson đối mặt với các vụ kiện do sản phẩm bột Talc (gồm cả phấn rôm trẻ em) dẫn đến hàng ngàn trường hợp ung thư.
Hôm thứ Sáu, Johnson & Johnson cũng đã hồi đáp lại thông tin của giới truyền thông trong một tuyên bố của mình rằng, “Bất cứ thông tin nào liên quan đến việc Johnson & Johnson biết hoặc che giấu việc bột Talc không an toàn đều là sai lầm.”
Giám đốc truyền thông toàn cầu của Johnson & Johnson là Ernie Knewitz đã trả lời qua một email rằng: “Cơ quan giám sát và phòng thực nghiệm hàng đầu thế giới đã làm qua hàng nghìn cuộc thử nghiệm độc lập, kết quả đều chứng minh sản phẩm bột Talc của chúng tôi không chứa chất amiăng gây ung thư.”
Công ty này còn cho biết, phấn rôm trẻ em không chứa amiăng, đồng thời cũng bổ sung thêm rằng công ty sẽ tiếp tục đảm bảo tính an toàn cho các sản phẩm của mình.
Mặc dù Johnson & Johnson phủ nhận thông tin của Reuters, nhưng cổ phiếu của công ty cũng vẫn rớt giá nghiêm trọng. Ít nhất có 2 chuyên gia phân tích của Phố Wall cho biết, phản ứng trước thông tin này, dường như cổ phiếu của Johnson & Johnson đang bị bán tháo.
Theo thông tin, năm 1976, Johnson & Johnson đã đảm bảo với Cục Quản lý thực phẩm và thuốc của Mỹ, trong thời gian từ tháng 12/1972 đến tháng 10/1973, không có bất cứ sản phẩm bột Talc nào được kiểm tra mà có chứa amiăng. Nhưng từ năm 1972 đến 1975, tại 3 phòng thực nghiệm khác nhau đã tiến hành ít nhất 3 lần thực nghiệm, kết quả trong bột Talc có chứa chất amiăng.
Từ năm 1977, chất amiăng được Tổ chức nghiên cứu ung thư Quốc tế (IARC) quy vào chất gây ung thư cấp 1 cho con người, nó có thể dẫn đến các bệnh như u ác tính biểu mô, ung thư phổi, ung thư thanh quản và ung thư buồng trứng; IARC liệt bột Talc không chứa amiăng vào loại 3, tức “chưa thể xác định” liệu có gây ung thư cho con người hay không.
Đến nay, Johnson & Johnson đã phải đối mặt với gần 10.000 vụ kiện liên quan đến các sản phẩm bột Talc. Hầu hết các vụ kiện này liên quan đến các trường hợp ung thư buồng trứng do sử dụng các sản phẩm bột Talc có chứa amiăng, nhưng một số trường hợp tuyên bố bị ung thư da do sử dụng sản phẩm bột Talc nhiễm aminăng.
Tháng 7 vừa qua, Tòa án St. Louis Circuit ở bang Missouri (Mỹ) đã ra phán quyết rằng Johnson & Johnson phải trả 4,69 tỷ Đô la Mỹ (USD) cho 22 nguyên đơn bị ung thư buồng trứng do dùng các sản phẩm bột Talc (bao gồm cả phấn rôm trẻ em). Đây là khoản bồi thường lớn nhất từ trước đến nay của Johnson & Johnson liên quan đến các vụ kiện sản phẩm bột Talc (bao gồm cả phấn rôm trẻ em) gây ung thư. Johnson & Johnson đã lên tiếng phản bác rằng phán quyết của tòa là không công bằng đồng thời sẽ kháng cáo.
Mặc dù sản phẩm bột Talc chỉ chiếm 0,5% thu nhập trong tổng số 76,5 tỷ USD của Johnson & Johnson vào năm ngoái, nhưng có phân tích chỉ ra, bản tin của Reuters vẫn ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh của công ty này.
Nhà phân tích Colin Sarcola của công ty CFRA Research cho biết: “Thông tin mà chúng ta đọc được hôm nay có thể ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh các sản phẩm khác của Johnson & Johnson từ nước sữa tắm gội trẻ em đến sản phẩm xương hông nhân tạo”.
“Suy xét đến những rủi ro tăng cao, chúng tôi không còn cho rằng giá cổ phiếu của Johnson & Johnson gần đây còn có sức hút mạnh mẽ nữa”, Sarcola bổ sung thêm.
Huệ Anh (theo Trí Thức VN)
Bài về chủ đề Tội phạm-Ác độc: