Tạm nêu ra vài cái tên tiêu biểu như Việt Phủ Thành Chương, Khu sinh thái Thiên Phú, biệt thự của Mỹ Linh, khu Eco Ngọc Linh, khu Tâm Linh của nhà báo Hữu Ước, Hoàng Lê Gia Garden….là những công trình trái phép vẫn nghênh ngang thi gan cùng pháp luật.
➥ Một số công trình xây dựng trái phép tồn tại nhiều năm trên rừng phòng hộ Sóc Sơn.
Liên quan đến trách nhiệm quản lý, trước đó, lãnh đạo huyện Sóc Sơn đã ra quyết định đình chỉ công tác 30 ngày đối với ông Nguyễn Văn Hân – Chủ tịch xã Minh Phú, để phục vụ quá trình thanh tra sai phạm trên đất rừng phòng hộ ở địa phương này.
Ngày 10/10, UBND TP.Hà Nội có văn bản gửi Thanh tra thành phố và các sở ngành liên quan yêu cầu thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất, trật tự xây dựng trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay tại 2 xã Minh Phú và Minh Trí. Thời gian thanh tra kéo dài 45 ngày. Trong đó, Thanh tra Chính phủ và Thanh tra thành phố kết luận và kiến nghị xử lý những vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại khu vực quy hoạch đất rừng phòng hộ tại 2 xã Minh Phú, Minh Trí.
Theo ông Hoàng Trung Hải – Bí thư Thành uỷ Hà Nội: “Đây là thanh tra lại, để xem các đơn vị liên quan đã làm được những gì từ những kết luận thanh tra trước đó, tại sao không giải quyết những tồn tại, trách nhiệm của ai và cấp ủy Đảng từng cấp đã kiểm tra vấn đề đó chưa”.
Ngày 30/10, tại cuộc họp bao ban thành phố, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội – Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo ra thông báo để các hộ dân vi phạm trật tự xây dựng đất rừng phòng hộ ở Sóc Sơn tự tháo dỡ, nếu không sẽ cưỡng chế, bất kể là ai.
Đặc biệt với 27 công trình vi phạm mới ở rừng đặc dụng phải tổ chức cưỡng chế vi phạm nếu các hộ vi phạm không tự tháo dỡ. Những công trình vi phạm trước đó cần phải thực hiện đúng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Sau khi Thanh tra thành phố thực hiện xong thanh tra toàn diện sẽ xem xét cụ thể trách nhiệm và xử lý nghiêm, bất kể là ai.
Tuy nhiên, dư luận yêu cầu cần làm rõ những biệt thự, khu nghỉ dưỡng, nhà ở đó là của ai? Cá nhân nào là người bao che cho những vi phạm trên và cá nhân nào phải chịu trách nhiệm từ cấp xã, huyện cho đến cấp cao hơn?
Bởi một công trình xây dựng trái phép không phải tự dưng “mọc lên như nấm được”, nó phải có quá trình, thời gian để hình thành. Trong suốt thời gian ấy, các cấp chính quyền địa phương lại không thể phát hiện ra hay cố tình nhắm mắt làm ngơ, tiếp tay cho sai phạm.
Phải chăng, chủ của những công trình trên có địa vị xã hội, là người có chức có quyền, có danh có phận… Lẽ ra việc công khai danh tính của những người vi phạm này là chuyện bình thường để mang tính răn đe, để nhân dân giám sát, để cán bộ khác thấy gương xấu mà tự răn mình. Hơn nữa, việc không công khai danh tính các chủ công trình vi phạm sẽ khiến dư luận nghi ngờ quá trình xử lý sẽ nương tay rồi lại phạt cho tồn tại, thách thức dư luận như trong thời gian qua đã xảy ra.
Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, một lần nữa Đại biểu Dương Trung Quốc nhắc lại vấn đề trên: “Đây cũng là lần thứ ba tôi muốn nhắc lại trên diễn đàn này với Thủ tướng về kiến nghị là Thủ tướng sớm có lộ trình chấm dứt cái gọi là “phạt cho tồn tại”. Phạt cho tồn tại nghe rất đơn giản, rất phổ biến nhưng là sự tích tụ, một quá trình hủy hoại luật pháp, phá hoại bộ máy công quyền của chúng ta”.
Vì sao những hành động trái pháp luật mười mươi như vậy nhưng lại được chính quyền xử lý theo kiểu “Hà Nội không vội được đâu”. Phải chăng, những công trình của ông tướng, cô ca sỹ, vị lắm tiền… thì không cần làm đúng pháp luật và chẳng ai dám đụng đến, trong khi hiến pháp nước Việt Nam đã nêu rõ mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
Hãy nhìn lại vài năm trước…Ở Đà Nẵng, Tướng Phan Như Thạch – Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam và ông Ngô Văn Quang đại gia vàng mua đất rừng đặc dụng Hải Vân xây biệt thự, nhà lầu, dinh cơ hoành tráng. Tháng 3/2015, chính quyền Đà Nẵng dứt khoát phạt tiền, tháo dỡ nhà ông tướng, ông vàng. Nhiều người nhìn cái biệt thự khủng bị tháo bỏ, đập nát đã tiếc nhưng cuối cùng cũng nhận ra rằng cái giữ lại còn lớn hơn nhiều “mọi người đều phải bình đẳng trước pháp luật, bất kể ai”.
Hình thức “phạt cho tồn tại” đang gặm nhấm sự nghiêm minh của pháp luật, tạo môi trường cho hành vi tham ô, tham nhũng, làm hư hỏng cán bộ. Ở một số vụ việc, dù biết rõ sai phạm, nhưng cán bộ quản lý đã buông lỏng, làm ngơ vì đã bị chủ đầu tư, chủ công trình mua chuộc hoặc có lợi ích liên quan.
Nếu như lần này các công trình tại Sóc Sơn không bị cưỡng chế, tháo dỡ như đúng bản chất của nó, thay vào đó là “phạt cho tồn tại” hoặc được kết luận sai phạm nhưng vẫn không bị xử lý triệt để như các công trình trước đây…sẽ thành tiền lệ – mà là tiền lệ xấu, ảnh hưởng ra cả nước.
Phong Vân (theo Làng Mới)
Bài về chủ đề Phóng sự: