◪ Tiểu sử
Tiến sĩ Võ Đình Tuấn sinh năm 1948 tại thành phố biển Nha Trang. Năm 17 tuổi, ông sang Thụy Sỹ du học và có được tấm bằng Cử nhân vật lý 5 năm sau đó. Đến năm 1975, ông hoàn thành tấm bằng Tiến sĩ Lý Hóa Sinh tại Viện công nghệ Liên bang Thụy Sỹ (ETH) và chính thức sang Mỹ định cư.
Chịu ảnh hưởng của phong trào sinh viên đầu những năm 70s về ý tưởng “sáng tạo thế giới”, những bài học về giá trị của tri thức từ người cha và niềm yêu thích khoa học, tiến sĩ Tuấn đã theo đuổi và đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực sinh học, y học, môi trường. “Cha tôi thường nói rằng của cải có thể mất đi bất cứ lúc nào, nhưng kiến thức sẽ ở lại với con tới suốt cuộc đời”, ông nói [5]. Hai năm sau khi sang Mỹ, ông gia nhập và trở thành khoa học gia chính thức tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Oak Ridge (ORNL) tại Tennessee.
◪ Những bằng sáng chế giá trị
Từ cuối những năm 1980 tới nay, tiến sĩ Võ Đình Tuấn đã đăng kí thành công 44 bằng phát minh sáng chế tại Hoa Kỳ. Các sáng chế của ông tập trung trong lĩnh vực công nghệ quang tử, ứng dụng y học, sinh học, môi trường, lưu trữ và truyền tải dữ liệu...
Năm 1987, bằng sáng chế đầu tiên được trao cho tiến sĩ Võ Đình Tuấn khi ông phát triển thành công một thiết bị nhỏ gọn, cho phép phát hiện mức độ chất độc hữu cơ trong môi trường. Nó được thiết kế như một chiếc thẻ [1] đeo lên áo hoặc cũng có thể được đặt tại một chỗ cố định. Giả sử một công nhân làm việc trong môi trường ô nhiễm và đeo chiếc thẻ này, họ có thể thu hồi và định lượng mức độ mà mình đã bị phơi nhiễm với hoá chất độc hại. Không cần phải tới bệnh viện, lấy máu, nước tiểu và làm các xét nghiệm phức tạp mà chỉ cần vài giây phân tích chiếc thẻ dưới thiết bị quang học, các bác sĩ có thể đọc mức độ phơi nhiễm và nhanh chóng tìm ra cách chữa trị.
Trong những năm 1990, tiến sĩ Võ Đình Tuấn tiếp tục phát minh ra hệ thống lưu trữ quang học dựa trên hiện tượng tán xạ Raman tăng cường bề mặt (SERODS). Ưu điểm của hệ thống này là có mật độ lưu trữ cao và khả năng lưu trữ dữ liệu 3 chiều. Ông tiếp tục phát triển SERODS trong nhiều nghiên cứu sau đó cho tới tận năm 2003. Một hệ thống lưu trữ quang học như SERODS có rất nhiều ứng dụng, từ một bộ nhớ máy tính đến lưu trữ dữ liệu y tế, thậm chí cả vệ tinh nhân tạo của NASA đều có thể sử dụng SERODS.
Trong lĩnh vực y khoa, tiến sĩ Võ Đình Tuấn cũng được biết đến là người áp dụng thành công nguyên lý “phát quang đồng bộ” (synchronous luminesence) để phát minh ra hệ thống chẩn đoán DNA gây bệnh tiểu đường và ung thư. Phát minh của ông đã được ứng dụng tại nhiều bệnh viện lớn của Hoa Kỳ, điển hình là Viện Ung thư quốc gia.
◪ Những ghi nhận
Nhờ vào những phát minh và sáng chế nổi bật của mình, tiến sĩ Võ Đình Tuấn đã nhận được 6 giải R&D 100 Awards, giải thưởng danh giá và lâu đời của tạp chí R&D Magazine vinh danh các thành tựu xuất sắc trong nghiên cứu và phát triển, được mệnh danh là “Giải Oscar trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo”.
Bên cạnh đó, ông cũng giành được nhiều giải thưởng khác ghi nhận những phát minh và đóng góp của mình như giải International Hall of Fame trao bởi Hiệp hội Câu lạc bộ Sáng chế Mỹ năm 1992, giải Nhà phát minh sáng chế xuất sắc nhất năm 1996.
Năm 1997, ông được Bộ năng lượng Hoa Kỳ trao giải BER-50 Award cho dịch vụ y tế công dân nổi bật. Một năm sau đó, Lockheed Martin cũng trao cho tiến sĩ Võ Đình Tuấn Giải Thương mại hóa công nghệ của công ty này.
Năm 2002, Cơ quan Thương hiệu và phát minh Mỹ (USPTO) lựa chọn Tiến sĩ Võ Đình Tuấn là một trong 4 nhà khoa học Mỹ gốc Á tiêu biểu. Theo đánh giá của USPTO, những phát minh của ông đã góp phần làm cho nước Mỹ trở thành một trong những quốc gia có nền khoa học và kỹ thuật tiên tiến bậc nhất trên thế giới.
Năm 2007, tiến sĩ Võ Đình Tuấn được Creators Synectics, một công ty tư vấn kinh doanh toàn cầu, xếp hạng là một trong 100 thiên tài đương thời của thế giới, danh sách vinh danh những nhà khoa học kiến tạo những thay đổi lớn cho nhân loại. Ông xếp hạng 43/100. Trong danh sách có sự góp mặt của Albert Hoffman, nhà hóa học Thụy Sĩ, cha đẻ của chất thức thần LSD và thiên tài máy tính người Anh, Tim Berners cha đẻ của mạng Internet.
◪ Sự nghiệp khoa học xuất chúng
Trong sự nghiệp nghiên cứu của mình, Tiến sĩ Võ Đình Tuấn đã công bố gần 500 bài báo, công trình khoa học, với tổng số lượt trích dẫn lên tới hơn 20.000. Tính theo chỉ số Hirsch Index, ông có H=75 [2], thuộc nhóm những nhà khoa học xuất chúng, mức cao nhất theo thang phân loại của Kỷ yếu Viện Hàn lâm khoa học Hoa Kỳ (PNAS)[3].
Tiến sĩ Võ Đình Tuấn cũng là tác giả, biên tập 9 cuốn sách và bộ sách chuyên khảo đã xuất bản. Ông từng nhiều lần có vinh dự chủ trì các hội nghị nghiên cứu tại Hoa Kỳ và quốc tế như Chủ tịch danh dự của Hội nghị chuyên đề quốc tế về Khoa học phân tích tại Deauville, Pháp năm 1993 và Montreux, Thụy Sĩ năm 1994.
Năm 2003, ông trở thành Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật y sinh quang tử của ORNL. Từ năm 2006, tiến sĩ Võ Đình Tuấn giữ vai trò Viện trưởng Viện lượng tử ánh sáng Fitzpatrick của trường đại học Duke ở Bắc Carolina [4].
Hiện tại, tiến sĩ Võ Đình Tuấn là thành viên của Viện Hóa Học Hoa Kỳ, biên tập viên tạp chí quốc tế Polycyclic Aromatic Compounds, biên tập viên của ANALUSIS, thành viên ban cố vấn các tạp chí Applied Spectroscopy, Talanta, Spectrochimica Acta Reviews và The Journal of Biomedical Optics. Ông cũng đã giữ chức chủ tịch Ủy ban quang học của Liên hiệp Hóa học cơ bản và ứng dụng quốc tế (IUPAC).
Thanh Hoan Ngo, Duke University; Nguyễn Tùng Thuý, FPT; Bùi Thanh Long, Đại học Công Nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội (theo Vietnam Journal of Science)
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Đức Thành, Duy Văn (2007), Võ Đình Tuấn - một trong "100 thiên tài đương đại", Tuổi trẻ, Retrieved December8, 2016 from: https://goo.gl/eUayBb
2. CURRICULUM VITATUAN VO-DINH, Retrieved December 8, 2016 from: https://goo.gl/V1x1yP
3. J. E. Hirsch (2005), An index to quantify an individual's scientific research output, PNAS, Retrieved December 8, 2016 from: https://goo.gl/6nWX3D
4. Fitzpatrick Institue for Photonics. Retrieved December 10, 2016 from: https://goo.gl/vvDGVG
5. Oak Ridge National Laboratory Review, Profile Tuan Vo-Dinh, Inventor and Mentor. Retrieved December 10, 2016 from: https://goo.gl/d37j75
Bài về chủ đề Khoa học: