Từ hôm Tân Bình cưỡng chế, đập phá nhà cửa của dân tại “vườn rau Lộc Hưng”, tôi hỏi nhiều nhà báo vì sao báo chí im lặng. Có bạn nói là “đang làm” nhưng cho đến nay vẫn không có một dòng trên báo. Tại sao thế. Ngay cả khi người dân sai thì báo chí cũng cần lên tiếng.
Nếu quả thực, “Bà con đã đóng thuế 20 - 30 năm có đầy đủ giấy tờ pháp lý...; Đất vườn rau sử dụng đất 1954...” thì theo Luật Đất Đai 1993, phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà con. Trong trường hợp nhà nước lấy đất đó để xây trường công lập thì phải bồi thường, bất kể người dân có giấy hay không có giấy.
Đất đai là tài nguyên, có trước bất cứ thứ nhà nước và luật pháp nào. Từ ngàn đời nay, người dân thủ đắc đất đai một cách tự nhiên, bằng khai hoang, phục hoá hoặc sang nhượng. Nước Việt ta hẳn không kéo dài từ Ải Nam Quan tới Mũi Cà Mau nếu không có những người dân mang cuốc xẻng đi mở cõi.
Theo pháp luật hiện nay thì “hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng khác từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993” thì ngay cả khi không phù hợp quy hoạch mà nếu quy hoạch đó được phê duyệt sau khi người dân sử dụng đất thì chính quyền vẫn phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ.
Giấy tờ không phải là căn cứ duy nhất để xác lập quyền của người dân với tài sản của mình. Bộ Luật Dân Sự quy định thời hiệu “ngay tình thủ đắc” với bất động sản là 30 năm. Ông cha ta từng quy định thời hiệu này ngắn hơn, từ thời Lý, Trần, “Phàm vườn ruộng bỏ hoang, đã có người cầy cấy, người chủ chỉ có quyền đòi lại trong hạn một năm. Trái lệnh này, sẽ phải phạt 80 trượng”.
Đừng lấy lý do chưa có giấy tờ mà lấy đất của dân. Không có dân, không an dân thì đất đai chỉ là nghĩa địa.
Huy Đức