Khiêm nhường không phải như hầu hết mọi người vẫn nghĩ…

Khiêm nhường không nên bị lẫn lộn với sự thiếu tự tin, hèn nhát, tự ti hay tự sỉ vả. Khiêm nhường đòi hỏi phải có sự ý thức về những khó khăn, thiếu sót, và hạn chế của bản thân, nhưng không có nghĩa là cứ phơi bày những điều đó ra. Khiêm nhường nghĩa là sống trong sự thật, chấp nhận rằng chúng ta không hoàn hảo. Khiêm nhường không phải là khúm núm, dúm dó, nhưng là sự thật, thực tế. Nhiều người nghĩ, họ khiêm nhường, nhưng trong thực tế, họ ám ảnh với ý nghĩ rằng mình thật xui xẻo, và kém cỏi, họ chỉ biết chăm chăm chú chú vào bản thân, và đấy chính là một hình thức trá nguỵ của tính kiêu ngạo.
Khiêm nhường không phải như hầu hết mọi người vẫn nghĩ…
Đừng để mình bị gạt gẫm bởi các lối diễn giải sai lạc về sự khiêm nhường thực sự.

Khiêm nhường không phải như hầu hết mọi người vẫn nghĩ…

Khiêm nhường bị nhiều người coi như một đức tính có giá trị đáng ngờ, vì đức tính này thường bị hiểu sai là lúc nào cũng phải khúm núm hạ mình hay hạ giá bản thân trước người khác.

Sự khiêm nhường mà bị hiểu sai, thì có thể rất chi nguy hiểm nếu bị hiểu theo hướng trái ngược hoàn toàn với ý nghĩa gốc của nó, với tinh thần Kinh thánh và truyền thống Kitô-Dothái giáo. Những người kém tự tin thường hiểu khiêm nhường như là một hình thức tự sỉ vả, tự khinh bỉ bản thân. Thậm chí nó còn trở nên một thứ giả bộ giả hình, hoặc một sự bao biện cho tính lười biếng, khi chúng ta cố tình tỏ ra vẻ xem thường bản thân. Chúng ta tránh né nỗi khó nhọc khi muốn phát triển tối đa tiềm năng bản thân, bằng cách chối rằng chúng ta không có khả năng.

Khiêm nhường thì không phải là…

Khiêm nhường không nên bị lẫn lộn với sự thiếu tự tin, hèn nhát, tự ti hay tự sỉ vả. Khiêm nhường đòi hỏi phải có sự ý thức về những khó khăn, thiếu sót, và hạn chế của bản thân, nhưng không có nghĩa là cứ phơi bày những điều đó ra. Khiêm nhường nghĩa là sống trong sự thật, chấp nhận rằng chúng ta không hoàn hảo. Khiêm nhường không phải là khúm núm, dúm dó, nhưng là sự thật, thực tế. Nhiều người nghĩ, họ khiêm nhường, nhưng trong thực tế, họ ám ảnh với ý nghĩ rằng mình thật xui xẻo, và kém cỏi, họ chỉ biết chăm chăm chú chú vào bản thân, và đấy chính là một hình thức trá nguỵ của tính kiêu ngạo.

Khiêm nhường đích thực không phải là cứ chú mục vào những kém cỏi của bản thân và so sánh mình với những người khác. So sánh tức là cứ hoài nhìn ngó bản thân, và chỉ coi tha nhân như một mối đe doạ. Người khiêm nhường chẳng cần phải cảm thấy mình hơn người. Đồng thời, họ cũng chẳng phải nhất nhất chiều theo những mong chờ của kẻ khác, hay để bản thân bị áp lực; đơn giản họ có một tầm nhìn rộng và sâu về thực tại, và trong cái thực tại đó, họ thấy được chỗ đứng của mình mà chẳng phải tranh luận xem ai ngon hơn ai dở hơn. Khiêm nhường không phải là một phẩm tính cần phải giành giật cho được để bản thân trở nên hoàn hảo, điều này thường sẽ đưa tới sự kiêu ngạo; trong khi, thực ra, nó liên quan đến việc ý thức được sự thật về chính bạn, và an hoà, an nhiên với sự thật ấy.

Chúng ta hay nghe thấy những câu kiểu như, “Theo chủ kiến bé bỏng, theo tri kiến hạn hẹp của tôi…”, nói trắng ra, đó chẳng qua là sự kiêu ngạo được trá nguỵ. Khi sự khiêm nhường tự phô bày ra, thì nó chẳng còn là khiêm nhường nữa. Khi ai đó bảo, “Quả vậy, tôi là một người rất chi là khiêm nhường,” thì người ấy chẳng khiêm nhường chút nào. Khiêm nhường không tự lu loa về chính mình; nhưng lặng lẽ sống, lặng lẽ làm. Nếu ai đó khiêm nhường, người khác nói về họ như thế, nhưng không ai có thể tự nhận rằng mình là “một người khiêm nhường”. Đấy là lý do mà những người khiêm nhường thì không lộ diện; họ không tìm kiếm sự ái mộ của đại chúng — và nhất là không khoe rằng ta là kẻ “khiêm nhường”.

Khiêm nhường là sống thật (là chân nguyên)

Khoa tâm lý học hiện đại ưa sử dụng thuật ngữ “thực” (authenticity) hơn khiêm nhường. Thuật ngữ này có nghĩa là sống sự thật về bản thân mình, sống thật với chính mình và với người khác. Khiêm nhường là dấu chứng tỏ sự trưởng thành tâm lý và tâm linh, cũng như sự tự do nội tâm. Không phải là một loạt các hành xử mà chúng ta phải làm, khiêm nhường là một lối sống, là cách tương quan, liên đới với người khác. Khiêm nhường được thể hiện ra qua cách thức một người chấp nhận bản thân, qua cách mà anh ta lượng giá bản thân mình.

Trong truyền thống Kitô giáo, khiêm nhường là việc đặt trung tâm điểm của đời sống chúng ta nơi Thiên Chúa chứ không phải nơi chính bản thân chúng ta. Điều đó nghĩa là chấp nhận rằng, mình không phải là cái rốn, là trung tâm của cả cái vũ trụ này. Khiêm nhường được các bậc thầy tâm linh Kitô giáo cổ thời hiểu là: một sự tự ý thức có tính quả cảm, giúp chúng ta trở nên người hơn, ý thức rõ hơn về sự mỏng giòn và các giới hạn của bản thân, chứ không phải là cố ra vẻ trong một điệu bộ không phải là con người thật của chúng ta. Quả vậy, thánh Âu-tinh bảo, “tất cả sự khiêm nhường hệ tại việc tự biết mình”.

Tuy nhiên, khiêm nhường không phải là cam chịu. Thánh Gioan Chrysostom mô tả khiêm nhường như là “mẹ của tất cả các nhân đức”, như là nền tảng và cội rễ của chúng, bởi lẽ chúng ta chỉ có thể tôi rèn được nhân đức, nếu trước tiên chúng ta ý thức được và chấp nhận rằng, có những lãnh vực, những mặt chúng ta còn yếu kém và cần phải cố gắng vươn lên. Những con người khiêm nhường là những con người muốn cải thiện bản thân, và họ có thể thực hiện được điều ấy vì họ không tự lừa phỉnh chính mình cũng như người khác; họ sống trong sự thật. Họ không kiêu căng tự mãn, vì họ vui lòng nhận ra những thiếu sót của bản thân; họ không phải là những kẻ bi quan yếm thế, vì họ tin tưởng mình có thể thay đổi, khi đáp lại lời mời gọi nên thánh của Chúa, và nhờ sự trợ giúp từ các ân sủng của Người. Không sợ hãi nhìn nhận và ý thức về những lỗi lầm bản thân, việc ấy sẽ giúp cho chúng ta lớn lên và trưởng thành.

Một trật, những con người khiêm nhường thực sự thì vui mừng trước những điều tốt lành của người khác, cũng như những thiện hảo quanh họ. Họ hoàn toàn thoát khỏi những nhiễu cảm bồn chồn (inferiority complexes), và cũng chẳng hề thấy cần phải so sánh hơn thua với người khác. Người khiêm nhường thì tự do; họ chẳng bị thôi thúc phải tìm kiếm lời khen ngợi, việc được ghi nhận, hay tung hô cho những đức tính của họ, vì lẽ họ tự biết mình, và biết được giá trị của mình.

Bởi vậy, khiêm nhường đích thật chính là nguồn cội cho sự tự tin, lòng can đảm, và tự do. Người khiêm nhường không ăn xin để được ghi nhận, và nếu có không được ghi nhận thì họ cũng chẳng nản lòng thoái chí, buồn rầu, vì lẽ niềm vui của họ thì chẳng có lệ thuộc nơi lời ra tiếng vào, hay nhận định của người khác. Trái lại, người tự kiêu lại rất nhạy cảm trước những lời phê bình, và dễ dàng bị thương tổn và nản lòng thoái chí. Văn sỹ Chesterton thì lại kể tính hài hước như là nền tảng tự nhiên của tính khiêm nhường, vì ai có thể lấy mình ra để tự giễu hài thì người ấy sẽ tự do khỏi mọi thứ tự hợm, tự kiêu.

Người khiêm nhường tác động tích cực đến những người ở gần họ

Khiêm nhường đích thực và sống thật sẽ giúp cho người khác cũng cảm thấy vui, cảm thấy thoải mái. Người ta thấy mình chẳng phải sống thủ thế, phòng vệ vì người khiêm nhường chẳng bao giờ sống theo kiểu xù lông nhím thủ thế, hay áp đặt ý kiến của mình lên người khác. Khi sai lỗi, người khiêm nhường biết cách nhìn ra ngay, họ xin được tha thứ, được giúp đỡ, và công khai nhìn nhận những thiếu sót của mình. Họ dễ gần vì họ không có ý định áp đặt ý kiến của mình, hay có nhu cầu phải là người lúc nào cũng đúng. Họ không sợ bị góp ý, phê bình, vì họ thấy không cần phải bảo vệ cái hình ảnh bản thân không đúng đắn. Người khiêm nhường thì dễ chịu, thì có lòng tri ân, họ có khả năng nhận ra được lòng quảng đại của tha nhân, và dễ thông cảm, biết nhân từ trước những hạn chế của người khác.

Tắt một lời, sự khiêm nhường đích thực thì không hề khiến chúng ta trở nên những con người tiêu cực, vô dụng, tự xỉ vả bản thân và không bao giờ nhận ra được những tiềm năng của mình, nhưng giúp chúng ta trở nên người hơn, trở nên tự do, trưởng thành, nhân từ và dễ chịu hơn.

Miguel PastorinoMatthew Green
Chuyển ngữ: Nhóm phiên dịch Mai Khôi
https://aleteia.org
Bài về chủ đề Nhóm phiên dịch Mai Khôi:
Về đầu trang