Vào năm 1946, khi máy tính chỉ là một vài cỗ máy khổng lồ, tốc độ chậm đến mức không thể nào tưởng tượng được so với tiêu chuẩn ngày nay, và thậm chí ý tưởng về internet còn chưa đến lúc manh nha, tu sĩ trẻ tuổi Roberto Busa, người Ý thuộc dòng Tên đã vạch ra một kế hoạch vĩ đại cho tương lai. Cha muốn sử dụng máy móc và các ngôn ngữ soạn thảo để sắp xếp lại công trình đồ sộ của thánh Tôma Aquinô, tiến sĩ Hội Thánh thuộc dòng Đaminh vào thế kỷ 13. Nhờ ông Thomas J. Watson, nhà sáng lập tập đoàn công nghệ IBM, vào năm 1949, cha Busa đã có thể bắt tay thực hiện giấc mơ. Bảng chỉ mục Thomisticus đã được hoàn tất sau 30 năm, và hiện được xem là bước ngoặt to lớn trong lịch sử ngành công nghệ thông tin và máy tính của nhân loại.
Tờ L’Osservatore Romano, từng viết vào năm 2011, khi cha Busa về với Chúa: “Nếu bạn lướt web, đó là nhờ linh mục Busa, nếu bạn sử dụng máy tính để viết email và soạn thảo văn bản, đó là nhờ linh mục Busa. Và nếu bạn có thể đọc được bài báo này qua mạng, đó là nhờ công của cha Busa. Chúng ta đều mắc nợ ngài”. Nghe qua có vẻ khó tin, một phần vì cái tên Roberto Busa ít được công chúng biết đến, và đa số mọi người đều cho rằng cha đẻ của siêu văn bản và internet là hai ông Ted Nelson (Mỹ) và Tim Berners-Lee (Anh). Thế nhưng, linh mục dòng Tên mới chính là người tạo ra thế giới mạng ngày nay, bằng cách kết nối tin học với chữ viết.
◪ Nhà nghiên cứu không mệt mỏi
Chào đời vào năm 1913 ở thành phố Vicenza thuộc miền đông bắc Ý, cha là con thứ hai trong gia đình gồm 5 người con. Vào năm 1928, cậu bé Roberto Busa theo học trường dòng Belluno, hoàn tất bậc trung học tại đây và tiếp tục tham gia khóa thần học kéo dài 2 năm với Đức Albino Luciani, tương lai chính là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I (1912-1978). Đến năm 1933, Busa quyết định gia nhập dòng Tên, lấy bằng triết học năm 1937, thần học năm 1941, và được thụ phong linh mục năm 1940. Đến năm 1946, tại Đại học Giáo hoàng Gregoriana - Rôma, vị linh mục nộp luận án tiến sĩ thần học với đề tài “The Thomistic Terminology of Interiority” về các công trình của thánh Tôma Aquinô. Sau đó, cha là giáo sư về thần học, bản thể luận và phương pháp luận khoa học, và từng làm thủ thư của khoa triết học trong vài năm ở thành phố Gallarate, miền bắc Ý.
◪ Khởi đầu cho kỷ nguyên kỹ thuật số
Mục tiêu của vị linh mục dòng Tên là sử dụng các quy trình thuật toán về phân tích ngôn ngữ học nhằm tạo ra một bảng chỉ mục gồm 1,5 triệu dòng (với 9 triệu chữ Latinh thời Trung cổ) của toàn bộ các tác phẩm trong đời thánh Tôma Aquinô. Vào thời điểm đó, không ai có thể nghĩ rằng những cỗ máy được thiết kế để tính toán con số có thể được sử dụng cho công cuộc nghiên cứu chữ viết và đề mục ngôn ngữ học. Sự hợp tác giữa nhà sáng lập IBM, Thomas J Watson và cha Busa đã khai mở một kỷ nguyên mới về nghiên cứu khoa học nhân văn. Nỗ lực lao động suốt 3 thập niên cuối cùng đã mang lại thành quả như mong đợi. Vào thập niên 1970, bảng chỉ mục với tổng cộng 56 quyển sách in đã hoàn thành. Đến năm 1989, phiên bản CD-ROM đã ra đời, và vào năm 2005, phiên bản web đã ra mắt dưới sự bảo trợ của tổ chức Fundación Tomás de Aquino và CAEL.
Cha Busa được mệnh danh là một nhà cải cách, phá vỡ ranh giới giữa nhân loại học và công nghệ thông tin, cũng như giữa mọi quy tắc ứng xử, văn hóa, ngôn ngữ và vượt ngoài biên giới địa lý của các quốc gia. Là một nhà thần học, ngài đã phát hiện được cái gọi là “linh hồn của cỗ máy”, buộc máy móc phải phản ảnh lịch sử và những phát minh của loài người. Di sản của cha Busa vẫn tiếp tục tồn tại đến ngày nay. Có thể kể đến dự án “Culturomics”, theo đó các nhà nghiên cứu sử dụng dữ liệu gồm 500 tỷ từ, trích xuất từ các đầu sách đã được Google kỹ thuật số hóa để phân tích tần suất xuất hiện của từ ngữ trong giai đoạn từ năm 1500 - 2008, và rõ ràng đây là dự án nhận sự ảnh hưởng sâu rộng từ công trình tiên phong của cha Busa. Cứ mỗi ba năm, Tổ chức Liên minh Khoa học nhân văn kỹ thuật số lại trao giải Roberto Busa “để công nhận những thành tựu nổi bật được một cá nhân theo đuổi cả đời trong lĩnh vực ứng dụng thông tin và công nghệ liên lạc nhằm mục đích nghiên cứu phục vụ con người”.
Chính vì thái độ cam kết luôn hướng đến sự đổi mới và xóa mờ các ranh giới, cha Busa là hình mẫu hoàn hảo cho giới nghiên cứu và học giả mọi thời đại.
Bạch Linh (theo Công giáo&Dân tộc)
Bài về chủ đề Gương sống: