Như chúng tôi đã thông tin, UBND TP Hà Nội đã thu hồi một số dự án đầu tư trăm tỷ đồng “có vấn đề”.
Theo đó, UBND TP Hà Nội có quyết định chủ trương đầu tư, giao các lô đất hàng nghìn m2 cho doanh nghiệp sử dụng không qua đấu thầu, không đấu giá quyền sử đụng đất.
Ngày 26.11.2018 công văn do ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký nêu rõ: “đã phát hiện một số trường hợp đơn vị tham mưu, đề xuất giao chủ đầu tư, giao đất, cho thuê đất, thực hiện các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, dịch vụ chưa tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng, quản lý đất đai và quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công”.
➥ Khu đất Đầm Mo, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai được giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hà Nội khiến người dân khiếu nại kéo dài.
Điều đáng nói, ngay sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, UBND TP Hà Nội đã giao các quận, huyện “ráo riết” thực hiện, giao đất cho nhà đầu tư. Hàng trăm hộ dân đã khiếu nại kéo dài. Sau hàng loạt động thái gấp rút triển khai, kiểm đếm, đo đạc, thông báo thu hồi đất của dân, những dự án có vấn đề lại được thu hồi.
Hệ lụy nào từ những dự án không qua đấu thầu hay không đấu giá quyền sử dụng đất ngay giữa Thủ đô, PV Dân Việt đã tiếp tục làm rõ.
◪ Khiếu nại kéo dài
Đứng giữa khu đất Đầm Mo ở phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, bà Nguyễn Thị Đan May (Sn 1975, Vĩnh Hưng, Hoàng Mai) chỉ tay, nói: “Từ khi đấu thầu năm 2016 đến nay chúng tôi chưa làm được gì cả, tiền vẫn phải trả cho Hợp tác xã, các hộ dân”.
Khu đất bà May nhắc đến, từ cuối năm 2016 UBND TP Hà Nội có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Hà Nội nghiên cứu lập dự án trên diện tích 42.000m2. Nhà đầu tư này sẽ xây dựng bãi đỗ xe thông minh kết hợp với cây xanh; xây dựng trung tâm thương mại; xây dựng kho bãi hàng hóa. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 681 tỷ đồng.
Tháng 8.2017 UBND quận Hoàng Mai đã thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giải phóng mặt bằng. 206 hộ dân nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng dự án bị ảnh hưởng.
Một Tổ công tác vận động, thuyết phục giải phóng mặt bằng cho dự án gồm 50 người với đầy đủ thành phần thuộc các Tổ chức chính trị, xã hội của phường Trần Phú được thành lập để điều tra đo đạc, kiểm đếm công trình tài sản của các hộ dân.
Các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án này đã nhận được Thông báo thu hồi đất, thậm chí được “Tống đạt quyết định kiểm đếm bắt buộc”.
Trong khi đó, người dân phường Trần Phú đội đơn khiếu nại đi nhiều nơi về những điều bất thường trong việc triển khai dự án này.
Ông Vũ Minh Khoa (tổ 7, phường Trần Phú) cho hay: “Gia đình tôi có 200m2 đất sổ đỏ, không đồng ý thực hiện kiểm đếm vì gia đình chưa được hỏi ý kiến. Chúng tôi cho rằng dự án này phải đấu thầu công khai hoặc chủ đầu tư phải làm việc với dân để thỏa thuận đền bù. Thế nhưng, quận, phường vẫn tống đạt quyết định kiểm đếm bắt buộc”.
➥ Khu đất được giao để thực hiện dự án Trung tâm giặt là, tiệt trùng tại phường Việt Hưng, quận Long Biên nằm ở vị trí gần UBND quận Long Biên.
Ông Vũ Đại Hữu – người nhận đấu thầu lại khu đất Đầm Mo tiếp lời: “Đến nay, quận Hoàng Mai cũng như UBND TP Hà Nội cũng chưa có câu trả lời thỏa đáng cho người dân”.
Ngày 19.10.2018, đơn của người dân gửi đến UBND TP Hà Nội được chuyển lại cho UBND quận Hoàng Mai. 10 ngày sau, ngày 29.10.2018, đơn của người dân gửi đến ông Hoàng Trung Hải - Bí thư Thành ủy Hà Nội lại được Thành ủy Hà Nội chuyển đến UBND TP Hà Nội.
Đến tay UBND quận Hoàng Mai, phần lớn nội dung người dân kiến nghị lại “không thuộc thẩm quyền trả lời của UBND quận”.
Cụ thể, trong văn bản trả lời của UBND quận Hoàng Mai, nội dung người dân đề nghị làm rõ là “Nhà đầu tư phải thỏa thuận đối với người sử dụng đất”; “Xác định căn cứ quy định giao dự án không qua đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất” đều “không thuộc thẩm quyền trả lời của UBND quận”.
Còn việc thẩm định của Sở KHĐT về dự án người dân đề nghị cung cấp, UBND quận Hoàng Mai cũng cho biết “không nhận được nên không có hồ sơ để cung cấp”.
Sau gần 2 năm khiếu nại đề nghị làm rõ căn cứ giao đất cho nhà đầu tư, đến cuối năm 2018, người dân phường Trần Phú bất ngờ nhận được thông báo dự án dừng hoạt động mà không rõ lý do.
“Tuy nhiên, đến tháng 4 khu đất vẫn chưa được giao lại cho Hợp tác xã, người dân để sử dụng như trước đây” – ông Vũ Đại Hữu thông tin.
◪ Vòng tròn “thu hồi quyết định”
Tương tự, dự án Xây dựng Trung tâm giặt là, Tiệt trùng và bãi đỗ xe tập trung ở phường Việt Hưng, quận Long Biên cũng bị nhiều hộ dân khiếu nại.
Ngày 23.6.2017, dự án này được UBND TP Hà Nội giao cho Công ty Cổ phần Giặt là Hà Nội Xanh hơn 16 nghìn m2 để thực hiện.
Ở dự án này, có 115 hộ dân liên quan đến việc giải phóng mặt bằng. Nhiều người dân cũng đã khiếu nại về việc đền bù, giải phóng mặt bằng. Theo thông tin Dân Việt có được, cơ quan chức năng đã tổ chức họp người dân, thông báo thu hồi đất, mời kiểm đếm diện tích đất nằm trong dự án. Tuy nhiên, người dân vẫn phản đối vì cho rằng dự án này không được giao không qua đấu thầu, mà nhà đầu tư phải làm việc với người dân để thỏa thuận giá đền bù.
Ngày 23.11.2018, UBND quận Long Biên đã ban hành văn bản số 2407/UBND-TTPTQĐ về việc trả lời đơn của các hộ dân tổ 4-5, phường Việt Hưng.
Sau đó, như dự án tại quận Hoàng Mai, ngày 1.3.2019 UBND quận Long Biên ban hành quyết định thu hồi, hủy bỏ “Thông báo thu hồi đất”.
Như vậy, sau khi UBND TP Hà Nội có quyết định “Thu hồi các Quyết định về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án”, các địa phương cũng đã có quyết định, thu hồi hủy bỏ “Thông báo thu hồi đất”.
Hàng loạt quyết định đã được thu hồi từ Thành phố xuống các quận ở các dự án giao hàng chục nghìn m2 đất "có vấn đề".
Ai là người chịu trách nhiệm cho việc giao đất không đúng quy định pháp luật, để cả người dân và hệ thống chính trị xã hội ở cơ sở vất vả suốt thời gian qua? Đây là câu hỏi người dân ở khu vực 2 dự án kể trên đặt ra, đến nay vẫn chưa có câu trả lời.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.
Nhóm PV (theo Dân Việt)
Bài về chủ đề Vấn đề-Tệ nạn: