Mô tả chi tiết về nguy cơ tôm càng đỏ

Tôm càng đỏ nếu lọt ra ngoài môi trường như ốc bươu vàng cũng hoàn toàn có thể gây ra cuộc tàn phá mới với nông nghiệp. Ngay từ đầu, chúng ta đã không quản lý tốt tại các cửa khẩu. Thương lái, vì ham lợi nhuận đã đưa từ Trung Quốc về hàng tấn tôm càng đỏ tươi sống vì giá bán hấp dẫn. Nó chính là loài sinh vật ngoại lai nguy hiểm đã từng gây hại ở Trung Quốc. Thực ra từ năm 2012, Việt Nam đã nuôi thử loài tôm này tại một trạm thực nghiệm ở Phú Thọ nhưng về sau thấy chúng nguy hiểm quá nên dừng lại ngay. Chúng nguy hiểm đến mức nào? Khi lọt vào môi trường tự nhiên, chúng gây ra sự tàn phá khủng khiếp. Chúng cắt ngang thân cây lúa, ăn tất cả các loại búp cây non, ăn được cả các loài tôm cá nhỏ. Chúng là nguồn gây những bệnh nguy hiểm cho các vùng nuôi tôm và gây ra dịch bệnh nghiêm trọng, kể cả các mầm bệnh là virus gây ra dịch bệnh đốm trắng ở tôm. Mô tả chi tiết về nguy cơ tôm càng đỏ
Mô tả chi tiết về nguy cơ tôm càng đỏ

Mấy hôm nay bỗng nhiên tôi có nhiều khách. Nào là nhà báo, bạn bè, và cả những người dân mà tôi chưa hề quen biết. Câu chuyện toàn chung quanh con Tôm càng đỏ.

Tôi phải thưa chuyện về con vật ngoại lai đang được nhập ồ ạt và vô tổ chức về qua biên giới nước ta. Tôm càng đỏ còn gọi là Tôm hùm đất, tiếng Anh là Crawfish hay Redclaw, và tên khoa học là Cherax quadricarinatus. Nó là một loài tôm nhiệt đới, thường có màu xanh sẫm và nâu đỏ. Đầu và ngực được vỏ che kín, bụng có 6 đốt, đuôi hình cánh quạt xoè ra thành 5 phần. Chúng có 5 cặp chân rất khoẻ dùng để đào hang. Đôi mắt kép nên thị giác rất tốt, hai cặp hàm rất khoẻ với ba cặp chân ở hàm dùng để đưa thức ăn vào miệng. Khi bị đe doạ, chúng có thể chạy giật lùi cực nhanh bằng cách búng mạnh gai đuôi ở cuối bụng.

Về khả năng sinh sôi nảy nở cực nhanh, tôi xin thưa là tôm cái tiết ra một chất dẫn dụ tôm đực gọi là pheromone. Tôm đực dùng cặp chân bụng đầu tiên để rót tinh trùng vào một chiếc túi trên cơ thể tôm cái. Con cái có thể sinh ra 300 đến 800 trứng một lần, tôm non thường nở ra vào mùa xuân.

Đầu tiên loài tôm này được nuôi ở lãnh thổ phía Đông bắc của Australia và ở Papuya New Guinea. Người ta nuôi nó để ăn vì thực ra đó là một loại thực phẩm vừa ngon, vừa bổ. Mỗi cân tôm càng đỏ chứa không ít protein và vitamin - nhất là B6 và B12. Người ta nuôi chúng khá dễ dàng vì chúng chịu được phạm vi pH rộng, thời tiết lạnh và không quá nóng, độ mặn khá cao. Khi nuôi trong điều kiện quản lý chặt chẽ, người ta dùng tỷ lệ đực cái là 1:4 và với mật độ 1.500 con/ha.

Nhiều bạn hỏi: "Thế với con vật đẻ nhanh lại vừa ngon, vừa bổ như vậy tại sao lại bảo rất nguy hại?". Câu chuyện giống hệt ốc bươu vàng.

Thanh Quang là bạn tôi. Anh có một mảnh đất cách Hà Nội gần 50 km mà lâu nay băn khoăn mãi không biết làm gì. Từ gợi ý của tôi trong một bữa ăn cưới, anh quyết định tạm rời xa Hà Nội, xa vợ, cô con gái và cháu ngoại yêu quý để ở hẳn trên ấy. Anh bắt tay xây dựng một trang trại chăn nuôi hỗn hợp. Tôi ngạc nhiên và khâm phục vì biết anh là một kỹ sư ngành cơ khí, vốn không có hiểu biết gì về nông nghiệp. Sau nửa năm anh đã cho xuất chuồng 100 lợn và mời chúng tôi lên "đánh chén" một bữa no say.

Thanh Quang không nuôi lợn giống mọi người. Anh không sử dụng hai loại thức ăn giàu đạm khá đắt tiền nhưng hầu như cả thế giới đều bắt buộc phải dùng trong chăn nuôi, đó là khô dầu đậu tương và bột cá. Thay thế vào đó là giun quế và ốc bươu vàng. Anh treo biển thu mua của nông dân với giá 5.000 đồng mỗi kg. Bà con mỗi ngày có thể thu gom được đến 20 kg ốc bán cho anh, mỗi tháng có thể được ba triệu đồng.

Dùng không hết, anh đã bán thức ăn tự chế biến cho nông dân quanh vùng. Bà con thích dùng thức ăn này trong chăn nuôi vì rẻ hơn thức ăn công nghiệp nên mỗi đầu lợn khi kết thúc chu trình nuôi có giá thành rẻ hơn bình thường 500.000 đồng mỗi con. Đó là mơ ước rất lớn lâu nay của họ.

Ốc bươu vàng nghe nói được một nguyên thủ ở Châu Phi tặng cho ngành thuỷ sản nước ta vì là loài vật vừa phát triển nhanh vừa có thể biến cây cỏ thành nguồn protein quý giá. Nhưng chúng gây thiệt hại to lớn trong suốt nhiều năm qua vì ta để nó lọt ra mọi cánh đồng trồng lúa.

Tôm càng đỏ nếu lọt ra ngoài môi trường như ốc bươu vàng cũng hoàn toàn có thể gây ra cuộc tàn phá mới với nông nghiệp. Ngay từ đầu, chúng ta đã không quản lý tốt tại các cửa khẩu. Thương lái, vì ham lợi nhuận đã đưa từ Trung Quốc về hàng tấn tôm càng đỏ tươi sống vì giá bán hấp dẫn. Nó chính là loài sinh vật ngoại lai nguy hiểm đã từng gây hại ở Trung Quốc. Thực ra từ năm 2012, Việt Nam đã nuôi thử loài tôm này tại một trạm thực nghiệm ở Phú Thọ nhưng về sau thấy chúng nguy hiểm quá nên dừng lại ngay.

Chúng nguy hiểm đến mức nào? Khi lọt vào môi trường tự nhiên, chúng gây ra sự tàn phá khủng khiếp. Chúng cắt ngang thân cây lúa, ăn tất cả các loại búp cây non, ăn được cả các loài tôm cá nhỏ. Chúng là nguồn gây những bệnh nguy hiểm cho các vùng nuôi tôm và gây ra dịch bệnh nghiêm trọng, kể cả các mầm bệnh là virus gây ra dịch bệnh đốm trắng ở tôm.

Tôm càng đỏ có thể đào hang sâu đến 2 m, đe dọa các công trình thủy lợi, thủy sản, nông nghiệp.
Tôm càng đỏ có thể đào hang sâu đến 2 m, đe dọa các công trình thủy lợi, thủy sản, nông nghiệp.

Từ năm 2013, nhà nước đã đưa loài này vào danh sách sinh vật ngoại lai cấm nhập khẩu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn hoả tốc yêu cầu UBND các cấp và cơ quan Hải quan mọi địa phương tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi nhập khẩu, lưu giữ và buôn bán loài tôm nguy hiểm này. Bộ Luật hình sự 2015 đã ghi: Người nào nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Lâu nay tôi đọc được một bài vè nói về thực tại của nông dân nước ta mà tôi chua xót quá. Bài vè thế này:

"Cống hiến nhiều nhất,
hy sinh lớn nhất,
hưởng thụ ít nhất,
được giúp kém nhất,
cam chịu lâu dài nhất,
tha thứ cao cả nhất,
thích nghi tài giỏi nhất,
năng động khôn ngoan nhất".


Giống Thanh Quang bạn tôi, Mười Bơ, và nhiều tấm gương khác tôi đã gặp, họ thật sự là những người tốt, những người có công, nhưng tại sao đa số nông dân vẫn bị coi là tầng lớp gian khổ và nghèo?

Vậy thì nghĩ tới nông dân, đầu tiên mọi cơ quan và mỗi người phải chung tay, đừng để đến lúc con tôm này gây tai hoạ lớn lao cho hệ sinh thái, ngành nông nghiệp và nền kinh tế.

Đại diện Chính phủ đã lên tiếng và tôi hy vọng sẽ có hành động cương quyết. Còn mỗi người dân chúng ta, hãy nghĩ về nông dân bằng cách tiêu dùng có hiểu biết. Mỗi chúng ta không ai được mua để ăn. Dù nó có ngon, có rẻ đến đâu cũng nhất quyết loại bỏ sự tồn tại của nó ra khỏi đất nước mình.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
Bài về chủ đề Cảnh báo:
Về đầu trang