◪ Ngân hàng Nhà nước “bơm” tiền ra thị trường
Theo bản tin SSI Retail Research, trong tháng 3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút ròng tổng cộng 24.237 tỷ đồng. Trong đó, 19.337 tỷ qua kênh OMO và 4.900 tỷ đồng qua kênh tín phiếu.
Tính chung cả quý I năm nay, NHNN hút ròng 80.689 tỷ đồng thông qua thị trường mở nhưng cũng mua vào khoảng hơn 6 tỷ USD, đồng nghĩa với khoảng 150.000 tỷ đồng được “bơm” ra thị trường.
Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước (KBNN) vẫn còn ứ đọng vốn tại các ngân hàng thương mại (NHTM). Tại cuối năm 2018, chỉ tính riêng lượng vốn KBNN gửi tại Vietcombank, BIDV và VietinBank đã lên đến trên 216.700 tỷ đồng.
Thanh khoản dồi dào, đặc biệt tại các ngân hàng lớn, khiến cho lãi suất trên liên ngân hàng giảm liên tục từ sau Tết Nguyên đán, chạm mức đáy 5 tháng là 3,18%/năm với kỳ hạn qua đêm vào ngày 20/3. Sau đó, lãi suất tăng trở lại khi NHNN phát hành tín phiếu kỳ hạn 7 ngày. Lãi suất 3%/năm sau gần 5 tháng không phát hành và hơn 2 tháng duy trì số dư tín phiếu bằng 0.
Một lần nữa, lãi suất tín phiếu lại được chứng minh là ngưỡng chặn dưới đối với lãi suất qua đêm trên liên ngân hàng. Lãi suất trên liên ngân hàng hiện duy trì ổn định quanh mức 4,1-4,3%/năm với kỳ hạn qua đêm và 4,3-4,5%/năm với kỳ hạn tuần.
Trên thị trường 1, lãi suất huy động ghi nhận mức tăng khoảng 20-30bps (điểm cơ bản) ở các kỳ hạn trên 6 tháng tại một số ngân hàng. Mức lãi duy trì ở mức 4,3-5,5%/năm với kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng, 5,5-7,5% với 6 đến dưới 12 tháng và 6,4-8%/năm với 12,13 tháng.
➥ NHNN bơm 150.000 tỷ trong quý I.
Lãi suất neo cao ở mặt bằng đã được tạo lập từ cuối tháng 12/2018 đến nay ngoài lý do gia tăng huy động, đáp ứng yêu cầu giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn còn bởi vì nhiều NHTM chuyển hướng đẩy mạnh cho vay đối tượng khách hàng cá nhân với lãi suất cho vay tốt, đảm bảo mức sinh lời cần thiết nên có cơ sở để duy trì lãi suất huy động cao. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng khác cũng phải duy trì lãi suất tốt để không bị mất thị phần huy động.
Thông tin từ NHNN, tính từ đầu năm nay đến ngày 25/3, tín dụng toàn ngành tăng 2,28%, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng trưởng 3,56% trong quý I/2018. Do đó, áp lực tăng trưởng tín dụng (nguồn mang lại lợi nhuận chính cho các NHTM) sẽ chuyển sang quý II, kéo theo nhu cầu huy động vốn cao và lãi suất vẫn khó có thể giảm bớt.
◪ Tiếp tục nâng tỷ giá trung tâm
Tỷ giá trung tâm liên tục được nâng lên, hiện ở mức 22.980 VND/USD, tăng 0,28% trong tháng 3 và 0,68% trong quý I/2019 và đang tiền gần đến tỷ giá mua vào của NHNN.
Dù nguồn cung ngoại tệ các tháng tới có thể bớt thuận lợi hơn nhưng tỷ giá USD/VND vẫn sẽ duy trì ổn định nhờ vào (1) diễn biến tích cực của đàm phán thương mại Mỹ - Trung hỗ trợ sự ổn định của đồng CNY, giảm sức ép với VND; (2) chênh lệch lãi suất VND-USD vẫn duy trì ở mức khá cao (1,5-1,7%/năm); và (3) dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã được củng cố và đang ở mức tốt nhất từ trước tới nay sẽ gia tăng nguồn lực để NHNN bình ổn thị trường khi có biến động.
Do đó, báo cáo của SSI Retail Research cho rằng mặt bằng tỷ giá sẽ vẫn duy trì ổn định quanh mức 23.200 VND/USD.
Lượng USD kỷ lục NHNN mua vào được trong quý I/2019 ngoài lý do mùa kiều hối và tăng trưởng tốt của lượng vốn FDI, FII còn cho thấy tâm lý thị trường khá ổn định, lượng ngoại tệ đầu cơ, găm giữ giai đoạn trước đó đã được giải phóng.
Theo Người Đồng Hành
Bài về chủ đề Hù doạ-Nguy cơ: