Trong cả 40 năm, tôi luôn nhìn ngày 30 tháng 4 với nhiều xúc cảm lẫn lộn.
Đó là ngày chiến tranh chấm dứt. Chấm dứt hủy diệt và chết chóc, phi lý và điên rồ.
Lúc đó tôi đang học cao học tại Trường Luật và trường Quốc Gia Hành Chánh ở Sài Gòn. Trong thời gian đại học, tôi đã quá mệt mỏi với chiến tranh đến nỗi tôi ước ao mỗi ngày là chiến tranh chấm dứt dù bên nào thắng.
30 tháng tư đến như một giải tỏa nhanh chóng. Hòa bình rốt cuộc đã đến, cùng với một cảm giác tự hào quốc gia, vì đối với thế giới Việt nam đã thắng nước Mỹ (dù đối với chính chúng tôi, thì đó là anh em đánh nhau, chẳng có gì để tự hào). Phiền các bạn, tôi là bên thua cuộc, nhưng dù sao thì cũng tự hào với thế giới.
Thế giới nhìn lên Việt nam như là một nhà vô địch cho những dân tộc bị áp bức.
Đằng khác, lúc đó tôi đã biết miền Nam sẽ khốn khổ dưới sự thống trị Cộng sản. Người miền Nam, thoải mái và vui chơi, sẽ nằm dưới nắm tay sắt của một chế độ chỉ biết làm việc, làm việc, làm việc, và đánh nhau, đánh nhau, đánh nhau.
Vợ chồng tôi và con gái may mắn rời đất nước và cuối cùng đến Mỹ. Đó là một câu chuyện dài có thể làm thành phim, nhưng quá dài để viết ra đây.
Trong lúc đó, nhiều chuyện buồn từ Việt Nam nhanh chóng đi vòng trái đất: hợp tác xã ép buộc, vùng kinh tế mới, bắt buộc tái định cư, đánh tư sản mại bản, trại cải tạo mà thực ra là những trại tù lao động kiểu Staline, tổ chức hành chính của kẻ chiến thắng làm vua trên đầu dân miền Nam thua cuộc, hàng triệu người chạy trốn với mọi rủi ro trên biển, trại tị nạn khắp Đông Nam Á… Hỗn loạn và khốn khổ.
Tôi cố làm việc siêng năng và học hành siêng năng ở Mỹ, nhưng tâm trí tôi thường xuyên đau đớn, biết rằng dân tôi đang khốn khổ. Việt Nam tiều tụy dưới quản lý sai lầm – nghèo và đói, phân biệt ý thức hệ – giữa “gia đình cách mạng” và “gia đình ngụy”, chính sách không hòa giải – những trại cải tạo nổi tiếng dành cho những sĩ quan của miền Nam thua trận, và sự không tin tưởng đối với mọi tôn giáo.
🌸 🌸 🌸
Hơn một thập kỷ sau, vào khoảng cuối thập niên 1980, đổi mới đến. Đất nước chậm chạp và sợ hãi mở cửa ra cho thế giới.
Rồi đầu tư nước ngoài đổ vào, và xuất khẩu đi ra. Từ đầu thập niên 1990, Việt Nam bắt đầu thay đổi với vận tốc hỏa tiễn Apollo.
Tôi tổ chức đủ loại hoạt động giáo dục để giúp Việt Nam.
Đời sống khá hơn. Và chụp giật tiền bạc cùng tham nhũng phát triển theo.
Cho đến ngày nay, sau gần 3 thập kỷ đổi mới, chụp giật tiền bạc và tham nhũng đã phát triển kinh khủng, và hệ thống đạo đức oằn oại dưới những sức nặng khiếp đảm. Ngày nay, tham nhũng trong toàn hệ thống công quyền thật là khủng khiếp. Trộm cướp hoành hành khắp mọi hóc hẻm của đất nước. Quan chức địa phương hành xử như những ông vua trong những vương quốc tí hon của họ.
Thực ra, vẫn có nhiều người tốt. Nhưng số người xấu trong hệ thống công quyền thì rất nhiều, quá nhiều so với một chính phủ tốt.
40 năm sau Thống nhất, Việt Nam đứng rất cao trên thế giới về tham nhũng, và gần đáy thế giới về sức cạnh tranh kinh tế.
Giáo dục khập khiễng. Y tế dưới chuẩn. Cơ sở hạ tầng yếu kém.
Không thể chối cãi được là nói chung thì đời sống ngày nay tốt hơn năm 1975 nhiều.
Nhưng chúng ta định điểm tiến bộ trong 40 năm qua thế nào?
3 triệu mạng người mất trong chiến tranh có đáng cho hiện trạng của đất nước hôm nay?
Tôi không chắc là tôi có thể trả lời những câu hỏi này chính xác.
🌸 🌸 🌸
Dù với những thông tin không mấy hấp dẫn này, chúng ta vẫn có một thế hệ đang lên của những trí thức rất giỏi.
Làm sao các bạn ấy có thể trỗi lên khỏi các khó khăn để đến đây, tôi không biết. Nhưng các bạn ấy có đây.
Có lẽ mạng Internet và toàn cầu hóa mang các bạn đến đây.
Các bạn thông minh, đầy kiến thức, yêu nước và tinh khiết, với một khao khát lớn đối với những kiến thức sâu sắc về đời sống và thế giới.
Vài bạn đến từ những gia đình quyền lực, nhiều bạn có gia đình cấp trung bình.
Các bạn là con của cuộc cách mạng tin học. Tôi đoán, nếu không có cuộc cách mạng tin học có lẽ chúng ta đã chẳng thấy các bạn.
Các bạn là điều tốt nhất mà Việt Nam có được trong vòng 40 năm nay.
Nhiều bạn đã vượt khoảng cách thế hệ để làm bạn của tôi (và tôi đã vượt khoảng cách thế hệ để làm bạn của các bạn), và các bạn làm tôi cảm thấy trẻ trung và đầy năng lượng.
Hơn hết, các bạn cho tôi hy vọng về một Việt Nam cường tráng và khỏe mạnh.
Tôi cần gì nữa? Thượng đế mang đến cho tôi bạn bè và hy vọng.
Tôi thấy ánh sáng ở cuối đường hầm.
Vâng, tôi thấy ánh sáng.
Trần Đình Hoành