Về vai trò của thầy cô trong xã hội hiện đại

Xung quanh các vụ bạo lực học đường ở Việt Nam với thủ phạm trực tiếp là giáo viên có rất nhiều tranh luận. Thay vì nhận thức thẳng vào vấn đề rất nhiều bên từ cơ quan quản lý, giáo viên, phụ huynh đã lái câu chuyện sang hướng khác để rồi thành cãi vã với lý luận kiểu như “Tôi trả tiền cho anh dạy con anh không dạy được còn đánh con tôi là làm sao?”, “Trò hư thì ai dạy được, anh chị mang về dạy bao giờ ngoan chúng tôi mới nhận”, “Không cho thầy, cô phạt học trò thì làm sao giáo dục…”. Cãi nhau như thế thì chẳng khác gì AQ và Chí Phèo vật nhau cho cả làng Vũ Đại và làng Mùi xem, bình phẩm. Source: fb.com/permalink.php?story_fbid=828307464214663&id=100011062518050
Về vai trò của thầy cô trong xã hội hiện đại
Về vai trò của thầy cô trong xã hội hiện đại

Xung quanh các vụ bạo lực học đường ở Việt Nam với thủ phạm trực tiếp là giáo viên có rất nhiều tranh luận.

Thay vì nhận thức thẳng vào vấn đề rất nhiều bên từ cơ quan quản lý, giáo viên, phụ huynh đã lái câu chuyện sang hướng khác để rồi thành cãi vã với lý luận kiểu như “Tôi trả tiền cho anh dạy con anh không dạy được còn đánh con tôi là làm sao?”, “Trò hư thì ai dạy được, anh chị mang về dạy bao giờ ngoan chúng tôi mới nhận”, “Không cho thầy, cô phạt học trò thì làm sao giáo dục…”.

Cãi nhau như thế thì chẳng khác gì AQ và Chí Phèo vật nhau cho cả làng Vũ Đại và làng Mùi xem, bình phẩm.

Xong rồi, ai về nhà nấy, mọi chuyện lại như cũ. Hết cô Trang ở Hải Phòng hôm nay mai lại có thầy Tráng ở đâu đó.

Ở một thái cực này, người Việt rất thích nhấn mạnh vai trò truyền dạy tri thức cho học sinh của giáo viên do vậy logic tất yếu của nó sẽ là ở trường thầy cô dạy cho học sinh học giỏi là ok. Cứ làm cho con tôi học giỏi là Ok hết. Tất nhiên, cái giỏi này được đo đạc bởi thang đánh giá của nhà trường, giáo viên dựa trên thành thích học tập, thi các môn giáo khoa.

Logic này không sai nhưng nó ẩn chứa một logic khác khá nguy hiểm phái sinh từ logic này đó là “khi con tôi không giỏi thì đó là lỗi tại thầy cô”, “thầy cô gì mà dốt thế, dạy toàn thứ vớ vẩn, tôi muốn con tôi học toán nâng cao, văn nâng cao kia…”.

Logic này cũng nguy hiểm với chính thầy cô vì khi bám vào việc coi sứ mệnh của mình thuần túy là “truyền bá tri thức” thì vai trò người thầy sẽ ngày càng mờ nhạt khi học vấn của phụ huynh, bằng cấp của phụ huynh ngày càng được nâng cao (hệ quả của đại chúng hóa đại học và thông tin hóa xã hội). Hệ quả là chuyện phụ huynh coi thường học vấn của thầy cô sẽ diễn ra dưới rất nhiều hình thức khác nhau.

Ở một thái cực khác, người Việt lại tuyệt đối hóa một cách rất ngây thơ và vô điều kiện giáo dục đạo đức. Cứ giáo dục đạo đức là tốt, không nghi ngờ gì cả. Nghi ngờ kiểu triết học “Thật ra thì đạo đức có dạy được không?” càng không bao giờ có.

Vì thế hệ quả của logic này là người ta nhấn mạnh vai trò “giáo dục đạo đức” của giáo viên đối với học sinh. Để thuyết giáo về đạo đức cho người khác (hàm ý là khuyên người khác phải thế này, thế kia ở phương diện đạo đức), mặc nhiên cá nhân phải có một tư thế, phẩm chất đạo đức “trên cơ”. Vì thế logic phái sinh tất yếu là phải “thần thánh hóa thầy cô/thần thánh hóa nghề giáo” (Ai có hiểu biết tất yếu sẽ liên tưởng đến chuyện tại sao những người có thẩm quyền nhất và thường được sử dụng để giảng giải về đạo đức đều là các bậc siêu người, chí ít họ phải là Trời (đạo Trời), Tạo Hóa, Chúa, Phật hoặc ít nhất cũng phải là Thánh (hoặc được phong thánh). Nguy cơ sinh ra từ logic này là việc dạy đạo đức sẽ đi vào giáo điều, sáo rỗng và giả dối vì thầy cô là người phàm trần và trong xã hội ngày nay, người có đạo hạnh thâm sâu cũng hiếm. Vì thế trò cứ hư hay vô đạo đức, đương nhiên gia đình, xã hội sẽ quy trách nhiệm cho ông thầy và nhà trường. Giản đơn vì sứ mệnh của nhà trường và thầy cô là như vậy.

Ô! Anh bán sách rong ơi, nói vậy có nghĩa là anh dẫn chúng tôi vào một bãi sương mù không lối thoát à. Thế thì chúng tôi chán nản ngồi nhìn nhau à.

Sai!

Thầy cô trong xã hội hiện đại không nên thuần túy là người truyền đạt tri thức, cũng không phải là một bậc thánh để giáo hóa đạo đức.

Thầy cô là người chỉ đạo (hướng dẫn/dẫn đường) và là người tư vấn.

Học trò có thể lấy tri thức ở nhiều nguồn (bố mẹ, ông bà, hàng xóm, internet, tivi) nhưng để xử lý thông tin hiệu quả và tạo ra sản phẩm sáng tạo cần có người có trải nghiệm, tầm nhìn hướng dẫn. Người đó là thầy cô.

Đạo đức là thứ không phải cứ nghe và nhìn là có. Dạy đạo đức bằng ngôn ngữ thuần túy là cách làm của thánh nhân đối với á thánh hay thiên tài không thích hợp với trẻ em. Muốn trẻ em sống có đạo đức thì chúng phải được trải nghiệm cuộc sống đạo đức ở gia đình, trường học và xã hội. Thầy cô có thể sắp đặt, bố trí, tái cấu trúc môi trường trải nghiệm đó (bằng chương trình hoặc chương trình tàng ẩn) để học sinh trải nghiệm hình thành nên giá trị quan của mình.

Ở các bậc học như mầm non, tiểu học, giáo viên nếu muốn khẳng định vai trò của bản thân không nên dại dột dùng lý luận mình là người truyền dạy tri thức cho các em. Những tri thức khoa học ở bậc học này chưa có độ phức tạp cao (dù rằng toán tiểu học ở Việt Nam ngày càng đánh đố và có vẻ như chính giáo viên cũng loay hoay với nó) và chưa cần giáo viên dạy chuyên biệt từng môn (trừ môn nghệ thuật, thể thao…).

Cái cần nhất ở giáo viên tiểu học, mầm non nước ta bây giờ là khả năng nắm bắt tinh thần giáo dục mới, khả năng hiểu biết tâm lý trẻ để hình thành cho trẻ em các thói quen sinh hoạt cơ bản (ăn, mặc, ở đi lại, cư xử với gia đình, xã hội…), hình thành các giá trị cốt lõi, năng lực tư duy khoa học, khả năng học hỏi, tinh thần truy cầu chân lý không mệt mỏi.

Dạy các tri thức khoa học cơ bản là đương nhiên, nhưng nếu nó chống lại hay làm hại những thứ trên điều đó nghĩa là giáo viên đang hiểu sai về bản chất của giáo dục.

Giáo dục cuối cùng phải tạo ra con người tuyệt vời chứ không phải tạo ra các con số tuyệt vời. Khi các con số đều tuyệt vời mà con người lại không thế khi đó giáo viên nên tự biết giật mình lo sợ và tự hỏi tại sao.

Tin liên quan:
✔️ Việt Nam, ngôi sao đang lên?
✔️ Từ sai lầm của Bùi Tiến Dũng nghĩ về thất bại của nền giáo dục
✔️ Trí tuệ: sáng tạo hay ăn cắp?
✔️ Kết quả của hai nền giáo dục
✔️ Tuổi trẻ Hong Kong, Việt Nam và vai trò của gia đình, xã hội
✔️ Hôm nay, cậu bé con một người bạn cũ của tôi tự sát...
✔️ Bán cả tương lai

Nguyễn Quốc Vương
Bài về chủ đề Khai trí:
Về đầu trang