Diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trong nghệ thuật thánh, luôn luôn là một đòi hỏi cam go. Đứng trước mầu nhiệm đức tin căn bản này của chúng ta, một mầu nhiệm thật cao siêu, và vượt tầm trí hiểu, các nghệ nhân, hoạ sỹ đã chọn những cách diễn tả ra sao?
Dầu vậy, các hoạ sỹ đã diễn tả thật tài tình, làm cho mầu nhiệm Ba Ngôi được biểu tỏ ra thật dễ hiểu, dễ nắm bắt.
Ngoài các bức vẽ về Ba Ngôi dưới dạng hình nhân, các hoạ sỹ cổ thời cũng sáng tạo ra nhiều cách diễn tả có tính biểu tượng để ám chỉ Thiên Chúa Ba Ngôi. Dưới đấy là 5 biểu tượng mà họ đã dùng.
◪ 1. Nút thắt Ba Ngôi
Đôi khi còn được gọi là triquetra, biểu tượng này gồm ba phần có dạng giống chiếc lá đan kết, ghép lại, tạo thành một hình tam giác, đôi khi có thêm một vòng tròn ở giữa (tượng trưng cho sự sống đời đời). Đây là một lối diễn tả đơn sơ mầu nhiệm Ba Ngôi, và hay được nhìn thấy trong các trang trí Celtic, chẳng hạn Sách Kells (ND: Một bản chép tay có trang trí của các sách Tin mừng bằng tiếng Latinh, được tìm thấy trong một tu viện cũ ở Kells, Ireland. Có lẽ cuốn này được viết vào thế kỷ thứ 8. Hiện nay sách được giữ như là tài sản quý trong thư viện Trường Ba Ngôi ở Dublin. Sách được xem như là một trong các kiểu mẫu tinh tế nhất của nghệ thuật minh hoạ Celtic.)
◪ 2. Khiên chắn Ba Ngôi
Biểu tượng cổ xưa này diễn tả một cách trực quan về việc mỗi ngôi trong Ba Ngôi vừa là Chúa, nhưng cũng phân biệt nhau. Biểu tượng này hay được dùng như một đạo cụ trong việc dạy giáo lý.
◪ 3. Tam giác Trefoil (Tam giác Ba Ngôi)
Có rất nhiều biến thể của kiểu tam giác này, nhiều biến thể gồm có cả các biểu tượng tượng trưng cho từng ngôi một, có những biến thể khác đơn thuần chỉ là một hình tam giác mà không có bất cứ chi tiết phụ hoạ nào khác.
◪ 4. Cỏ ba lá
Biểu tượng này thường gắn liền với cuộc đời thánh Patrick (ND: Nhà truyền giáo cho Ai-len, và cũng là thánh bổn mạng của đất nước này). Cỏ ba lá là một diễn đạt mầu nhiệm Ba Ngôi gần gũi, thường gặp nhất trong hội hoạ.
◪ 5. Fleur-de-lis (Hoa huệ)
Cũng thường được dùng như biểu tượng của giới quý tộc Pháp và Đức Trinh Nữ Maria, biểu tượng này cũng được dùng để chỉ về mầu nhiệm Ba Ngôi nữa.
Philip Kosloski
Chuyển ngữ: Hoàng Long (Nhóm Phiên dịch Mai Khôi)
https://aleteia.org
Bài từ Nhóm phiên dịch Mai Khôi: