Đã 30 năm trôi qua, sự kiện đẫm máu Thiên An Môn từng hằn sâu vào ký ức thế kỷ XX vẫn đang là nỗi ám ảnh ghê rợn đối với con người đang sống trong thế kỷ XXI. Ghê rợn về tội ác của quyền lực thống trị khoác bộ áo “vì nhân dân”, thậm chí còn dám trương tấm biển “trung thành với lý tưởng giải phóng nhân loại, sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”. Lời cảnh báo của J. Fucik “Hỡi con người, hãy cảnh giác!” viết tại nhà tù Pankrac ở Praha trước khi bị phát xít Đức giết, nhằm lên án tội ác của phát xít và nhân danh người cộng sản để nhắc nhở nhân loại cảnh giác trước họa phát xít. Oái oăm thay, lời cảnh báo ấy nay đang chĩa thẳng vào chính những kẻ cầm đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc đang duy trì một chế độ phát xít kiểu mới đã tàn sát những người con ưu tú của dân tộc Trung Hoa giương cao ngọn cờ dân chủ trên Quảng trường Thiên An Môn ngày 4.6.1989 và những người đồng chí cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa với chúng
Biết rõ đây là một vết nhơ khó rửa của một quốc gia đang nuôi mộng siêu cường, nhà cầm quyền Trung Quốc tìm mọi cách để cố xoá đi trong đầu óc thần dân của họ và trong đôi mắt của những người có lương tri trên thế giới sự kiện nhơ nhớp đó. Bằng mọi thủ đoạn bạo lực và dối trá, chúng quyết làm cho “một thế hệ cũ không được phép nhớ, một thế hệ mới không được phép biết” khi mà những kẻ nối bước Mao đặc biệt là Tập Cận Bình đang bằng mọi thủ đoạn để duy trì và cải tiến cái chính quyền được “đẻ ra từ họng súng” theo tuyên ngôn của Mao bằng mọi giá! Cho nên không lạ khi vừa rồi tại Singapore, viên tướng Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Nguỵ Phương Hoà trắng trợn trả lời các nhà báo về sự kiện Thiên An Môn “đó là chính sách đúng”. Y nói rằng chính “nhờ vậy mà đã có ổn định và phát triển” “30 năm đã chứng tỏ Trung Quốc đi qua các đổi thay to lớn” (BBC 2.6.2019). Xin nhắc là tên tướng Tàu này vừa được tay bắt mặt mừng ở Hà Nội hai ngày trước khi y đến Shangri La.
Hai từ “ổn định” thật quá đỗi quen tai. Đúng là thầy nào tớ ấy. Thì chẳng phải cái luận điệu cần có “ổn định” để “phát triển” đã trở thành điệp khúc trong mọi diễn văn, những lời rao giảng của Nguyễn Phú Trọng và bộ sậu của ông ta đó sao. Đây là cái mộc được dùng để che chắn cho những hành động đàn áp tàn nhẫn những người dân, đặc biệt là những những người trẻ tuổi trong tay không một tấc sắt, đấu tranh chống lại bọn xâm lược Trung Quốc trong các cuộc biểu tình cùng những biểu hiện đòi dân chủ và quyền con người bằng biện pháp ôn hoà.
Như cú sợ ánh sáng, chế độ toàn trị phản dân chủ đang duy trì một bộ máy bạo lực khổng lồ và một hệ thống tuyên truyền bịp bợm, dối trá để ngăn chặn ý chí quật khởi của những người cháy bỏng khát vọng tự do và dân chủ, nhất là trí thức và thanh niên đang bị dồn nén, sẽ bật dậy như những sinh viên ưu tú của dân tộc Trung Hoa trên quảng trường Thiên An Môn.
Gần ba thập kỷ sau, những thủ đoạn ấy được chế độ toàn trị phản dân chủ của Nguyễn Phú Trọng vận dụng để thẳng tay đàn áp cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, chống luật đặc khu và luật an ninh mạng nổ ra cũng vào những ngày đầu tháng 6 năm 2018. Tuy quy mô nhỏ hơn nhưng sự tàn ác thì cũng chẳng khác gì sự tàn ác mà các quan thầy của chúng đã làm.
Hãy nghe đài RFA thuật lại câu trả lời của cô Nguyễn Ngọc Lụa, người bị bắt đưa về trụ sở Công an Phường Bến Nghé hôm17/6/2018: “Những người bị đưa vào, trên mặt họ đều có máu. Chúng tôi ở phía ngoài, còn người ở bên trong khi bị đánh kêu lên ‘Cứu tôi với, công an đánh tôi’. Tôi cảm thấy họ đánh rất đau nên tôi nói với họ “Đừng đánh anh đó nữa; đó là người anh em của chúng tôi chứ không phải người Trung Quốc đâu mà đánh”. Chúng tôi đứng lên yêu cầu đừng đánh thì họ dùng dui cui đánh và nói “Ngồi xuống, tụi bây chống phá hả”. Theo ước lượng chưa đầy đủ thì có đến 127 người bị bắt, bị giam giữ hoặc hoặc có nguy cơ bị bắt giam giữ sau khi tham gia biểu tình hồi tháng 6 năm 2018, trong số đó, đã có 92 người bị tuyên án tù. Run sợ trước cơn sóng phẫn nộ của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có những đảng viên, những cựu chiến binh, Trọng và bộ sậu của ông ta phải huỷ vô thời hạn cái dự luật “đặc khu” đáng xấu hổ mà thực chất là luật bán nước “đã được Bộ Chính trị thông qua” như lời Chủ tịch Quốc hội đã vội vã phun ra giữa diễn đàn Quốc hội. Tuy nhiên, cũng vì run sợ mà bộ máy bạo lực càng được tăng cường và hệ thống tuyên truyền dối trá và bịp bợm càng được đẩy tới với nhiều thủ đoạn tệ hại hơn.
Thế mới hiểu tại sao vừa rồi tờ Le Figaro ra ngày 4.6.2019 đã viết “sự kiện Thiên An Môn là một bí mật đau đớn. Những bí mật này đang bị chính quyền Trung Quốc tìm cách xóa tan, “triệt tiêu khỏi ký ức... Những cuộc nổi loạn này không bao giờ tồn tại, cần phải được gạt bỏ ra khỏi sách vở học đường, tẩy sạch trí não, cấm tiệt trên mạng xã hội”. Tờ báo giải thích lý do cần phải làm thế bởi vì, “trong tâm trí các nhà lãnh đạo Trung Quốc, ký ức về Thiên An Môn vẫn luôn tồn tại. Nó đeo bám họ. Nỗi sợ sự sôi sục đòi dân chủ nguy hiểm này đã sản sinh ra sự ám ảnh phải “kiểm soát”. Nỗi ám ảnh đó đã đạt đến đỉnh điểm dưới thời Tập Cận Bình”.
Điều cần nói thêm là nỗi ám ảnh đó không chỉ có trong não trạng của những kẻ đang giữ chặt trong tay bộ máy quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc! Đó cũng là nỗi ám ảnh khủng khiếp của những kẻ đang thao túng quyền lực để duy trì một thể chế toàn trị phản dân chủ ở Việt Nam hôm nay. Và chắc chắn nỗi ám ảnh đó đã đạt đến đỉnh điểm dưới thời Tập Cận Bình cũng chính là nỗi ám ảnh đã đạt đến đỉnh điểm dưới thời “tổng chủ” Nguyễn Phú Trọng, người đồng chí cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa với Tập Hoàng đế.
Học theo Tập, Trọng cũng duy trì một bộ máy bạo lực khổng lồ để trấn áp tàn khốc và một bộ máy tuyên truyền bịp bợm rộng khắp nhằm khuất phục những người đấu tranh chống lại Trung Quốc xâm lược và đòi quyền dân chủ, quyền con người như dẫn chứng vừa nêu ở trên. Không chỉ có thế, nếu ở Trung Quốc, Tập ban hành “Văn kiện Đảng số 9” thì tại Việt Nam, Trọng cũng có “Quy định 102” với những điều cấm kỵ tương tự. Luật “An ninh mạng” ra đời cũng là học đòi Bắc Kinh sử dụng những trang thiết bị công nghệ tối tân để theo dõi từng công dân, trừng phạt mọi chỉ trích nhà nước độc tài.
Theo Reuters, các công ty Internet Trung Quốc cho biết các công cụ phát hiện và chặn nội dung liên quan đến vụ thảm sát ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989 “đạt đến mức độ chính xác chưa từng có” nhờ những ứng dụng cung cấp cho máy tính khả năng học hỏi, nhận dạng giọng nói và hình ảnh. Những thành tựu của công nghệ hiện đại đang được khai thác để phục vụ cho những mưu toan củng cố quyền lực của chế độ độc tài phản dân chủ.
John Sudworth viết trên BBC News, Beijing ngày 4.6.2019 rằng “Điều không thể tranh cãi là đó là khoảnh khắc lực lượng quốc phòng quốc gia lại đóng vai một đội quân xâm lược, tấn công chính người dân của họ trong chính thủ đô của họ. Đó là một bước ngoặt tiếp tục định hình Trung Quốc ngày hôm nay”. Hoàn toàn có thể nhắc lại ý đó khi nói về những gì mà chế độ toàn trị phản dân chủ do Nguyễn Phú Trọng vận dụng vào Việt Nam để định hình một Việt Nam thời Nguyễn Phú Trọng với lời tuyên bố huênh hoang: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Có phải đây là một kỳ tích trong bối cảnh nước ta đứng trước những bề bộn khó khăn và tình hình thế giới có nhiều biến động mạnh mẽ, phức tạp”! (VnExpress 1.2.2019). Chẳng lẽ cái “kỳ tích” đó nằm trong những câu hỏi, hệ luỵ trực tiếp của sự bấn loạn về tinh thần, được đưa ra trong phiên khai mạc hội nghị Trung Ương 10? Chẳng lẽ “kỳ tích” lại được thể hiện trong sự lúng túng ở một “hội nghị cực kỳ quan trọng” nhưng chỉ diễn ra có hai ngày với một nội dung chẳng mấy sáng sủa.
Quả là những gì vừa diễn ra mấy ngày qua đã phần nào lay tỉnh những ai có chút mơ màng về những câu hỏi ỡm ờ và hết sức mập mờ sau một tháng biến dạng của “tổng chủ” tại buổi “toạ triều” khai mạc Hội nghị ấy mà cho rằng “Có lẽ sau cú tai biến nhẹ, đầu óc bác Trọng đã được sắp xếp lại theo đúng trật tự hơn và do đó không còn lú lẫn nhiều như trước, giống như người tái sinh... đã biết thế nào là luật nhân quả, thế nào làm làm điều ác thì phải trả giá, biết rõ tương lai đất nước sẽ không còn độc đảng, không còn khu vực kinh tế nhà nước, không còn chế độ độc tài công an trị... Trong thời gian một tháng chữa bệnh vừa qua, chắc có lẽ đủ để cho ông Trọng hiểu rằng, ông có thể làm một điều gì cuối đời để được ghi dấu ấn trong lịch sử nước nhà. Hy vọng là như thế”.
Không hiểu cái hy vọng ấy có bị vỡ vụn bởi sự xuất hiện trở lại của ngài “tổng chủ” qua hình hài một bài viết được các báo chính thống đăng tải ngày 7.6.2019 với những “kiên định” làm điệp khúc cho nhịp điệu của bài viết: “Kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin... Kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc trong Cương lĩnh, Điều lệ, đường lối, chủ trương của Đảng...kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc, không mơ hồ, dao động, luôn tỉnh táo, cảnh giác với mọi âm mưu lợi dụng việc góp ý để xuyên tạc, chống phá”.
Người ta có thể xốc nách dựng dậy một cơ thể suy nhược bởi bạo bệnh nhưng thật khó để nhồi nhét vào đầu một não trạng nhão nhoét đã đông cứng những giáo điều ngày đêm tụng niệm như một lá bùa hộ mệnh cho sự đổi đời một bước lên quan rồi băng băng trên hoạn lộ để ngất ngưởng trên cái ghế quyền lực cao nhất. Đấy là chưa nói đến cái gọi là sự “liêm khiết” được tạo ra như ở Bắc Kinh người ta từng tạo ra điều ấy cho Tập Cận Bình mà tháng 6 năm 2012 Bloomberg đưa tin gia đình Tập Cận Bình có những thu nhập rất lớn, và đã thận trọng nói thêm: tuy nhiên không có gì liên quan giữa chúng và chức vụ hiện nay của ông, thì rồi sau khi công bố tin này trang mạng của Bloomberg không còn truy cập được ở Trung Quốc nữa. Nhưng rồi khi Tập Cận Bình chuẩn bị mở chiến dịch chống tham nhũng thì báo New York Times lại đưa tin là có bằng chứng cho thấy Tập Cận Bình hối thúc gia đình bán bớt cổ phiếu và bất động sản của chính họ đã có được từ năm 2012 nhằm giảm đi điều tiếng cho ông. Cho nên chẳng lạ khi ông Trọng dứt khoát không “gương mẫu” thực hiện chuyện kê khai tài sản mà công luận đòi hỏi.
Cây ngay đâu sợ chết đứng. Chết ngồi và chết nằm còn đáng sợ hơn nhiều! Phải chăng nên thay vào những lời dự báo đầy mộng mị vừa dẫn ở trên nên nói một cách dung dị lời các cụ ta xưa răn dạy rằng thêm rằng “người có quá khứ quen với sử dụng bạo lực luôn sống trong sợ hãi về quả báo, không nhỡn tiền thì cũng chẳng quá xa đâu”.
Xin nhắc lại rằng, ba năm sau thảm hoạ Thiên An Môn, nhằm xoá đi một ký ức lịch sử về sự kiện đẫm máu nhơ nhớp do lệnh của chính mình, Đặng Tiểu Bình đã đưa ra một bước đi kế tiếp cho người dân Trung Quốc “Hãy làm giàu đi, cần phải lấy cái gì hay của chủ nghĩa tư bản để tạo nên mô hình xã hội chủ nghĩa kiểu Trung Hoa”. Đây là một quyết định có tầm vóc lịch sử cho sự hồi sinh của dân tộc Trung Hoa. Nhưng không vì thế mà vết nhơ lịch sử kia sẽ được quên đi. Cựu giảng viên triết học Thái Sùng Quốc đã vạch rõ câu nói trên còn hàm ý rằng “Hãy câm miệng đi. Một nền tư bản chủ nghĩa và các chương trình tư hữu hóa tuy không nói ra đã được thiết lập. Và Trung Quốc ngày nay mạnh hơn rất nhiều” (RFI 4.6.2019). Đúng là Trung Quốc đã mạnh hơn rất nhiều so với thời Mao. Đặng có công lớn đã đẩy thảm hoạ “đại cách mạng văn hoá vô sản” do Mao phát động nhằm tiêu diệt các đối thủ chính trị của ông ta vào dĩ vãng để “một nền tư bản chủ nghĩa và các chương trình tư hữu hóa tuy không nói ra đã được thiết lập” tạo điều kiện để Trung Quốc vươn lên trở thành một nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới. Tuy nhiên, tội ác của Đặng cho xe tăng chà nát những thanh niên ưu tú nhất của nước Trung Hoa để duy trì bằng được quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc gây nên một thảm hoạ mới thì lịch sử Trung Quốc và ký ức của cả loài người vẫn khắc ghi. Hành động của Đặng là điển hình cho sự tàn ác vô nhân đạo nhất khi quyết giữ bằng được quyền lực thống trị. Đúng là quyền lực tuyệt đối thì sự tha hoá cũng tuyệt đối.
Sự “tuyệt đối” đó đang ngự trị trong đời sống xã hội ta hôm nay. Dù bao bài viết trau chuốt hay những lời rao giảng mùi mẫn vì dân được tung ra nhan nhản cũng không sao che lấp được sự dối trá bịp bợm của những kẻ đang nắm quyền lực trong tay quyết bằng mọi cách duy trì quyền lực đã chiếm được đang quay lưng lại với dân. Rõ ràng là bạo lực chỉ có thể được che đậy với một lời nói dối, và lời nói dối chỉ có thể được duy trì với bạo lực. Những kẻ từng dùng bạo lực làm cứu cánh chắc chắn sẽ phải lấy dối trá làm nguyên tắc. Càng trơ trẽn hơn khi chính kẻ tham quyền cố vị nhất hiện nay mà ai cũng biết, lại dám viết ra thành “nguyên tắc” khi “chuẩn bị phương án nhân sự” là: “Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền...” (Nhân Dân điện tử ngày 6.6.2019).
Khi nói về công lao của Đặng không có nghĩa là không thấy những thủ đoạn vừa trắng trợn vừa nham hiểm được thực thi theo lệnh ông ta đã đầu độc đời sống tinh thần của một xã hội đang bị thao túng bởi chế độ toàn trị phản dân chủ như thế nào. Hãy chỉ đưa ra đây một ví dụ thật xót xa: một thống kê được công bố cho biết 98% dân chúng Trung Quốc ngày nay không biết gì về vụ thảm sát Thiên An Môn!
Điều đáng buồn hơn là báo Le Monde đưa tin, Sebastian Veg, nhà “Trung Quốc học” đã nhận định rằng “Ba mươi năm sau vụ Thiên An Môn: Những thế hệ trí thức Trung Quốc mới sẽ không đối đầu với chính quyền” (RFI 4.6.2019). Liệu nhận định ấy chính xác đến đâu, nhưng Ngô Nhân Hoa “người lưu giữ ký ức” về Thiên An Môn trong bảy tác phẩm đã xuất bản trong suốt ba thập niên, một sử gia hiện đang sống lưu vong ở Mỹ, người từng bơi dòng nước lạnh 7 độ C giữa bóng tối trên biển suốt hơn 4 tiếng đồng hồ để thoát khỏi lệnh truy nã của nhà cầm quyền, thì khẳng định rằng: “Giới tri thức phải đứng dậy và để xã hội tiếp tục tiến lên, và không thể để xã hội Trung Quốc trở nên lạc hậu và bị kìm hãm chính trị. Nếu trí thức trẻ Trung Quốc không đứng lên vì lợi ích của bản thân, thì Trung Quốc không có hy vọng” (BBC 6.6.2019).
Hoàn toàn đúng với lời khẳng định ấy khi vận dụng vào Việt Nam hôm nay. Cần nói thêm rằng, những gì đã và đang xuất hiện từ cuộc đấu tranh trong ôn hoà và can trường của những trí thức có lương tri và tuổi trẻ giàu sinh lực và đầy sáng tạo những năm qua cho thấy những gì sẽ phải đến đang đến. Và để hiểu rõ hơn điều đó có lẽ cũng cần nhắc lại rằng, người Trung Quốc sáng suốt và đầy bản lĩnh Triệu Tử Dương, người Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có mặt tại Thiên An Môn trong những thời khắc nhạy cảm nhất để tìm cách tránh một cuộc thảm sát nhằm vào những người con ưu tú, những tinh hoa của dân tộc Trung Hoa mà ông biết rõ sẽ xảy ra (ngày 18.5.1989, Triệu Tử Dương được triệu tới nhà của Đặng và một cuộc nhóm họp vội vàng của Ban Thường vụ Bộ Chính trị đã kêu gọi áp đặt thiết quân luật với một phiếu chống duy nhất của chính ông). Vì cái nhìn sáng suốt và đầy trách nhiệm với đất nước ấy mà Triệu Tử Dương đã bị gạt khỏi trọng trách Tổng bí thư và bị quản thúc tại gia trong 15 năm cho đến khi ông mất. Trước khi qua đời, Triệu Tử Dương để lại di chúc: Một chế độ nếu không biết nghe sự thật để thay đổi sẽ bị sụp đổ.
Trong óc tôi thoáng hiện ra hình ảnh Võ Văn Kiệt. Ngày mai, mồng Tám tháng Sáu Âm lịch là ngày Giỗ của ông. Hôm nay, thắp nén nhang trên mộ, tôi hiểu rõ nỗi đau của ông về vận mệnh đất nước đang bị một thế lực chịu sự thao túng của Bắc Kinh lèo lái theo những toan tính nham hiểm và bẩn thỉu của chúng. Trong cố gắng tối đa, ông vẫn cố tìm mọi cách ngăn chặn. Bằng sự nhẫn nại “còn nước còn tát” chỉ còn một chút hy vọng le lói ông vẫn can trường thực hiện. Những cố gắng đến phút cuối của ông Sáu Dân đã là nguồn sức mạnh bất tận cho những đồng chí cương trực của ông, cho những trí thức có lương tri mà sinh thời ông rất trân trọng, cho tuổi trẻ thông minh và sáng tạo mà ông hết lòng tin tưởng. Phải chăng đó là di chúc của ông để lại cho hôm nay, đặc biệt cho những nhân cách tri thức dám thực hiện mong mỏi của ông.
Để kết thúc tôi muốn gợi lại câu chuyện về người trí thức Phan Đình Diệu đúng vào những ngày này cách đây ba mươi năm mà tôi đã có dịp nhắc đến trong Mênh mông thế sự năm ngoái. Dạo ấy, ngày 6.6.1989, Phan Đình Diệu đi dự một Hội nghị toán học tại Ấn Độ. Gặp nhau tại sân bay Băng Cốc, Thái Lan (hồi ấy muốn đi các nước phương Tây chỉ có một cách là đến sân bay Băng Cốc), Diệu hỏi tôi đi đâu, biết là tôi đến Canberra ở Australia dự một Hội thảo về Xã hội học, Diệu nói ngay: “Thế thì phải chuẩn bị đi. Mình đến Ấn Độ về toán thì chắc người ta không hỏi gì đâu, nhưng ông đến Australia dự Hội nghị về Xã hội học thì sẽ bị phỏng vấn đấy. Phải chuẩn bị ngay không thì lúng túng và bị họ ngạc nhiên đấy”. Diệu tránh không nói bị họ khinh.
Tôi đang loay hoay thì chợt nhìn thấy một quan chức ở Bộ Ngoại giao mà tôi có quen biết sơ sơ, bèn túm lấy: “May quá, tôi đang lúng túng”. Tôi thuật lại câu chuyện Diệu vừa nhắc. Anh ta có vẻ ngần ngại nên vừa đi vừa nói: “Thì ông cứ nói là mình không biết, đỡ lôi thôi”. Diệu trừng mắt, níu tôi lại, vừa ngồi trên hàng ghế đợi ở phòng khách sân bay vừa nói: “Thật nhục. Ông hỏi cái lưỡi gỗ ấy làm gì. Một sự kiện chấn động thế giới như vậy mà là nhà xã hội học, ông nói không biết thì còn xã hội học cái nỗi gì. Đừng làm nhục đất nước nhân danh một người làm khoa học”. Rồi Diệu không giấu được sự phẫn nộ trong ánh mắt, trong giọng nói khi thuật lại những điều anh vừa nắm bắt được về cuộc thảm sát. Tay anh run lên chìa cho tôi tờ Bangkok Post anh vừa mua ở quầy sách báo ở sân bay. Đến Canberra, có xe đón tôi về trường Đại học Quốc gia Australia (ANU). Ngay tại Phòng khách, đã có hai phóng viên gặp, bắt tay và tiến hành cuộc phỏng vấn ngay. Nhờ tầm nhìn và sự phẫn nộ của Phan Đình Diệu, tôi được tiếp thêm cảm hứng để trả lời song suốt những câu hỏi của họ mà “không làm nhục đất nước” như Diệu đã nhắc nhở. Nhưng rồi tôi vẫn day dứt với khái niệm “nhục quốc thể”.
Khái niệm “thể diện quốc gia” e cũng có ba bảy đường tuỳ theo “thể diện” và “liêm sỉ” của từng cá nhân. Sự định hình khái niệm ấy tuỳ thuộc vào nhân cách và lợi ích mà có sự định vị khác nhau. Giả dụ như anh bạn mà tôi quen sơ sơ kia mà cứ thẳng thừng như Phan Đình Diệu thì làm sao anh ta có thể leo dần lên những nấc thang quyền lực rất hoành tráng sau đó nhỉ? Đến như “chữ trinh đáng giá ngàn vàng” khiến Thuý Kiệu có mặc cảm “Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa” thì chàng Kim Trọng, để tán tỉnh người yêu cũ đã dẻo mồm mà rao giảng một mạch: “Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường. Có khi biến có khi thường. Có quyền, nào phải một đường chấp kinh!”. Thì chẳng phải cũng để giả vờ khiêm nhường nhằm che đi cái tham vọng quyền lực cháy bỏng mà Trọng “tổng chủ” cũng đã lẩy Kiều “nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn” trong một lần rao giảng về đạo đức đó sao?
Xem thế, thì để bám chặt cái ghế quyền lực gắn liền với lợi ích, người ta có thể vứt bỏ nhân cách, chà đạp lên nhân tính, quay lưng lại với tội ác rồi nhân danh ý thức hệ để định vị khái niệm “quốc thể”, “thể diện cá nhân”, “sự liêm sỉ” của một con người nói chung, một trí thức nói riêng”. Nhưng cũng vì thế mà xã hội này cần biết bao những bản lĩnh và tầm nhìn Phan Đình Diệu. Càng cần biết bao những tầm nhìn và bản lĩnh Võ Văn Kiệt để đưa đất nước không bị đẩy vào những nguy cơ dẫn tới thảm trạng “Thiên An Môn” ở Việt Nam khi đối diện với những thách đố mới hàm chứa trong đó những vận hội mới chưa thâý hết được.
Ngày 09/06/2019.
Tương Lai
Bài về chủ đề Tội phạm-Ác độc: