❤️ Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu
▪ Nguyễn Thị Hậu sinh năm 1958 tại Hà Nội, là tiến sĩ khảo cổ học, được nhiều người biết tới với tên Hậu “khảo cổ”. ▪ Quê quán: Xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang
▪ Tiến sĩ Khảo cổ học, cán bộ nghiên cứu Viện Nghiên cứu xã hội Tp. Hồ Chí Minh
▪ Hiện là Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
Thỉnh thoảng, nhất là vào mùa thi tốt nghiệp phổ thông, tôi hay nhận được câu hỏi muốn tìm hiểu về nghề khảo cổ của tôi. Phần lớn những câu hỏi bắt đầu từ thông tin trên báo chí về những phát hiện khảo cổ học và thường kết thúc bằng những câu hỏi đại khái như trên.
Những câu hỏi như thế luôn làm tôi phải suy nghĩ: Vì sao và từ khi nào chúng ta mặc định rằng, nghề này của nam giới còn nghề kia thì của phụ nữ? Và “khi người ta trẻ” có bị những định kiến xã hội hướng dẫn chọn nghề hay không? Yếu tố nào quyết định khi người trẻ chọn ngành nghề? Và tiền có phải là mục đích “tối cao” khi lựa chọn ngành nghề hay nguyện vọng khả năng của người trẻ mới là động lực chọn nghề? Và, làm thế nào để từ việc chọn nghề trở thành ý thức nghề nghiệp để người trẻ hướng đến suốt cuộc đời họ?
Vào những năm 1970 khi còn học cấp ba, tôi lần lượt thích các ngành khác nhau do mỗi năm học lại thích các môn học khác nhau. Lúc đó chẳng có khái niệm “hướng nghiệp” cũng chẳng có ai tư vấn cho chúng tôi theo con đường nào trong những năm dài phía trước.
Thời chúng tôi, xã hội phổ biến quan niệm “nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, bỏ qua Sư phạm”, nói chung đó là những ngành có nghề cụ thể: bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, giáo viên. Còn trường Tổng hợp không nằm trong top này, lý do đơn giản: các ngành học Tổng hợp ra thường làm nghiên cứu khoa học, sáng tác (nhà văn, nhà thơ), phiên dịch (ngoại ngữ)… Những công việc mà nhiều người không - hiểu - là - nghề gì?
Người ta còn hay khuyên: con gái học Y, Dược hay Sư phạm thì phù hợp, bởi vì sau này có chồng thì các nghề ấy có lợi cho việc chăm sóc con cái, gia đình. Nhiều gia đình “cha truyền con nối” cùng làm một nghề, trong đó có nghề đặc thù như nghệ thuật thì con cái từ nhỏ đã theo học các trường chuyên môn như trường âm nhạc, sân khấu.
Mọi việc dường như đơn giản hơn bây giờ. Có lẽ vì mức sống của cả xã hội hầu như không có sự chênh lệch lớn giữa các ngành nghề, tuy có những nghề - theo truyền thống - được trọng vọng hơn như bác sĩ, giáo viên. Học xong đại học hầu như đều vào làm cơ quan nhà nước. Xã hội với nền kinh tế bao cấp, thương nghiệp quốc doanh nắm hầu bao mọi gia đình, nhà ai có “cô mậu dịch viên” thì… hàng xóm kính nể vì mua được hàng hoá khan hiếm, vì có thể nhờ vả khi khó khăn. Thế nhưng, nghề “mậu dịch” thì không đâu dạy cả, cũng chẳng cần trình độ văn hoá cao, chỉ có quen biết mới xin xỏ được vào làm ở cửa hàng bách hoá hay cửa hàng thực phẩm.
Từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX đến nay, cơ cấu kinh tế xã hội đã thay đổi. Kinh tế tư nhân phát triển, các ngành nghề dịch vụ, nhiều nghề mới xuất hiện… Nhu cầu xã hội thay đổi nhanh nhưng việc đào tạo ngành nghề thì thay đổi chậm. Rồi ào ào các trường có thêm những ngành mới: luật sư, maketing, tin học. Rồi hàng loạt trường mới ra đời: ngân hàng, ngoại ngữ tin học, ngoại thương, du lịch… Rồi con cái gia đình khá giả ùn ùn đi nước ngoài học về thời trang, quản lý nhà hàng khách sạn, truyền thông… Toàn những ngành/ nghề HOT nên HÚT các bạn trẻ lao vào học.
Mục tiêu đầu tiên và rất rõ ràng: học những ngành dễ kiếm tiền, không quan trọng sẽ làm việc trong hay ngoài nhà nước. Rồi mục tiêu ở mức cao hơn: học để mở công ty hay để tiếp tục quản lý công ty của gia đình; học để làm cho công ty nước ngoài hay ở lại nước ngoài làm việc. Học những ngành có thu nhập cao lúc này phần lớn là những ngành kinh tế.
Những mục tiêu này khiến các bạn trẻ phải nỗ lực nhiều hơn trong học tập vì phải có kiến thức thật sự của mình, phải giỏi ngoại ngữ (yếu điểm của thế hệ trước), giỏi về những kỹ năng sống. Các bạn phải năng động hơn, bản lĩnh hơn vì trước mắt là môi trường cạnh tranh về công việc. Và nhiều bạn đã thành công do kịp thời thích ứng và đáp ứng môi trường sống mới.
Những mục tiêu này cũng khiến nhiều bạn trẻ luôn bị sức ép từ sự kỳ vọng của gia đình, người thân, việc “chạy sô” học thêm từ thời phổ thông đến những năm đại học, chưa kể phải đi làm thêm lấy tiền trang trải cuộc sống, lấy kinh nghiệm để có thể dễ dàng hơn chút khi đi xin việc. Cũng từ lúc này việc phân biệt nam nữ với ngành nghề đã có sự thay đổi, nữ có khả năng kiếm việc làm nhiều hơn trước, thậm chí nhiều nghề chỉ tuyển “nữ có ngoại hình”.
Từ nhiều năm nay, những ngành xã hội nhân văn, kể cả sư phạm, bị xếp vào cuối bảng lựa chọn, nguyên nhân đơn giản: khó xin việc làm, mà có việc thì lương thấp, lương thấp… thì khó sống, khó lập gia đình, khó thăng tiến… nói chung là khó đủ thứ. Thậm chí, bạn trẻ nào muốn học những ngành này cũng… khó ăn khó nói với gia đình, với bạn bè.
Tóm lại, tuy có “hướng nghiệp” nhưng vẫn là “hướng” các bạn trẻ vào những “nghiệp” từ nhu cầu xã hội, từ nhu cầu vật chất của cuộc sống. Mặc nhiên cả xã hội, nhà trường, gia đình đều coi “kiếm tiền” là quan trọng nhất của việc chọn ngành nghề, tuy rằng luôn dạy các em hô những khẩu hiệu đầy vẻ giáo dục lý tưởng. Sở thích cá nhân, năng lực bẩm sinh, xu hướng tự nhiên… của mỗi con người hầu như bị bỏ qua, không được tôn trọng. Đây chính là một di chứng của xã hội “bao cấp” chỉ thấy đám đông mà không biết từng cá nhân.
Cá tính, sở trường cá nhân không có điều kiện vận dụng vào nghề nghiệp vì không được phát hiện, có khi còn phải quên đi, dẹp bỏ vì phải sống cho người khác. Không hiểu sao tôi liên tưởng đến những em bé bẩm sinh thuận tay trái luôn bị người lớn gò ép sử dụng tay phải “như mọi người”, một sự cưỡng ép tưởng là mang lại điều tốt nhưng thật ra là “giết chết” sự riêng biệt độc đáo của mỗi người.
Quay trở lại chuyện nghề của tôi. Khi nghe câu hỏi trên, tôi thật tình trả lời:
Nghề nào cũng có những đặc thù riêng. Hầu hết những người theo nghề khảo cổ, nam hay nữ, đều do yêu thích công việc này, và khi đã theo nghề rồi thì quen dần và chấp nhận những khó khăn vì đó là “nghiệp” của mình. Nhưng không thể phủ nhận, làm nghề nào cũng cần có tố chất phù hợp nghề đó. Với nghề khảo cổ là sự say mê những chuyến đi, tỉ mỉ và tinh tế trong công việc, cần có tính đồng đội cao bên cạnh trách nhiệm cá nhân.
➥ Theo Ts Nguyễn Thị Hậu, khảo cổ là một ngành học rất thú vị vì được đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều.
Nếu bạn nào thích nghề khảo cổ thì cứ theo học đi, đây là một ngành học rất thú vị! Thú vị vì được đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều. Ông bà mình đã dạy “đi một ngày đàng học một sàng khôn” mà. Riêng các bạn nữ thì yên tâm, phụ nữ làm khảo cổ không ai lo lắng vì chuyện “ế chồng” cả, và thực tế hầu như đều có gia đình. Đừng nghĩ khảo cổ là lúc nào cũng bụi bặm xấu xí. Tuy có vất vả thật đấy nhưng các bạn nữ làm khảo cổ vẫn “điệu” và rất nữ tính, tất nhiên không phải “điệu” lúc đang ở công trường khai quật.
Khuyên ai theo một nghề nào đó giống như mình đang “làm mai làm mối” vậy. Tôi không cho rằng một công việc hấp dẫn là công việc nhàn nhã hay kiếm được nhiều tiền. Quan trọng là các bạn hãy tự hỏi mình yêu thích nghề nào, vì sao? Mỗi nghề có sự hấp dẫn riêng cũng như khó khăn riêng, nếu thích thú thì cứ làm và đừng nghĩ, đừng cho rằng mình phải “hy sinh” vì nghề nghiệp. Cũng như khi kết hôn với người mình yêu đâu ai gọi đó là “hy sinh”, phải không?
Nghề nào cũng vậy, nếu mình làm tốt công việc dù nhỏ thì mình đã “được” thêm nhiều thứ: thỏa mãn sự ham mê, có thêm kiến thức, thêm hiểu biết, cuộc sống sẽ phong phú hơn, và quan trọng nhất là được sống với khả năng, nguyện vọng và sự đam mê của chính mình.
Nguyễn Thị Hậu (theo Khám phá)
Bài về chủ đề Gương sống: