➥ Lưu Hiểu Ba khi còn tự do (ảnh do gia đình nhà ly khai cung cấp không ghi ngày chụp)
Sự kiện thời sự trên trang nhất các báo Pháp là Cúp bóng đá nữ thế giới lần đầu tiên tổ chức tại Pháp, hôm nay 07/06/2019 khai cuộc. Báo chí Pháp đều dành rất nhiều bài cho sự kiện cũng như cho đội tuyển bóng đá nữ của Pháp. Bên cạnh đó chủ đề châu Á mà tâm điểm là Trung Quốc vẫn được các báo Pháp chú ý.
Nhật báo Le Monde, có bài viết “câu chuyện của một nước Trung Quốc vĩ đại” của cây viết Alain Frachon. Đó là câu chuyện của của nhà ly khai nổi tiếng Lưu Hiểu Ba với đảng Cộng Sản Trung Quốc mà tác giả gọi đó là “mảng tối trong thành công của Trung Quốc 30 năm qua. Cái mặt tối đó là một phần không tách rời của đất nước đang vươn lên thành cường quốc lớn nhất thế giới. Đó là câu chuyện của một sự đối đầu không cân sức”.
Không cân sức bởi vì: một bên là Lưu Hiểu Ba, một người ôn hòa, tôn trọng pháp luật, một nhà bảo vệ kiên định các quyền tự do của người dân. Còn bên kia là đảng Cộng Sản Trung Quốc, với 85 triệu đảng viên, nắm giữ cả bộ máy Nhà nước, kiên quyết giữ độc quyền lãnh đạo.
Cuối cùng đảng Cộng Sản Trung Quốc thắng. Thế nhưng, theo tác giả bài báo, chỉ nhắc riêng đến cái tên Lưu Hiểu Ba cũng luôn khiến chính quyền Trung Quốc lo sợ. Cái tên Lưu Hiểu Ba còn liên quan đến sự kiện Thiên An Môn ngày 04/06/1989, khi quân đội đàn áp đẫm máu cuộc tập hợp đòi dân chủ. “Cả bộ máy chính trị Bắc Kinh đã huy động tất cả để xóa cái tên Lưu Hiểu Ba và cuộc biểu tình kia trong hồi ức của người dân trong nước”.
Tác giả đặt câu hỏi: Vậy thì tại sao lại có nỗi sợ quá khứ đó? Ác quỷ nào ám ảnh “con rồng” về đêm? Một phần câu trả lời nằm trong bộ phim tài liệu và cuốn sách của nhà báo Pháp Pierre Haski có tiêu đề “Người đã thách thức Bắc Kinh”.
Lưu Hiểu Ba sinh năm 1955 trong một gia đình Mao-ít, trở thành giảng viên đại học giảng dạy văn học ở Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Ông nhanh chóng trở thành một trí thức được mến mộ ở Bắc Kinh. Mùa xuân năm 1989, Lưu Hiểu Ba đang ở Hoa Kỳ thì nổ ra phong trào biểu tình ôn hòa đòi dân chủ của sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn. Ông Lưu có thể ở lại New York, nhưng ông không làm thế mà trở về với cuộc đấu tranh của giới trẻ Trung Quốc.
Khi chính quyền quyết định dìm cuộc biểu tình Thiên An Môn trong bể máu, cuộc đời của vị giáo sư văn chương đã đảo lộn hoàn toàn, Lưu trở thành nhà ly khai thực thụ: liên tục bị bắt giam, bị cấm dạy học xuất bản sách.
Ông là một trong những người soạn thảo ra bản Hiến chương 08 năm 2008, phác thảo lộ trình dân chủ hóa đất nước. Dưới con mắt của chính quyền, ông đã phạm trọng tội vì bản Hiến chương 08 đã thu hút được sự ủng hộ rộng rãi, trong đó có cả những nhân vật trong giới cầm quyền. Hơn nữa bản Hiến chương chủ trương nền dân chủ kiểu phương Tây. Điều chế độ Bắc Kinh sợ là ý tưởng phương Tây sẽ dẫn đến kịch bản ác mộng như Gorbachev đã làm với Liên Xô.
Bài báo của Le Monde nhận định: “Đảng Cộng Sản Trung Quốc coi mình là lá chắn duy nhất trước những gì đã khiến Trung Quốc bị suy yếu, hạ thấp trong quá khứ là: bên trong chia rẽ và bên ngoài yếu kém. Cuộc đấu tranh chính trị giờ đây ở Trung Quốc là cuộc đấu tranh với tư tưởng phương Tây đe dọa sự độc tôn quyền lực của đảng”.
Tác giả kết luận, câu chuyện cuốn sách trên đặt ra một câu hỏi chủ chốt: Liệu Trung Quốc có thể mở rộng cửa lâu dài ra bên ngoài mà vẫn tồn tại một hệ thống chính trị đóng kín ở trong nước?
◪ Đối mặt với Trung Quốc: Phải có chính sách dài hơi?
Vẫn liên quan đến Trung Quốc, nhật báo kinh tế Les Echos đặt câu hỏi: “Làm thế nào tìm được câu trả lời đúng trước Trung Quốc”.
Giờ đây cả thế giới đang đối mặt với một nước Trung Quốc gian lận, bảo hộ ngành công nghiệp của họ, cản trở các công ty nước ngoài và đánh cắp bản quyền trí tuệ. Vấn đề còn lại là phải tìm được một đối sách chính trị đúng để ngăn chặn Trung Quốc.
Les Echos khẳng định, người ta có thể bàn luận để hiểu có phải Donald Trump đang thực thi một chính sách thất thường hay, ông ta chỉ chăm chăm vào việc dựng hàng rào thuế quan quanh nước Mỹ. Nhưng có một điều tất cả đều phải nhất trí thừa nhận đó là Ông Trump đã khiến châu Âu chấm dứt cái nhìn ngây thơ với Trung Quốc từ khi nước này gia nhập tổ chức Thương Mại Thế Giới 2001.
Với giấc mơ trở thành thành một đại cường số 1 thế giới, Trung Quốc của ông Tập Cận Bình có cả một kế hoạch “Trung Quốc 2025”. Phương Tây muốn ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Tổng thống Donald Trump phản ứng mạnh mẽ nhưng liệu có hiệu quả không nếu chỉ tập trung vào thuế quan, phong tỏa như đang làm với Hoa Vi. Les Echos phân tích: Với cử tri, ông Trump chứng minh được mình là “một tống thống bảo vệ công nhân Mỹ, giữ lời hứa và chính sách bề mặt này có thể sẽ giúp ông tái đắc cử năm tới. Về chiều sâu, chính sách bảo hộ khiến người tiêu dùng Mỹ phải trả giá rất đắt….và nhất là chủ trương đó dẫn đến một cuộc chiến tranh lạnh mới mà ông Trump đang dẫn dắt một cách tồi tệ nhất”.
Câu hỏi đặt ra là tổng thống Mỹ có “Kế hoạch 2025” không? Ông có tin rằng các bức tường (thuế quan) dựng lên và trừng phạt sẽ làm suy yếu nền kinh tế và cả chế độ Trung Quốc? Tờ báo khẳng định: Chính sách như vậy phần lớn đều phản tác dụng chỉ làm các chế độ mà ông muốn hạ gục mạnh thêm.
Theo Les Echos, vấn đề chính là phải có một chính sách lâu dài. Tại châu Âu cuộc tranh luận về các đối phó với Trung Quốc vừa mới nổi lên nhưng đã dừng lại vì các khác biệt lợi ích trước mắt. Ý và các nước đông Âu hy vọng tận dụng lòng tốt của Trung Quốc. Đức chỉ chăm chăm nghĩ tới bán được càng nhiều xe BMW ở Mỹ và Trung Quốc. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thấy được thách thức, cũng chỉ hứa hẹn xây dựng một “Châu Âu mạnh”. Nhưng ông đơn độc và không có chính sách dài hơi nào.
Tác giả bài phân tích kết luận, trong các lĩnh vực: Viễn thông, công nghiệp, lao động có chuyên môn, chủ quyền, châu Âu muốn đối phó với Trung Quốc ít ra phải có được phẩm chất của Donald Trump: Ý chí quyết tâm.
◪ Trump – Macron: Bằng mặt nhưng không bằng lòng
Trở lại với hai chủ đề chiếm trang nhất các báo Pháp ra hôm nay. Trước hết là lễ kỷ niệm 75 năm ngày quân đội Mỹ đổ bộ lên Normandie. Le Figaro ghi nhận trên trang nhất: “Trên bãi biển cuộc đổ bộ Macron và Trump thể hiện tình đoàn kết”. Trong khi đó xã luận báo Công giáo dưới tiêu đề “Mối liên minh khôi hài” nhận thấy: Ký ức cuộc tấn công quân sự phi thường và sự hy sinh của các binh sĩ Mỹ để giải phóng lục địa châu Âu khỏi phát xít Đức có tác dụng giảm bớt rạn vỡ, giờ đang chia rẽ các đồng minh trong quá khứ.
Từng là đồng minh quan trọng của nhau nhưng tổng thống Mỹ Donald Trump giờ coi châu Âu như là một đối thủ kinh tế, ông đe dọa tuyên chiến thương mại, tìm cách chia rẽ Pháp-Đức ủng hộ Brexit.
Ông Trump đã rút Mỹ ra khỏi Hiệp định khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran, tỏ bất cần Liên Hiệp Quốc cũng như Tổ chức Thương mại Thế giới.
Dưới sự lãnh đạo của ông, Hoa Kỳ không muốn đóng vai trò là người sắp đặt thế giới nữa, chỉ tập trung vào lợi ích trước mắt của mình. Cuối cùng La Croix khẳng định hài hước: “Với những người bạn như vậy, còn ai cần đến kẻ thù”.
◪ Bóng đá nữ: Cuộc chinh phục bình đẳng
Về sự kiện lớn Cúp bóng đá nữ thế giới khai cuộc hôm nay tại sân Parc des Princes- Paris, đây cũng là lần đầu tiên Pháp đón ngày hội bóng đá của các nữ cầu thủ thế giới, nhật báo Libération dành toàn bộ trang bìa và 7 trang trong để giới thiệu về sự kiện và về môn bóng đá của phái đẹp.
Đáng chú ý là bài xã luận tờ báo mang tiêu đề “chinh phục”. Libération đặt câu hỏi: “Phụ nữ trong thi đấu thể thao? Họ đã có mặt từ bao năm nay rồi. Đã có các nhà vô địch nữ tennis, đua thuyền buồm, điền kinh, chẳng kém cạnh gì với nam giới. Chỉ có điều các định kiến về các vận động viên nữ vẫn tồn tại trong nhiều môn thể thao, nhất là bóng đá”.
Xã luận Libération viết tiếp: “Bóng đá, môn thể thao vua để các hoàng hậu của mình ở phía sau. Nhưng giờ đây công chúng đã bắt đầu biết đến những nữ cầu thủ giỏi nhất và khán giả bắt đầu đông đảo đến sân vận động xem các trận đấu của nữ. Truyền hình cũng bắt đầu quan tâm do các nhà tài trợ cũng đã để ý đến các nữ cầu thủ. Nhưng các sự bất bình đẳng giữa các bóng đá nữ và nam vẫn còn quá lớn về mọi mặt. Cuộc chinh phục của các nữ cầu thủ mới chỉ bắt đầu”.
Anh Vũ (theo RFI).
Bài về chủ đề Khai trí: