Bức ảnh mờ nhòe vì chụp vội bằng điện thoại. Không bật flash nên thiếu sáng, nó vẫn đang được lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội. Ảnh được cho là chụp Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Alibaba ngồi một mình, cô độc trong một quán cà phê nhỏ lúc 21h30 tối nay. Nghĩa là, không như nhiều bản tin trước đó được phát đi trên các báo, Luyện vẫn chưa bị bắt. Trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an cũng chỉ khẳng định là đã khởi tố, bắt Nguyễn Thái Lĩnh, Tổng Giám đốc Alibaba, em trai Luyện, không nói gì đến chuyện bắt Luyện.
Bắt hay chưa không quan trọng lắm. Là Chủ tịch HĐQT của Alibaba, tất nhiên Nguyễn Thái Luyện không thể tránh khỏi việc chịu trách nhiệm chính trong hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của tập đoàn này. Chưa bắt thì Luyện cũng đã bị giám sát đặc biệt. Vụ án đã khởi tố, bắt khi nào chỉ là vấn đề thời điểm. Là người quản lý vốn, không trực tiếp điều hành, Luyện chịu trách nhiệm gián tiếp nên chưa bị bắt trong chiều nay như em ruột làm CEO của tập đoàn, chịu trách nhiệm trực tiếp điều hành chuỗi hoạt động phạm tội. Nhưng cơ hội thoát hẳn thì không. Án hình sự chỉ truy xét bản chất hành vi, bản chất trách nhiệm, bản chất liên quan, không chỉ ghi nhận tồn tại thực tế như án dân sự.
Nhưng với truyền thông, bắt hay chưa bắt là cả một vấn đề. Ngoài chuyện một số tờ báo đưa tin sớm bị hố, câu chuyện sẽ còn gây nhiều tranh cãi. Tôi tin rằng, CQĐT đã tính toán trước đầy đủ về điều này. Quyết định chưa bắt, không kèm giải thích, để mặc cho báo chí và dư luận bàn tán không phải vô tình mà hoàn toàn có mục đích.
Luyện không phải dạng vừa, nếu không nói là rất giỏi. Tay không bắt giặc, Luyện đã nghĩ ra, tổ chức, chỉ đạo hàng ngàn nhân viên Alibaba lách qua nguyên tắc “người dân được làm những gì pháp luật không cấm” để bán cái mà mình không có. Luyện trở thành trùm địa ốc, dù khởi thủy đất không một tấc. Luyện biết cách biến đất đai của người khác thành một món hàng buôn bán đa cấp, biến cổ đông thành nhân viên, đồng thời cũng là khách hàng thứ cấp kiêm... nạn nhân của chính Luyện. Vì sự lách luật này, bị cáo giác từ lâu nhưng suốt một thời gian dài, Luyện vẫn buộc chân được nhân viên - cổ đông - nạn nhân của mình lại chung trên một con thuyền đã thủng đáy. Luật pháp muốn xử lý Luyện và Alibaba cũng không đơn giản là chuyện một sớm một chiều.
Nhưng kẻ có tài cũng đầy điểm yếu. Luyện mang sẵn sự ngạo mạn dốt nát của một kẻ thông minh nhưng đầy tính chụp giựt, cơ hội. Ngay cả khi nước ngập đến cổ, gã này vẫn sẽ không quên hô khẩu hiệu. Chưa bị bắt, chắc chắn Luyện sẽ không "bỏ qua" chuyện báo chí dám bảo anh ta đã bị bắt. Luyện, với tính cách cà cuống chết đến đít còn cay, chắc chắn sẽ phản đòn về mặt truyền thông. Luyện chưa làm, nhưng nhân viên Alibaba - được huấn luyện, dặn dò trước - thì đã. Ngay chiều nay, trên các kênh cá nhân, những cú "strike - back" đã được nhận viên của Luyện tung ra vô tội vạ. Tài khoản Hương Đặng Alibaba gọi vụ vây ráp, khám xét là để "Cơ quan điều tra trao đổi trực tiếp" với anh em Luyện - Lĩnh; cả trăm CSCĐ vây vòng trong vòng ngoài chỉ nhằm "để điều phối an ninh trật tự", "để bảo đảm buổi làm việc diễn ra suôn sẻ, đạt kết qua như mong đợi...". Tóm lại, bảo bắt Luyện là vu khống, là đưa tin sai, tin giả, gây hoang mang dư luận. Báo nào đã lỡ thì lo mà đính chính, xin lỗi đi, may ra Nguyễn Thái Luyện sẽ... bỏ qua cho!
Tất nhiên, báo chí, với thói quen cố chấp và chẳng cần biết thận trọng là gì, lỡ có việt vị cũng không bao giờ chịu thua đến mức phải hạ mình. Ngày mai, chỉ ngay ngày mai thôi, hàng loạt tờ báo sẽ nhanh chóng tung ra hàng đống lập luận, bằng chứng phạm pháp của Alibaba, tất nhiên hàm ý buộc Nguyễn Thái Luyện phải chịu trách nhiệm trước luật pháp. Lần này thì cả lý lẫn chứng đều sẽ chính xác và thuyết phục. Theo đó, Luyện có chạy đằng trời.
Đó là điều cơ quan điều tra muốn: để truyền thông tạo dư luận định tội đối tượng trước, CQĐT tiến hành thủ tục tố tụng sau. Công bố lệnh khởi tố nhưng chưa bắt ngay, nhà đầu tư hoang mang sẽ đồng loạt nhảy khỏi xuồng đã thủng, làm đơn tố cáo đối tượng, hy vọng vớt vát lại được một phần tiền. Đó sẽ là nguồn chứng cứ đấu tranh quan trọng. Đồng thời, nó cũng là một cách đánh đòn tinh thần, triệt hạ sự ngông nghênh vốn dĩ của tay cầm đầu tập đoàn có tên đứng trước 40 tên cướp, vốn dĩ trọc đầu nhưng rất cứng đầu.
Cả sự việt vị chiều nay của báo chí, chắc cũng đã được tính đến trong kịch bản.
Đột nhiên, tôi nhận ra gã phóng viên, thằng em cùng cơ quan mà tôi hay chê hấp tấp trở nên thông minh hẳn. Trên tài khoản FB Công Bình, nó viết: "Khi tôi làm cán bộ điều tra ở Bình Dương, tôi nhận thấy một điều, đôi lúc có cả lệnh bắt nhưng chưa thi hành thì tờ giấy đó vẫn chưa có giá trị, đối tượng vẫn còn sờ sờ trước mắt, chưa bị bắt giữ. Do vậy, những gì mình nhìn thấy chưa chắc là sự thật".
Làm báo bây giờ không chỉ phải đối phó nhanh nhạy với thông tin và tội phạm, còn phải cẩn thận "đối phó" với cả CQĐT nữa. Chiều này, anh bạn phóng viên trẻ này cũng đưa tin vụ việc Alibaba. Nhưng cậu ấy là tay hiếm hoi không mắc lỗi việt vị truyền thông.
Nguyễn Lam Hồng
Bài về chủ đề Phóng sự: