Trong thời đại công nghệ có cần đọc sách?

Khi nghiên cứu văn hóa đọc và hoạt động khuyến đọc, tôi thường bị nhiều bạn trẻ (đa số là trẻ) hỏi tôi: “Anh ơi, anh cứ bảo cần đọc sách nhưng bây giờ là thời đại công nghệ rồi cần gì sách, cái gì chẳng tìm thấy trên mạng, sợt cái là ra nhanh gọn thuận tiện?” Cũng có nhiều bạn khác hỏi: “Anh ơi, em thấy thanh niên ở các nước khác như là Nhật, Mỹ cũng ăn chơi đầy rẫy, facebook các bạn ấy cũng chim hoa cá gái đầy có mấy khi nói chuyện xã hội đâu, thế mà xã hội họ vẫn giàu có phát triển đấy chứ, sao các anh cứ phải lo chuyện bọn trẻ chúng em chỉ biết ăn chơi?”.

Source: http://truongdongbacga.edu.vn/web/trang-chu/goc-hoc-tap/trong-thoi-dai-cong-nghe-co-can-doc-sach.html /> Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương trong một buổi nói chuyện về văn hóa đọc.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương trong một buổi nói chuyện về văn hóa đọc.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương trong một buổi nói chuyện về văn hóa đọc.

Khi nghiên cứu văn hóa đọc và hoạt động khuyến đọc, tôi thường bị nhiều bạn trẻ (đa số là trẻ) hỏi tôi: “Anh ơi, anh cứ bảo cần đọc sách nhưng bây giờ là thời đại công nghệ rồi cần gì sách, cái gì chẳng tìm thấy trên mạng, sợt cái là ra nhanh gọn thuận tiện?” Cũng có nhiều bạn khác hỏi: “Anh ơi, em thấy thanh niên ở các nước khác như là Nhật, Mỹ cũng ăn chơi đầy rẫy, facebook các bạn ấy cũng chim hoa cá gái đầy có mấy khi nói chuyện xã hội đâu, thế mà xã hội họ vẫn giàu có phát triển đấy chứ, sao các anh cứ phải lo chuyện bọn trẻ chúng em chỉ biết ăn chơi?”.

Tôi nhẫn nại trả lời hai câu hỏi đó như sau.

Đối với câu hỏi thứ nhất câu trả lời thế này.

◪ 1. Xã hội thông tin với sự phát triển của internet, mạng xã hội và các phương tiện truyền tin khác làm cho số lượng thông tin tăng, không gian biểu đạt rộng mở. Người dân có thể tìm kiếm, tiếp cận thông tin phong phú từ internet dễ dàng. Tuy nhiên sách (bao gồm cả sách giấy, sách điện tử, sách đọc và các dạng thức khác) sẽ vẫn rất quan trọng. Lý do là vì hầu hết các cuốn sách quan trọng đều chưa được số hóa hoặc nằm trong ngôn ngữ khác (bao nhiêu phần trăm người Việt đủ khả năng đọc thông ngoại ngữ cơ bản như Anh, Pháp, Đức, Nga, Nhật, Trung? Kinh nghiệm cho tôi thấy rất nhiều bạn tốt nghiệp đại học ngoại ngữ mà cũng không có thói quen hoặc đọc không ổn lắm sách viết bằng tiếng nước ngoài, nhất là sách chuyên sâu, văn học, triết học…). Vì vậy vai trò của xuất bản truyền thống ở Việt Nam vẫn rất quan trọng và sách vẫn là phương tiện cơ bản để truyền đạt thông tin có hệ thống, có chiều sâu, có trọng tâm và nền tảng. Đa số những người dùng mạng để đọc chủ yếu là đọc tin tức, thông tin giải trí và các văn bản có dung lượng ngắn. Đọc trên màn hình rất khác với đọc trên giấy đặc biệt là sự tập trung, khả năng chìm đắm sâu vào thông tin và đọc…cẩn thận.

Mặt khác, sự phổ biến của công cụ tìm kiếm điện tử làm cho người ta bị ảo tưởng vào internet. Muốn tìm là có khiến người ta chỉ tìm thấy cái mình muốn tìm. Lâu dần người ta chỉ quan tâm và chú ý đến kết quả. Tình trạng và thói quen này làm nghèo nàn vốn văn hóa nền tảng và tư duy vì khi tìm kiếm truyền thống hay đọc sách, người đọc phải quan tâm đến quá trình, đến sự tìm kiếm, suy nghĩ dọc ngang. Trải qua thời gian lối làm việc, suy nghĩ này làm cho họ có bề rộng kiến thức và chiều sâu trong tư duy vì trong qua trình tìm A họ khám phá ra B, C, D và các mối quan hệ giữa chúng, bản chất của chúng. Việc biết các mảnh thông tin rời rạc khi phụ thuộc vào internet dễ là một cái bẫy lừa làm cá nhân ảo tưởng vào sự biết và trí tuệ của mình.

Chốt lại, nên kết hợp cả đọc truyền thống và đọc trên mạng, giữa đọc lấy thông tin và giải trí với đọc sâu, đọc lâu, đọc có hệ thống. Đấy là lý do hệ thống thư viện và sách truyền thống vẫn rất cần thiết. Đối với Việt Nam là vô cùng cần thiết và là vấn đề sống còn trong thời đại toàn cầu hóa khi tài nguyên để bán của việt nam sắp cạn kiệt.

◪ 2. Nếu dân tộc Việt Nam là một dân tộc có vài nghìn năm lịch sử đọc sách và trong mỗi gia đình Việt Nam ít nhất có 5-10 thế hệ có thư viện riêng, đọc sách như cơm ăn nước uống thì thanh niên bây giờ có lười đọc sách, thích chơi điện tử tí chút như thanh niên Mĩ, Nhật thì Việt Nam dẫu không tuyệt vời cũng vẫn ổn trong một khoảng thời gian nhất định (Nhật vẫn ổn chỉ là đang lo lắng nên mới có 5 đạo luật khuyến đọc trong đó có luật chấn hưng văn hóa đọc). Khốn thay, rủi thay, trong suốt 2700 năm lịch sử (tính từ khi có nhà nước-tạm tin thế), người dân Việt Nam nói chung mù chữ trong phần lớn thời gian ấy. Bình tĩnh đi! Nghĩ lại mà xem “bốn ngàn năm văn hiến” chỉ có ý nghĩa truyền thông vì năm 1945 ta mới có 5% dân số biết chữ (trong số đó chỉ có rất ít người đọc thông viết thạo có khả năng đọc sách thông thường, số có khả năng đọc sâu, rộng chỉ rất hiếm hoi và thuộc lớp siêu tinh hoa. Nên nhớ rất nhiều nhà văn nổi tiếng của Việt Nam sinh ra, lớn lên thời kì này chỉ học hết sơ học Pháp Việt hay Cao đẳng tiểu học (THCS bây giờ) mà đã trở thành tầng lớp trí thức hơn vạn người khác. Như vậy lần ngược lịch sử ta thấy thời quân chủ chuyên chế kéo dài ngàn năm ở VN sẽ có rất ít người có khả năng đọc và viết chữ (tầng lớp sĩ). Một nửa dân số là phụ nữ gần như là thất học, mù chữ. Số người có thể biết chữ rất ít nếu không phải là con ông đồ, con quan lại thì cũng là kẻ hầu người hạ trong nhà quyền quý mới có khả năng đọc, viết. Sau này, nhờ phổ cập giáo dục, bình dân học vụ ta có 90% dân số biết chữ nhưng trong số đó số người đọc sách lại rất nhỏ (số liệu công khai gần đây là 0. 8-1 cuốn/người/năm). Cho dù số liệu này không chính xác thì bằng cảm nhận chủ quan ta cũng thấy được tình hình.

Văn hóa đọc gắn bó chặt chẽ với truyền đạt tiếp nhận thông tin, xuất bản, sáng tạo. Nhìn vào nó là thấy khả năng sản xuất thông tin (nội dung) của người Việt kém. Sáng tạo kém là điều tất yếu. Nếu nhìn vào sách người Việt đã viết trước 1919 sẽ thấy sự nghèo nàn trong chủ đề, tư duy và loại hình của nó.

Văn hóa đọc kém cũng đồng nghĩa với giáo dục kém và khả năng tổ chức-hợp tác kém. Đọc cần đến tưởng tượng và tư duy. Đọc cũng cần đến khả năng tập trung và nhẫn nại. Những thứ đó lại là điểm yếu mà cộng đồng người Việt cần khắc phục.

Chốt lại, thế hệ trẻ bây giờ đang phải gánh trên vai di sản lịch sử khá nặng nề của mấy nghìn năm lịch sử và hàng chục thế hệ đi trước. Họ sẽ phải chạy nước rút để kịp và vượt lên các nước khác đã được các thế hệ đi trước ở đó xây đắp nền tảng vô cùng tốt. Đấy là một nan đề.

Đối với câu hỏi thứ hai, thì rất đơn giản.

Trên mạng xã hội họ chim hoa cá gái vì họ có nhiều nơi khác để trình bày các việc nghiêm túc. Nhiều người không quan tâm đến xã hội, giới trẻ ăn chơi nhảy múa nhưng vẫn phát triển vì họ có nền tảng truyền thống quan tâm đến cộng đồng, quốc gia và các thế hệ đi trước đã nỗ lực hết mình. Nước Nhật có ngày nay là nhờ vào thế hệ người Nhật thời Minh Trị Duy tân và thế hệ hậu chiến (nay khoảng 70-80 tuổi). Nhật đang chuyển giao thế hệ. Nếu giới trẻ Nhật nhảy múa 20 năm nữa, Nhật sẽ lâm nguy.

Hơn nữa, đừng võ đoán chủ quan khi chỉ nhìn thấy cái vỏ như thanh niên nước ngoài họ nhảy múa hip-hop, nhuộm tóc, chơi bời mà nghĩ họ bàng quan. Ở không gian khác như trường học, công sở, diễn đàn xã hội họ sẽ trở thành người khác rất sâu sắc và nghiêm túc. Ngoài ra, ở họ cũng có một tầng lớp tinh hoa-trí thức mạnh và rất chuyên nghiệp đảm nhận trọng trách lái và phản biện con tàu xã hội không dễ gì có được.

Chốt lại, Nhật, Mĩ giống một anh địa chủ nhà giàu và lại giàu rất nhiều đời nhà nhiều thóc lúa, cửa nhà kiên cố, lắm sách vở, uy danh sâu đậm còn ta như một anh tá điền chạy ăn từng bữa và khó khăn, nghèo khó nhiều đời. Vì thế, khi so sánh phải luôn ý thức được vấn đề này để thúc đẩy mình tiến lên chứ đừng so sánh để rồi bảo “A, chết chưa, mấy thằng nhà giàu kia cũng có con cái giống mình. So sánh thế là hỏng vì con nhà giàu có thể ngồi chơi vài ngày vẫn có gạo ăn, vẫn có người kính trọng nhờ uy thế ông cha, còn mình mà chơi bời theo là thiên hạ coi thường và đói.”

Có một lợi thế ta hơn Nhật là dân số trẻ, nhiều thanh niên còn Nhật thì đang già hóa. Nếu chuyển được giới trẻ này thành những người tuyệt vời thì về lâu dài Nhật thua chắc.

Đại khái thế!

P.s. Ta hãy kiên nhẫn đọc những dòng sau đây của nhà báo nổi tiếng Nhật Bản Ikegami Akira khuyên các doanh nhân đọc sách.

“Nếu coi hành vi “viết” và “nói” là đầu ra thì đầu vào sẽ là hành vi “đọc”. Để có đầu ra có chất lượng cao thì không thể thiếu được đầu vào.

Những người coi lấy việc viết làm sinh kế như những người gọi là “nhà văn” trên thực tế đa phần là những người đã đọc rất nhiều sách từ khi còn trẻ cho tới bây giờ. Trong số đó không hiếm những người đọc từ 300 đến 500 cuốn.

Khi làm như vậy, họ sẽ hấp thụ được một lượng lớn tri thức và biến nó thành máu thịt của mình. Ngoài ra, họ cũng sẽ học hỏi được về mặt kĩ thuật và đưa nó vào trong tác phẩm của mình.

Đối với các “mồi nhử”, ta cũng có thể nói như thế.

Có phải các bạn khi đọc sách đã từng nghĩ phần mở đầu mới hay làm sao hoặc nếu là mình mình sẽ viết khác với anh ta/cô ta phải không nào?

Tầm quan trọng của đọc sách đối với doanh nhân cũng tương tự.

Để viết được lời văn với năng lực biểu đạt phong phú, giàu sức thuyết phục thì luôn cần phải đọc sách.

Tất nhiên không chỉ có sách mà việc đọc báo, tạp chí và các văn bản liên quan đến thương mại do người khác viết ra cũng quan trọng”.

(Bài viết của Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương trong buổi nói chuyện đầy thú vị với các em học sinh trường Đông Bắc Ga nhằm thúc đẩy văn hóa đọc trong nhà trường.)
Bài về chủ đề Giáo dục:
Về đầu trang