Thấy gì qua sự việc hàng chục chiến sĩ công an Đông Anh biểu tình đòi đất ngày 11-11-2019?
Rằng khi một xã hội luật pháp không nghiêm minh, bộ máy vận hành không trong sạch thì ai cũng có thể có được cái tính từ "oan".
Các anh chị công an trong clip này chắc hẳn sẽ có thái độ khác với những người khác trong ngành khi nhìn hình ảnh những người dân oan mất đất, năm tháng mòn mỏi vật và bên vỉa hè với hy vọng tìm được công lý.
Cảnh này khiến tôi nhớ đến tiêu đề bộ phim "Người giàu cũng khóc". Ở đây "người giàu" lại là những người vốn được xã hội coi như không biết khóc là gì, bởi bình thường các anh chị được hưởng đặc quyền, đặc lợi.
Nhưng giờ đây, các anh chị đã "biết khóc".
Có lẽ các anh chị trong clip so với những đồng nghiệp khác sẽ có thiện cảm hơn với những con người liên tục phản ánh tiêu cực xã hội, liên tục bênh vực người dân thấp cổ bé họng và sẽ không dễ dàng chụp mũ cho họ là "phản động", là "thế lực thù địch".
Một xã hội văn minh tiến bộ nhất định phải là một xã hội đề cao những giá trị về dân chủ, về cơ chế tam quyền phân lập, về sự minh bạch khi vận hành xã hội.
Nếu không đề cao những giá trị ấy thì chỉ có những người nắm quyền lực cao nhất mới không trở thành nạn nhân của lợi ích nhóm, của sự cướp bóc đội lốt chính quyền, dự án nọ kia.
Tôi bỗng nhớ đến câu hát "Em khóc đi em khóc nữa đi em. Khóc để rồi quên một cuộc tình buồn."
Khóc đi các anh chị. Nói thật là 100 triệu của mỗi anh chị không là cái gì so với sự mất mát của người dân đâu.
Khóc đi, nhỏ vài giọt nước mắt để các anh chị biết thương người dân hơn. Để các anh chị sẽ biết trân trọng hơn những giá trị của một xã hội văn minh: công bằng, dân chủ, tự do ngôn luận, tự do báo chí...
100 triệu là cái giá quá rẻ để các anh chị có được một góc nhìn nhân bản hơn, chính xác hơn về xã hội.
Vs. Đoàn Bảo Châu