Bartolo Longo: thầy tế của quỷ, nhưng hoán cải và đã làm thánh! Không bao giờ là quá trễ cho một cuộc trở về…

Đọc tiểu sử các vị thánh, đôi lúc cảm thấy nản. Có thể các vị thánh bất toàn, giống như hết thảy chúng ta, nhưng có lẽ chẳng có vị nào thực sự lỗi tội như đám người chúng ta bây giờ. Ngay cả “dân chơi” hay được nhắc đến là thánh Augustine cũng chỉ là hạng xoàng nếu so với “chuẩn” ăn chơi bây giờ. Chúng ta dễ dàng có những quyết định, những chọn lựa để rồi sau này phải hối tiếc. Nên chăng, tôi sẽ giới thiệu chân phước Bartolo Longo? Bartolo Longo: tư tế của quỷ, nhưng hoán cải và đã làm thánh! Không bao giờ là quá trễ cho một cuộc trở về...
Bartolo Longo: tư tế của quỷ, nhưng hoán cải và đã làm thánh! Không bao giờ là quá trễ cho một cuộc trở về...

Ông đã đến cùng Đức Mẹ mà than van khóc lóc tha thiết, kiên trì... đến độ đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã gọi ngài là “vị thánh của Đức Mẹ”.

Đọc tiểu sử các vị thánh, đôi lúc cảm thấy nản. Có thể các vị thánh bất toàn, giống như hết thảy chúng ta, nhưng có lẽ chẳng có vị nào thực sự lỗi tội như đám người chúng ta bây giờ. Ngay cả “dân chơi” hay được nhắc đến là thánh Augustine cũng chỉ là hạng xoàng nếu so với “chuẩn” ăn chơi bây giờ. Chúng ta dễ dàng có những quyết định, những chọn lựa để rồi sau này phải hối tiếc.

Nên chăng, tôi sẽ giới thiệu chân phước Bartolo Longo?

Giống như nhiều vị thánh khác, chân phước Bartolo được nuôi dưỡng trong bầu khí gia đình Công giáo đạo đức. Không giống đa phần các vị thánh khác, chân phước Bartolo đã có 20 năm làm thầy tế của quỷ dữ.

Sinh năm 1841, Bartolo Longo mồ côi mẹ khi ngài mới 10 tuổi. Kể từ đó, càng thêm tuổi, ngài càng xa rời đức tin Công giáo. Khi bắt đầu việc học đại học tại Naples, tại chính ngôi trường mà thánh Thomas Aquinas đã từng theo học, ngài hào hứng theo đuổi việc học tại một ngôi trường thế tục. Kể từ hồi giữa thế kỷ XIX, điều này đồng nghĩa với chủ trương bài giáo sĩ (anti-clericalism), vô thần, và rốt cuộc là mê tín ma thuật.

Bartolo bắt đầu dự các buổi ngồi đồng, chơi ma tuý, thậm chí là thác loạn. Ngài dụ dỗ người ta xa rời đức tin Công giáo, công khai phỉ báng Giáo hội mà ngài đã từng thuộc về một thời niên thiếu. Chẳng mấy chốc, chàng luật sư mới ra trường đã được “thụ phong” để làm thầy tế của quỷ (priest of Satan). Khi “thượng tư tế” của quỷ (Satanic bishop) rống lên những lời báng bổ, các bức tường của căn phòng rung lắc, và những tiếng la hét quái dị không biết từ đâu khiến cho những người tham dự khiếp hãi.

Chẳng mấy chốc, Bartolo phát hiện mình bị ảo giác và trầm cảm, chạm tới ranh giới điên loạn. Khi Bartolo theo đuổi các thực hành của quỷ, gia đình của ngài cầu nguyện.

Giống như với thánh Augustine, những lời cầu nguyện bền bỉ của những người thân của Bartolo, rốt cuộc đã phá đổ bức tường oán hận và tội lỗi mà Bartolo đã tự xây lên để vây khốn mình. Đêm kia, ngài nghe thấy tiếng la của người cha đã khuất của mình, “Hãy trở về với Chúa mau!”

Hoảng sợ, Bartolo đến cùng giáo sư Vincenzo Pepe, một người bạn sống cận kề. Khi Pepe thấy Bartolo đã hoá ra quái gở thế nào, ông đã phải khóc mà than rằng, “Mày muốn chết vùi trong trại thương điên và bị đoạ xuống hoả ngục muôn kiếp hay sao?” (Nói thế Pepe không có ý bảo, Bartolo sẽ bị đoạ vì sự điên loạn, nhưng là thế này, những chọn lựa tội lỗi tai hại được đưa ra lúc tỉnh táo, chắc chắn sẽ đẩy ông tới chỗ khùng điên và trầm luân muôn kiếp.) Pepe đã can đảm chỉ ra cho người bạn của mình thấy mối nguy, việc ấy đã giúp đập tan những phòng vệ, bao biện, và sau đó không lâu, Bartolo đã đồng ý đến gặp cha Alberto Radente, một linh mục dòng Đa Minh.

Cha Alberto từng chút từng chút một, tác động, trợ giúp cho chàng luật sư trẻ tuổi này, khích lệ chàng trai xưng tội. Sau một tuần được hướng dẫn tâm linh, Bartolo được chính thức xá tội, và khởi đầu việc khuyến dụ người ta trở lại với Đức Kitô. Ngài vào các quán xá, các bữa tiệc tùng của sinh viên, lên án các thực hành ma thuật quái quỷ. Ngài phục vụ những anh chị em nghèo khổ, hướng dẫn những người bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề; sau 6 năm thực hiện những công việc như thế, ngài đã tuyên khấn trong Dòng Ba Đa Minh, đúng ngày Lễ Đức Mẹ Mân Côi.

Sau đó, khi đã được thanh tẩy được thánh hiến, Bartolo còn “dự đồng” thêm một lần nữa. Ngài bước vào, tay cầm chuỗi Mân Côi, lớn tiếng tuyên bố, “Tôi tuyên bố từ bỏ thuật chiêu hồn, vì nó là trò hề, là mê cung của những sai lầm tai hại.”

Thế nhưng, dầu đã được xá tội, thì cũng giống như hầu hết chúng ta, chân phước Bartolo vẫn phải vật lộn khó khăn với những ký ức của mình. Ngài cảm thấy bất xứng trước hồng ân tha thứ của Thiên Chúa, thấy rằng mình mãi mãi uế nhơ, vĩnh viễn bị hoen ố vì những tội lỗi của mình. Ngày kia, khi đang thâu tiền thuê mướn từ những người nông dân nghèo khổ quanh vùng Pompeii, Bartolo bắt đầu suy nghĩ nung nấu về quãng đời trước đây của mình.

“Dù tôi đã ăn năn hối cải, tôi vẫn thấy rằng: tôi vẫn còn bị Satan chi phối, tôi vẫn còn thuộc về Satan, tôi vẫn còn là nô lệ cho nó, nó vẫn chờ tôi dưới hoả ngục kia. Khi tôi nghĩ về tình trạng của mình, tôi bị ngã lòng, và suýt nữa thì tự vẫn.”

Trong khoảnh khắc ấy, Bartolo chợt nhớ lại chuỗi Mân Côi mà chàng vẫn lần thuở thiếu thời, nhớ tới tình yêu của Đức Mẹ. Chàng thấy như Đức Mẹ bảo với chàng rằng, đường dẫn về Thiên đàng của chàng được mở ra nhờ việc hướng dẫn, chỉ bảo cho người khác việc lần chuỗi Mân Côi.

Bartolo chuyển tới Pompeii, tại đây, chàng lập các nhóm Mân Côi, tổ chức các buổi rước kiệu kính Đức Mẹ, và bắt đầu muốn xây một thánh đường kính Đức Mẹ Mân Côi. Công việc ấy được tài trợ bởi nữ bá tước Fusco. Hai người cộng tác một cách chặt chẽ, gần gũi đến độ có những đồn thổi về mối quan hệ giữa họ. Mặc dù Bartolo đã có lời khấn tư giữ đức khiết tịnh, đức Lêô XIII vẫn khuyên chàng cưới vị nữ bá tước, để công việc được thuận lợi hơn; thế là hai người lập gia đình với nhau nhưng sống với nhau như những người bạn, và họ tiếp tục phục vụ những người nghèo khổ.

Trong hơn 50 năm, Bartolo rao giảng, truyền bá kinh Mân Côi, xây dựng nhiều trường học cho người nghèo, lập các cô nhi viện nuôi dưỡng con cái của các phạm nhân, thay đổi thành phố từ chỗ là một thành phố của sự chết trở thành một thành phố được dâng hiến cho Mẹ Thiên Chúa Hằng Sống. Trong lễ tuyên thánh của ngài, đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II, có lẽ là vị giáo hoàng có lòng kính mến Đức Mẹ nhất kể từ thánh Phêrô, đã tuyên bố chân phước Bartolo Longo là “vị thánh của Đức Mẹ”.

Chân phước Bartolo Longo một thời, từng là thầy tế đáng kinh tởm, thác loạn, báng bổ của quỷ dữ. Thế nhưng gia tài ngài để lại là: thánh thiện, được phong thánh sớm.

Bartolo Longo: tư tế của quỷ, nhưng hoán cải và đã làm thánh! Không bao giờ là quá trễ cho một cuộc trở về...

Ngày 05 Tháng Mười vừa rồi, là ngày lễ kính ngài, chúng ta hãy xin ngài chuyển cầu cho hết thảy những ai, tự cho rằng, mình vô vọng, nghĩ rằng, những uế nhơ đời mình không thể nào tẩy sạch được, đời mình thế là xong, nghĩ rằng, mình không thể nào sống thánh được nữa.

Tin liên quan:
✔️ 5 biến cố lớn trong cuộc đời thánh Âu-tinh, “dân chơi thứ thiệt” một thời
✔️ Khí giới bí mật chống lại những tà ác trong thế giới hôm nay của thánh Piô Năm Dấu

Meg Hunter-Kilmer
Chuyển ngữ: Hoàng Long (Nhóm Phiên dịch Mai Khôi)
https://aleteia.org
Về đầu trang