➥ Các bậc chân tu luôn có cái nhìn quân bình, bao dung về tha nhân, tôn giáo khác, họ chân thành gặp gỡ, đối đãi, đối thoại với nhau…
Có lẽ trong cái-nhìn của Thiên Chúa không có quá nhiều sự phân chia hạng người.
Mắt phàm thường phân biệt: người ngay chính hay kẻ tội đồ; người tin Chúa hay người theo Phật; giáo sĩ hay giáo dân; chư tăng hay phật tử; trí thức hay bình dân; người hiểu chuyện hay kẻ không biết điều, bậc anh hùng hay kẻ tiểu nhân; người vì nước vì dân hay kẻ bán nước hại dân, v.v. và v.v…
Trong con mắt Thiên Chúa – Đấng vì yêu thương mà dựng nên muôn loài muôn vật – chắc chỉ có hai nhóm người: người đáng yêu và người đáng thương. Bởi lẽ, Thiên Chúa là tình yêu.
Người đáng yêu là người biết chiêm ngắm Thiên Chúa và lắng nghe Lời Chúa, bởi lòng yêu mến Chúa mà sống theo đường lối và thánh ý Chúa, noi gương và bước theo Chúa Giêsu – Thiên Chúa Ngôi Hai, Con Một Yêu Dấu của Chúa Cha.
Người đáng thương là người không có cơ hội nhận biết Thiên Chúa - vô tri bất khả mộ, hay có cơ hội mà nhắm mắt bịt tai (do tham-sân-si hay cám dỗ hư danh-ảo vọng-quy kỉ) đâm ra xa tránh, hiểu lầm, phản nghịch hay oán ghét Thiên Chúa.
Chính Chúa Giê-su từng bị một số người đương thời hiểu lầm, ganh ghét, vu khống và tìm mọi cách giết hại. Trên thập giá, như một lời đáp trả chung kết cho sự vô minh, vô tình và vô ơn của con người, Đức Giê-su Ki-tô đã làm gì? Thưa, Ngài khẩn cầu cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” Ngài xếp những kẻ thù ghét và hãm hại Ngài vào nhóm những người đáng thương, cần được tha thứ và xót thương.
Ki-tô hữu qua bao thời không ngừng bị hiểu lầm, ganh ghét, bêu rếu và hãm hại. Họ đi lại con đường thập giá Chúa đã đi qua. Dưới thời hoàng đế Trajan của Đế quốc La Mã, vào khoảng năm 111 sau công nguyên, cộng đoàn Kitô-hữu đã phải đối diện với nhiều hiểu lầm và cáo buộc vô duyên nhưng không vô cớ.
Những cáo buộc đầu tiên đến từ những người buôn thịt, bởi lẽ Ki-tô hữu lúc ấy không chịu mua và ăn thịt cúng khiến họ kinh doanh ế ẩm. Ki-tô hữu bị bêu rếu là những kẻ “vô thần”, “ăn thịt người”, “giết trẻ sơ sinh” và “loạn luân”!
Bị cho là “Vô thần”– bởi lẽ họ không chịu thờ phượng đủ thứ thần linh như các tôn giáo ngoại bang trong đế quốc La Mã. Bị cho là “ăn thịt người”, vì – theo lời đồn – “họ ăn thịt và uống máu một người được gọi là Ki-tô; chỉ những ai được rửa tội mới được tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể, mọi việc diễn ra trong tuyệt mật, nội bất xuất ngoại bất nhập”. Bị cho là “giết trẻ sơ sinh”, vì – cũng theo lời đồn – “thịt và máu – mà họ ăn và uống – được lấy từ các trẻ sơ sinh”. Bị cho là “loạn luân”, vì họ cưới xin lẫn nhau, trong khi họ tự nhận mình là “anh chị em”; Kitô-hữu thời đầu được gọi là “anh em”. Tóm lại, Ki-tô hữu từng bị bêu rếu và vu khống khác gì “con quái vật cưới chị gái mình, giết con mình để lấy thịt và máu làm của uống của ăn, bất kính với các thần linh…”.
Nhưng khi tướng Titus muốn “đến mà xem”, muốn “vào hang cọp mới bắt được cọp” thay vì chỉ nghe “giang hồ” đồn, thì điều lạ lùng duy nhất ông này thấy được nơi các Ki-tô hữu là: “họ thức dậy sớm mỗi ngày để cầu nguyện và ăn uống chung với nhau”. Lời đáp trả của Ki-tô hữu cho những cáo buộc vô duyên là đời sống chứng tá theo Tin Mừng của họ: họ đồng tâm nhất trí, cầu nguyện không ngừng, đặt mọi sự làm của chung, cùng nhau tham dự Lễ Bẻ Bánh. Họ đã không căm ghét hay chửi rủa những kẻ vu cáo. Họ chấp nhận cái chết để làm chứng cho Đường, Sự Thật và Sự Sống. Trong số họ có những vị thánh tử đạo.
Trong khi Chúa Giê-su trải qua con đường thập giá trong tư cách Con Chiên Vô Tội đổ máu đào gánh tội và xóa tội trần gian, thì môn đệ Chúa kinh qua con đường ấy trong tư cách những tội nhân đích thực. Người Ki-tô hữu thời nay, trước những hiểu lầm đáng tiếc từ phía một số cá nhân trong các tôn giáo bạn, một mặt cần noi gương Chúa Ki-tô trên thập giá để khẩn cầu “Lạy Chúa, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”, mặt khác cũng nên tranh thủ cơ hội để xét mình, vì không ít lần – trong lịch sử Giáo Hội - những cá nhân hay tập thể Ki-tô hữu đã hiểu lầm, phạm sai lầm, thậm chí phạm tội làm buồn lòng Chúa.
Nói lên sự thật hay ít nhất là điều mình xác tín nhằm xua tan những hiểu lầm và xuyên tạc là điều cần thiết, nhưng động lực và cách thức lên tiếng cũng cần được lưu tâm. Chắc không cần phải hành xử theo lối “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại” hay “ăn miếng trả miếng”. Giả như có chức sắc tôn giáo nào đó phát ngôn với lời lẽ xúc phạm tôn giáo bạn, thì chính những xác tín luân lý của tôn giáo đó sẽ cắn rứt lương tâm người ấy, nếu đó thật sự là một tôn giáo hướng thiện.
Người tin vào Thiên Chúa – Đấng Tuyệt Đối và Yêu Thương – có thể yên tâm rằng những lời lẽ xúc phạm Thiên Chúa phát ra từ môi miệng phàm nhân không thể làm phương hại vinh quang và danh dự của Thiên Chúa được, chúng ta không cần tức dùm Thiên Chúa. Thay vào đó, hãy nghe Lời Chúa: “Anh em hãy tỉnh thức. Chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn, đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng”. Chính khi chúng ta chia rẽ và ném đá lẫn nhau là khi vinh quang của Thiên Chúa bị tổn hại nơi chính chúng ta, vì vinh quang và danh dự của Thiên Chúa là hạnh phúc và sự hiệp nhất của loài người do Chúa dựng nên.
Chắc cũng không cần mất thời gian để tranh cãi nảy lửa với những người thích trích dẫn vài câu Kinh thánh nghe hơi chói tai và nghịch lý để phê bình Ki-tô giáo, vì họ quên mất rằng giả như những câu chữ ấy có thể được mang ra để đánh sập niềm tin Ki-tô như những người ấu trĩ thường nghĩ, thì Giáo Hội – với biết bao đầu óc tinh tường – đã không mất công gìn giữ nguyên vẹn Lời Chúa, thay vào đó sẽ tìm cách “cắt ghép” lại cho “ổn" và "an toàn" hơn. Hãy thương họ, vì họ chưa thực sự biết Kinh thánh là gì, trong đó chứa đựng chân lý gì, phải đọc và phải hiểu ra sao để hiểu được sứ điệp, gặp gỡ Thiên Chúa và đón nhận ơn cứu độ. Nếu cứ nhọc công tranh cãi, thì cũng như tranh cãi chuyện Mẹ Âu Cơ đẻ trứng thay vì đẻ con, Thánh Gióng ăn vài bát cơm thì lớn nhanh như thổi…mà thôi. Nếu họ có được một khối óc và con tim đủ rộng mở, một ngày nào đó họ sẽ tự động tìm đến các lớp tìm hiểu Kinh thánh. Lời văn con người còn phải học bao năm không hết, huống hồ Lời Chúa!
Thay vì cãi vã, chính bạn và tôi – người Công giáo – hãy mở Kinh thánh ra và đọc lại, và tìm hiểu kỹ hơn, sâu hơn mỗi ngày, để tin và yêu Chúa hơn.
Trước mắt Chúa, chỉ có hai nhóm người: đáng yêu và đáng thương. Bạn thuộc nhóm nào?
Tin liên quan:
✔️ Tôn giáo là để đem lại hòa bình trong công lý
Anh Huy, SJ.
Bài về chủ đề Tôn giáo-Tâm linh: