Hạnh phúc với bản thân là chấp nhận bản thân. Liệu ta sẽ chấp nhận những sai lầm và thiếu sót trong các lựa chọn hay ứng xử của ta ra sao khi ta còn chưa chịu chấp nhận những thứ nhỏ nhất mà không hề có tội lỗi gì như màu tóc của chính mình? Liệu ta đã chấp nhận cơ thể của mình chưa? Ta đã chấp nhận khuôn mặt của mình chưa? Chấp nhận cơ thể đòi hỏi ta phải nhận ra các ham muốn của chính mình, và phải nhìn kỹ để nhận ra cơ thể đã phục vụ ta biết bao nhiêu năm để giúp ta tồn tại, đi lại, và thực hiện bao nhiêu việc mà không có lấy một đòi hỏi. Đổi lại, ta thậm chí có thể chẳng biết ơn nó, không học cách đối xử tử tế với nó, mà lại than phiền và tìm cách thay đổi những cái hời hợt ở bên ngoài bằng hoá chất và những cách thức hết sức thô bạo.
Hạnh phúc với bản thân là chấp nhận cái mà mình có. Liệu có bao nhiêu thứ ta vẫn được hưởng hàng ngày nhưng ta không hề bận tâm? Nếu những cái cây cũng như con người, có lẽ chúng sẽ thà chết để ngừng sản xuất ô-xy còn hơn là tiếp tục phục vụ những con người vô ơn. Nhưng chúng vẫn tiếp tục việc mà chúng phải làm. Rất nhiều người trong chúng ta có đủ điều kiện để hạnh phúc hơn chúng ta tưởng: một mái nhà, đầy đủ thức ăn, nước sạch và các nhu yếu phẩm, sức khoẻ tốt ở mức tương đối, một người bạn đời và những đứa con khoẻ mạnh. Nhưng ta có thể còn đang mải chạy theo những thứ mà ta không có, với hi vọng mình sẽ hạnh phúc hơn nữa. Trong lúc chạy đua với lòng ham muốn, ta đánh mất hạnh phúc với gia đình. Cũng như với bản thân, ta có thể trách bạn đời và con cái chưa đủ cố gắng, và tập trung vào những cái mà ta không thích.
Ta không thể yêu thương ai trong khi chỉ muốn một nửa hay một phần ba của họ, không thể yêu chính mình khi chỉ muốn chọn ra những phần đẹp nhất. Nếu ta cảm thấy dễ chịu về mình bởi phần mà mình đã tạm sửa được, hay phần mà ta thấy vốn luôn đẹp, thế thì đó không phải là yêu thương hay hạnh phúc. Yêu thương là biết ơn về cái mình có và chấp nhận cái mà mình không thích.
Yêu thương bản thân là vượt lên trên tất cả những cảm giác dù dễ chịu hay khó chịu, và nói rằng: “Tôi nhận toàn bộ trách nhiệm đối với bản thân tôi. Tôi hiểu trạng thái thể chất và tinh thần của tôi có tác động rất lớn tới gia đình và những người xung quanh. Tôi hiểu chăm sóc bản thân chính là chăm sóc những người khác.” Để yêu thương, ta phải đặt câu hỏi về các mong muốn: Mong muốn này của tôi bắt nguồn từ đâu? Từ lợi ích thực sự cần thiết cho sự trưởng thành và bình an của tất cả, hay chỉ đơn giản là một ham muốn bắt nguồn từ ý muốn cá nhân, một ý thích bắt nguồn từ nhận thức sai lầm? Ta có thể không có được câu trả lời ngay tức khắc. Nhưng những va chạm luôn diễn ra giữa ý muốn cá nhân và thực tế. Hãy quan sát xem những va chạm này tạo ra những phản ứng gì, và lần theo những manh mối này để tìm ra sự thật.
Nếu ta không đủ sức để đối diện với những khó chịu diễn ra bên trong mình để hiểu bản chất của chúng, ta sẽ không bao giờ tìm ra sự thật.
Phương Đặng
Bài về chủ đề Ân tình-Yêu thương: