➥ Hình ảnh người lái xe (chuyên chở người cách ly) ngồi bệt xuống đất, ăn vội miếng cơm khiến nhiều người xúc động. Ảnh: MXH
Chiều 18/3, Hà Nội đã ghi nhận mong muốn của 280 bác sĩ, y tá về nghỉ hưu và 700 sinh viên các trường y khoa tình nguyện tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19.
Trước họ, không biết bao người, hàng ngàn chiến sĩ đang thầm lặng căng mình chữa chạy cho bệnh nhân nhiễm Covid-19, phục vụ hàng chục ngàn người cách ly tập trung.
Hôm qua, tôi lặng người khi xem ảnh một lái xe chuyên chở người cách ly còn nguyên bộ đồ bảo hộ phòng dịch, mặt mũi bơ phờ ngồi ăn vội miếng cơm trong lúc chờ khử trùng xe rồi lại lên đường tiếp tục nhiệm vụ.
Vài ngày trước đó, có việc vào BV Chợ Rẫy, một bác sĩ quen tháo khẩu trang ra chào, khuôn mặt xinh đẹp của cô hằn vết và đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ nhiều ngày qua.
Và hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang ngủ vùi sau những ngày tuần tra, làm nhiệm vụ mệt rã rời trên tấm bạt trải vội hay tấm võng ven rừng cũng đã khiến không ít người xúc động.
Những người như anh lái xe, cô bác sĩ, chú bộ đội... ấy không lên báo, chắc cũng chẳng nhận được nhiều lời cảm ơn và chưa nhận một lời ngợi khen nào nhưng họ rất đông, rất nhiều và rất cực sau hơn một tháng ròng cả nước căng mình chống dịch.
Tôi biết họ cũng chẳng nghĩ nhiều đến những điều đó mà đang chạy đua với thời gian để bà con mình đỡ vất vả, bớt lây nhiễm và mau khỏi bệnh hơn trong những ngày này.
Có lẽ khi mà chỉ cần nghe khu căn hộ có người cách ly diện F2, F3 hay khu phố có ai đó nghi nhiễm đã hoảng hốt thì những người đối mặt với người về từ vùng dịch, nguy cơ lây nhiễm khá cao đáng để chúng ta ghi nhận nỗ lực này.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bảo rằng: “Các lực lượng phải làm việc “không có đêm, không có ngày” để rà soát, tìm kiếm, giám sát hành khách, các trường hợp nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 trên hàng chục chuyến bay đến Việt Nam”.
Biết đó là nhiệm vụ và trách nhiệm của họ nhưng tôi nghĩ vẫn cần trân trọng nên những lời dè bỉu, chê bai hay trách móc ngoài kia đáng để nhận sự phẫn nộ.
Tôi xin trích tâm sự của BS Lê Hồng Nga, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM: “Chỉ cần có 1 bệnh nhân nghi ngờ bị Covid-19 là cả hệ thống đã chạy bất kể đêm ngày, lễ tết. Thậm chí hàng ngàn người trên cả đất nước này đang ngày đêm giám sát những người đến từ vùng dịch, để vừa hỗ trợ y tế cho những người này vừa kiểm soát phòng lây bệnh cho cộng đồng”.
Còn đây là BS Nguyễn Thị Thủy Ngân, Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), một trong những bác sĩ trực điều trị cho hai bệnh nhân Covid-19 người Trung Quốc: “Khi biết mình được phân công trực, điều trị cho bệnh nhân Corona, mọi người trong gia đình cũng lo lắng, nhất là mình có con nhỏ mới 5 tuổi. Tuy nhiên, đây là nghề nghiệp của mình, công việc của một bác sĩ. Chỗ có dịch bệnh là nơi mọi người chạy đi, còn nhân viên y tế lại chạy vào”.
Họ mong muốn mình nhanh chóng “thất nghiệp” với công việc này, họ cầu mong cho mọi kết quả xét nghiệm đều âm tính và cũng hy vọng rằng không chỉ được mọi người thấu hiểu, lắng nghe mà còn chia sẻ những gì đang đương đầu, giáp mặt. Riêng mình, tôi chỉ muốn nói lời cảm ơn bởi những người như tôi đang bình yên có sự hy sinh không nhỏ của họ.
Phan Bình (theo Cuộc sống an toàn)
Bài về chủ đề Ân tình-Yêu thương: