Sau vụ khủng bố tấn công vào Tòa nhà Trung tâm Thương mại ở New York, Mỹ, làm chết gần 3.000 người và hơn 25.000 người bị thương vào ngày 9-11-2001, thì 2 ngày sau đó, hãng Thông tấn xã Đức (Deutsche Presse Agentur) có đăng một bài báo có tiêu đề sau:
"Nhiều Người Việt Vui Mừng Khi Mỹ Bị Tấn Công" (tựa đề gốc "Many Vietnamese happy with attacks on U.S.", những đoạn dưới là do tôi dịch ra), trong bài có những đoạn sau:
Có đi đến các trường đại học Hà Nội hôm thứ Năm mới thấy mức độ vui mừng và hào hứng thật đáng sợ về các vụ khủng bố tấn công vào Mỹ.
"Nhiều người ở đây xem hành vi khủng bố đó là hành vi anh hùng, bởi vì họ dám đương đầu với nước Mỹ hùng mạnh," theo lời một sinh viên chương trình sau đại học tại Đại Học Xây Dựng Hà Nội. Một sinh viên khác, 22 tuổi, Đặng Quang Bảo, nói khủng bố không phải là một phương tiện lý tưởng.
"Nhưng nó sẽ làm người Mỹ mở mắt, bởi vì Mỹ đã mù quáng áp đặt quyền lực của mình lên thế giới thông qua cấm vận và can thiệp vào nội bộ các nước khác."
Anh ta nói thêm, "Khi người dân nghe nói Mỹ bị tấn công, nhiều người nói thế là chính đáng."
"Nếu Bush chết, tôi sẽ vui sướng hơn, bởi vì ông ta hiếu chiến quá," Trần Huy Hạnh, sinh viên Đại Học Xây Dựng cũng là bí thư chi bộ Đoàn Thanh Niên trong lớp, nói.
Một sinh viên năm thứ nhất Đại Học Kinh Tế Quốc Dân nói, "Mỹ đáng bị như vậy lắm, bởi vì tất cả những đau khổ nó đã gây ra cho nhân loại. Nhưng họ nên tấn công vào tổng hành dinh CIA, bởi vì CIA phục vụ âm mưu chính trị của Mỹ."
Một người giữ xe gắn máy giấu tên ở Hà Nội nói, "Tôi cảm thấy thương cho các tay khủng bố, những người rất can đảm đã dám hy sinh tính mạng mình."
Một ông cụ Hà Nội 70 tuổi, tự nhận từng là sĩ quan bộ đội trong cuộc chiến chống Pháp và Mỹ, hả hê nói, "Tôi hạnh phúc quá. Quý vị xem, Mỹ cứ khoe khoang sức mạnh của mình, nhưng những gì xảy ra cho thấy Mỹ không phải là bất khả chiến bại."
Phan Huy Sơn, 25 tuổi, nói, "Nước Mỹ là chúa tể sơn lâm đấy. Thế nhưng khi chúa tể bị tấn công, thì các con thú khác đều vui mừng."
Còn tờ Quân đội Nhân dân thì đăng một bài viết (tôi không rõ là ngày nào) trong đó có đoạn sau:
"... Rõ ràng là thông qua sự cố này, người Mỹ nên tự nhìn lại bản thân. Nếu người Mỹ không theo đuổi chủ nghĩa cô lập và chủ nghĩa sô vanh, và nếu họ không khăng khăng áp đặt giá trị của họ lên người khác một cách chủ quan, thì có lẽ tháp đôi vẫn còn đứng đó trong tiếng sóng và làn gió vi vu của Đại Tây Dương."
Bạn biết những đoạn văn trên được đọc dẫn ra ở đâu không? Chúng được thượng nghị sĩ Robert Smith của bang New Hamshire đọc lên trước Thượng Viện Mỹ vào năm 2001, khi Thượng viện Mỹ thảo luận về việc thông qua đạo luật bình thường hóa thương mại với Việt Nam.
Rất may là không ai trong số các nghị sĩ lại dựa vào những ý kiến của một số nhỏ người Việt được trích dẫn trong bài báo trên mà đánh giá văn hóa Việt Nam là "man rợ", hay tàn bạo, phi nhân tính.
Việc tìm thấy một vài người Trung Quốc treo biểu ngữ trước cửa hàng bày tỏ sự hả hê trước việc Mỹ và Nhật đang chịu cơn đại dịch Coronavirus, rồi từ đó vơ quàng cả nắm để chỉ trích văn hóa Trung Quốc là "vậy đó", là "man rợ", là suy nghĩ thiển cận.
Một vài người thì có thể đại diện cho bao nhiêu người và đại diện cho cái gì? Họ có đại diện cho hơn 1 tỉ người Trung Quốc? Họ có đại diện cho toàn bộ nền văn hóa Trung Quốc?
Hồi tôi đi học, có lần viết bài dùng chữ "we" bị bà Giáo sư khoanh lại và viết bên lề "We" là những ai? Lần khác viết bài có nói đến một số giá trị "triết học của châu Phi", lại bị bà gạch dưới và yêu cầu "Nói rõ là dân tộc hay quốc gia châu Phi nào". Đó là tư duy khoa học, chứ không phải tư duy thích nói chung chung, thích vơ đũa cả nắm.
Nếu chịu suy nghĩ, chúng ta sẽ thấy muốn Trung Quốc trở thành một quốc gia biết tuân thủ các luật lệ quốc tế, nếu muốn chính phủ Trung Quốc không cư xử côn đồ và hiếp đáp với đất nước chúng ta, thì không có thế lực nào có thể làm được điều đó ngoài chính những người dân Trung Quốc. Trên phương diện này, người dân Trung Quốc chính là đồng minh, chứ không phải là kẻ thù, của người Việt.
Sỉ nhục người Trung Quốc hay văn hóa của họ có thể đem lại cho chúng ta cảm giác khoái trá trong ngắn hạn và nhận được sự ủng hộ của đám đông, nhưng điều đó chẳng giúp giải quyết được bất cứ điều gì.
Chưa kể, chúng ta nên nhớ đến câu này trong Kinh thánh: "Tại sao con thấy cái dằm trong mắt anh em, nhưng không nhận ra cây xà nhà trong mắt mình?"
Hoang Thach Quan
Bài về chủ đề Nhận định: