📕 LỜI CHÚA (Mt 18,21-35)
Khi ấy, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?" Đức Giê-su đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.
"Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: ‘Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.’ Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: ‘Trả nợ cho tao!’ Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: ‘Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh.’ Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: ‘Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?’ Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình."
🎬 SUY NIỆM:
Trong hoàn cảnh như hiện nay, thời điểm vô cùng nhạy cảm, khi mà ai ai cũng có thể có nguy cơ trở thành một tội đồ chỉ vì một sự vô tình không hay biết nào đó của bản thân về tình trạng lây nhiễm của bản thân, hoặc có biểu hiện rồi nhưng nghĩ chỉ là những thứ biểu hiện của ho sốt bình thường, và rồi khi kiểm tra và xét nghiệm thì bị dương tính và được "cho một lô đề", một con số, và lập tức số phận của "lô đề" đó bị trở thành tội đồ để hứng chịu tất cả mọi sự thoá mạ, bêu rếu, lăng mạ, và mọi cơn mưa giận dữ từ phía cộng đồng trên cả nước.
Sở dĩ chúng ta dễ dàng kết án người khác cách không thương tiếc là vì chúng ta luôn thấy mình vô can, luôn thấy mình hơn người khác, và nhất là chúng ta không thể tha thứ cho bản thân mình khi có một sai phạm, và cũng không trân trọng sự tha thứ của người khác dành cho mình. Đó là thái độ của người đầy tớ trong dụ ngôn mà Chúa Giêsu kể trong Bài Tin Mừng hôm nay (Mt 18,21-35), khi anh ta được "tôn chủ" tha cho đến "mười ngàn yến vàng" thay vì phải "bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ", thì sau đó anh ta lại bắt một người đồng bạn của mình là người chỉ nợ anh có "một trăm quan tiền" phải trả cho anh đến đồng xu sau cùng mặc cho anh này van xin lạy lục để xin khất. Và kết cục thì người được tôn chủ tha cho món nợ lớn đã bị án phạt nặng nề nhất mà anh ta phải hứng chịu chỉ vì anh ta đã "không xót thương người đồng bạn" của mình là người chỉ mắc nợ anh ta một trăm quan tiền.
Nếu khiêm tốn nhìn nhận lại bản thân, chúng ta thấy mình luôn có khuynh hướng tàn bạo và bất nhân như người mắc nợ mười ngàn yến vàng trong câu chuyện này, tức là, chúng ta được tha thứ hết mọi sai phạm, nhưng dù một lỗi phạm nhỏ và vặt vãnh nhất mà người khác làm với chúng ta, thì chúng ta không tha thứ, nhưng lại bắt họ phải chịu những khung hình phạt nặng nề nhất mà sự ích kỷ và tàn bạo của chúng ta áp lên họ.
Theo đó, mỗi khi chúng ta mắc một sai phạm lớn nhỏ nào đó, chúng ta luôn mong đợi nhận được sự tha thứ từ người khác, nhưng rồi đến lượt mình thì chúng ta lại không muốn tha, chỉ vì đối với chúng ta tha thứ là hèn, là kém, là yếu, là dễ dãi. Nhưng cũng có một căn nguyên khác khiến chúng ta không thể tha thứ, đó chính là chúng ta thậm chí không thể tha thứ cho bản thân, không thể chấp nhận những sai phạm của bản thân, và không thể yêu thương bản thân với tất cả những bất toàn và sai phạm của nó trong tiến trình trưởng thành. Và cả hai căn nguyên đều dẫn đến cùng một kết cục: huỷ diệt bản thân chúng ta và cả người khác.
Chúng ta hay nghe những người cay nghiệt với chính mình nói câu này mỗi khi chứng kiến một sai phạm của ai đó: "Nếu là tôi thì tôi không cho phép mình phạm sai lầm này, và sẽ không bao giờ tha thứ cho bản thân nếu phạm". Chúng ta nói một lời tuyên bố không thuộc tâm hồn, không xuất phát từ một tinh thần khiêm nhường và tốt lành, nhưng chúng ta lại tưởng là mình nghiêm túc, cao thượng, có ý thức, và có học thức. Trên thực tế, đó là thái độ của một người hà khắc, không có lòng thương cảm và xót thương với bản thân và do đó với người khác.
Về sự tha thứ, tất cả các bậc thầy tinh thần đều mời gọi chúng ta tha thứ bằng chính hành động thực tế của các Ngài, chứ không chỉ thuần tuý khuyên dạy như một số nhà tâm lý, một số chuyên gia tư vấn, và những người giảng dạy về đạo đức thuần tuý, nhưng khi sống thì lại không thể thực thi điều mình tư vấn và giảng dạy. Sự tha thứ, về mặt lý thuyết như những người lý thuyết suông và sáo rỗng hay dạy, là sẽ làm cho cả hai bên trở nên nhẹ nhàng hơn. Nhưng Chúa Giêsu thì nói khác, rõ ràng và xác quyết hơn, "Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình" (Mt 18,35).
Điều Chúa Giêsu muốn nói ở trong lời xác quyết trên là, không phải chúng ta là nguồn mạch của sự tha thứ, là nguồn mạch tình yêu, là nguồn sự sống, không. Chúng ta chẳng là gì và cũng không có quyền gì, ngoài quyền thực thi điều mà Cha là nguồn mời gọi chúng ta nên giống như Ngài mọi đàng. Thế nên, tha thứ không phải là một liệu pháp tâm lý, cũng không phải là một sự khẳng định mình, càng không phải là trút đi gánh nhẹ cho bản thân như những người chỉ giỏi lý thuyết sáo rỗng hay nói, mà là nhận biết được sự tha thứ chính là một ơn ban nhưng không mà Thiên Chúa ban cho bản thân bạn, để rồi tới lượt bạn cũng hãy biết tha thứ cho người khác như thế, tức trở thành một kênh, một hành động tha thứ của Thiên Chúa cho người khác ngang qua chính bạn. Đó là lý do vì sao mà Chúa Giêsu đã trả lời cho câu hỏi của ông Phêrô, Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?", thì Ngài trả lời "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy".
Vì vậy, để tha thứ cho bản thân và người khác, bạn không thể dùng sức riêng hay ý muốn riêng của bản thân, mà là ân sủng tha thứ từ Thiên Chúa là Cha ban tặng. Và do đó, bất cứ khi nào bạn nghĩ là bạn đã tha thứ cho ai đó mà không phải vì bạn đã được Thiên Chúa thứ tha, thì bạn sẽ có nguy cơ dẫn đến một hành động không tha thứ lớn hơn, vì đối với bạn thì hạn mức không thể quá "bảy lần" như cách Phêrô là đại diện cho mỗi người chúng ta.
Joseph C. Pham (theo MasimPress)
Các suy niệm khác về trích đoạn Mt 18 c.21-35:
🎬 Tha thứ chỉ có thể ở trong Thiên Chúa
17.03.2020
Tags
Chia sẻ với ứng dụng khác