Một thầy giáo ở Mỹ trò chuyện với mình. Thầy nói trong trường có du sinh từ các xứ khác nhau tới học. Nhưng khi có đại dịch xảy ra, thầy thấy rõ du sinh Việt Nam và ba mẹ các cháu là những người bình tĩnh nhất. Tinh thần của cả ba mẹ và các con đều rất vững vàng. Hiện nay trường vẫn chăm các con cẩn thận trong mùa dịch tại ký túc xá vì không về nhà được. Nhưng vì tinh thần bình tĩnh này nên thầy cũng đỡ mệt. Trong khi nhiều gia đình du sinh các xứ khác quá lo lắng nên hỏi han nhiều và các cháu lo sợ đã đi về khá nhiều rồi.
Ba mẹ bình tĩnh thì cũng có thể hiểu được. Nhưng các con bình tĩnh thì là điều mình thấy khá lạ. Bởi vì các cháu này mình biết rõ đều là con nhà có điều kiện, sung sướng từ nhỏ, chưa biết thiếu ăn thiếu mặc là cái gì, cha mẹ lo cho đầy đủ.
Nghĩ lại thì có lẽ cái này ăn vào máu. Dân ta nghèo khổ quá và trải qua chiến tranh liên miên. Kèm theo đó là dịch bệnh. Nên về cơ bản dân ta có bản năng sinh tồn trong chiến tranh và dịch bệnh khá mạnh. Trẻ con sinh ra nó được thừa hưởng bản năng này.
Đọc lịch sử thấy nếu khi nào có chiến tranh chống ngoại xâm, thường ở Việt Nam phe chủ chiến sẽ là chính, hiếm có chủ hòa. Mà nếu có chủ hòa thì dân đa phần chỉ theo phe chủ chiến. Chủ hòa có vài lần chỉ là vua thôi.
Thành ra mình nghĩ nước nào muốn biến Việt Nam thành thuộc địa, thành một tỉnh hay cái quái gì đó của họ là rất khó. Cơ bản là vì dân không chịu. Nếu bị ép thì cũng chỉ một thời gian, khi nào thấy có cơ hội là lại bật lại. Dù chờ cơ hội đó cần cả 1000 năm dân ta cũng kiên cường chờ.
Ông Khúc Thừa Dụ khởi nghĩa lấy lại thành Đại La, năm 905 khi Việt Nam đang là An Nam Đô Hộ Phủ của nhà Đường về cơ bản là như vậy.
Dân Việt Nam thì không thiện chiến kiểu như Mông Cổ, đi đánh chiếm hết xứ này tới xứ khác mở rộng bờ cõi trên toàn cầu. Dù Việt Nam có mở rộng lãnh thổ từ phía Bắc từ từ vào Nam song chủ yếu dân Việt Nam chỉ thiện chiến khi đánh ngoại xâm. Vì không chịu mất đất đai (do dân chủ yếu là nông dân hay gốc nông dân nên quý đất lắm), và không chịu ách áp bức từ ngoại bang.
Chỉ có điều những kỹ năng xây dựng và làm ăn, phát triển kinh tế và quản lý xã hội trong thời bình ta thiếu và yếu. Lại hay có máu tự hào ngạo nghễ quá mức khi thắng trận. Từ đó sinh chủ quan và sau đó vua quan không lo làm ăn mà lo hưởng lạc ăn chơi, lo tham nhũng trục lợi thì triều chính toi đặc, dân lại lầm than đau khổ. Khi nước suy yếu thì ngoại bang lại lấn át.
Nếu ta khắc phục được những lỗi này trong thời bình thì chắc chắn dân ta sẽ có một đời sống không thua kém gì dân các xứ giàu có và thịnh vượng khác. Và xứ ta mở mày mở mặt với bên ngoài.
Nguyễn Thị Bích Hậu
Giữa lúc cả thế giới oằn mình phòng chống đại dịch Covid-19 phát tán từ Trung Quốc, giữa lúc Việt Nam không những tập trung bảo vệ người dân của mình thoát khỏi đại dịch mà còn chia sẻ với người dân Trung Quốc gặp hoạn nạn bằng tình cảm chân thành, bằng tiền bạc theo khả năng và bằng việc chữa khỏi bệnh miễn phí cho các công dân Trung Quốc nhiễm dịch đến Việt Nam, thì nhà cầm quyền Bắc Kinh lại xua tàu hiện đại đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam đang đánh bắt cá hợp pháp trên vùng biển của Việt Nam, bắt giữ bất hợp pháp 8 ngư dân và các tàu cá của Việt Nam đến cứu nạn, rồi lu loa cho rằng tàu cá Việt Nam đâm tàu hải cảnh của họ.
Lợi dụng đại dịch để tiếp tục xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, đe dọa tính mạng ngư dân Việt Nam trong tay không tấc sắt, phá hủy tài sản, cướp bóc miếng ăn của bà con chúng ta, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã bộc lộ hết bản chất tiểu nhân đê tiện. Hành vi đê tiện này nằm trong kế hoạch có chủ đích, vì trước đó, cũng trong đại dịch, nhà cầm quyền Bắc Kinh còn dựng tín hiệu giả để lu loa vu cáo ngư dân Việt Nam xâm phạm chủ quyền vùng biển đảo Hải Nam và “do thám” gần căn cứ quân sự nơi có các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc.
Người Việt chúng ta phần lớn lương thiện khoan hòa, cũng có một số tiểu nhân, cũng có một số đê tiện, nhưng mức độ tiểu nhân đê tiện của một số người Việt còn lâu mới đạt đến cái đỉnh tiểu nhân đê tiện của nhà cầm quyền Trung Quốc. Bởi vậy trong kho tàng ngôn ngữ Việt Nam ta không đủ lời để chửi. Chửi chúng là tiểu nhân đê tiện thì nhẹ hều, ai tìm được lời đích đáng hơn mỗi người chửi một phát đi!