Thiên Chúa đích thực không phải là hình chiếu những ước muốn của con người. Nhưng dù muốn dù không, Thiên Chúa của tôn giáo đôi khi lại là hình chiếu ấy. Do đó, nhờ sự hoán cải của đức tin, người tin cần vượt qua khỏi hình ảnh Thiên Chúa được con người phóng chiếu để đạt tới một kinh nghiệm hoàn toàn khác về Thiên Chúa chân thật. Theo mô hình phóng chiếu của tôn giáo, Thiên Chúa là một quyền năng buộc con người phải tùng phục trong sợ hãi và nhờ đó sẽ có được những lợi lộc. Trái lại, đối với đức tin, chính Thiên Chúa có những sáng kiến và hành động bước trước làm cho con người được sống, được chữa lành, được tha thứ khi con người mở lòng đón nhận Thiên Chúa trong tự do. Còn đối với những người vô thần, việc tôn giáo phóng chiếu nên Thiên Chúa đã vô tình tạo nên một mồi ngon cho chủ nghĩa vô thần tấn công và phê phán.
Trong bối cảnh hiện đại, người ta lại mong muốn đón nhận và tôn thờ những hình chiếu của con người về một vị Thiên Chúa có thể can thiệp vào đời sống con người một cách hữu ích và tích cực. Nghĩa là vị Thiên Chúa ấy sẵn sàng đáp ứng những ước muốn, nguyện vọng và nhu cầu của con người. Sự phóng chiếu này được mọi người dễ dàng chấp nhận bởi vì họ quan niệm tôn giáo chỉ nhằm đáp ứng một số nhu cầu cụ thể nào đó, chứ không phải là một con đường giải thoát vốn dĩ trừu tượng và xa vời. Người ta đến với Thiên Chúa, ngoài lý do sợ hãi và được lợi ích, đôi khi chỉ để cho tâm hồn thư thái, bình an, thanh thản giống như nghe một giai điệu âm nhạc êm dịu nào đó, để khoả lấp những trống trải của tâm hồn, để xoa dịu những đau đớn hay tổn thương tâm lý.
Trái lại, đối với Đức tin, Thiên Chúa tạo dựng con người, ban cho con tự do và lý trí để tìm kiếm Chân - Thiện - Mỹ, nhưng Ngài không can thiệp để mang lại lợi lộc cho con người chỉ vì làm theo ý muốn của con người. Thiên Chúa để con người tự chịu trách nhiệm đối với chính cuộc đời của mình đối với thế giới. Thiên Chúa đến với con người, nhưng bạo lực và nạn đói, cái chết và sự đau khổ, tình trạng nô lệ, bệnh ung thư, dịch bệnh, thiên tai mọi thứ vẫn dường như không thay đổi. Thật sự Thiên Chúa không bao giờ can thiệp chỉ vì đó là ý muốn của con người, cho dù đó là những kẻ tin Ngài. Hành trình đức tin thực sự là hành trình gian khó và đầy thử thách, là hành trình vượt qua sa mạc để tiến về Đất Hứa, là hành trình của vác thánh giá lên Núi Sọ. Như vậy, hoàn toàn không có hình chiếu đối với người tin, hay Thiên Chúa của hình chiếu hoàn toàn sụp đổ.
Trong khi đó, những hình chiếu về Thiên Chúa, những gì tôn giáo hứa hẹn về sức khoẻ, bình an, thịnh vượng, thành công sẽ trở thành cớ vấp ngã cho con người. Những câu hỏi: Sao Thiên Chúa để cho những điều tồi tệ như thế này xảy ra? Tôi đã làm gì sai để chịu những điều này? Sao những kẻ gian ác vẫn ung dung sống trong giàu sang? Đây không chỉ là cớ vấp ngã đối với những người có liên quan, nhưng còn là vấn đề nan giải đối với tôn giáo và những người bảo vệ tôn giáo. Người ta có thể rất dễ dàng để lý giải rằng đó là mầu nhiệm, đó là chương trình của Thiên Chúa Quan Phòng. Những lời giải thích ấy không hoàn toàn làm thoả mãn những nỗi hoài nghi, và thậm chí trở nên chán ngán của những người vô thần. Và rồi, người ta không thể nói gì thêm.
Còn người tin không bao giờ sống bằng hình chiếu. Đối với họ, Thiên Chúa đơn giản “vắng mặt”. Họ tin rằng: không có thuốc chủng ngừa cho sự đau buồn, thất vọng, khốn quẫn, mặc dù trong họ vẫn khát khao điên cuồng về một Thiên Chúa can thiệp và đáp ứng mọi lời cầu xin của họ. Nhưng họ học được rằng, khốn quẫn là con đường dẫn đến sự hoán cải và trưởng thành. Chính Chúa Giê su cũng đã trải qua những cơn khốn quẫn, kinh hoàng tột độ đến nỗi máu đã chảy ra cùng với mồ hôi. Ngài cũng đã hét lên một tiếng kêu la của kẻ cùng đường: “Lạy Chúa, Lạy Chúa, sao Chúa bỏ rơi tôi?” Nhiều vị thánh trong giáo hội đã trải qua những đêm tăm tối của tâm hồn, những sa mạc nội tâm, nơi mà các vị ấy không nhận được bất cứ sự an ủi.
Chính vì người tin không sống bằng hình chiếu, nên không có gì làm cho người tin vấp ngã. Mọi thứ đối với người tin là những cuộc chiến đấu cho tự do, là những thử thách cần phải vượt qua. Trên hành trình ấy, người tin xác tín vào sự hiện diện của Thiên Chúa vắng mặt, nghĩa là Thiên Chúa không can thiệp nhưng để cho con người hoạt động với tất cả tự do mà Ngài đã ban tặng. Con người đến với Thiên Chúa không phải vì sợ hãi hay lợi lộc, nhưng toàn toàn bằng tất cả tự do của mình. Đứng trước Thiên Chúa vắng mặt, con người bộc lộ hết thực tại của mình với sự cao cả lẫn thấp hèn, mỏng dòn và yếu đuối, sự tự do lẫn nỗi khốn cùng. Trong khi đứng trước Thiên Chúa hình chiếu, con người mong muốn được bao bọc trong sự an toàn và che khuất của tôn giáo? Vậy đâu là hình ảnh đích thực của con người mà Thiên Chúa đã sáng tạo theo hình ảnh của Ngài?
Trong dòng lịch sử cứu độ và trong kinh nghiệm của người tin, Thiên Chúa tỏ lộ chính mình là một vị Thiên Chúa rất khác so với suy nghĩ của con người. Nhờ đó con người được giải thoát và được thúc giục bước vào một cuộc Xuất hành mới ngay giữa cuộc đời này. Điều chính yếu là phải thoát ra khỏi tình trạng nô lệ của việc con người bị ràng buộc và kìm kẹp bởi chính suy nghĩ của con người về Thiên Chúa, khiến cho con người tha hoá, con người đánh mất chính mình - theo cách nói của chủ nghĩa vô thần. Cho dù đang ở giữa sa mạc khô cằn của giác quan hạn chế, của chủ nghĩa vô thần công kích, của hoài nghi, của lo lắng sợ hãi, của tội lỗi, của đam mê lạc thú, của kiêu căng và ích kỉ, nhưng chúng ta tin rằng, chúng ta vẫn đang bước đi trên hành trình tiến về Đất Hứa, để gặp gỡ và hiệp thông với một vị Thiên Chúa rất khác, Thiên Chúa “vắng mặt”.
*: Viết lại theo cuốn “Vấn đề từ Thiên Chúa vắng mặt” của Francois Varone.
Lm. Giuse Cao Viết Tuấn
Bài về chủ đề Tôn giáo-Tâm linh: