Việt Nam cần giải pháp mua vacxin!
26.05.2021
0
VinGroup đăng ký mua 4 triệu liều vacxin. Vietinbank, Vietcombak, BIDV, Agribank ủng hộ 100 tỉ mua vacxin. Nhiều doanh nghiệp lớn khác cũng ủng hộ mua vacxin. Rất đáng quý nhưng chưa đủ.
Một chủ doanh nghiệp đã bức bối lên tiếng tại sao nhà nước không để các doanh nghiệp vừa và nhỏ đăng ký mua vacxin cho công nhân của mình. Anh cho biết sẵn sàng mua 100 liều vacxin để tiêm cho người thân và nhân viên công ty.
Với ý kiến này, cho thấy, nguồn lực xã hội đang bj nhà nước bỏ qua và Chính phủ có một quán tính lớn khi chỉ trông cậy vào hỗ trợ của các tập đoàn lớn.
Hãy nhìn ra thế giới. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói sau hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels hôm 25/5 rằng EU sẽ đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 7 năm nay. Theo bà von der Leyen, vào cuối tháng 5, khoảng 46% dân số trưởng thành ở EU sẽ được tiêm ít nhất một liều vaccine. Con số này dự kiến sẽ giúp EU sớm đạt mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng (hơn 70% người dân được tiêm chủng) vào cuối tháng 7.
EU dự kiến nhận khoảng 1 tỷ liều vaccine COVID-19 vào cuối tháng 9, trong đó có 413 triệu liều trong quý 2 và 529 triệu liều vào quý 3. Tới cuối năm EU dự kiến nhận thêm 452 triệu liều nữa. Trong đó, 100 triệu liều vaccine sẽ hỗ trợ các nước nghèo, đồng thời hỗ trợ các quốc gia ngoài khối phát triển năng lực tự sản xuất vaccine.
Tổng thống Biden (Mỹ) trước đó đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số Mỹ trước ngày 4/7. Các chuyên gia tin rằng, mục tiêu này hoàn toàn nằm trong khả năng với tốc độ tiêm chủng hiện tại của Mỹ.
Việt Nam không trong nhóm các nước nghèo. Năm ngoái, "truyền thông ngạo nghễ" còn lạc quan Việt Nam sẽ tự sản xuất được vacxin. Thông tin mới nhất là dự kiến sẽ có vacxin made in Vietnam vào tháng 9/2021. Để tiêm cho toàn dân còn là một khoảng cách dài nữa.
Vậy tại sao không công bố cho các doanh nghiệp có nhu cầu vacxin đăng ký tiêm cho nhân sự doanh nghiệp mình để ổn định sản xuất, thương mại,... Nó chủ động hơn hẳn cách tìm F0, cách ly F1 và điều trị như hiện tại bởi chi chống dịch đều tính bằng nghìn tỉ. Công bố cá nhân/doanh nghiệp được quyền (chứ không phải được phép) đăng ký mua và tiêm vacxin là phục vụ nhu cầu chính đáng của nhân dân với quyền được bảo vệ theo Hiến pháp quy định.
Càng kéo dài việc chờ vacxin Việt Nam sản xuất hay càng trông cậy vào việc viện trợ không hoàn lại từ Mỹ và EU sẽ không thể giúp đất nước ổn định. Một F0 khiến bao nhiêu khu vực bị cách ly, khiến bao nhiêu công việc bị đình trệ và đại dịch gây biết bao khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong nước. Hoạt động giao thương với các nước miễn dịch cộng đồng cũng sẽ bị hạn chế khi Việt Nam còn dịch.
Lần nữa xin nhắc lại, Chính phủ cần triển khai ngay việc cá nhân/doanh nghiệp đăng ký mua và tiêm vacxin một cách có hệ thống và chủ động thay vì tìm và dập dịch một cách bị động như hiện nay.
Cái chết của nữ công nhân 38 tuổi dương tính với Covid trong khi không có bệnh nền khiến người viết suy nghĩ rất nhiều. Chết do nhiễm khuẩn (vi khuẩn khác virus) nghĩa là hệ thống y tế nơi cấp cứu bệnh nhân đã quá tải. Các trường hợp trở nặng ở Bắc Giang, Bắc Ninh thì sao Cũng là sinh mệnh đồng bào mình.
Trong đợt dịch thứ 4 này, hiện nay vẫn chưa là đỉnh dịch. Và việc chờ đợi vacxin cứu trợ hay vacxin do Việt Nam sản xuất sẽ khiến đất nước gặp nguy cơ đối mặt với những đợt dịch thứ 5, thứ 6. Trong khi đó, các biến thể virus ngày càng biến hoá hơn, lây lan nhanh hơn, độc lực nhiều hơn và hậu quả cũng ngày càng lớn hơn.
Phải để người dân/doanh nghiệp tự đăng ký mua và tiêm vacxin cứu mình, cứu người là giải pháp khả dĩ nhất. Chứ không phải chỉ trông cậy vào một số tập đoàn!
⦿ P/s: Theo thông tin tôi có, Bắc Giang quá tải và Bắc Ninh cũng trong tình trạng tương tự hay chí ít là sắp quá tải. Chỉ sơ sểnh một chút thì Hà Nội và các nơi khác rất khó kiểm soát.
Cuộc rà soát xét nghiệm Covid các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cả nước theo chỉ đạo Thủ tướng chưa xong và chắc chắn những ngày tới số ca nhiễm sẽ tăng lên tiếp.
Hãy hết sức cẩn trọng!
Mai Quốc Ấn
Bài về chủ đề Y tế-Sức khoẻ:
Chia sẻ với ứng dụng khác