Mấy lời nhắn nhủ thanh niên nam nữ đến tuổi kết bạn

0
Các bạn đến tuổi lập gia đình, đấy là việc quan trọng nhất đời các bạn, đó cũng là cái lo lắng nhất của cha mẹ các bạn cũng như của Hội thánh, hạnh phúc hay không cuộc đời các bạn hệ tại điều ấy, mà hạnh phúc các bạn cũng chính là hạnh phúc của cha mẹ các bạn, và cũng là niềm vui của Hội thánh. Việc ấy rất hệ trọng, đôi vợ chồng thứ nhất, chính là Thiên Chúa đứng lo liệu, vì Chúa dựng nên bà Evà để làm bạn với Ađam. Chúa Giêsu khi ra giảng đạo, phép lạ thứ nhất Chúa làm là khi Chúa đi dự tiệc cưới, làm để giúp đám cưới thêm vui, và đời Cựu Ước Chúa đã sai thiên thần Raphael liệu việc hôn phối cho Tôbia và Sara. Chúa coi đó là quan trọng vì nó là hạt nhân của xã hội, vì thế các bạn phải lấy đó làm điều tối quan hệ mà hết sức lo liệu. Một số việc cụ thể và rất cần thiết mà mọi người cần nhớ... Source: https://fb.com/groups/cuusinhvienconggiao/permalink/3771586496284610





I. TẦM QUAN TRỌNG


Các bạn đến tuổi lập gia đình, đấy là việc quan trọng nhất đời các bạn, đó cũng là cái lo lắng nhất của cha mẹ các bạn cũng như của Hội thánh, hạnh phúc hay không cuộc đời các bạn hệ tại điều ấy, mà hạnh phúc các bạn cũng chính là hạnh phúc của cha mẹ các bạn, và cũng là niềm vui của Hội thánh. Việc ấy rất hệ trọng, đôi vợ chồng thứ nhất, chính là Thiên Chúa đứng lo liệu, vì Chúa dựng nên bà Evà để làm bạn với Ađam. Chúa Giêsu khi ra giảng đạo, phép lạ thứ nhất Chúa làm là khi Chúa đi dự tiệc cưới, làm để giúp đám cưới thêm vui, và đời Cựu Ước Chúa đã sai thiên thần Raphael liệu việc hôn phối cho Tôbia và Sara. Chúa coi đó là quan trọng vì nó là hạt nhân của xã hội, vì thế các bạn phải lấy đó làm điều tối quan hệ mà hết sức lo liệu. Một số việc cụ thể và rất cần thiết mà mọi người cần nhớ:

II. NHỮNG VIỆC PHẢI LÀM TRƯỚC KHI CƯỚI


1. Cầu nguyện: Tiên vàn các bạn phải cầu nguyện, xin Chúa soi sáng cho biết kết bạn với ai, cho biết ăn ở thế nào để đẹp ý Chúa, để giữ được hòa thuận thương yêu nhau cho bền đỗ. Xin Chúa ban ơn để trọn nghĩa vụ trong gia đình.

2. Lựa chọn: Suy nghĩ chín chắn để chọn: Chọn ai? Chọn cái gì? Nhan sắc? Tài ba? Địa vị? Tiền của? Sức khỏe? Đức tính? Cái thiết yếu là đức tính con người, có biết quí mến nhau vì đức tính thì càng ở với nhau lâu càng yêu quí nhau, nếu chỉ chọn vì nhan sắc, tài ba... thì không yêu nhau thật và bền bỉ được. Rồi cái thứ hai phải có là sức khỏe, ít nhất là không có bệnh truyền nhiễm, các cái khác có thì hay; không có cũng được – cần đức tính, nhưng biết được tính nết người ta là chuyện khó, cho nên phải hỏi han cho rất kỹ, đừng vội tin vào người mối, chính mình phải điều tra, vì là việc riêng mình, và quan hệ cả đời. Điều tra thế nào? Điều tra cho biết tông tích ông bà cha mẹ người bạn thế nào? Vì con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, thế nào là dòng máu và giáo dục gia đình cũng ảnh hưởng đến người bạn. Điều tra cho biết đời sống của người bạn thời còn bé ở với cha mẹ, với anh em thế nào? Khi đến tuổi đi học thì ở với thầy, với bạn thế nào? Khi lớn làm nghề gì? Và thực nghiệp như thế nào? ở với những người khách hàng làm sao? Nhất là điều tra xem bạn bè với những ai? Ngạn ngữ Tây Phương có câu: "Anh hãy cho tôi biết anh bạn bè với ai, thì tôi sẽ bảo cho anh biết, anh là người thế nào?. Ta cũng thường có câu: "Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã" nếu bè bạn với người lẳng lơ, trộm cắp, cờ bạc thì tốt sao được?

3. Thật thà với nhau: Hai bên đã định làm bạn với nhau thì phải tín nhiệm nhau, nên nếu mình có điều gì thật cần, mà không che giấu được, trước sau thế nào bạn cũng biết thì cho nhau biết trước, hết sức đừng lúc cưới rồi, người bạn mới biết mà có cái cảm tưởng: thôi tôi bị lừa rồi, như thế thì tình yêu sẽ bị tổn thương rất nhiều.

4. Bàn hỏi: Sau hết, dù điều tra kỹ mấy, thì cũng còn có lẽ sợ mình sai lầm, nên cần bàn hỏi với những người khôn ngoan, cha mẹ, ông bà, chú bác, cha linh hồn... trường hợp cha mẹ không đồng ý thì sao? Nếu cha mẹ không đồng ý vì lẽ vật chất, thí dụ: như nghèo, không có địa vị... thì không can hệ lắm, nhưng nếu vì lẽ tính nết thì phải điều tra kỹ hơn, và bàn hỏi nhiều người khôn ngoan, nếu phần đông đồng ý với cha mẹ thì chớ từ chối kẻo mà nguy hiểm.

Có nên chọn người bên lương không? Luật Giáo hội cấm không được kết bạn với người khác đạo, cũng vì muốn gìn giữ đức tin và hạnh phúc cho con cái mình thôi, cũng vì muốn một gia đình mỗi người theo một thứ đạo thì khó mà giữ được sự hòa hợp cho trọn hảo. Nhưng nếu hai người quyết kết hôn với nhau thì Tòa Thánh cũng tha ngăn trở khác đạo cho mà thành hôn với nhau, nhưng bên khác đạo phải cam đoan để bạn mình được tự do giữ đạo, và để bạn rửa tội, dạy đạo cho các con. Còn nếu người khác đạo xin trở lại, thì Giáo hội rất hoan nghênh, nhưng mà phải trở lại thật, có lòng tin thật thì hãy xin rửa tội, nếu chỉ có ý trở lại để kết bạn thôi, lo việc xong sẽ bỏ, thì chúng tôi can đừng làm thế, vì dù không xin trở lại, mà quyết lấy nhau thì chúng tôi cũng tha ngăn trở để mà lấy nhau kia – Còn bên có đạo thì phải xem xét rất kỹ, nếu bạn mình là người hiền lành thật thà, thì tán thành, nếu không được chắc chắn thế thì đáng sợ lắm đấy, vì kinh nghiệm cho thấy là phần nhiều người ta bỏ, mà còn ngăn cấm mình giữ đạo nữa. Như thế thì khổ, nếu người ta bỏ đi kết bạn đám khác thì các bạn phép đạo buộc phải ở vậy.

Việc tìm hiểu nhau như thế, đòi hỏi phải có thời gian ít ra cũng phải dăm bảy tháng cho tới từng một, hai năm. Đừng có lo vội vàng hấp tấp, cha mẹ sợ để lâu họ sẽ gièm pha. Nếu mà bỏ nhau thì đó là chê nhau trước khi cưới hơn là sau, thà mình ở vậy hơn là kết bạn phải người không tốt mà khổ cả đời, khi tìm hiểu thì phải cho cha mẹ biết và gặp nhau đường đường.

5. Những ngày trước khi cưới: Khi đã quyết định lấy nhau thì phải lo chuẩn bị. Phần xác thế nào thì tùy gia phong điều kiện, tránh những tốn phí quá cho cha mẹ, cả lễ lẫn tiệc cưới, đừng muốn làm những cái như thi đua với người khác, muốn long trọng đặc biệt hơn người khác, như thế không có lợi mà còn có hại. Chuẩn bị phần hồn là cần thiết thì nhiều khi đôi tân hôn lại không lo đến, nên cần phải cầu nguyện, xin Chúa soi sáng giúp sức cho phải ở thế nào với cha mẹ và mọi người trong gia đình bạn để giữ được tin yêu và bằng yên với mọi người, ăn ở thế nào mà lập được một gia đình đạo đức, vợ chồng yêu thương và trung thành với nhau cho đến hết đời. Tình thương yêu và trung thành là hạnh phúc chính của vợ chồng. Mất nó là mất hạnh phúc, có nó thì dù xác phần có túng thiếu cũng gọi được là hạnh phúc. Nhưng yêu thương cũng có cái yêu thương chân chính làm nên hạnh phúc, cũng có cái không chân thành nó chỉ làm khổ cho cả hai, cái yêu thương chân thành là yêu thương hiến thân, người yêu không nghĩ gì đến mình, chỉ nghĩ đến người mình yêu, sao cho họ được hay, được tốt là mình sung sướng, cũng y như người mẹ yêu con, cái yêu không chân thành là cái yêu thương hưởng thụ, chỉ lo cho mình được thỏa thích, được như ý, giống như người yêu cái hoa, vì thích mùi thơm sắc thắm mà bứt bỏ túi. Yêu thế thì hại cho cái hoa, mình đừng yêu thì nó khỏi phải lìa cành. Ở giữa hai vợ chồng phải có tình yêu hiến thân, nó làm cho cả hai hạnh phúc, còn yêu hưởng thụ thì sinh lắm đòi hỏi, hờn dỗi, ghen ghét mà làm khổ cho cả hai.

6. Làm thế nào mà duy trì được?

Phải cầu nguyện, vì nếu không có Chúa thì quân canh thành cũng luống công (Tv126).

Loài người yếu đuối đừng quá tin tưởng vào lòng yêu bồng bột lúc ban đầu, tình cảm có lúc nó nguội. Trông vào các gia đình thì thấy, nên phải có ơn Chúa giúp. Muốn được Chúa giúp phải cầu xin, phải giữ đạo cho tốt. Có trung thành với Chúa thì Chúa mới giúp để trung thành với nhau, nhất là thời nay, sau khi kết hôn hai bên xa cách nhau lâu, thì cái gì làm cho mình yên trí người bạn xa vắng ấy sẽ trung thành với mình? Nếu bạn là người đạo đức sống đức tin thì chắc chắn không lo, bạn tôi chắc không dám làm những điều lỗi nặng mất lòng Chúa, nhưng nếu nó ít hay là không còn đức tin thì lấy gì bảo đảm? Giữ đạo là giữ các lề luật Chúa, luật Giáo hội, giữ đạo đọc kinh chung trong gia đình, ít ra là ban tối hàng ngày độ 15 phút, đừng bỏ, đó là vấn đề sống còn cho đời sống đạo các con trong lúc khan hiếm linh mục như bây giờ. Vì:

1. Nuôi dưỡng lòng đạo đức của các bạn và sau khi có con cái, thì đó cũng là phương thế để huấn luyện lòng đạo đức cho con cái.

2.Bảo đảm sự trung thành giữa hai vợ chồng, vì nếu bất hạnh một trong hai các bạn mà thất trung với bạn, thì khi ngồi mà đọc kinh chung, sẽ có tiếng Chúa trách mắng thẳng nhặt trong lòng mà làm cho phải bỏ tính ngang ấy đi. Nếu không chịu bỏ thì sẽ thôi không dám đọc kinh chung với nhau nữa.

3. Giúp các bạn giữ hòa thuận nữa, nếu ban ngày vì yếu đuối, vợ chồng có xô xát, tối lúc đọc kinh là lúc tha thứ cho nhau, vì nếu còn giận nhau thì sẽ không được kinh, cho nên bảo đảm vợ chồng sẽ không hờn dỗi qua một đêm.

4. Sau hết sống ở đời, các bạn tránh sao được những sự khó, ốm đau tại nạn, vậy những khi gặp sự khó vợ chồng biết đem nhau đến trước mặt Chúa mà cầu xin: "Lạy Chúa, xin thương vợ chồng con, cứu con khỏi tai nạn này, mà nếu thánh ý Chúa muốn con chịu khó, thì con xin cúi đầu vâng theo, nhưng xin Chúa giúp sức cho con, xin bù cho con đàng khác". Nếu các bạn biết cầu xin như thế, thì thế nào cũng được ơn Chúa cứu giúp, không cách này thì cách khác.

Ai cũng công nhận là một người có của cải, có địa vị, tài ba mà thiếu đức tính, thì cũng không thể chọn làm bạn được, vì đức tính mới là thiết yếu cho đời sống hạnh phúc. Cũng thế, gia đình có của cải, có địa vị mà thiếu đạo đức thì làm sao mà giữ được hòa thuận thân yêu, trung thành? Vậy sao các bạn lại không biết coi đó là cần thiết hơn cả mà hết lòng chăm lo việc giữ đạo?

III. SAU KHI CƯỚI


Phải duy trì tình yêu ấy thế nào nữa? Từ khi đã giao ước lấy nhau trước mặt Chúa rồi thì các bạn hết thong dong, không được mơ tưởng đến ai khác nữa, nếu trước kia đã tìm hiểu ai, đã thư từ đi lại với ai hay là trao đổi tặng vật, thì từ nay thôi hẳn, thư từ thì xé vất đi, tặng vật cái nhỏ thì bỏ đi, cái có giá trị, nếu mình đã có một vật tương đương tặng lại thì giữ được, kể như của đổi chác, nếu mình chưa có gì lại cho người ta thì trả lại, từ nay không đi lại, không so sánh mà tiếc nuối, vì thế là rất nguy hiểm. Phải giữ mình với hết mọi người khác phái, không được có thái độ lân la bạn bè, kẻo người ta phê bình, kẻo gây nghi ngờ không tốt.

Gặp người bạn không mấy vừa ý am hợp thì sao? Phải tự bảo mình: anh này bây giờ là chồng của tôi thì tôi phải quý, cô này giờ là vợ của tôi thì tôi yêu, tốt xấu cũng là bạn tôi, tốt thì tôi được hưởng nhờ, xấu thì tôi phải làm cho nên tốt, phần xác khỏe thì tôi được nhờ, yếu thì tôi chăm lo cho khỏe. Cũng như người mẹ sinh con tốt xấu cũng là con mình, con mình thì mình yêu mình dấu, hàng ngày xét mình về tình yêu nếu thấy lòng mình hướng chiều về ai, thí dụ khi gặp người ấy người nọ, mình cứ muốn lân la nói chuyện, lúc gặp thì vui thích vồn vã, thế là phải xa tránh đi, đừng coi thường, ngọn lửa nhỏ mà không dập tắt ngay đi thì cháy cả nhà. Lửa tình khi đã bén khó dập tắt lắm. Xin Chúa cho các bạn hiểu biết mà gìn giữ hết sức kẻo gia đình tan vỡ.

Muốn giữ được thương yêu, vợ chồng phải biết nhường nhau. Ai cũng có khuyết điểm, chịu đựng khuyết điểm nhau, tức là nhìn nhau. Phải ra sức hiểu nhau để lựa chiều mà ăn ở. Người ta thường nói nhường nhịn: thí dụ như hai người bộ hành, một người có tính đi nhanh, một người lại đi chậm, người đi nhanh phải biết đi chậm lại một ít, người đi chậm phải biết đi nhanh hơn thì hai người mới đồng hành được, bằng không thì sẽ hai người hai nơi. Cũng thế, thì dụ hai vợ chồng, người vợ đi chợ tiêu hơi có phần rộng rãi, người chồng lại hơi chặt chẽ, thì hai bên phải nhường cho nhau mỗi người một ít, người vợ ý muốn tiêu thí dụ 20 đồng thì bớt đi dăm đồng, người chồng muốn tiêu 10 đồng thôi, thì cũng nhường đi cho vợ dăm đồng thế mới giữ được sự an hòa, đừng bắt bạn theo ý mình cả kẻo họ không chịu được mà sinh bất bình.

Nên chú ý là nhiều khi trong gia đình thấy nổ ra cãi nhau to tát, mà hỏi ra thì chỉ là việc nhỏ thôi, căn cớ là vì những cái nhỏ nhưng người bạn bắt phải chịu hàng ngày, nó tích lại, như những hạt hơi nước, tích lại thành mây mà sinh ra mưa rào sấm sét.

Một mối nữa hay sinh ra bất hòa là sự hiểu lầm nhau, cho nên đừng vội hồ nghi, ngờ vực nhau. Hãy tín nhiệm nhau, nếu yếu đuối bất bình thì lo mà làm hòa với nhau ngay.

Gặp người bạn có nết xấu muốn sửa đổi phải làm thế nào? Dạy bảo, phê bình, trách móc có được không? Phương thế này rất không được việc – Trước hết phải cầu nguyện, xin Chúa soi sáng cho biết phải làm thế nào, tùy tính người bạn mà ở, điều cần là đừng trách, đừng phê bình, phải nhịn, phải lấy tình thương mà bảo, rồi mình phải cố gắng mà ở tốt lên để người bạn thấy cái tốt của mình mà tự sửa. Thường ra người ta không nhận thấy khuyết điểm của mình, chỉ thấy khuyết điểm của người khác. Đòi người ta sửa, khi mình không sửa mình thì người ta không chấp nhận điều mình sửa bảo họ. Tình yêu chân thực thì hy sinh quên mình, không nghĩ đến mình, chỉ nghĩ đến bạn, ốm đau thì chăm sóc, lo lắng khó nhọc thì ủy lạo, nâng đỡ, buồn phiền thì an ủi. Tình yêu chân thực thì biết tôn trọng nhau, kính nể nhau. Không bao giờ mắng chửi nhau những điều thô tục, nó sẽ làm cho tình yêu mất tế nhị, cao đẹp.

Đây là những lời được rút từ Kinh thánh, là lời của Chúa "Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được chia rẽ". Chia rẽ là cảnh tang tóc, Chúa dựng nên loài người không xác hồn kết hợp, nên một mà chia ly là cảnh chết. Vợ chồng cũng thế, Chúa đã kết hợp, phân ly là chết, là cảnh đau thương tang tóc. Cho nên vợ chồng phải kết hợp trong một tình yêu sắt đá trung thành. Đó là hạnh phúc các bạn. Nó quý hơn vàng bạc, trân châu, tình yêu ấy từ Chúa mà ra vì: "Người đàn ông sẽ bỏ cha mẹ khăn khít với bạn mình và chúng ta sẽ nên một thân xác" (St 2, 24). Đã là bởi Chúa mà ra thì nó làm cho đôi bạn nên tốt lành thánh thiện, vì yêu bạn nên ra sức làm cho bạn nên tốt hơn, đạo đức hơn, lương thiện hơn, bác ái hơn.

Ngày các bạn kết hôn, Hội thánh đã lồng việc các bạn giao ước với nhau nên vợ chồng, thề hứa yêu thương trung thành với nhau vào thánh lễ, cũng như là việc các chức thánh để các bạn thấy Hội thánh lấy việc ấy làm quan trọng đến mức độ nào, và những việc Hội thánh thay mặt Chúa dặn bảo và cầu chúc cho các bạn với hết tình thương làm sao, các bạn đừng để cho những lời cầu chúc ấy ra vô hiệu quả cho các bạn.

Nguồn: Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 102 (Tháng 9 & 10 năm 2017)

Bài về chủ đề Giới trẻ:

Đăng nhận xét

0Nhận xét
* Xin đừng spam, cám ơn bạn nhiều. Các quản trị viên sẽ kiểm duyệt các bình luận...
Đăng nhận xét (0)
Về đầu trang