Nguyễn Quốc Vương: Muốn giỏi nghề, phải đọc sách

0
Là một diễn giả đã từng đến nhiều thư viện, trường học nói chuyện về văn hóa đọc và cũng là một người bán sách, tôi nhận thấy có nhiều người nghĩ đọc sách chỉ là chuyện của người đang đi học. Nhiều phụ huynh mua sách cho con nhưng ít khi mua sách cho mình và khi hỏi thì câu trả lời là "không cần thiết". Source: https://thegioihoinhap.vn/loi-song/van-hoa-giao-duc/nguyen-quoc-vuong-muon-gioi-nghe-phai-doc-sach
Là một diễn giả đã từng đến nhiều thư viện, trường học nói chuyện về văn hóa đọc và cũng là một người bán sách, tôi nhận thấy có nhiều người nghĩ đọc sách chỉ là chuyện của người đang đi học.

Nhờ đọc sách sẽ giúp cho cá nhân học và làm nghề tốt hơn.

Nhiều phụ huynh mua sách cho con nhưng ít khi mua sách cho mình và khi hỏi thì câu trả lời là "không cần thiết".

Phần lớn những người đang đi làm, các bạn sinh viên đang đi học cho rằng muốn giỏi nghề thì chỉ cần tập trung học các môn chuyên ngành là đủ. Tôi cho rằng chính nhờ đọc sách sẽ giúp cho cá nhân học và làm nghề tốt hơn.

Đọc sách giúp xây dựng nền tảng văn hóa cơ bản

Cho dù làm nghề gì, mỗi cá nhân đều cần một nền tảng văn hóa cơ bản để có thể giao tiếp với đồng nghiệp, cấp trên, khách hàng, thiết lập sự hiểu biết, thông cảm lẫn nhau, từ đó hợp tác tốt trong công việc. Đặc biệt những người làm trong các công ty lớn, công ty có thành phần nhân sự đến từ nhiều địa phương, nhiều nền văn hóa khác nhau, thì nền tảng văn hóa là điều thiết yếu để bạn tồn tại với văn hóa công ty đang xây dựng.

Những người khi đi làm chỉ biết "chuyên môn thuần túy" với ý nghĩa chỉ biết những gì thuộc về nghiệp vụ khi thực thi công việc sẽ không tiến bộ, thăng tiến được. Họ khó trở thành người lãnh đạo của nhóm, tổ, dây chuyền, bộ phận hay trở thành trưởng phòng, phó giám đốc... hoặc nếu có thể ngồi vào ghế đó, họ cũng không trở thành người lãnh đạo được kính trọng, có sức ảnh hưởng và phát huy được sức mạnh của mọi người. Đơn giản vì để trở thành người lãnh đạo phải có nền tảng văn hóa để thấu hiểu, lôi cuốn và dẫn dắt mọi người.

Rất nhiều sinh viên lúc còn đi học đã phạm sai lầm khi không đọc sách về mọi lĩnh vực như văn hóa, lịch sử, địa lý, triết học, tâm lý để có nền tảng văn hóa cơ bản. Khi đi làm, họ sẽ phải tự bồi dưỡng, nâng cao văn hóa bản thân thông qua đọc. Ai vượt qua được lực cản, sức ỳ để đọc, để nâng cao văn hóa cơ bản, người đó sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến. Rất nhiều ông chủ các tập đoàn lớn trên thế giới hay giám đốc các công ty ở Việt Nam tuy không có điều kiện theo học ở trong trường lâu, có bằng cấp cao nhưng nhờ tự học, tự đọc không ngừng họ đã trở thành những nhân vật thành công trong nghề nghiệp của mình. Những người như Matsushita Konosuke – người sáng lập tập đoàn Matsushita (Panasonic), Honda Soichiro – người sáng lập tập đoàn Honda... là những ví dụ tiêu biểu.

Ở một khía cạnh khác, cho dù làm nghề gì, giữ chức vụ, vị trí cao hay thấp trong nghề đó, cá nhân vẫn là con người bình thường, có cuộc sống đời thường với biết bao khó khăn, hạnh phúc, vui buồn của cõi người. Khi đó, người có nền tảng văn hóa cơ bản, có thú vui đọc sách sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn cách sống, thái độ sống và tìm kiếm hạnh phúc đích thực hơn. Những kiến thức thu nhận từ sách sẽ giúp họ cân bằng được giữa cuộc sống nghề nghiệp và cuộc sống đời thường, giúp họ biết nuôi dạy con, thưởng thức cuộc sống và tìm ra ý nghĩa của cuộc sống.

Đọc sách giúp có kiến thức về nghề nghiệp một cách sâu sắc và có hệ thống

Bất cứ một nghề gì hiểu biết lý thuyết và kỹ năng thực hành đều quan trọng như nhau nếu muốn phát triển sự nghiệp đến đỉnh cao, đạt được thành tựu lớn, tạo ra ảnh hưởng lớn và có cống hiến xã hội. Ngay cả những nghề mới nghe qua tưởng chừng như tầm thường như trồng cây, nuôi gia súc, làm bánh... lý thuyết và thực hành đều quan trọng ngang nhau. Vì nếu bạn có ý chí, có phương pháp học tập, chăm đọc, trong 3 năm học cao đẳng, hay 4 năm học đại học, người học hoàn toàn có thể trang bị cho mình một hệ thống kiến thức cơ bản và sâu sắc về nghề mình sẽ làm. Nếu là người có tư duy, biết quan sát và luôn có ý thức cải tiến dịch vụ, sản phẩm của mình, người làm nghề sẽ thấy "lý thuyết" không phải hoàn toàn vô dụng. Nó sẽ chỉ dẫn cho người làm nghề nhiều thứ.

Hơn nữa, nghề nào cũng có lịch sử của nó. Đã có rất nhiều người đi trước bạn trong ngành nghề đó trải qua quá trình nghiền ngẫm, nghiên cứu trong một thời gian dài. Nhiều người trong số đó đã viết lại những công trình nghiên cứu, kinh nghiệm của bản thân thành sách, tài liệu. Khi đọc chúng, người làm nghề sẽ rút ngắn được thời gian mày mò, tiết kiệm được công sức, tiền bạc và đi tiếp được chặng đường người trước chưa thể đi. Họ có thể dựa trên thành tựu của người đi trước để chiếm lĩnh đỉnh cao. Trong công việc, khi gặp vấn đề thực tế cần giải quyết mà người làm nghề biết đọc sách, tra cứu tài liệu... thì sẽ tìm ra cách giải quyết nhanh hơn, tốt hơn. Tất nhiên, không cần đọc, có khi vẫn có thể làm nghề được, dựa vào kinh nghiệm, học hỏi trực tiếp từ người xung quanh... nhưng muốn làm nghề một cách bài bản, đạt đỉnh cao nhất có thể thì không thể tránh khỏi việc đọc sách.

Đọc sách cũng là một cách thức để học nghề mới

Việc học phải cần được xem là việc cả đời. Người đã trưởng thành, đi làm cần phải tận dụng tối đa mọi cơ hội, thời gian để học tập nâng cao trình độ nghề nghiệp của bản thân. Lý do là vì không có nghề nào mà muốn làm tốt chỉ cần học ở trường là đủ. Trong trường do thời gian, khung chương trình có hạn, giáo viên không thể nào dạy tất cả và người học cũng không thể học mọi thứ chỉ trong 2 đến 4 năm đó. Xã hội hiện đại tiến bộ rất nhanh, các kiến thức được cập nhật liên tục, công nghệ, kỹ thuật liên tục thay đổi cho nên nếu không liên tục học, đọc thì người làm nghề sẽ trở nên lạc hậu.

Ngoài ra, trong thực tế người đã ra trường, đi làm sẽ phải đối mặt với vấn đề học một nghề nhưng khi đi làm lại được phân công làm một việc không mấy liên quan, hoặc bản thân lại có hứng thú với nghề khác. Trong tình huống đó thì chỉ có cách là tự học, tự bồi dưỡng để chinh phục lĩnh vực mới, nghề mới. Đọc là một cách để học nghề mới. Bản thân tôi cũng đã làm rất nhiều nghề khác nhau trong đó có nghề biên – phiên dịch, viết báo, viết sách, dịch sách, diễn thuyết... Tất cả những nghề đó tôi đều không được đào tạo trong trường đại học. Tuy nhiên, bằng cách đọc để tự học, vận dụng những nền tảng kiến thức đã học trong các trường đại học trước đó (tôi học về giáo dục học), tôi có thể làm được các nghề trên ở mức có thể tự sống độc lập được nhờ vào sự tín nhiệm của khách hàng.

Trong bối cảnh hiện nay khi các ngành nghề liên tục phát triển mỗi ngày và xã hội có tính năng động cao, việc học một nghề trong trường rồi ra làm đúng nghề đó không phải là tất yếu. Khi đó ham đọc và có năng lực đọc tốt sẽ giúp cho cá nhân có cơ hội thích nghi tốt hơn và có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với sở thích, thế mạnh của bản thân.

Nguyễn Quốc Vương (theo TGHN)

Bài về chủ đề Giáo dục:

Đăng nhận xét

0Nhận xét
* Xin đừng spam, cám ơn bạn nhiều. Các quản trị viên sẽ kiểm duyệt các bình luận...
Đăng nhận xét (0)
Về đầu trang