Trong tất cả những "vụn vặt đời thường" mà tôi ghi chép thì nhiều nhất là chuyện người tốt luôn phải đơn độc chống lại sự sai trái, tìm lại công bằng cho mình. Không phải là việc "đi tìm công lý" hay chống tham nhũng tiêu cực lớn lao của xã hội mà đó chỉ là chuyện nho nhỏ của bản thân họ, những câu chuyện mà chỉ cần có thiện ý chút thôi là có thể giải quyết thỏa đáng, êm đẹp.
Vài năm trước có sự việc ở một trường học, xe hơi của bà hiệu trưởng chạy trong sân trường đâm vào một học sinh và làm cháu bị gãy chân. Sự việc tưởng như "rõ mười mươi", nhưng không, người cha cháu bé đã kể lại hành trình vô cùng khó khăn khi đi tìm sự thật câu chuyện tai nạn của con trai mình. Khó khăn thứ nhất là việc anh đi tìm để gặp cho được hai bà hiệu trưởng, hiệu phó đã âm mưu che dấu chuyện này. Khó nhì là thuyết phục các thầy cô giáo nói ra sự thật. Khó ba là làm sao cho những phụ huynh khác hiểu và ủng hộ mình vì phụ huynh rất ngại va chạm với nhà trường do "sợ ảnh hưởng đến con mình". Và theo anh, khó nhất là làm sao để con mình tin là người lớn sẽ nhận lỗi khi họ phạm lỗi!
Tôi rất cảm phục người cha này vì anh kiên trì đi tìm sự thật cho con trẻ để con tin rằng: không phải lỗi của con, dù tai nạn không ai muốn nhưng người gây ra thì cần biết nhận lỗi – nhất là người lớn, là thầy cô giáo! Mục đích việc anh làm là đi tìm sự thật chứ không phải đổ lỗi ai đúng ai sai, không phải tìm cách để trả thù hay bêu riếu. Do đó thái độ của anh luôn bình tĩnh, không xúc phạm người gây tai nạn cho con mình, khách quan tiếp nhận những thông tin "trái chiều" và luôn khiêm nhường trình bày lý lẽ đúng đắn của mình.
Cũng may, sự thật cũng được sáng tỏ nhưng đôi bên đều mệt mỏi và tổn thương. Tôi chắc nhiều thầy cô giáo và phụ huynh đồng cảm với người cha này, nhưng liệu mọi người có cảm thấy áy náy hối hận chút nào không, khi đã để mặc cho anh một mình đi tìm sự thật, thậm chí còn tham gia cản trở anh Với người cha người mẹ như thế - tôi tin vợ anh cũng ủng hộ thì anh mới có thể làm được điều đó - cháu bé lớn lên hẳn sẽ là một người chính trực!
🔹🔷🔶🔷🔹
Trong cuộc sống hàng ngày có rất nhiều câu chuyện như trên, nhưng hầu như ít khi nào kết thúc êm đẹp. Bởi vì luôn thiếu vắng một lời xin lỗi được nói ra đúng lúc với thái độ chân thành, thiếu vắng một sự độ lượng chia sẻ chuyện rủi ro, mà thường nghe thấy lời chối tội hay quy kết, đe dọa nặng nề, thậm chí nạn nhân bỗng trở thành người có tội. Thế là chuyện từ "bé xé ra to" chỉ vì sự thật bị giấu nhẹm, bị tráo đổi đúng sai.
Ở những việc lớn hơn, khi có bất đồng thì người trong cuộc thường không quan tâm đến việc đi tìm bản chất sự việc mà chỉ mải mê tranh luận, trấn áp nhau để chứng minh "tôi đúng anh sai". Việc tìm cách đổ lỗi, quy trách nhiệm cho người khác khá phổ biến, nhất là khi một bên có thế có lực và một bên chỉ là phận "con sâu cái kiến". Có những người biết rõ sự thật nhưng im lặng, họ chỉ lên tiếng ủng hộ điều tốt một cách "có điều kiện" khi họ không bị bất lợi, thiệt thòi. Tệ hơn, để kiếm lợi có người còn tìm cách ngụy biện và bênh vực sự giả dối. Không ít người có thói "mackeno" khi đối xử với người yếu thế nhưng lại "a dua người quyền quý. Ngu dốt mà cũng tán rằng thông minh, bạo ngược mà cũng tán rằng nhân đức... bất cứ việc gì người ra thế nào, đã là quyền quý thì cứ nhắm mắt tán dương" – một thói xấu của người Việt mà Huỳnh Thúc Kháng đã lên tiếng cảnh tỉnh từ năm 1929! Thói tật này làm thui chột lòng trắc ẩn và dung dưỡng sự bất công, sâu xa hơn là nuôi dưỡng sự phản kháng tiềm ẩn của những "Chí Phèo hiện đại".
🔹🔷🔶🔷🔹
Đối với người nước ngoài người Việt luôn hiếu khách và nhún nhường, thậm chí có trường hợp cần quyết liệt thì vẫn nhẫn nhịn tự nhủ "tránh voi không xấu mặt nào". Nhưng dường như chúng ta rất cực đoan trong cách ứng xử giữa "người trong một nước": có mâu thuẫn bất đồng lập tức vung gạch đá gậy gộc sống mái một trận, tuôn ra những lời "ác khẩu" như với kẻ thù địch, sau đó "ghét ai ghét cả tông ti họ hàng".
Không khó để nhận thấy nguyên nhân của những sự việc trên bắt nguồn từ sự thiếu vắng đức tính "khiêm nhường" trong những mối quan hệ xã hội ngày nay. Chuyện nhỏ từ sự háo thắng nên không muốn nhận lỗi, chuyện lớn từ sự kiêu ngạo của người quyền thế cho rằng không thể "thua cơ" người khác. Háo thắng, kiêu ngạo đến bất chấp phải trái đều do không có đức "khiêm" để biết người biết ta mà cư xử cho phải phép, cho đúng vị thế của người cần phải xin lỗi hay người được xin lỗi. Khiêm nhu chứ không phải kiểu giả vờ "khiêm tốn bằng bốn tự kiêu" như dân gian vẫn nói.
Thôi thì, để giáo dục chữ "khiêm" cho thế hệ sau còn là một đoạn đường dài. Còn bây giờ, nếu mỗi người bớt đi sự chấp vặt, suy diễn vô căn cứ, nhìn sự việc đơn giản và thực chất, thẳng thắn và trung thực với nhau hơn... sẽ bớt được bao phiền toái và có hại cho mỗi người, cho xã hội. Bởi vì năng lượng tiêu cực "thù lâu nhớ dai" đã, đang và sẽ làm triệt tiêu năng lượng tích cực giúp cho "người với người sống để yêu nhau"
SG 5.2021
Nguyễn Hậu KC.
Bài về chủ đề Hèn hạ: