GS. Vũ Quốc Thúc đã gia nhập Giáo hội Công Giáo

0
"Tôi còn nhớ vào năm 1976, trong lúc tinh thần hoang mang, chờ người ta đến bắt mình đi "cải tạo", chưa biết tương lai sẽ ra sao, một lòng chỉ muốn ra khỏi nước. Lúc đó tôi đã lên cầu xin Đức Mẹ ở Bình Triệu. Nhà tôi ở Sài Gòn, gần nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, đường Kỳ Đồng, có tượng Đức Mẹ Lộ Đức. Trong lúc hoang mang, tôi đến cầu Đức Mẹ. Hôm đó tôi đã lên Bình Triệu và đã có sự linh ứng. Tôi có lời nguyện, tôi xin Đức Mẹ cứu cho vợ chồng tôi và bốn con còn nhỏ ra được ngoại quốc, thì tôi sẽ xin nguyện đem tất cả những năm còn lại trong đời tôi, trước hết để tranh đấu cho dân tộc, và tranh đấu cho tôn giáo. Sau khi tôi vừa cầu nguyện xong, thì tượng Đức Mẹ sáng rực lên và trong lòng tôi thấy bồi hồi vô cùng, và sau lần đó tôi đã vận động và sang được bên Pháp này. Còn nhiều chuyện tôi không muốn nói ra đây, nhưng quả thật là linh ứng." Source: http://www.vncatholic.net/gs-vu-quoc-thuc-da-cung-24-tan-tong-khac-gia-nhap-giao-hoi-cong-giao-tai-giao-xu-viet-nam-paris/
12.04.2012 Lễ Phục Sinh, Giáo xứ Việt Nam Paris đã đón nhận 25 tân tòng nhập đạo, trong đó có Giáo sư Vũ quốc Thúc.

Đây là một hồng ân nhưng không mà Chúa đã ban cho giáo xứ năm nay. Phải chăng Chúa muốn thưởng công bao nhiêu đóng góp thầm kín và kiên nhẫn của bao nhiêu hội đoàn, bao nhiêu giáo hữu trong giáo xứ? Không ai dám khẳng định. Chỉ biết rằng dưới sự lãnh đạo của Ban Giám Đốc nhiệt thành và hăng say truyền giáo, rất nhiều công việc đã được thực hiện, khi thì công khai, khi thì kín đáo.



1. Ông đã thấy và đã tin

Phúc Âm Gioan, đọc trong lễ Phục Sinh, ngày Gs Vũ Quốc Thúc lãnh nhận phép rửa, kể lại việc bà Maria Mácđala, ông Simon Phêrô và ông Gioan đã ra mộ tìm Chúa. Cả ba người đã thấy và đã tin.

Gs Vũ Quốc Thúc và các tân tòng khác cũng đã thấy và đã tin. Họ đã thấy gì? Họ đã thấy một ân huệ Chúa ban, một nghĩa cử đáng phục, một người bạn đáng mến? Hay một điều gì khác?

Trước và sau nghi lễ rửa tội, người viết có dịp được nói chuyện với dăm ba tân tòng. Người viết hỏi họ xem lý do nào đã thúc đẩy họ gia nhập đạo công giáo. Một chị trả lời rằng: "Hai năm trước đây, em học xong, ra trường, tìm mãi, không được việc làm. Trong lúc chán nản, một người bạn rủ em đi Lộ Đức cầu nguyện. Em nghe theo. Mấy tháng sau, em tìm được việc làm. Em nghĩ rằng đó là ơn Đức Bà phù hộ. Em đến trình bày với cha Vinh và xin học đạo". Một anh thanh niên kể rằng: "Cách đây đúng 4 năm, em không phải là công giáo, nhưng thích sinh hoạt và du lịch, đã ghi danh dự ngày JMJ Sydney. Em đã gặp được vài người bạn. Gương bác ái của họ làm em xúc động và suy nghĩ rồi quyết định đi sinh hoạt theo họ. Trong các sinh hoạt đó, em gặp được một thiếu nữ công giáo. Em muốn xây dựng cuộc đời lâu dài với nàng và để đảm bảo hạnh phúc lâu bền gia đình, em đã xin học giáo lý vào đạo".

Trên bình diện tổng quát ở giáo xứ Việt Nam Paris, Đức Ông Mai Đức Vinh (1), người lo việc dạy giáo lý tân tòng trên ba chục năm nay (1977-2012), đã đặt câu hỏi và đã trả lời: "Những động lực nào đã thúc đẩy người Việt Nam xin học giáo lý để gia nhập đạo Công Giáo? Xin thưa:

• Vì đã khấn hứa với Chúa và Đức Mẹ (đặc biệt khi rời Việt Nam,...);
• Vì đã lãnh nhận một ân huệ Chúa và Đức Mẹ ban (ơn khỏi bệnh, ơn thoát nạn, được việc làm,...);
• Vì muốn gia đình được hiệp nhất trọn vẹn và bảo đảm hạnh phúc lâu bền (các đôi bạn đã lập gia đình một số năm, hay sắp lập gia đình,...);
• Vì cảm mến đạo công giáo (thấy đạo công giáo quan tâm nhiều về bác ái nhân đạo, có những nhân vật nổi tiếng, như Mẹ Têrêxa Calcutta, Abbé Pierre, Đức Gioan Phaolô II, hoạt động bác ái của giáo xứ Việt Nam,...);
• Vì ảnh hưởng tốt của các bạn công giáo (ngoại quốc hay Việt Nam, có khi đã quen thân lâu năm, có khi những năm ở ca đoàn, trong một sinh hoạt, như JMJ, trại hè,...)
• Ngoài ra, Đức Ông còn nhắc đến một động lực khác nữa, thúc đẩy, lôi cuốn và đưa đến Thiên Chúa Tình Yêu. Đó là ảnh hưởng của những người bạn đời hay bạn thân, có đời sống và liên hệ hằng ngày với các lương dân dự tòng, những người đồng hành lâu dài, những người giúp hiểu giáo lý, những người nhận đỡ đầu.

Về phần Giáo sư Vũ Quốc Thúc, trong bữa tiệc tiếp tân chúc mừng, do Hội Ái Hữu Đại Học Đà Lạt tại Âu Châu, quy tụ các cựu Giáo Sư và Sinh Viên Viện Đại Học Đà Lạt, tổ chức sau lễ rửa tội, ông đã đặc biệt nhắc đến ba điều ông đã thấy và đã tin.

Ông đã thấy ơn Đức Mẹ. Ông kể rằng "Tôi còn nhớ vào năm 1976, trong lúc tinh thần hoang mang, chờ người ta đến bắt mình đi "cải tạo", chưa biết tương lai sẽ ra sao, một lòng chỉ muốn ra khỏi nước. Lúc đó tôi đã lên cầu xin Đức Mẹ ở Bình Triệu. Nhà tôi ở Sài Gòn, gần nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, đường Kỳ Đồng, có tượng Đức Mẹ Lộ Đức. Trong lúc hoang mang, tôi đến cầu Đức Mẹ. Hôm đó tôi đã lên Bình Triệu và đã có sự linh ứng. Tôi có lời nguyện, tôi xin Đức Mẹ cứu cho vợ chồng tôi và bốn con còn nhỏ ra được ngoại quốc, thì tôi sẽ xin nguyện đem tất cả những năm còn lại trong đời tôi, trước hết để tranh đấu cho dân tộc, và tranh đấu cho tôn giáo. Sau khi tôi vừa cầu nguyện xong, thì tượng Đức Mẹ sáng rực lên và trong lòng tôi thấy bồi hồi vô cùng, và sau lần đó tôi đã vận động và sang được bên Pháp này. Còn nhiều chuyện tôi không muốn nói ra đây, nhưng quả thật là linh ứng" (2).

Từ khi sang Pháp, ông thường xuyên hay gặp một người cựu học trò ở Trường Chính Trị Kinh Doanh Đại Học Đà Lạt khi xưa, khóa I, 1964-1968. Ông đã thấy gương đức tin của anh. Ông quyết định xin học giáo lý, vào đạo công giáo, giữ lời hứa với Đức Mẹ Fatima Bình Triệu. Ông xin anh làm bõ đỡ đầu. Đó là anh Lê Đình Thông. Ông nói: "Trong việc đi tìm Chúa, người mà tôi phải cảm tạ vô cùng, cảm tạ rất đặc biệt là GS Lê Đình Thông. Anh LĐT quả thực đã giúp đỡ tôi rất nhiều, có lẽ đến cả chục năm nay, tôi đã tâm sự với anh về bao nhiêu những vấn đề đã khiến cho tôi phải trăn trở. Và khi tôi nói đến chuyện trăn trở của tôi về cõi thiêng liêng thì chính anh đã có những lời tâm tình làm tôi cảm động, và chính anh đã giúp tôi làm các thủ tục và luôn luôn dìu dắt tôi để cho tôi khỏi mệt nhọc. Và hôm nay, anh Thông đã đối xử với tôi, quả thật không khác chi là một người anh em ruột thịt, xin cám ơn anh, cám ơn anh" (3).


Ông muốn xin được rửa tội công khai và trang trọng theo đủ các nghi thức của Giáo hội, như mọi tân tòng khác, như một biểu lộ và dấu chứng làm chứng nhân, công khai công bố đức tin của mình.

Hôm nay, đã nhận Bí tích Rửa Tội, đã gia nhập Giáo Hội Tình Yêu, có lẽ Giáo Sư Jean-Paul Vũ Quốc Thúc và những tân tòng khác đã cảm nhận được những điều mà họ không thấy, nhưng cũng là những lực đưa đẩy họ tìm được Chúa, đi vào Đức Tin. Đó là những lời cầu nguyện và những sinh hoạt; có khi âm thầm của nhiều tín hữu, của nhiều cá nhân, của nhiều hội đoàn, của nhiều đồng nghiệp, bạn bè thân quen của họ, hay những nguyện cầu, suy nghĩ, biên khảo của chính họ; có khi công khai tổ chức quy mô ở giáo xứ, giáo phận, giáo hội, như các chiến dịch trong các năm: 2012 "Liên đới Niềm tin", 2006 "Liên đới Tin Mừng", 2005 "Liên đới Truyền giáo", 2004 "Sống truyền giáo Tổng Giáo phận Paris",...

Và hôm nay, đã nhận Bí tích Thêm sức, có lẽ họ cũng đã cảm nhận được sức thúc bách sống và biểu lộ đức tin, làm chứng nhân về Chúa Phục Sinh, rao giảng Lời Chúa và liên đới bác ái với mọi người, như lời Đức Phaolô VI đã nói trong thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu rằng: "Bản chất Hội Thánh được thể hiện qua một trách nhiệm có ba mặt: rao giảng Lời Chúa, cử hành các Bí tích, phục vụ bác ái. Đó là những trách nhiệm lệ thuộc vào nhau và không thể tách rời nhau được. Việc phục vụ bác ái đối với Hội Thánh không phải là một cách thức hoạt động trợ giúp có thể giao cho người khác, nhưng nó thuộc về bản chất của Hội Thánh, là một biểu lộ bản chất không thể từ bỏ được" (4).

2. Hội Ái Hữu Viện Đại Học Đà Lạt chúc mừng

Nhân dịp này, trong niềm vui chung cho cộng đoàn giáo xứ và đại gia đình thụ nhân trên khắp thế giới và riêng tại Paris, các cựu giáo sư, sinh viên và gia đình thuộc Viện Đại Học Đà Lạt đã tổ chức một bữa tiệc, vừa để chúc mừng Lễ Rửa Tội gia nhập Giáo Hội Công Giáo, vừa để chúc mừng sinh nhật thứ 92 của Giáo Sư Vũ Quốc Thúc. Khoảng 70 người đã đến tham dự.

Mở đầu bữa tiệc, anh Phạm Trọng Khoát, chủ tịch hội Thụ Nhân, có đôi lời chúc mừng và dâng thầy Vũ Quốc Thúc bài thơ chúc thọ và mừng rửa tội:

"Trong đời sống hàng ngày của mỗi người, ai cũng có niềm tin. Bình thường niềm tin đó là những ước muốn, những tin tưởng, những hy vọng về vật chất hay cho thăng tiến trong xã hội. Tuy nhiên, còn có những niềm tin thiêng liêng cao cả, sâu đậm, thánh hóa, đó là niềm tin về tôn giáo. Hôm nay trong ngày lễ Phục Sinh, thầy Vũ Quốc Thúc đã chọn niềm tin vào Thiên Chúa, đón nhận bí tích rửa tội để trở thành một tín đồ Công giáo. Đại diện cho toàn thể Hội Ái Hữu Đại Học Đà Lạt tại Âu Châu, chúng con xin cảm ơn Đức Ông, quý Cha, quý vị và quý anh chị đã đến để chứng kiến, và chia sẻ niềm vui này với thầy Thúc, là một người cha trong gia đình thụ nhân.

Thưa Thầy, đối với những người đã trưởng thành, mỗi quyết định gia nhập bất cứ tôn giáo nào, vì nhiều lý do khác nhau, đều là chính đáng. Con nhớ những lần Thầy kể cho chúng con nghe về những phép lạ, những ơn lành mà Thầy đã nhận được, chắc hẳn đó là một trong những lý do đã tạo được niềm tin của Thầy với Thiên Chúa.

Trong một bài giảng của một linh mục người Mỹ mà con được nghe, vị linh mục này nói: "Hãy đến với Thượng đế, chứ đừng dùng Thượng Đế như số 911, chỉ khi nào cần thì mới gọi, xong rồi thôi". Thầy không vậy, sau khi tìm thấy được lòng tin vào Thiên Chúa, Thầy đã quyết định trở thành tín đồ để thờ phượng Ngài. Ở tuổi của Thầy, đây không phải là một quyết định dễ dàng, cũng như trước những phê bình, dèm pha của người đời, nhưng thưa Thầy, đức tin bao giờ cũng thắng.

Đây là một bài học "dấn thân" thứ hai của Thầy cho chúng con. Đọc tác phẩm "Thời Đại của tôi" của Thầy, con đã học được bài học dấn thân cho đất nước, một lần nữa, Thầy lại cho chúng con thấy, ở bất cứ tuổi nào, việc có khó khăn đến đâu, khi đã tin tưởng, Thầy sẽ dấn thân vào việc đó.

Chúng con không được nhiều dịp gặp Thầy đông đủ, cho nên mỗi lần có cơ hội như hôm nay, là một lần chúng con xin được phép chúc mừng thượng thọ Thầy. Chúng con xin có một bài thơ của anh Thông xin kính tặng Thầy:

Nắng mới vườn xuân thoảng sắc hương,
Thiều quang chợt đến lúc tinh sương.
Niên kỷ cửu thập tri quốc mệnh,
年 纪 九 十 知 國 命
Bách niên chi kế chí cương thường.
百 年 之 計 志 綱 常
Thượng đế ban ơn qua vận hạn,
Thiên thần giáng phúc thoát tai ương.
Mừng Thầy rửa tội mùa xuân mới:
Bách niên trường thọ phúc miên trường.
百 年 長 壽 福 綿 長


Chúng con xin thành thật cầu mong Thầy tiếp tục được ơn trên che chở, và tìm được sự bình an đạo, đời với đức tin mà Thầy vừa lãnh nhận" (5).

Sau đó, một chị đã dâng bon sai kính chúc thượng thọ thầy. Rồi anh Lê Đình Thông đã đích thân đọc bài Đường thi chúc mừng. Đức Ông Giám đốc Mai Đức Vinh, bận đi làm lễ, không đến tham dự được, nhưng gửi biếu chuỗi tràng hạt do Đức Bênêdictô XVI làm phép. Cha Tuyên úy Đinh Đồng Thượng Sách (thi sĩ Cung Chi) đã ghé chúc mừng Giáo sư Vũ Quốc Thúc và đề tặng một bài thơ.

Thầy Vũ Quốc Thúc có đôi lời cám ơn Đức Ông đã ban phép Rửa tội, phép Thêm sức, phép Mình Thánh Chúa và cám ơn Ngài đã trao tặng cỗ tràng hạt do Đức Bênêđictô XVI làm phép. Thầy cũng đã cám ơn cha Tuyên úy Đinh Đồng Thượng Sách đã ghé thăm và chúc mừng. Rồi thầy kể lý do tại sao theo đạo, tại sao đã chọn Giáo Sư Lê Đình Thông làm bõ đỡ đầu và tại sao lại đã muốn công khai nhận phép rửa tội. Thầy cám ơn các cựu giáo sư và sinh viên Viện Đại Học Đà Lạt hiện diện hôm nay, cám ơn chân tình và thịnh tình của họ, đã tổ chức tiệc mừng lễ rửa tội và chúc thọ. Việc anh chị em ăn mừng thượng thọ cho thầy vào ngày Phục sinh, thật chẳng khác chi nhắc nhở cho thầy rằng đời sống tinh thần không bao giờ chấm dứt, không bao giờ hết. Đặc biệt hôm nay thầy nhận ăn mừng thượng thọ bởi vì nó đem lại một niềm vui, phấn khởi; đánh tan nỗi buồn man mác của những người tuổi đã xế chiều như thầy.

Thầy chúc cho mọi người theo gương văn hóa và giáo dục trong tinh thần THỤ NHÂN của Viện Đại Học Đà Lạt, đặc biệt là gương của ba vị Cựu Viện Trưởng: Lm Trần Văn Thiện (1957-1960), Lm Nguyễn Văn Lập (1960-1969) và Lm Giáo Sư Tiến sỹ Lê Văn Lý (1969-1975).

Ghi chú:

(1). Mai Đức Vinh, In: 60 năm Giáo xứ Việt nam Paris, 1947-2007, Giáo Xứ Việt Nam Paris; 2010, tr. 579
(2). Tài liệu ghi âm, do anh Phạm Trọng Khoát đánh máy và chuyển. Xin cám ơn anh Khoát
(3). Ibidem
(4). ĐTC Phaolô XVI, Thông điệp Thiên Chúa là tình yêu, http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/ThongDiep/01DEUS_CARITAS_EST.htm, số 25
(5). Tài liệu đánh máy, do anh Phạm Trọng Khoát chuyển. Xin cám ơn anh Khoát

Paris, ngày 12 tháng 04 năm 2012
【Trần Văn Cảnh】
(Nguồn: Trung tâm Công giáo Việt Nam Gp. Orange)

Giáo sư Vũ Quốc Thúc trả lời phỏng vấn RFI ngày 08/03/2012. (Hình: Thanh Phương - RFI)

Nhận định về Gs. Vũ Quốc Thúc của ông Bùi Tín

"Miền Nam có nhiều người được đào tạo bài bản và sâu sắc, có thể điều hành quốc gia. Những người tài giỏi và có tâm như vậy mà chính quyền [Miền Bắc] nói họ bán nước cho Mỹ, rồi khi thắng trận bắt họ học tập hay không dùng họ. Tôi nghĩ người Miền Nam không câu nệ thắng thua, chính quyền biết trân trọng họ để họ góp sức xây dựng nước là họ hết lòng hết sức". Và, rõ hơn, ông nói "rất tiếc cho đất nước, dân tộc, bao nhiêu con người tài giỏi như thế bị đẩy vào trại học tập sáu bảy năm trời! Đâu chỉ Miền Nam đau, Miền Bắc cũng đau lắm, tiếc lắm chứ anh!"
Đôi nét tiểu sử Giáo sư Vũ Quốc Thúc.

Giáo sư Vũ Quốc Thúc, một kinh tế gia lỗi lạc Việt Nam và chính khách Việt Nam Cộng hòa. Ông được xem là người góp phần quan trọng trong việc đào tạo môn kinh tế học tại trường Đại học Luật khoa Sài Gòn và Trường Hành chính Quốc gia Việt Nam Cộng hòa, đồng tác giả của "Kế hoạch Lilienthal-Vũ Quốc Thúc" - Kế hoạch phát triển kinh tế miền Nam Việt Nam 10 năm hậu chiến của Mỹ và Việt Nam cộng hòa. Ông cũng từng có thời gian giữ chức Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (1955-1956)

I. Thân thế và sự nghiệp.

Giáo sư Vũ Quốc Thúc sinh ngày 5 tháng 8 năm 1920 tại Nam Định. Ông từng theo học Trường Cao đẳng Luật học (École Supérieure de Droit) tại Hà Nội và tốt nghiệp tại đây năm 1942.

Gs. Vũ Quốc Thúc có một thời kỳ tham gia trong chính quyền Quốc gia Việt Nam và sau đó là Việt Nam Cộng hòa từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các chánh phủ Quốc gia từ thập niên 50 đến 1975, như là Bộ trưởng Giáo dục thời Chính phủ Bửu Lộc (1953-1954), Thống Đốc Ngân hàng Quốc gia, Cố vấn cho Tổng thống Ngô Đình Diệm, Khoa Trưởng Đại học Luật Khoa Sài Gòn, Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Tái Thiết Hậu Chiến thời Đệ Nhị Cộng hòa khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chấp chính đến cuối năm 1971, và là đồng tác giả của các phúc trình nổi tiếng như Phúc Trình Staley – Vũ Quốc Thúc (1961), Phúc Trình Lilienthal – Vũ Quốc Thúc (1968) về kế hoạch tái thiết kinh tế hậu chiến tại Miền Nam.

Nhờ sự can thiệp mạnh mẽ của Thủ tướng Pháp Raymond Barre là người bạn cùng dự thi văn bằng Thạc sĩ khóa năm 1950 với ông, nên giáo sư Thúc đã được qua định cư tại Pháp năm 1978, ngụ tại Nanterre, và được bổ nhiệm làm giáo sư dậy môn kinh tế tại Đại học Paris kể từ năm 1978 cho đến ngày nghỉ hưu vào năm 1988.

II. Kế hoạch Lilienthal - Vũ Quốc Thúc

Từ năm 1965, chiến tranh cục bộ đã đặt ra yêu cầu nghiên cứu một kế hoạch cho thời kỳ mà cả phía Mỹ và Việt Nam cộng hòa đều nghĩ là chiến tranh sẽ kết thúc với sự chiến thắng của quân đội quốc gia Việt Nam Cộng Hòa. Gs. Vũ Quốc Thúc là trưởng phái đoàn phía Việt Nam trong cuộc soạn thảo ra bản Kế hoạch Kinh tế hậu chiến. Vào thời đó, đây là công trình kinh tế học nổi tiếng nhất của ông, cả ở miền Nam lẫn ở Mỹ.

Thời kỳ sau Đệ Nhất Cộng hòa Việt Nam sụp đổ cho tới khi Mỹ trực tiếp tham chiến (1963-1965) là giai đoạn xáo trộn, gần như không có chính phủ, không có chủ trương đường lối rõ ràng. Các chính phủ thay đổi liên tiếp... Tướng M.Taylor làm Tổng chỉ huy quân đội kiêm Đại sứ Mỹ tại miền Nam, ông này rất lưu ý tới việc phát triển kinh tế của miền Nam, coi đó là một điều kiện tối quan trọng đảm bảo cho chiến thắng về quân sự. Chính phủ Mỹ đã cử một chuyên gia kinh tế là David E. Lilienthal (bạn thân của tổng thống Mỹ lúc đó) sang phối hợp với chính phủ Việt Nam cộng hòa để khởi thảo Kế hoạch kinh tế hậu chiến Vũ Quốc Thúc là đồng tác giả. Đến khoảng năm 1969 thì công trình này ra đời. Nhưng nó chưa được thực thi thì tình hình đã mau chóng biến đổi hoàn toàn khác với những dữ liệu trong bản kế hoạch...

Theo GS Vũ Quốc Thúc, nội dung của Kế hoạch kinh tế hậu chiến là đẩy mạnh khai hoang và làm thuỷ lợi kết hợp với điện khí hóa ở đồng bằng sông Cửu Long. Mục đích cuối cùng của kế hoạch này không phải là kinh tế, mà là chính trị: theo Lilienthal, đụng đến vùng đồng bằng này là đụng đến Mặt trận giải phóng công cụ của CSBV. Vì những lợi ích kinh tế, có thể là cả nông dân và chính quyền vùng giải phóng sẽ sẵn sàng tham gia vào kế hoạch này. Sự dính líu đó có thể làm suy yếu mối quan hệ giữa Miền Bắc với công cụ Mặt trận Giải phóng ở miền Nam... Nhưng kế hoạch này chưa được thực thi thì đã bùng nổ cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân của CSBV. Mặt khác, vì kế hoạch này chỉ tính đến miền Nam, không tính đến Cambốt là thượng nguồn của sông Mê Kông, nên bị Cambốt phản đối. Nội công ngoại kích, kế hoạch Lilienthal-Vũ Quốc Thúc bị thất bại. Song kế hoạch này đã được Bộ Ngoại thương của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (CSBV) in làm sách tham khảo với tên gọi "Kế hoạch phát triển kinh tế miền Nam Việt Nam 10 năm sau chiến tranh của Mỹ-nguỵ" xuất bản tại Hà Nội năm 1971 (375 trang). Và sau này được Đặng Phong tham khảo trong việc đề ra chiến lược phát triển kinh tế cho Việt Nam thời "Mở cửa" làm ăn theo "kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa" (theo khẩu hiệu tuyên truyền là giả).Thực tế đã và đang "Kinh tế thị trướng,định hướng tư bản chủ nghĩa" là thật.

Thiện Ý Nguyễn Văn Thắng - chủ tịch CLB CỰU SVLKVN.

Bài về chủ đề Lịch sử-Truyền thống:

Đăng nhận xét

0Nhận xét
* Xin đừng spam, cám ơn bạn nhiều. Các quản trị viên sẽ kiểm duyệt các bình luận...
Đăng nhận xét (0)
Về đầu trang