"Mẹ ơi! Con yêu Mẹ!
Con không sợ gì đâu.
Mẹ giữ sức khỏe nhé!"
Đó là những lời sau cùng của Trang trong phiên tòa sơ thẩm, khi chị ngoái đầu nhìn mẹ đang nán lại giữa phòng xử lúc cuối ngày.
Trang chịu án chín năm tù bởi cuộc đời mà chị đã chọn: làm một người tự do.
Ai đó gọi Trang là một nhân vật lịch sử. Nhưng chín năm chẳng là bao đối với lịch sử của một dân tộc. Con người cá nhân trở nên mờ nhạt, và thậm chí bị vùi lấp giữa các sự kiện và các mốc thời gian, khi nhấn chìm mình trong dòng chảy mang tên "công cuộc" để đáp ứng những đòi hỏi nặng nề của thời đại. Tôi không muốn nhìn những người quanh mình, trong đó có Trang, bằng cái lăng kính khắc nghiệt ấy.
Nếu phải nói về lịch sử, tôi nghĩ thế này: tất cả chúng ta đều là những nhân vật lịch sử, rằng mỗi người chúng ta là nhân vật chính trong cuộc đời của riêng mình. Cách ta sống sẽ viết nên trang sử đời ta.
Đời tôi giao với đời Trang một đoạn - đã hơn bốn năm kể từ hồi cùng biên tập cuốn Chính trị bình dân. Ở những trang giao nhau ấy, từng có nhiều điều tôi không đồng ý với Trang. Từng có những lần va chạm do khác cách tiếp cận. Từng có vài cuộc trò chuyện gượng gạo sau đó. Sự khác biệt là tất yếu, bởi, như Trang luôn nói, con người thì đa dạng và xã hội thì đa nguyên. Dù khác nhau tới mấy, tôi luôn quý mến Trang như một người viết dung dị, trân trọng Trang như một người đồng nghiệp nhiệt thành, kính nể Trang như một người tự do - và giờ là một người tù tự do.
Trong cuộc gọi sau cùng hồi cuối tháng Chín năm ngoái, Trang kêu tôi gởi mấy thông tin để hoàn tất một bản báo cáo. "Chị nghĩ sao nếu chị không ra mặt lần này, làm kín kẽ thôi", tôi hỏi. Trang không trả lời. Một hồi sau, trước khi cúp máy, Trang nói, "mấy hôm tới công khai bản báo cáo này xong, chắc còn lâu lắm chị mới về lại Hà Nội thăm mẹ được." Chưa đầy hai tuần sau, Trang bị bắt. Và mãi cho tới phiên tòa vừa rồi, Trang mới được thấy lại bóng dáng mẹ mình.
Trang đã sống tự do như thế, trong tinh thần, trong tư tưởng. Nếu Trang muốn nói, Trang nói. Nếu Trang tin điều gì là việc đúng nên làm, Trang làm. Nếu Trang hành động, Trang thẳng thắn công khai. Không ngần ngại, không vòng vo, không tự kiểm duyệt. Bất kể bị gọi là bao đồng ngốc dại. Bất kể khiến người thân phải lo âu muộn phiền. Bất kể bị đẩy vào tù ngục. Những điều Trang đã thấy trước.
Đây là lần đầu tiên tôi viết về Trang kể từ hồi Trang bị bắt. Tôi đã luôn cảm thấy hổ thẹn với trang sử của riêng mình khi nghĩ về cuộc đời tự do của Trang. Trong công việc hoạt động cộng đồng, tôi thường chọn cách tiếp cận sao cho ít rủi ro nhất, bởi nhiều nỗi e dè. Đã không ít lần tôi tìm cách tự kiểm duyệt những chủ đề mình viết để rồi ngán ngẩm buông bút, vì chán ghét bản thân.
Tôi, có lẽ cũng như rất nhiều người khác, với những lựa chọn tuy thực dụng nhưng cũng đầy tù túng, không thật sự trọn vẹn hiểu lựa chọn của Trang – một lựa chọn quá khắc nghiệt với bản thân, tôi nghĩ. Nhưng chúng ta lấy thẩm quyền gì để khuyên bảo người khác nên sống ra sao cho phải. Ta chỉ có thể coi xét lựa chọn đời ta.
Và mỗi lần nghĩ tới Trang, tôi thường tự nhủ rằng, tôi có thể chưa đủ dũng cảm để tranh đấu cho sự tự do của cả đất nước được như Trang, nhưng ít nhất tôi sẽ mạnh dạn gìn giữ sự tự do của cuộc đời mình. Quay lưng lại những lời ngờ vực khinh khi của người ngoài để nói những điều tôi muốn nói. Gây phật lòng cho những người tôi thương để làm công việc tôi muốn làm. Chối từ những lề thói thông thường để sống cuộc đời tôi muốn sống. Viết, nếu ta muốn viết. Ngâm thơ, nếu ta muốn ngâm thơ. Yêu, nếu ta muốn yêu. Im lặng, nếu ta muốn im lặng. Tất cả những ước muốn tự do ấy sẽ là điều ta xứng đáng có được, nếu ta sẵn lòng đấu tranh, gìn giữ, và cả trả giá, trong cuộc đời duy nhất này.
Cảm ơn Trang, nguồn cảm hứng tự do.
【Nguyễn Thị Vi Yên】
Xin hứa với tôi hôm nay
Rằng không bao giờ em thù hận con người
Dù con người
Giết em,
Dù con người
Dẫm lên mạng sống em
Đầy ải em vào hang sâu tủi nhục
Em vẫn phải nhớ lời tôi căn dặn:
"Kẻ thù chúng ta không phải con người.
Xứng đáng chỉ có tình xót thương!"
Tôi xin em đừng đòi điều kiện
Bởi không bao giờ
Oán hờn lên tiếng
Đối đáp được
Sự tàn bạo con người.