Adolf Hitler lãnh đạo đảng Phát Xít ở Đức đã dùng bạo lực và tuyên truyền để dần dần trở thành thế lực mạnh nhất. Hitler đặt tên mới cho nước Đức là Đế Chế Thứ 3 (Dritter Reich). Ông dùng hình ảnh Kinh thánh để tuyên truyền về bản thân và đế chế mới này với ý "cứu thế".
▪ Đế chế thứ 3 là sự khôi phục và tiếp nối vinh quang của 2 đế chế trước ở Đức, và đế chế này sẽ là sự hòa hợp giữa quyền bính và tinh thần, là "trời mới đất mới" của thế giới.
▪ Biểu tượng của đế chế là chữ thập ngoặc với bốn đầu mút gập vuông góc về cùng một hướng. Biểu tượng này được gọi là Swastika, được xem là biểu tượng người Arian cổ đại, tổ tiên của người Đức. Đồng thời, Hitler muốn nhắc tới biểu tượng của Kitô giáo, nhưng thập tự của ông không còn là biểu tượng của đau khổ và thất bại, mà là chiến thắng.
▪ Hitler là đấng cứu thế: Trong đế chế mới này, ông là hiện thân của đấng cứu thế giải cứu và lãnh đạo thế giới.
▪ Cử chỉ của quân đội khi duyệt binh hay khi chào hỏi được xem như nghi thức phụng vụ của chế độ mới. Hitler pha trộn tôn giáo và chính trị với nhau.
▓ Cesare Orsenigo, vị Sứ thần Toà thánh tại Đức từ năm 1930-1946, đã phải ở trong một vị trí quá nhiều khó khăn. Trong hình, vị Sứ thần xuất hiện cùng Hitler và tướng Joachim von Ribbentrop, Tháng Một, 1939. Photo: WIKIPEDIA
Sau khi trở thành thủ tướng của nước Đức không lâu, Hitler đã mời Tòa Thánh ký hiệp ước với những hứa hẹn tốt đẹp. Năm 1933, Hồng Y Quốc Vụ Khanh khi ấy là Eugenio Pacelli (sau này là giáo hoàng Piô XII) đại diện Tòa Thánh ký hiệp ước với Đức Quốc Xã, trong đó Đức Quốc Xã công nhận tự do tôn giáo và các quyền lợi của Giáo hội Công giáo ở Đức (các nhà phân tích cho rằng, Hitler không thích Kitô giáo, nên thỏa ước này chỉ là để ngoại giao xoa dịu tín hữu ở Đức. Giả như Đức Quốc Xã thắng trận Thế chiến II, thì có lẽ Hitler cũng sẽ đối xử với Kitô giáo không khác gì Stalin làm với Chính Thống Giáo). Tuy nhiên, ông yêu cầu Tòa Thánh ra lệnh giải tán Đảng người Công giáo, là một thế lực cản trở trong mắt của ông. Tòa Thánh không chấp nhận điều này và kêu gọi tôn trọng quyền tự do lập đảng phái. Tuy nhiên chỉ 1 năm sau, Hitler đã cho bắt giữ hay ám sát các thành viên của đảng này, và đảng bị giải thể.
Hiệp ước 1933 thực ra là thất bại đối với Tòa Thánh, vì Hitler chỉ hứa hẹn tôn trọng quyền lợi của Giáo hội ở Đức, nhưng yêu cầu phải tùng phục ông nếu muốn được bảo vệ. Ông cũng giới hạn việc thành lập các trường Công giáo; cấm tín hữu gốc Do Thái tham dự thánh lễ hay sinh hoạt trong xứ đạo.
Các giám mục Đức ban đầu không hề sợ hãi. Họ chống đối Hitler ra mặt, chẳng hạn cấm quan chức và binh linh của Đức Quốc Xã bước vào nhà thờ với quân phục và đe dọa tuyệt thông những tín hữu nào tham gia vào đảng phát xít.
Thấy khuất phục các giám mục Công giáo không được, Hitler quay sang Giáo hội Tin lành và đề nghị thành lập giáo hội quốc gia. Ông hứa sẽ biến Tin lành thành quốc giáo với điều kiện phải ủng hộ kế hoạch thanh lọc chủng tộc. Một số giáo phái theo đường hướng bài do thái đã đồng thuận vs Hitler. Hitler thành lập hội "thanh niên Hitler" cho Giáo hội Tin lành, với 500.000 bạn trẻ.
Năm 1937, đức Piô XI ban thành thông điệp "Mit brennender Sorge - Với nỗi lo lắng cháy bỏng" gửi riêng cho Giáo hội và chính quyền Đức, lên án Hitler không tuân thủ hiệp ước đã ký năm 1933 và an ủi động viên các giám mục cũng như tín hữu Công giáo Đức trong hoàn cảnh khó khăn. Thông điệp này không tác động được gì tới Hitler và còn làm tình trạng xấu thêm. Hắn yêu cầu quyền bãi nhiệm các giám mục hoặc ít nhất việc bổ nhiệm phải được hắn thông qua.
Tháng 2 năm 1939, đức Piô XI qua đời vì tuổi già và vì nỗi lo lắng đau buồn trước nguy cơ thế chiến sắp nổ ra.
【M. Hạnh Tử】
Nguồn: Kirchengeschichte 4: Gegenwart, Prof. Dr. Alkuin Schachmayr.
Đức giáo hoàng Piô XI và Hitler
30.01.2022
0
Chia sẻ với ứng dụng khác