Dịch giả Bùi Văn Nam Sơn tâm sự: Thực ra tôi già rồi, thời gian của tôi không còn nhiều nữa, tôi chỉ cố gắng làm cái gì trong khả năng của tôi thôi. Tôi tự đặt ra cho mình nhiệm vụ chính bây giờ là dịch một số các tác phẩm kinh điển sang tiếng Việt. Vì lẽ, thứ nhất, những quyển sách dạng này khô khan chẳng ai thèm dịch; thứ hai, nếu không dịch những quyển này thì không biết bao giờ người ta mới dịch... trong khi đó là những nền tảng cho các anh em trong chuyên ngành. Nhìn vào thư viện của Việt Nam mình, chưa thấy có mấy sách kinh điển của nhân loại, tôi thấy buồn lắm. Thành thực mà nói, không thể đòi một bạn sinh viên đọc tiếng Anh hay các ngoại ngữ khác vèo vèo như đọc tiếng Việt được. Vả lại, quả là không công bằng! Một người cùng trang lứa với các bạn sinh viên của ta, như những sinh viên ở Pháp, Mỹ, Đức, Nhật... thì họ dùng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, họ đỡ vất vả hơn nhiều lắm. Bây giờ đòi hỏi những bạn cử nhân mới 23 tuổi ngồi đọc một cuốn sách kinh điển dày cộp bằng tiếng Anh, thậm chí bằng tiếng Đức... làm sao mà đọc nổi... Đâu phải sinh viên Mỹ nào cũng đọc được tiếng Đức, hay sinh viên Pháp nào cũng đọc được tiếng Anh thông thạo... Thế mà họ vẫn thành công, vì họ sử dụng các bản dịch có chất lượng, và các công trình nghiên cứu của họ vẫn đạt được trình độ quốc tế.
Source: https://fb.com/thiensuvienminh/posts/1552019791833672
Một cuộc trò chuyện với dịch giả Bùi Văn Nam Sơn, chuyện "hạ tầng kiến thức"
29.01.2022
0
Dẫn nhập
▪ Lê Ngọc Sơn: Thưa ông, vì sao ông đi dịch những cuốn sách triết học đồ sộ và kinh điển của thế giới?!
🔴 Bùi Văn Nam Sơn: Thực ra tôi già rồi, thời gian của tôi không còn nhiều nữa, tôi chỉ cố gắng làm cái gì trong khả năng của tôi thôi. Tôi tự đặt ra cho mình nhiệm vụ chính bây giờ là dịch một số các tác phẩm kinh điển sang tiếng Việt. Vì lẽ, thứ nhất, những quyển sách dạng này khô khan chẳng ai thèm dịch; thứ hai, nếu không dịch những quyển này thì không biết bao giờ người ta mới dịch... trong khi đó là những nền tảng cho các anh em trong chuyên ngành. Nhìn vào thư viện của Việt Nam mình, chưa thấy có mấy sách kinh điển của nhân loại, tôi thấy buồn lắm. Thành thực mà nói, không thể đòi một bạn sinh viên đọc tiếng Anh hay các ngoại ngữ khác vèo vèo như đọc tiếng Việt được. Vả lại, quả là không công bằng! Một người cùng trang lứa với các bạn sinh viên của ta, như những sinh viên ở Pháp, Mỹ, Đức, Nhật... thì họ dùng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, họ đỡ vất vả hơn nhiều lắm. Bây giờ đòi hỏi những bạn cử nhân mới 23 tuổi ngồi đọc một cuốn sách kinh điển dày cộp bằng tiếng Anh, thậm chí bằng tiếng Đức... làm sao mà đọc nổi... Đâu phải sinh viên Mỹ nào cũng đọc được tiếng Đức, hay sinh viên Pháp nào cũng đọc được tiếng Anh thông thạo... Thế mà họ vẫn thành công, vì họ sử dụng các bản dịch có chất lượng, và các công trình nghiên cứu của họ vẫn đạt được trình độ quốc tế.
Ở Việt Nam, ít ai làm việc dịch thuật, thế nên gánh nặng đè lên vai những anh em trẻ. Lứa tuổi 18-25 phải gánh cả một gánh nặng, vừa học kiến thức, vừa học ngoại ngữ. Do trở ngại về ngôn ngữ, mình khó có thể nắm vững vấn đề và tra cứu đến nơi đến chốn. Điều đó không phải lỗi của thế hệ trẻ, đó là lỗi của thế hệ đi trước, như chúng tôi, không kịp chuẩn bị tư liệu nền cho các bạn. Thật là quá cực, quá tội cho các bạn! Còn việc chúng ta phải nỗ lực học ngoại ngữ lại là chuyện khác! Khi tiếng Anh đã trở thành một lingua franca trong khoa học, việc đọc, viết, nói thành thạo tiếng Anh trong các ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật là một yêu cầu hiển nhiên. Trong các ngành khoa học xã hội-nhân văn, còn cần thêm nhiều ngoại ngữ lẫn cổ ngữ khác nữa, nhưng vấn đề nói ở đây là không thể đòi hỏi những gì bất khả thi và quá sức...
▪ Lê Ngọc Sơn: Thời sinh viên của ông ắt hẳn thấm thía nỗi vất vả này lắm?
🔴 Bùi Văn Nam Sơn: Đúng. Thời sinh viên, tôi cũng đã rất "đau khổ" vì thiếu sách tiếng Việt. Năm 21 tuổi, tôi sang Đức học, sau khi học xong cử nhân ngành Triết ở Sài Gòn, lúc đó tự thấy vốn liếng chữ nghĩa cũng kha khá rồi... Khi sang đó thì từ bậc cử nhân cho đến tiến sĩ, từ người mới vào trường đến người sắp ra trường đều có thể học chung một lớp. Lớp của tôi có mấy ông bạn người Nhật Bản, người Hàn Quốc... Lúc đó các bạn Hàn Quốc cũng khổ sở, vật vã như mình, vì nước họ có rất ít những bản dịch ra tiếng Hàn, và cũng như tôi, chưa thể đọc tiếng Đức thành thạo được. Trong khi đó mấy chàng Nhật Bản còn trẻ măng, mới 19 tuổi, vừa học xong tú tài, lại tỏ ra am hiểu và tự tin lắm! Tôi kinh ngạc, thì các bạn ấy mới mở túi cho xem một đống sách toàn tiếng Nhật: những bản dịch Hegel, Kant, Heidegger..., sách tham khảo, từ điển. Mình mất cả năm vật lộn với một cuốn sách, họ chỉ cần vài tháng là đọc xong. Thời gian mình đầu tư cho chuyện đọc đã quá mất sức rồi, làm sao có thể suy nghĩ hay tìm tòi thêm được cái gì mới nữa. Khoảng cách về điều kiện nghiên cứu giữa mình với người Nhật thật rõ rệt!
Riêng trong lĩnh vực triết học, sách vở mênh mông, còn số dịch giả thì đếm trên đầu ngón tay... Lẽ ra cần cả một thế hệ chuẩn bị nền móng, cho các bạn trẻ sau này đỡ cực hơn. Tất nhiên, ý nghĩa của việc dịch thuật không phải chỉ có thế. Nó còn góp phần xây dựng ngôn ngữ khoa học cho một đất nước, đem ánh sáng khai minh đến cho số đông để cải hóa xã hội, như nhiều bài viết mới đây của quý Thầy Nguyễn Xuân Xanh, Nguyễn Văn Tuấn, Trần Văn Thọ... đã nhấn mạnh.
▪ Lê Ngọc Sơn: Vậy cho đến nay, so với các nước trong khu vực, chúng ta đang thế nào, thưa ông?
🔴 Bùi Văn Nam Sơn: Cách đây chừng 5-7 năm, chính ông bạn người Hàn Quốc ngày xưa học chung với tôi, về dạy ở Đại học Seoul, viết thư kể cho tôi nghe: ông và thế hệ trước đó, từ những năm 1970 trở đi đã bắt tay vào dịch sách vở cho Hàn Quốc. Hầu hết những tác phẩm kinh điển quan trọng từ tiếng Đức đã được dịch sang tiếng Hàn, hết toàn tập này đến toàn tập khác, mà mỗi toàn tập của một tác giả thì có đến 40-50 tập. Tôi rất kinh ngạc về sức làm việc của họ. 40 năm thôi, nhưng với trách nhiệm với đất nước và đàn em, họ quyết tâm làm được việc lớn như thế. Vậy thì ngày hôm nay, làm sao sinh viên của ta có thể "đấu" lại được một sinh viên Hàn Quốc, trong khi cách đây 40 năm, anh sinh viên này cũng vất vả y như mình. Khoảng cách đó thật khủng khiếp!
Việc học hành nghiêm chỉnh, tiếp thu có hệ thống đã là thách đố ghê gớm, và cái đó cần nhiều thế hệ mới vượt qua được, ít nhất cũng là 30-40 năm như Hàn Quốc. Chúng ta đừng vội nói gì cao xa, sách vở đàng hoàng là nền móng cơ bản nhất của nền học vấn và của nền đại học.
▪ Lê Ngọc Sơn: Vì sao chúng ta không làm được như những nước ở gần mình như Nhật, như Hàn? Và ông có thấy được cuộc đua tranh trên thế giới về mặt tri thức đang diễn ra rất quyết liệt?
🔴 Bùi Văn Nam Sơn: Chúng ta thiếu tính tổ chức, thiếu khả năng làm việc tập thể và một kế hoạch trường kì của cả một tầng lớp, của cả một thế hệ. Mỗi thế hệ phải thấy trách nhiệm lịch sử của mình, thấy tình trạng khách quan đặt ra cho mình gánh nặng nào, và họ phải giải quyết một cách thông minh nhất, ít tốn sức nhất, với sự bền bỉ và quyết tâm. Thế hệ sau thừa hưởng và nối tiếp thành quả của những người đi trước, thì nền học thuật cứ thế đi lên thôi.
Tôi được cho biết rằng ở Nhật, những tạp chí khoa học chuyên ngành trên thế giới hầu như lập tức được dịch sang tiếng Nhật, vì họ có nhu cầu cạnh tranh. Nếu không theo kịp thông tin mới, làm sao có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới, làm sao bắt kịp trình độ quốc tế để đi dự hội thảo khoa học?
Trở lại tình cảnh của ta, cơ sở hạ tầng về kiến thức là phần rất chểnh mảng. Cái cơ bản nhất thì lại bị xem nhẹ... Bây giờ cứ hô hào sinh viên sáng tạo đi, có công trình đột phá đi, hãy phản biện đi... Nhưng phải biết người ta đã viết gì, nghĩ gì, ta mới phản biện và có ý kiến riêng được chứ!
▓ Dịch giả Bùi Văn Nam Sơn (trái)
Sửa soạn tinh thần, chuẩn bị yên cương
▪ Lê Ngọc Sơn: Trong quan niệm của ông, một bạn sinh viên phải thế nào?
🔴 Bùi Văn Nam Sơn: Theo tôi, thời gian được học đại học là quãng thời gian đẹp nhất, quý nhất của một đời người. Khi ta đang ở trong quãng thời gian đó, thường không thấy quý đâu, nhưng sau này nhìn lại mới thấy đây là thời gian quý nhất, "sướng" nhất. Được trở thành sinh viên là một bước ngoặt. Chữ "sinh viên" khác về chất với chữ "học sinh". Ngay bản thân chữ "sinh viên" đã cho thấy sự khác biệt ấy: Sinh viên trong tiếng Anh và tiếng Đức là "student", trong tiếng Pháp là "étudiant", liên quan đến 3 động từ: to study, studieren, étudier ít nhiều đều mang hàm nghĩa là "nghiên cứu". Sinh viên là phải nghiên cứu, chứ không chỉ thụ động tiếp thu kiến thức... Trong tiếng Việt, "sinh viên" có chữ "viên", nghĩa là đã có một vị trí nào đó... Do vậy, cần ý thức được điều này để cả người dạy lẫn người học ở bậc đại học nhận thức được trách nhiệm của chính mình. Dạy và học ở đại học không chỉ là truyền thụ và tiếp thu kiến thức mà chủ yếu là gợi hứng cho nghiên cứu.
Ngay cả ở trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông cũng có vấn đề. Những năm 1970 về trước, mang tấm bằng tú tài của Việt Nam sang Tây Âu là được chấp nhận hầu như tương đương, còn những bằng tú tài của Thái Lan, Malaysia, Indonesia... thì buộc phải học lại một năm, tức chỉ bằng đầu lớp 12 bên đó. Bây giờ thì như thế nào? Chúng ta phải nghiêm túc tự vấn về mình...
▪ Lê Ngọc Sơn: Ở các nước phát triển, khoa học trú ngụ ở đại học, tại sao ở các đại học ở ta thì chưa thấy gì, thưa ông?
🔴 Bùi Văn Nam Sơn: Theo tôi là do không phân biệt rạch ròi giữa đại học và trung học. Trường đại học dứt khoát không phải là trường phổ thông cấp 4. Nó khác về chất trong hệ thống giáo dục quốc gia. Đại học cũng không phải là trường dạy nghề, trường dạy nghề lẽ ra cần có một hệ thồng khác, cũng cao cấp và sáng giá không kém gì đại học. Ở Đức, sau khi đỗ tú tài, ta có hai con đường để lựa chọn, một là các trường kỹ thuật, trường dạy nghề chuyên nghiệp dành riêng cho những kỹ sư thực hành, rất hay và thiết thực, ra trường dễ kiếm việc làm và lương cao. Hoặc hướng thứ hai là nghiên cứu: cũng có thể là khoa học-kỹ thuật nhưng nặng về lý thuyết. Do có hai hướng rõ ràng như vậy, dựa vào việc phân định khách quan về nhiệm vụ, nên khi vào đâu, ta sẽ biết làm cái gì, biết rõ tính chất của trường mình. Việc "liên thông" giữa hai loại trường này lại là chuyện khác nữa!
Do đó, đại học đương nhiên mang tính chất nghiên cứu, dù ở năm thứ nhất cũng là nghiên cứu, ở bậc tiến sĩ, hay sau tiến sĩ cũng là nghiên cứu. Từ sinh viên đến giáo sư đều làm nghiên cứu. Không khí của đại học là nghiên cứu. Thành ra, cái mà ta đang nhầm lẫn ở đây là nhẫm lẫn tính chất của đại học, dẫn đến hệ quả rất trầm trọng là biến đại học thành trường dạy nghề, và biến trường dạy nghề thành ra cái gì đó rất là yếu kém và yếu thế. Đã đi học để nghiên cứu thì phải toát ra tinh thần nghiên cứu, tức là toàn bộ giáo sư và sinh viên là một cộng đồng nghiên cứu, người đi trước hướng dẫn, dìu dắt người đi sau, không ngừng hình thành những chuyên ngành mới, những trường phái mới... Nghiên cứu có nhiều cấp độ, cấp thấp/ cấp cao, dễ/ khó... Cũng tránh hướng suy nghĩ rằng, nghiên cứu là cái gì đó cao xa lắm, thực ra đâu phải vậy: ngay năm thứ nhất, bạn cũng đã phải có tư duy nghiên cứu rồi, tự tìm tòi phương hướng và phương tiện nghiên cứu của mình với sự giúp đỡ của người đi trước.
Vì thế, hình thức Sêmina ngày càng chiếm ưu thế. Sêmina là lao động tập thể của sinh viên lẫn giáo sư, của thầy và trò, cùng nhau tìm tòi tài liệu, tổng kết, nhận định, đánh giá những gì đã có, đó là những hình thức ban đầu của nghiên cứu ngay từ năm thứ nhất.
▪ Lê Ngọc Sơn: Theo ông, sinh viên phải chuẩn bị những gì cho một tương lai đầy thử thách trước mặt?
🔴 Bùi Văn Nam Sơn: Người Pháp có câu ngạn ngữ: "muốn đi xa phải chăm sóc yên cương" ("Qui veut aller loin, ménage sa monture"/ Racine), nghĩa là, phải biết dưỡng sức và chuẩn bị phương tiện. Đi mười dặm thì đơn giản, nhưng đi trăm dặm, nghìn dặm, vạn dặm... thì lại khác. Công việc học cũng vậy thôi, nếu chỉ nghĩ lấy cái bằng ra để kiếm việc làm, nuôi sống bản thân thì khá đơn giản, nhưng nếu muốn tiến xa trong chuyên ngành của mình thì phải chuẩn bị cho 30, 40 năm sau về cả ý thức lẫn sức lực.
Chắc bạn biết rằng trên 30 tuổi rất khó học ngoại ngữ, do nguyên nhân sinh lý thôi, trên 30 tuổi thì các nơ-ron thần kinh già đi, giảm thiểu khả năng tiếp thu. Vậy thì phải luyện rèn ngoại ngữ trước 30 tuổi. Người làm nghiên cứu cần trang bị cho mình nhiều ngoại ngữ. Đối với các ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật, cần phải có hai ngoại ngữ thông dụng. Đối với người làm nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội-nhân văn, thì càng nhiều càng tốt, cả cổ ngữ nữa. Đó là vốn liếng tối thiểu để nghiên cứu.
▪ Lê Ngọc Sơn: Cần tạo cảm hứng ham hiểu biết của anh chị em sinh viên như thế nào, thưa ông?
🔴 Bùi Văn Nam Sơn: Theo quan sát của tôi, hiện nay, anh chị em sinh viên đang chịu nhiều áp lực thi cử quá mức. Cần tạo một khoảng hở để anh chị em sinh viên vui chơi, và có... chơi nhiều thì mới thấy việc học là thú vị, không học thì tiếc, và thế là lao vào học. Học trong sự say mê. Hãy tạo không gian tự do để anh chị em cảm thấy hứng thú nghiên cứu, chứ suốt ngày bị áp lực thi cử, hay sợ tương lai của mình phụ thuộc vào thi cử... thì những việc đó làm hao tổn năng lượng của anh em trẻ một cách quá đáng! Thể lực và thể thao đại học cũng là hiện tượng rất đáng lo ngại, chưa nói đến những hình thức tiêu cực phản giáo dục...
▪ Lê Ngọc Sơn: Chúng ta nên bắt đầu lại thế nào để xây dựng lại tinh thần đại học một cách tử tế?
🔴 Bùi Văn Nam Sơn: Hình như ta đang có cao vọng là phấn đấu đứng vào hàng ngũ những đại học tiên tiến trên thế giới. Tôi nghĩ là khó vô cùng! Với những gì hiện có, tôi e chuyện đó là ảo tưởng. Nhiều thập kỷ nữa chưa chắc mình đã vào được hàng ngũ những đại học trung bình ở khu vực, chứ đừng nói đại học đẳng cấp quốc tế. Và để có cơ may làm được điều đó thì việc trước tiên là phải thay đổi tính chất của đại học hiện nay.
Điều đáng lo là chúng ta không lo những chuyện bình thường, coi nhẹ những chuyện bình thường. Chuyện lẽ ra ai cũng phải làm, nước nào cũng phải làm thì mình lại xem thường, mình chỉ muốn làm những gì khác thường, phi thường. Làm sao làm những chuyện khác thường, phi thường khi cái bình thường, ta chưa làm được? Hãy là cái gì bình thường trước đã. Những đại học, học viện trên thế giới người ta là cái gì thì mình là đúng cái đó đi đã: đầu tư cho sách vở đầy đủ, đầu tư cho con người, không gian học thuật, v. v...
Đi xa cần có bạn đường và tập hiểu những điều khác biệt
▪ Lê Ngọc Sơn: Như vậy, sẽ phải bình tĩnh để nhìn lại năng lực tự thân và hướng đi của mình?
🔴 Bùi Văn Nam Sơn: Vâng. Một nền giáo dục lạc hậu thì đuổi mãi chắc rồi cũng bắt kịp, nhưng lạc hướng thì chịu thua. Chúng ta thường mong làm những điều phi thường, nhưng đôi khi thực chất nó lại là nghịch thường. Những cách làm của mình hiện nay là trái với bình thường, không giống ai và không có ai làm như thế cả. Trên thế giới, nền giáo dục quốc gia được định hình tư lâu lắm rồi. Những định chế khoa học cũng đã định hình từ xa xưa với hơn 700 năm kinh nghiệm. Họ làm gì, ta làm nấy cho giống đại học cái đã, rồi phát triển dần lên.
▪ Lê Ngọc Sơn: Phía trước là cả chặng đường dài, theo ông, các bạn sinh viên nên làm gì?
🔴 Bùi Văn Nam Sơn: Theo tôi các bạn trẻ cần hình thành ý thức tự học và xác định tinh thần đi xa phải có bạn đường. Thứ nhất, sinh viên cần có tinh thần tự học trọn đời, nghiên cứu trọn đời. Ngay cả khi đã "bỏ nghề", nhưng nếu còn tha thiết với nó, ta vẫn tìm sách mà đọc, cố gắng hết sức trong thời gian eo hẹp để làm giàu tri thức cho mình, nâng chất lượng cuộc sống mình lên. Đó là tinh thần tự học. Thứ hai, đã có tinh thần tự học, thì hoàn cảnh nào đi nữa vẫn có thể tham gia làm việc từng nhóm với nhau. Bạn có thể sinh hoạt với nhau trong một nhóm bạn hữu tâm giao, có thể theo đuổi một công việc tình nguyện, không ăn lương, thậm chí không dính đến bộ máy hay tổ chức nào cả. Chúng ta cần những nhóm người nhiệt huyết, không lệ thuộc vào đồng lương nhà nước, cơ quan... Cái có sức sống nhất chính là những nhóm nghiên cứu độc lập, tự nguyện, vô vị lợi, chủ yếu là vì lòng say mê, tình tri kỉ... được hình thành ngay thời sinh viên. Cho nên tình bạn trong đại học không chỉ là vui chơi, chính tình bạn có tính tự nguyện này là mầm mống cho những hoạt động khoa học bền bỉ. Trong lịch sử khoa học, có những nhóm nghiên cứu kết bạn với nhau từ hồi sinh viên cực kì khăng khít, đã tạo ra những công trình phi thường.
▪ Lê Ngọc Sơn: Theo ông, làm sao để người trẻ kiên trì trên con đường nghiên cứu?
🔴 Bùi Văn Nam Sơn: Đã là sinh viên đúng nghĩa thì ta phải ham chuyên môn của mình ngay từ khi bước chân vào trường đại học. Bước vào giảng đường, thư viện hay phòng thí nghiệm, ta cảm thấy linh thiêng, hào hứng, thì mới có hi vọng thành tựu. Ít ra là cũng ham đọc sách, chứ cầm cuốn sách mà đọc vài trang là lăn ra ngủ thì không thể nào đi xa được đâu. Phải mê sách vở, mê nghiên cứu, mê chữ nghĩa,... thì mới có triển vọng. Dần dần thành thói quen, trong đó có thói quen tập đọc, tập chịu đựng: cái khó nhất trong học tập, nghiên cứu là chịu đọc những cái mà mình không thích. Đọc một cách nghiêm chỉnh, không thành kiến những gì không giống mình. Nghiên cứu là để hiểu vấn đề và hiểu người khác một cách nghiêm chỉnh, trung thực. Đừng vì ghét quan điểm của tác giả nào đó, rồi chưa đọc kỹ về họ đã bác bỏ hay xuyên tạc họ. Cố tình hạ thấp họ để nghĩ mình thắng họ, thì thực chất họ cũng chẳng thấp hơn được. Phải hiểu một cách chân thực, phản bác họ bằng luận cứ. Và để làm được điều đó thì, như đã nói, phải chịu khó đọc những cái mình không thích, học những môn mình không ưa. Tập thói quen này khó lắm đó, nhưng hoàn toàn có thể làm được.
Dù có nhiều khó khăn đón chờ phía trước, nhưng xin hãy cứ kiên trì, rồi mùa hoa trái sẽ tới!
Xin cảm ơn ông!
【Lê Ngọc Sơn (thực hiện) / Tạ Thương (rải băng)】
(Bài đăng trên báo SVVN số Xuân Quý Tỵ. Bài phỏng vấn không còn mới, nhưng xin đăng lại, vì vẫn thấy nó vẫn nguyên giá trị, và thiết thực cho hiện tại.)
Chia sẻ với ứng dụng khác