Thứ nhất: "Chỉ ở trong một thể chế tự do...", thì mới có cơ may để phát triển tài năng như Thích Nhất Hạnh
Sự tranh cãi này hoàn toàn hiểu được, vì những tiêu chuẩn để đo lường sự đóng góp này ở hai bên vĩ tuyến 17 (thực tế và trong lòng mỗi người) thì khác nhau.
Nhưng có một điều có lẽ không ai có thể tranh cãi, đó là chỉ ở trong một thể chế tự do, thì người ta mới có thể phát triển tài năng ngang tầm thế giới như Thích Nhất Hạnh.
Những gì ông đã làm được thời còn ở Việt Nam như nhà xuất bản Lá Bối, trường đại học Vạn Hạnh, hoặc phong trào Thanh niên Phụng sự Xã hội... cũng chỉ có thể được thực hiện dưới thời VNCH, một thể chế dân chủ còn rất non trẻ và bị cho là có nhiều khiếm khuyết. Trong cùng thời gian ấy ở miền Bắc, người ta còn đang say sưa với chủ nghĩa Mác, với quan điểm tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân...
Hãy suy nghĩ về điều ấy.
▓ Ảnh chụp năm 1960 của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Hòa thượng Thích Trí Quang và Hòa thượng Thích Quảng Độ. Ảnh: PVCEB, AP và Phật tử Việt Nam.
Thứ hai: "Tôi hiểu rất rõ và có phần nào đồng tình với những ai yêu mến thiền sư", nhưng...
Nhưng tôi cũng rất hiểu và đồng cảm sâu sắc với những ai lên án thiền sư về thái độ đối với quê hương đất nước. Đặc biệt, chính tôi cũng thắc mắc về thái độ chính trị của ông trước và sau năm 75.
Trước đó, ông đau đáu với việc phát triển Phật giáo ở Việt Nam, đồng thời chọn đấu tranh cho hòa bình vì đau đớn trước cảnh chiến tranh huynh đệ tương tàn. Nhưng sau này, khi đã nổi tiếng khắp thế giới với một vị thế quan trọng như một nhà tư tưởng có tầm ảnh hưởng sâu rộng, tôi có cảm tưởng dường như ông chưa từng bao giờ có một quê hương khốn khổ mang tên Việt Nam.
Trừ những lần về Việt Nam rất hoành tráng với ý định đưa pháp môn Làng Mai của ông cho Phật tử trong nước - cùng với một kiểu như ông đã làm ở bất cứ nước nào trên thế giới - ông chưa từng bao giờ lên tiếng công khai về những vấn đề của đất nước, cả việc đạo lẫn việc đời. Trong khi hoàn cảnh của người dân Việt và của chính Phật giáo Việt Nam suốt mấy chục năm từ 1975 đến nay cũng có quá nhiều điều có thể làm cho ông trăn trở, đau đớn, dằn vặt...
Vì sao thế? Ông đã quên Việt Nam, hay vì một lý do nào khác?
Câu trả lời chỉ có mình ông biết. Và ông đã ra đi, đi về phía đường xưa mây trắng...
Nên câu hỏi kia vẫn tiếp tục chia rẽ người Việt Nam, chẳng biết đến bao giờ.
(Mà thật ra thì cũng chẳng sao, vì chia rẽ vốn là đặc tính của dân tộc Việt. Nếu không có Thích Nhất Hạnh thì người Việt ta cũng thừa lý do để tranh cãi và khích bác nhau rồi. Ôi đất nước tôi...)
【Vũ Thị Phương Anh】