Trời này thưởng xuân, mua sắm thì còn gì bằng. Nhiều người ra đường, nhìn xe ngắm người dạo hàng hóa... như bao người khác. Dạo thôi, nhìn thôi, ngắm thôi chứ dáng chừng lòng nhiều người hẳn còn hiu hắt, nói kiểu Nam bộ là "rầu thúi ruột".
Một năm Covid tơi tả qua đi, người giàu kẻ nghèo ai cũng lơ phơ, như không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Những ngày giãn cách, ngăn sông cấm chợ, chốt đường rào hẻm, kiểm soát giấy tờ... kiểu Tàu "kinh dị" mới đây ngỡ như ác mộng; đến cả cọng hành, bó rau cũng thành xa xỉ phẩm, kiếm đỏ mắt không ra. Nhiều người như nhà tôi chẳng hạn, kiếm bậy lon đất, chậu cây trồng ít hành. Có phần còn hơn thời bao cấp khó khăn sau 1975. Tiền bạc tiêu hao, trống lốc. Thế là lịch sử Sài Gòn hơn 300 năm, chưa bao giờ người ta tháo chạy khỏi Sài Gòn nhiều như vậy: hàng triệu người chỉ trong vài tháng. Đi ngày đi đêm, xe máy, xe đạp và cả đi bộ... Tơi bời, ngơ ngẩn. Nước non ngàn dặm, đường phố buồn thiu...
Nhiều người "ra đi đầu không ngoảnh lại". Thành phố báo động thiếu nhân công trước lẫn sau tết. TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội VN, đánh giá nguồn nhân lực lao động là một trong những bài toán lớn nhất trong quá trình hồi phục kinh tế sau đại dịch của TP.HCM. Ông nhấn mạnh: "Muốn người dân nhanh chóng quay trở lại với TP.HCM, cần cam kết, chứng minh cho người dân, người lao động thấy sẽ không có một cuộc khủng hoảng như vậy nữa lặp lại".
"Chứng minh, cam kết" giờ vẫn chưa thấy. Gói cứu trợ đợt 3 từ hồi tháng 10 – 2021 tới giờ vô số người vẫn chưa có. Thôi, tính sau đi, giờ tết đã gần kề. Đường phố Sài Gòn hôm nay đã bớt buồn thiu, nhưng lòng nhiều người còn hiu hắt. "Buôn bán kém lắm, toàn người nhìn qua ngó vào" – một chủ tiệm tạp hóa bày các gói quà tết trên vỉa hè Cách Mạng Tháng Tám nói như thở hắt.
Dù sao bà cũng còn hàng để... thở, dù là thở hắt, hơn rất nhiều người nửa tháng nữa tết mà như nín thở đợi xuân. Như một chị dù mới hơn 50, răng đã rụng quá một nửa, mặt đen đủi, gầy như que củi, lảo đảo đạp xe trên đường Nguyễn Trọng Tuyển lượm ve chai đứng bần thần khi đọc dòng thông báo một nơi mình tìm đến ăn từ thiện mỗi trưa trên đường Lê Văn Sỹ: "Tạm nghỉ tết từ 17-1".
▓ Chị ve chai, bà hàng rong nhận cơm từ thiện trên đường Phạm Văn Hai sau giãn cách - Ảnh CMC
"Nhiều người lượm quá, rác giờ cũng ít" – chị nói ngượng nghịu khi tôi nhìn bao rác loe ngoe vài chục chai nhựa, dù đã quá trưa. Tôi nhẩm tính: cả bao ve chai của chị bán cho vựa chắc chưa tới 10.000 đồng, mua gói xôi không đủ.
Tôi thấy một trái thanh long trong bịch nylông treo lủng lẳng ở tay lái xe đạp. Chị cười: "Thanh long giờ người ta bán đầy đường có năm, sáu ngàn đồng một ký. Tôi mua một trái, hai ngàn". Tôi để thêm vào xe chị bịch gạo, ký thịt và dúi vào túi chị một triệu đồng. Chị lập bập: "Trời ơi, anh cho nhiều quá". Để dành tết nha chị.
Hiu hắt đợi tết như cả gia đình bốn người: cha mẹ, hai con bán cà phê vỉa hè một góc ngã tư trên đường Cách Mạng Tháng Tám ngồi thu lu lúc 22 giờ đêm, không một vị khách. Hiền, bé gái hai tuổi gầy choắt reo lên khi tôi gởi ít bánh chocolat, loại bánh bé thích: "Con cảm ơn bác nhiều".
Cả gia đình này trước dịch còn có đồng ra đồng vào với quán vỉa hè. Dịch tới, quán không được bán. Cả nhà bó gối, hết tiền, mượn nợ ăn. Phường cho bịch gạo, gói mì cũng mừng. Từ tháng 10-2021, thành phố cho bán lại nhưng khách chỉ còn lác đác vì "khách của quán em đa số dân nhà trọ, nhập cư. Giờ họ cũng khó khăn nên tiết kiệm lắm, uống chai nước mười ngàn đồng cũng phải tính". Hôm tôi gởi chị cây giò gói xôi, hôm mấy gói mì, bịch bánh, nải chuối nhà trồng... vì tôi biết để mở lại quán vỉa hè nghèo này, vợ chồng chị đã phải chạy mượn vài triệu. Khách kiểu này thì bao giờ mới trả xong?!
Cả nhà bó gối ngồi trong gió lạnh cuối năm, gặp tôi cười như... mếu. Gởi chị hai bịch gạo ST 25 "ngon nhất thế giới". Trong khi bé con mân mê bịch gạo, gói bánh, hai vợ chồng vui quá chừng: "Trời ơi, em nghe nói gạo này ngon lắm mà chưa dám mua ăn bao giờ. Để dành tết". Chị ơi, anh ơi, chắc chắn gần tết nhà mình sẽ có vài ký thịt nữa. Bé Hiền sẽ có bịch bánh chocolat vui tết.
▓ Gởi bé Hiền và bà nội 85 tuổi kẹo bánh hai bịch gạo ST 25 ăn tết ở quán cà phê vỉa hè - Ảnh CMC (đã được gia đình cho phép)
Nín thở đợi tết. Như một chị xưa còn khỏe bán bánh mì ở đầu hẻm Vinh Sơn, rồi làm lặt vặt ở một phường, đã quá tuổi hưu hơn năm nay, không biết tết sao đây khi cả nhà đang phải ở nhờ đứa em. Tôi hẹn chị ở ngã tư Bảy Hiền, gởi chị tờ báo xuân Tuổi Trẻ, cây giò, bịch xôi Bà Lai – ngon nhất Ông Tạ và hẹn gần tết sẽ gởi quà, gởi thịt để bữa cơm ngày tết nhà chị có nồi thịt kho tàu. Chị xúc động: "Ông cho hoài, tôi ngại". Chị ơi, dân Ông Tạ mình mà. Chị yên tâm, khi nào hết tiền thì mình thôi gởi.
Tết tới nơi rồi với D., anh thợ sửa xe 37 tuổi gần ngã tư Phạm Văn Hai – Bùi Thị Xuân. Anh quê Cà Mau, mướn nhà tận Hóc Môn cho rẻ, ngày ngày đi 15 cây số lên khu Ông Tạ làm công cả chục năm nay. Mới cách đây nửa tháng, vợ sanh đứa thứ hai, chưa kịp mừng thì buổi sáng đến cửa tiệm mình làm công, anh thấy cửa tiệm đóng cửa im ỉm. Hỏi xung quanh mới hay chủ tiệm có chuyện riêng gì đó phức tạp phải đóng cửa.
Anh bần thần đứng trên vỉa hè, nghĩ nát nước mấy hôm. Tết tới nơi rồi, còn vợ còn hai con nhỏ, một đứa mới sanh, rồi tiền phòng trọ. Vài bữa sau, anh tìm ít đồ nghề ra làm thợ vỉa hè. Thợ mới, khách lạ, không máy bơm, không có khách. Anh chạy tứ tung đến bạn bè bạn vốn cũng nghèo như mình, cắn răng mượn sáu triệu đồng mua cái máy bơm đặt bên vỉa hè rồi "làm từ từ trả dần". "Tết này về quê không?" – tôi hỏi. Mắt anh buồn hẳn: "Chắc không chú ơi, con nhỏ; mà tiền đâu về chú?!...".
Đi làm qua đây hàng ngày, bữa tôi gởi hộp cơm cho anh, bữa gởi hộp bánh cho con anh. Trưa 16-1, kiếm cớ thay nhớt, thay còi xe, thay bình điện, tôi gởi anh gấp đôi tiền và thêm bịch gạo "ngon nhất thế giới" ST 25" để dành ăn tết. Hứa gần tết gởi anh thêm vài ký thịt. Tối, qua điện thoại, anh bảo: "Cả nhà con hôm nay vui như tết."
▓ Tiệm sửa xe nghỉ bất ngờ, anh thợ sửa xe D. ra vỉa hè gần ngã tư Bùi Thị Xuân - Phạm Văn Hai - Ảnh CMC (đã được nhân vật cho phép)
Tết tới nơi rồi với mấy mẹ con thợ may, quê miền Tây, làm "thợ đụng" (đụng gì làm nấy) ở Ông Tạ cũng 10-15 năm nay rồi. Covid tràn tới, chị mất việc mấy tháng rồi, giờ sửa quần áo lặt vặt năm chục, ba chục ngàn một cái quần, cái áo ở xóm nghèo Tân Hòa Đông. Tôi gởi 1,5 triệu rưỡi, chị lặng đi trên vỉa hè bùng binh Cây Gõ...
Những ngày ngày cuối tuần của tôi, gần 20 phần quà đã gởi đi, nửa tiền túi, nửa theo "yêu cầu" của cô A.H, vợ thiếu tá VNCH Nguyễn Trọng Thìn, chỉ huy trưởng một trung tâm yểm trợ và tiếp liệu ở miền Trung trước 1975 và con cô, T.L. Chú đã mất bên Mỹ 15 năm rồi. Con cháu đã ở nước ngoài hết từ 1991. Riêng cô vẫn ở lại với ngôi nhà xưa là đất rừng cao su Phú Thọ. Ở đó, cô có bao kỷ niệm với Ông Tạ, với tô bún mọc Nghĩa Hòa "ngon nhất trần đời", với "xôi Bà Lai ngon nhứt Sài Gòn" (!) – cô bảo. Tô bún ngon, gói xôi ngon cũng ở cái tình chứ đâu chỉ là vị; cái tình sớt chia, san sẻ của bà con Ông Tạ với nhau bao đời nay.
Covid vẫn chưa qua. Sài Gòn giờ ai ai cũng khó khăn, tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng "trông lên không bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình". Tới đâu gắng gượng tới đó. Sài Gòn, dù một giọt nước nhỏ nhoi cũng mong làm ướt tết...
【Cù Mai Công】