"Ủa đang dịch bệnh các anh chị đòi về nước làm gì? Lây cho người dân à?"
Tôi đọc được comment đó từ một giảng viên đại học, người dạy học cũ của tôi, một trí thức, một người từng làm việc cho nhiều tập đoàn nước ngoài.
Câu nói của cô sẽ còn âm vang thêm hàng ngàn lần nữa trong năm 2020, khi Việt Nam hân hoan ăn Noel, đón Tết, đi xem bóng đá và cười nhạo cả thế giới chết như ngả rạ.
Trong niềm tự hào dân tộc và yêu nước đó, những tờ báo tôi chụp ảnh dưới đây viết về các chuyến bay giải cứu thế này:
"(NLĐO) - 'Tôi như vỡ òa khi máy bay đáp xuống sân bay Đà Nẵng chiều 25-3. Vô cùng biết ơn Chính phủ đã hỗ trợ, tạo điều kiện để tôi được trở về trong lúc khó khăn cực độ này.'"
Bạn Google thử xem, có hàng trăm bài viết như vậy. Cảm xúc xã hội vô cùng bệnh hoạn: vừa xua tay vứt bỏ đám người trót kẹt ở nước ngoài không liên quan gì đến mình, vừa tấm tắc khen nhà nước nhân đạo, rưng rưng chào đón những công dân may lắm mới được về nhà.
Năm 2020 đó đẹp như giấc mơ ánh nồng sắc đỏ, nhà nhà yêu chính phủ, chửi bệnh nhân ngu thì chết, chửi nước giàu ngu quá chết đông, cười nhạo và vô tâm trước những người không thể về lại mái nhà.
▓ Tranh của hoạ sỹ La Thanh Hiền
Năm 2020 đó trên báo, tôi thấy những đồng nghiệp cũ của mình phản bội giá trị của nghề báo, và bỗng nhiên thấy may mắn, vì tôi không còn là đồng nghiệp của họ: Họ ca ngợi chuyến bay giải cứu như đưa chúng lên bàn thờ cúng cùng con gà khỏa thân, thiếu điều cởi quần áo rạch mặt nằm khóc cho nhòa lệ thấu tâm can rằng chuyến bay nhân đạo quá.
Trong khi ấy, chỉ cần một status FB, chỉ cần search vài group FB, họ sẽ thấy hàng chục ngàn người Việt khốn khổ, vạ vật, không thể về lại mái nhà, không còn tiền lưu vong xứ người, kỳ kèo với những suất "chuyến bay nhân đạo" đắt tới 100 triệu, 150 triệu (mà ngày thường nó chỉ trị giá 22 triệu).
Nhưng các nhà báo, trong cơn high năm 2020 với thành công chống dịch của Việt Nam, quyết tự che mắt lại và chỉ nhìn thấy Việt Nam sáng lòa còn cả thế giới ngu lol đáng chết. Người nào đó đọc bài này của tôi có thể đặt câu hỏi: Lỡ đâu "chúng nó" bịt miệng không cho nhà báo viết? – Không, vì tôi biết có những bạn bè tôi vẫn bỏ công viết những bài này, trong tiếng nói yếu ớt muốn giúp những công nhân nghèo khốn cùng mắc kẹt ở nước ngoài có thể về lại nhà. Bài của họ được đăng. Rất ít ỏi. Rất lặng lẽ. Vậy là chẳng có ai cấm cả, chỉ là các tờ báo thấy mình nên thật mạnh mồm bơm thổi cho các chuyến bay nhân đạo sặc giấy tiền.
Tôi ở trong vòng xoáy đó. Tôi kẹt ở Chile 10 tháng dài. Trong 10 tháng ở trong group chat của Đại sứ quán Việt Nam ở Chile, một nhân vật có tên "Anh Hoàng Sứ Quán", cứ hê lên là cả đám người phải vào đăng ký tên. Vài bữa anh hiện ra, bảo đứa này đứa này được về, đứa kia đứa kia chưa tới lượt. Có người hỏi ủa anh giải cứu ở Chile mà bắt em bay qua Pháp, đại sứ quán Pháp không mở cửa sao em làm visa, anh Hoàng đáp: "Việc này em tự lo!" rồi biến mất.
Anh Hoàng huyền bí ấy như đức thánh canh cổng trời, toàn quyền quyết định sinh mệnh một đám người kẹt cả năm trời ở nửa vòng trái đất khác. Rồi những chuyến bay được báo giá, hai ngàn, ba ngàn, hai ngàn rưỡi. Không biết giá ai đặt ra, nhưng những ai có tiền đều phải vung ra hết để được về nhà. Có người xa con cả nửa năm. Có người người thân sắp mất không thể không về. Anh Hoàng bí ẩn quyết định số phận của họ.
Đến khi tôi sang Mỹ, những con số đó sẽ bự thêm, 8 ngàn, 9 ngàn, 10 ngàn, nhưng 14 ngàn chắc chắn về được, cách ly khách sạn. 280 triệu đồng cho một cái vé máy bay một chiều và khách sạn cách ly. Ngày thường cái vé đó 1 ngàn chưa chắc có ai mua. Tất cả những chuyện đó có bí mật lắm không?
Không, chúng xuất hiện đầy trên khắp các diễn đàn du học, diễn đàn công nhân, diễn đàn Tôi với Sứ Quán, diễn đàn người Việt xa quê. Những câu chuyện xuất hiện với đủ hình hài của bi kịch. Vợ kẹt ở nước ngoài, chồng ở quê chết vì Covid, con trai nhỏ xíu bơ vơ với bà ngoại. Bố mẹ đi thăm con du học kẹt một năm trời ở Mỹ, tiền không còn đủ ăn, phải đi chạy Uber kiếm sống. Du học sinh học hết chương trình không thể về nhà, visa không được làm việc, phải trày vảy đi xin việc lậu và bị ức hiếp.
Những bi kịch như vậy, người comment ở đầu bài như cô giáo tôi không cần biết. Họ đang bận sống trong cái áo của sự an toàn, năm 2020 Việt Nam chiến thắng Covid. Họ không quan tâm đến người khác bị tước bỏ quyền công dân và bị làm tiền trên cái chết và nỗi đau. Đó là ký ức xã hội của năm 2020.
Năm 2021, Covid-19 trở cờ như thay áo. Có lẽ cô giáo tôi cuối cùng cũng học được bài học rằng chiến thắng bệnh dịch không phải lòng tự hào dân tộc, và đại dịch không có ranh giới. Có lẽ cuối cùng cô cũng chứng kiến và rơi vào hoàn cảnh những công dân Việt Nam kẹt ở nước ngoài, kẹt trong dịch bệnh, mất người thân và bị bỏ rơi. Có lẽ cô và những công dân Việt đang high với lòng tự hào dân tộc của họ đã học được một bài học mới: Nếu họ có thể chế nhạo nỗi đau của đồng loại, thì nỗi đau một ngày nọ sẽ loang tới chân họ.
Vấn đề của chuyến bay giải cứu không chỉ nằm ở chỗ "đang có dịch ở yên đó đi" hay "có tiền thì về", mà là hệ thống "giải cứu" này đã tước bỏ quyền công dân của những người Việt mắc kẹt ở nước ngoài. Họ bị quê hương từ chối quyền cơ bản của con người: là được về nhà, nơi có ghi trong hộ chiếu của họ. Đồng thời, nó tạo ra cánh cửa đặc quyền khổng lồ cho Đại sứ quán, cho anh Hoàng sứ quán trở thành thánh Peter gác cổng thiên đàng, cho những cơ quan lãnh sự được quyền chỉ mặt, ban ơn và... làm tiền.
Nhưng hệ thống vi phạm quyền con người và vi phạm luật pháp nghiêm trọng đó, rất tiếc, đã nhận được sự hồ hởi chào đón của những trí thức như cô giáo tôi, nhận được sự đồng lõa của những tờ báo lớn với những phóng viên không hề biết nhục. Hệ thống đó xảy ra, những tờ vé máy bay 9 ngàn đô, 14 ngàn đô đó, có lấm máu người xa quê và dính nước bọt trơ tráo của kẻ nhắm mắt đồng thuận, ngợi ca.
Người bạn tôi sau khi đọc tên đường dây làm tiền ở Cục lãnh sự đã bật khóc. Còn tôi bật Google, mở ra, sau 24 giờ, đã kịp thấy những tờ báo ca khúc ca ngược lại với khúc họ vừa ca chỉ một tháng trước. Thật nồng nhiệt.
【Khải Đơn】
Tội ác với sự đồng loã của "những tờ báo lớn với những phóng viên không hề biết nhục..."
29.01.2022
0
Chia sẻ với ứng dụng khác