Ngày Valentine đầu tiên và đáng nhớ nhất của đời tôi
19.02.2022
0
Hồi chạc tuổi 2 bạn nhỏ trong hình, đám nhỏ trong xóm túm tụm bày trò "đám cưới", có phân công chia phe làm "đàng trai, đàng gái, phù dâu phù rể" các vai đầy đủ hết. Bữa đó, sau màn bình chọn, so sánh chiều cao, ghép đôi sao cho hợp các kiểu... tôi được phân công sắm vai "chú rể" nên thích lắm. Mọi sự đình đám, trang trí, trang điểm, "rước dâu" đều rất xuôi xắn cả. "Hoa cưới, hoa cô dâu" thì ngắt mấy bông mười giờ, bông dâm bụt ở các hàng rào dâm bụt phân cách giữa mấy nhà trong xóm. "Son môi" cho "cô dâu chú rể" cũng là hoa dâm bụt đỏ được giã nát lấy nước bôi lên môi, lên má.
Bỗng dưng có một vấn đề khúc mắc xảy ra. Nói chung cũng không có chuyện gì to tát. Chuyện là thế này, sau khi "rước dâu", chưa kịp "vô bàn oánh chén", thì có một đứa trong đám "đàng trai" bảo rằng, chơi trò đám cưới, thì phải "động phòng". Trẻ ranh hồi đó thì biết gì đâu! Thế nhưng ý kiến chung chung là cũng đồng ý, sẽ làm thêm một cái góc kin kín gọi là "cái phòng", do mấy tàu chuối quây lại, để "cô dâu chú rể" ở với nhau để "động phòng". Đến đây thì bất đồng xảy ra giữa "hai họ". "Động phòng" là cái chi chi, thì đám nít ranh ở quê hồi đó, thời đó, cam đoan chẳng đứa nào biết rõ cả, đặc biệt đám con trai lớn chậm như "đàng trai" chúng tôi.
Không biết rõ, nhưng mấy đứa "đàng trai" (nhứt là "chú rể" he he) vẫn cứ hăng lắm, khăng khăng rằng thì là: "cô dâu" phải nằm chung, và phải nằm dưới "chú rể"... Tôi nhớ, "hai họ" cãi nhau ghê lắm, "họ" nào cũng cho rằng mình biết rõ "động phòng" là như thế nào. Lại còn vin ra lý do bảo rằng: Tao nghe bố tao kể, mẹ tao kể. Phét thế! Cãi qua cãi lại một hồi: Tựu trung "đàng gái" thì bảo "động phòng" là "cô dâu chú rể" nằm chung bên cạnh nhau. "Đàng trai" thì bảo "động phòng" là "cô dâu chú rể" vật nhau như đấu vật trong sân đình mỗi dịp Tết đến, "chú rể" vì khoẻ nên sẽ phải "nằm trên".
Có mỗi vậy, mà cũng cãi hăng lắm, "đám cưới" vì mỗi cái chuyện "động phòng" mà hoá ra "đám cãi" giữa "hai họ" lúc nào cũng chẳng hay. Cãi một hồi, chẳng "đàng nào chịu đàng nào" thế là rã đám, "đàng trai, đàng gái" ai về nhà nấy để ăn cơm trưa với bố mẹ, "cỗ bàn" là cóc ổi xoài me cũng vứt hết, chả kịp ăn. Thế là "đám cưới" của tôi đã "tan tành", không được "động phòng" nhưng cũng chẳng sao, và làm sao mà tôi, lúc đó là một đứa con nít, có thể biết được rằng, có một người bạn đang rất sợ... đó chính là "cô dâu".
Chuyện sau đó, "đàng gái" thì về nhà lun, còn "đàng trai" chưa về ngay mà tranh thủ ra sân banh gần nhà chơi một xíu nữa rồi mới về nhà. Vừa về đến cổng, tôi thấy mẹ đã cầm roi sẵn, vừa thấy mặt tôi, mẹ đã la, rồi rượt tôi chạy té khói. Sau này mới biết, cái đám "đàng gái" và nhứt là "cô dâu" đã vừa khóc, dẫn "má vợ" qua nhà méc với "má chồng", kể tội về "thằng chú rể" hăng hái "đòi làm bậy" là mình.
Hồi Tết về quê gặp lại "cô dâu" hồi đó, hai đứa nhắc lại chuyện này cứ cười lăn. "Bà mẹ chồng" cũng góp vui, kể lại rằng: "Hồi đó mấy cái chuyện kiểu kin kín đó, quan niệm còn nặng nề lắm. Yêu nhau sắp cưới còn chẳng dám cho con trai nó nắm tay nữa là. Thấy cô hàng xóm dắt tay 'cô dâu' sang méc là thế nọ thế kia, bảo đòi 'nằm trên', 'động phòng' là mẹ tá hoả, sợ lắm! Phải đánh con dù thấy xót dạ... vì sợ con hư."
Chẳng biết câu chuyện, kỷ niệm tuổi thơ ấy có tác động gì không, nhưng "cô dâu" trong câu chuyện của tôi sau này đã chọn theo học chuyên ngành tâm lý học đường, chuyên về mảng giáo dục giới tính. Và theo như chia sẻ mới đây của cô, tôi được biết, các bậc phụ huynh, đặc biệt là ở những vùng quê, đang bối rối, thậm chí là rất bị động, trong mảng giáo dục giới tính cho con cái. Chuyện giáo dục giới tính mà để cho đến tuổi dậy thì mới chỉ bảo, là đã quá trễ. Giáo dục giới tính thật ra là một phần rất quan trọng và cần thiết trong giáo dục một con người nói chung.
【Hoàng Long】
Chia sẻ với ứng dụng khác