Vai trò của Liên Xô đánh bại phát xít Đức thời Đại chiến Thế giới II được nhìn nhận như khoảnh khắc quang vinh nhất của đất nước.
Thế nhưng bên cạnh đó còn một câu chuyện nữa là chuyện về các vụ binh sỹ Hồng quân Liên Xô hãm hiếp hàng loạt phụ nữ Đức trong những ngày cuộc chiến gần tàn.
Một số độc giả có lẽ sẽ cảm thấy khó chịu về câu chuyện dưới đây.
Hoàng hôn buông xuống ở Công viên Treptower, ngoại vi Berlin. Tôi nhìn lên bức tượng tạc bóng lên bầu trời chiều tím.
Bức tượng cao 12 mét, mô tả một người lính Xô-Viết một tay cầm gươm, tay kia bế một bé gái người Đức và chân đạp lên hình chữ thập ngoặc bị đập vỡ.
Đây là nơi yên nghỉ của 5 ngàn trong số 80 ngàn binh lính Xô-Viết đã ngã xuống ở chiến trường Berlin trong thời gian từ 16/4 đến 2/5/1945.
Những phần cột của tượng đài cho thấy mức độ mất mát. Đứng từ những bậc thang trên cùng bạn có thể nhìn xuống đế tượng, nơi được thắp sáng như một đền.
Một tấm bia ghi dòng chữ những người lính Xô-Viết đã cứu nền văn minh Âu châu khỏi chủ nghĩa phát xít.
Nhưng một số người thì gọi đài tưởng niệm này là Ngôi mộ của Những kẻ hiếp dâm vô danh.
Binh lính của Stalin đã xâm hại số lượng không rõ bao nhiêu phụ nữ khi tiến vào thủ đô của Đức, tuy điều này hiếm khi được nêu ra sau cuộc chiến, dù là ở Tây Đức hay Đông Đức, và cũng là một chủ đề cấm kỵ ở Nga thậm chí cho tới tận bây giờ.
Truyền thông Nga thường cho rằng các vụ hãm hiếp chỉ là một chuyện hoang đường do Phương Tây dựng lên, dẫu cho trong số các nguồn tin nói về chuyện này có cả một cuốn sổ nhật ký do một viên sỹ quan Liên Xô trẻ tuổi lưu giữ.
Nhật ký một người lính Hồng quân
Vladimir Gelfand, một trung úy người Do Thái từ miền trung Ukraine, đã viết cực kỳ thẳng thắn từ 1941 cho tới khi kết thúc cuộc chiến, bất chấp việc quân đội Liên Xô cấm viết nhật ký vì cho đó là vấn đề an ninh.
Bản viết tay tới nay vẫn chưa được xuất bản vẽ nên một bức tranh về sự xáo trộn trong các đạo quân, từ khẩu phần ăn thiếu thốn, dịch chấy rận, cho tới nạn trộm cắp, với cảnh binh lính trộm ủng của nhau.
▓ Trung úy Vladimir Gelfand đã viết nhật ký bất chấp lệnh cấm trong quân đội Liên-xô
Trong tháng Hai 1945, Gelfand đồn trú cạnh đập sông Oder, chuẩn bị cho cuộc tiến sau cùng tới Berlin. Ông mô tả các đồng chí của mình đã bao vây và chiếm thế áp đảo ra sao trước một đội quân các chiến binh là phụ nữ.
"Những phụ nữ Đức bị bắt tuyên bố họ báo thù cho chồng họ đã tử trận," ông viết. "Phải tiêu diệt họ không thương xót. Lính của tôi xin được đâm lưỡi lê vào bộ phận sinh dục của họ, nhưng tôi chỉ ra lệnh xử tử."
Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn.
Một trong những đoạn nhật ký của Gelfand được ghi ngày 25/4, khi trung uý Gelfand đã tới Berlin.
Gelfand đi xe đạp loanh quanh ở sông Spree trong lần đầu tiên ông thử đi xe đạp, và bắt gặp một nhóm các phụ nữ Đức đang mang theo va ly, đồ đạc.
Bằng thứ tiếng Đức câu được câu chăng, ông hỏi họ đi đâu, vì sao mà bỏ nhà bỏ cửa ra đi.
"Với nét mặt hoảng sợ, họ kể cho tôi nghe về những gì đã diễn ra trong đêm đầu tiên Hồng Quân tràn vào," ông viết.
"Họ thúc vào đây," một cô gái Đức xinh đẹp vén váy lên giải thích, "suốt đêm. Họ già rồi, một số người đầy mụn nhọt, tất cả đều leo lên người tôi và thúc vào - không dưới 20 người đàn ông," cô bật khóc nức nở.
"Họ hãm hiếp con gái tôi ngay trước mặt tôi," người mẹ cô gái nói thêm, "và họ sẽ trở lại, hãm hiếp nó lần nữa." Điều này khiến tất cả cũng hoảng sợ.
"Hãy ở lại," cô gái bỗng nhiên quăng mình vào tôi, "hãy ngủ với tôi! Ông có thể làm bất kỳ điều gì ông muốn, nhưng chỉ mình ông thôi!"
▓ Gelfand đã ghi lại những gì nghe được từ nhóm các phụ nữ Đức, những người nói họ đã bị lính Hồng quân hãm hiếp
Vào lúc này, những người lính Đức đã bị kết tội tình dục cùng các tội ác khủng khiếp khác tại Liên bang Xô-Viết từ suốt gần bốn năm, và Gelfand nhận thức được mọi thứ trong quá trình tiến vào Berlin.
"Ông ấy đã đi qua nhiều ngôi làng, nơi phát xít Đức giết chết tất cả, kể cả trẻ nhỏ. Và ông ấy đã nhìn thấy bằng chứng các vụ hãm hiếp," con trai ông là Vitaly nói.
Bạo lực tràn lan
Các binh đoàn SS của Đức được coi là lực lượng đầy kỷ cương của dòng giống thượng đẳng Aryans, không bao giờ quan hệ tình dục với "untermenschen" - những giống người bị Phát xít Đức coi là hạ đẳng.
Thế nhưng lệnh cấm này bị phớt lờ, theo Oleg Budnitsky, một sử gia từ Cao đẳng Kinh tế Moscow. Các chỉ huy của Đức trên thực tế quá quan ngại về bệnh hoa liễu nên đã thành lập một chuỗi nhà thổ quân sự trên khắp các vùng lãnh thổ bị Đức chiếm đóng.
Khó để tìm được bằng chứng trực tiếp về việc lính Đức đã đối xử với các phụ nữ Nga ra sao - nhiều nạn nhân đã không sống sót - nhưng tại Bảo tàng Đức-Nga tại Berlin, giám đốc Jorg Morre cho tôi xem một bức ảnh được chụp tại Crimea lấy từ cuốn album thời chiến của một quân nhân Đức. Một xác chết phụ nữ nằm vắt ngang nền đất.
"Trông như người đó bị giết chết do hãm hiếp, hoặc sau khi bị hãm hiếp. Váy cô ấy bị kéo lên và tay để trước mặt," ông nói.
"Một bức tranh gây sốc. Chúng tôi đã có những lần trao đổi trong bảo tàng là liệu chúng tôi có nên đưa ra những tấm hình như thế không. Đây là cuộc chiến, là hành động bạo lực tình dục diễn ra ở đất Liên Xô có sự hiện diện của Đức. Chúng tôi đang trưng ra hình ảnh về cuộc chiến chứ không phải là nói về nó, để mọi người nhìn thấy chiến tranh."
Trong lúc Hồng Quân tiến vào nơi mà báo chí Xô-viết gọi là "hang ổ của quỷ dữ phát xít", các bích chương khuyến khích binh lính tỏ thái độ tức giận: "Chiến sỹ: anh đã ở trên đất Đức. Giờ báo thù đã điểm!"
▓ Một trang nhật ký của người lính Nga ghi về các vụ hãm hiếp ở Berlin
Trên thực tế, chính ủy Quân đoàn 19, đơn vị tiến vào Đức theo đường Duyên hải Baltic, đã tuyên bố rằng một người lính Xô-Viết chân chính sẽ tràn ngập lòng căm thù tới mức sẽ cự tuyệt việc quan hệ tình dục với người Đức.
Một lần nữa, quân lính chứng minh những thứ lý thuyết này là hoàn toàn sai.
Khi tìm hiểu, nghiên cứu để viết cuốn sách "Berlin, Sự sụp đổ" đã xuất bản hồi 2002, sử gia Antony Beevor đã tìm được những tài liệu về tình trạng bạo lực tình dục trong hồ sơ lưu trữ quốc gia của Liên bang Nga. Chúng được mật vụ cộng sản NKVD gửi cho thượng cấp là Lavrentiy Beria hồi cuối năm 1944.
"Chúng đã được chuyển cho Stalin," Beevor nói. "Quý vị nhìn những điểm đánh dấu trên đó là có thể biết chúng đã được đọc hay chưa - các tài liệu này báo cáo về tình trạng hãm hiếp tràn lan tại Đông Phổ và cách mà nhiều phụ nữ Đức cố giết chết con mình, cố tự sát, để tránh cảnh bị hãm hiếp."
Nhật ký "Một phụ nữ ở Berlin"
Một cuốn nhật ký thời chiến khác, lần này là do hôn thê của một quân nhân Đức cất giữ, cho thấy một số phụ nữ đã phải thích nghi với hoàn cảnh khốn khổ để có thể tồn tại.
Bắt đầu từ ngày 20/4/1945, 10 ngày trước khi Hitler tự sát, tác giả ẩn danh của cuốn nhật ký này, cũng giống như Vladimir Gelfand, đã ghi lại một cách chân thực tới mức tàn nhẫn những gì xảy ra.
Tự mô tả mình là "một cô gái tóc vàng với khuôn mặt nhợt nhạt, luôn mặc đúng một chiếc áo khoác đó", tác giả phác họa những bức tranh về những người hàng xóm sống trong hâm trú bom bên dưới tòa nhà gồm các căn hộ tập thể mà cô sống, trong đó có cả "một người đàn ông mặc quần xám và đeo kính mà nếu quan sát kỹ thì hóa ra lại là một phụ nữ trẻ" và ba phụ nữ là chị em ruột đứng tuổi hơn "đều là thợ may, đứng túm tụm với nhau như một khúc dồi lợn lớn".
Trong khi chờ đợi Hồng Quân tới, họ nói đùa với nhau "thà người Nga ở trên người còn hơn là người Mỹ trên đầu" - bị hãm hiếp còn hơn là bị bom ném trúng tan xương nát thịt. Thế nhưng khi lính tới căn hầm và lôi những người đàn bà ra, họ đã cầu xin người viết cuốn nhật ký là hãy dùng vốn tiếng Nga của mình để khiếu nại lên viên chỉ huy người Nga.
▓ Bà Ingeborg là một trong những nạn nhân bị hãm hiếp thời 1945 tại Berlin
Can đảm vượt qua sự hỗn loạn và những đống đổ nát trên đường phố, cô đã tìm được tới một viên sỹ quan cao cấp. Ông ta nhún vai. Bất chấp việc Stalin ban bố nghị định cấm có hành động bạo lực đối với dân thường, ông ta nói, "Nó vẫn diễn ra thôi."
Viên sỹ quan quay lại căn hầm cùng cô và quở trách những người lính, nhưng chẳng ai bận tâm.
"'Ông nói có ý gì? Người Đức đối xử với phụ nữ của chúng ta thế nào?', ông ta gào lên 'Chúng đưa em gái tôi đi và...' Người sỹ quan trấn an người lính và đưa họ ra ngoài."
Nhưng khi người viết nhật ký bước ra ngoài hành lang xem họ đã đi chưa, thì những người lính đã nằm chờ sẵn và tóm ngay lấy cô. Cô bị hãm hiếp dã man và gần như chết ngạt. Những người hàng xóm kinh hoàng, mà cô gọi là "những cư dân sống trong hang" đã đóng chặt cửa hầm.
"Cuối cùng cánh cửa sắt mở ra. Mọi người nhìn tôi chằm chằm," cô viết. "Tất vớ tôi tụt xuống sát giày, tôi vẫn còn đang nắm chặt phần sót lại của thắt lưng nẹp tất. Tôi gào lên 'Các người thật khốn kiếp! Chúng nó hãm hiếp tôi ở đây hai lần và các người bỏ mặc tôi nằm đây như một đống rác!"
Rốt cuộc người viết cuốn nhật ký nhận ra rằng cô cần tìm một "sói dữ" để giúp tránh được "lũ đàn ông thú dữ" và các vụ hãm hiếp tập thể.
Mối quan hệ giữa kẻ tấn công và nạn nhân dần trở nên bớt bạo lực, và chuyển sang có tính thỏa thuận, dàn xếp hơn. Cô đã ngủ với một sỹ quan cao cấp từ Leningrad và cùng nói chuyện văn học và ý nghĩa cuộc sống với nhau.
"Không thể nói là viên thiếu tá đó hãm hiếp tôi," cô viết. "Tôi làm vậy để đổi lấy thịt heo bacon, bơ, đường, nến, thịt hộp ư? Về khía cạnh nào đó thì tôi tin là tôi làm vậy thật. Thêm nữa, tôi thích viên thiếu tá đó và ông ấy càng ít ham muốn tôi với sự ham muốn của một người đàn ông thì tôi càng thấy thích ông ta như một con người hơn."
Nhiều người hàng xóm của cô cũng có những mối quan hệ tương tự với những người đang tới chinh phục Berlin đổ nát.
Khi cuốn nhật ký được xuất bản tại Đức hồi 1959 với tiêu đề "Một phụ nữ ở Berlin", những thừa nhận thẳng thắn về cách chọn tồn tại của cô đã bị công kích nặng nề là "bôi nhọ danh dự" phụ nữ Đức. Không ngạc nhiên gì khi tác giả đã không đồng ý cho tái xuất bản cuốn sách cho tới sau khi mình qua đời.
▓ Nay 90 tuổi và sống tại Hamburg, bà Ingeborg kể về những ngày kinh hoàng khi bà mới 20 tuổi, sống cùng mẹ tại Berlin và chứng kiến đội quân Xô-viết tiến vào thành phố đổ nát
70 năm sau khi cuộc chiến kết thúc, nghiên cứu mới về tình trạng bạo lực tình dục do toàn bộ các lực lượng Đồng minh thực hiện, gồm cả lính Mỹ, Anh, Pháp và Liên-Xô, vẫn đang được tiến hành.
"Truyền thông Nga không đăng tin"
Năm 2008, bộ phim Anonyma được dựng dựa theo cuốn nhật ký "Một phụ nữ ở Berlin" với sự có mặt của diễn viên Đức nổi tiếng Nina Hoss. Bộ phim đã tạo tác động nhẹ nhàng ở Đức và nó khuyến khích nhiều phụ nữ đứng ra nói về những gì họ đã phải trải qua trong quá khứ.
Các vụ hãm hiếp đã ảnh hưởng tới rất nhiều phụ nữ trên toàn Berlin. Con số thường được nhắc đến là khoảng 100 ngàn phụ nữ tại Berline và hai triệu phụ nữ trên toàn Đức.
Tại Đức, việc nạo phá thai là bất hợp pháp theo Điều 218 Đạo luật Hình sự, nhưng Martin Luchterhand từ Cục Lưu trữ Quốc gia nói "đã có không gian mở ra cho những phụ nữ này, bởi đó là tình thế đặc biệt xảy ra sau các vụ hãm hiếp lan tràn hồi 1945".
Chúng ta có thể không bao giờ biết được quy mô thực sự của các vụ hãm hiếp này. Các phiên xử tòa án binh Xô-Viết và các nguồn khác hiện vẫn chưa được giải mật.
Quốc hội Nga gần đây mới thông qua luật theo đó quy định bất kỳ ai nói xấu hồ sơ của Nga trong Đại chiến Thế giới II sẽ bị phạt và đi tù tới năm năm.
Vera Dubina, một nhà sử học trẻ tuổi từ Đại học Nhân văn ở Moscow nói cô không biết gì về các vụ hãm hiếp cho tới khi được một học bổng và tới Berlin học. Sau đó cô đã viết một bài về chủ đề này nhưng không được đăng.
"Truyền thông Nga phản ứng rất gay gắt," cô nói.
"Mọi người chỉ muốn nghe về chiến thắng vinh quang của Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại và nay thì ngày càng khó có thể nghiên cứu đầy đủ được về chủ đề này."
Lịch sử được viết lại cho phù hợp với cách tuyên truyền hiện tại. Đó là lý do khiến những lời kể nhân chứng trực tiếp quý giá tới đâu.
【Lucy Ash】
BBC News, Berlin