Đây là bài tác giả đã viết cách nay vài năm, nhưng giờ anh ấy đã chỉnh sửa đôi chút, và cho đăng lại, vì tính thời sự của nó. Anh Phan Châu Thành, một Việt kiều ở Ba Lan, đã chia sẻ nhiều điều về đất nước mà anh đã sống, Ba Lan, một đất nước có đa số dân chúng theo Công giáo. Qua những bài chia sẻ của anh, mình hiểu được mối quan hệ không hề dễ dàng và nhiều ân oán giữa Ba Lan và Ukraine: Cách đây không lâu, có những nhóm quân sự của Ukraine đã sát hại hơn 100 ngàn người Ba Lan (từ 1943-1945)... Và sự việc này vẫn còn là "lấn cấn" ngoại giao rất lớn giữa Ukraine và Ba Lan! Bất chấp những điều đó: Trong lúc chiến cuộc mà Putin đang phát động để xâm lược Ukraine, Ba Lan đã chọn "lấy thiện lành để thắng oán thù", từ chính phủ cho đến giáo hội Ba Lan, đều một lòng vận động, giúp đỡ Ukraine, đặc biệt là những người chạy loạn. Ba Lan, từ một nước có hiềm thù, đã trở thành đồng minh lớn nhất và quan trọng của Ukraine.
Xin cám ơn tác giả, và xin trân trọng giới thiệu bài viết của anh.
▪▪▪
Ba Lan là một quốc gia tương đối lớn ở châu Âu, thường xuyên bị hiểu nhầm trong tâm thức người Việt, là một quốc gia hậu xã hội chủ nghĩa, kiểu Ucraina, Belarus, hay từa tựa giống như Nga. Trên thực tế, Ba Lan có một nền văn hóa lâu đời, lại cũng là nước thành công nhất trong việc chuyển hóa, hiện tại đang là nền kinh tế lớn trong Châu Âu với mức độ tăng trưởng cũng đứng đầu.
Như một con chim lửa, trỗi dậy từ đống tro tàn - Ba Lan vốn là quốc gia bị Chiến tranh Thế giới II tàn phá kinh khủng nhất thế giới (chứ không phải Nga), với 22% dân số (6,6 triệu/30 triệu) bị chết hoặc phải đi biệt xứ, 60% tài sản bị cướp phá hoặc huỷ hoại - sau chuyển đổi thể chế chính trị sang tự do, nền kinh tế Ba Lan đang trỗi dậy với mức tăng trưởng GDP lên tới 5,1%/năm (2018), cao nhất châu Âu.
Nhưng phải hoà mình vào họ, mới hiểu được, tài sản lớn nhất của họ chính là gìn giữ và tiếp nối những giá trị tinh thần. Đó cũng là lý do vì sao, dù đã từng mất nước trong hơn 140 năm (1772 - 1918), họ vẫn chiến đấu và dành lại được độc lập từ tay 3 cường quốc: Nga, Phổ và Áo. Đó cũng là lý do, vì sao Công đoàn Đoàn kết đã từng có tới 10 triệu thành viên trên 18 tuổi đăng ký (trên tổng số 35 triệu dân khi đó, bao gồm cả trẻ em), châm ngòi làm sụp đổ toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa bấy giờ (1989).
▓ "Trại Hy Vọng" (tiếp nhận người chạy loạn đến từ Ukraine), do Caritas Ba Lan tổ chức, ở vùng Krościenko, phía Nam Ba Lan. Hình: Caritas Ba Lan.
Ai cũng biết Fryderyk Chopin là một trong những nhà soạn nhạc lớn nhất của nhân loại, với giải thưởng âm nhạc Chopin danh giá, nhưng mấy ai biết rằng: Chopin đã từ chối lời mời trở thành người phụ trách âm nhạc cung đình cho Sa Hoàng, để tham gia khởi nghĩa đòi độc lập cho Ba Lan, rồi phải trốn sang Pháp và không thể trở về. Khi ông mất ở tuổi 39 vì viêm phổi, ước nguyện cuối cùng vẫn là "hãy mang trái tim tôi về Ba Lan". Chị gái ông đã thực hiện điều này, và trái tim ông, qua bao chiến tranh, vẫn đang được gìn giữ trong nhà thờ ở Warszawa như một bảo vật của dân tộc.
Adam Mickiewicz, nhà thơ lớn nhất của dân tộc Ba Lan mà người Việt biết đến qua câu "một giọng thơ ngâm..." - cũng là người "xếp bút nghiên lo việc binh đao', đã từng bị bắt, giam cầm trong nhiều năm vì hoạt động chính trị, rồi tham gia chiến đấu trong hàng ngũ quân khởi nghĩa Ba Lan như một người lính, và đã chết trong quân ngũ, ở tuổi 57.
Janusz Korczak, nhà giáo dục, nhà tâm lý học nổi tiếng thế giới trong thế chiến thứ 2, khi được tin phát-xít Đức quyết định giết hết hơn một trăm trẻ mồ côi Do Thái mà ông bảo trợ, ông đã không rời chúng, mà quyết định cùng đi vào phòng hơi ngạt, để các em "bớt sợ", 3 lần từ chối lời đề nghị cứu mạng từ du kích Ba Lan và thậm chí từ chính chỉ huy trưởng SS bấy giờ. Vào cái ngày cuối cùng định mệnh đó, ông gửi tất cả những người giúp việc thân cận khác đi nơi khác, cho các em mặc những bộ quần áo đẹp nhất, đi đầu, dắt tay bạn bé nhất, cùng nhau bình thản diễu hành "như một buổi đi dạo", vào phòng khí độc, đón nhận cái chết của chính mình. Và khi biết tin, một số người làm việc của ông, cũng vội trở về, nhập vào đoàn.
Sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc tới Hendryk Sienkiewicz, nhà văn, nhà báo, người được giải thưởng Nobel về văn học, mà hầu hết người Việt chắc đã đọc qua các tác phẩm của ông: "Trên sa mạc và trong rừng thẳm", "Nạn hồng thuỷ", "Quo vadis". Bên cạnh những tác phẩm văn học, ông còn dành phần lớn cuộc đời và tiền bạc của mình để nuôi trẻ mồ côi, cứu giúp những người đói khổ, nạn nhân chiến tranh. Ông là người thành lập ra hội bí mật để đào tạo, gìn giữ văn hóa Ba Lan khi bị các cường quốc xúm vào xóa sổ đất nước, từ chối không làm đại biểu quốc hội Nga, chỉ để tích cực tham gia phong trào đấu tranh đòi độc lập cho Ba Lan. Ông mất ở Thuỵ Sỹ, 2 năm trước ngày Ba Lan dành được độc lập, mãi năm 1924, tro của ông mới được mang về.
▪▪▪
Những người như thế ở Ba Lan nhiều lắm, kể chuyện về họ thì không giấy nào cho đủ. Họ có thể sống vương giả, trong hào quang của sự nổi tiếng và no đủ, họ thậm chí còn là những quý tộc, thuộc tầng lớp "ưu tú", nhưng đều tự "đá đổ nồi cơm" và cả mạng sống của mình, để chiến đấu cho những lý tưởng cao đẹp hơn.
Đến Ba Lan, cái ấn tượng để lại không phải là những công trình cổ, những bức họa, điêu khắc... tuyệt vời, mà lại là những câu chuyện lịch sử, tận mắt xem cách người ta bảo tồn, phục chế, gìn giữ "những ngày đã qua", và cách sống "như người với người". Khác với các nước phương Tây, Ba Lan rất ít trộm cắp, ít người vô gia cư, lang thang (hoàn toàn là vô gia cư tự nguyện), và ở đây, khi bạn định qua đường thì ô tô sẽ dừng lại nhường, cũng như, nếu chẳng may vấp ngã, sẽ có người chạy tới nâng bạn dậy.
Bạn có thể ở Ba Lan rất lâu, nhưng nếu bạn chỉ loanh quanh trong cộng đồng người Việt, loay hoay với cơm áo, gạo tiền, thì thật ra, bạn đang bỏ phí rất nhiều. Vì chỉ tiếp xúc chỉ với 1 bộ phận nhỏ tham gia buôn bán, với rào cản ngôn ngữ lớn, bạn rất dễ bị một cái nhìn sai lệch về xã hội xung quanh. Vậy nên cần phải đọc, phải học, để hiểu họ, hiểu cách sống, cách suy nghĩ, rút ra những bài học cho bản thân, thì sự hòa nhập vào văn hóa của họ mới dễ dàng.
Mình đã đi qua khoảng 50 quốc gia, vẫn thấy Ba Lan là nơi thân thương nhất. Không phải vì sự giàu có, phát triển, cũng không phải vì sự yên bình, tươi đẹp... mà vì sự cố gắng để tốt đẹp hơn, mà mình có thể nhìn thấy ở mọi góc đường.
Mình mong muốn tương lai và con cái của mình ở lại trên mảnh đất này, nơi đã giang tay đón mình như một đứa con của họ, bất kể sự khác biệt về màu da hay ngôn ngữ "không hẳn Ba Lan" của mình.
Và mình đã tìm được mảnh đất lành.
▓ Người tị nạn Ukraine đang trên đường vào Ba Lan. Hình: Tư liệu.
▓ Một tình nguyện viên của Caritas tại Dorohusk, phía Đông Ba Lan. Hình: Philipp Spalek/Caritas.
▓ Một tình nguyện viên của Caritas tại Dorohusk, phía Đông Ba Lan. Hình: Philipp Spalek/Caritas.
Rất nhiều người "tị nạn" giả từ Syria cũng đến Belarus, vượt biên qua Ukraina rồi nhập cảnh vào Ba Lan như những người chạy trốn chiến tranh thật sự
Và họ cũng được nhận, dù biên phòng Ba Lan biết điều đó.
Đâu mới là nơi đáng sống, các bạn tự suy nghĩ thôi.
▓ Biên giới Ba Lan-Ukraine. Hình. WIKIPEDIA.ORG
【Phan Châu Thành】