Tin Mừng (Lc 9,18-24)
Hôm ấy, Đức Giêsu cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: "Đám đông nói Thầy là ai?" Các ông thưa: "Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại". Người lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Phêrô thưa: "Thấy là Đấng Kitô của Thiên Chúa". Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.
Người bảo rằng: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sống lại".
Rồi Đức Giêsu nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.
Người bảo rằng: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sống lại".
Rồi Đức Giêsu nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.
Thiên hạ người thì bảo Thầy "là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ thì bảo là Giêrêmia hay là một tiên tri nào đấy". Vậy còn anh em, anh em nói Thầy là ai? Dạ thưa, "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống."
Người đời vẫn nói: đạo nào cũng như đạo nào. Ngày xưa thiên hạ bảo thầy lại Êlia, là Gioan Tẩy Giả, thì ngày nay họ bảo Thầy cũng như Đức Phật, như Socrates, như Lão Tử, hay một hiền nhân quân tử nào đó thôi. Đúng là đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành, nhưng đó mới chỉ là nói về phương diện luân lý đạo đức, mà ngay trên phương diện ấy, cũng đã có sự khác biệt. Chẳng hạn, chỉ có Giáo hội Công giáo mới cấm ly dị, còn các tôn giáo khác đâu có cấm. Cũng chỉ Giáo hội Công giáo mới có lập trường rất quyết liệt, cấm ngặt việc phá thai. Vì thế ngay trên phương diện luân lý đức, đạo Công giáo đã có sự khác biệt với các đạo khác rồi.
Nhưng tôn giáo thì không chỉ là chuyện luân lý đạo đức, mà còn là cả quan niệm về thế giới, về con người, về cuộc sống, về những giá trị của đời sống. Chính những chân lý ấy, dẫn lối cho đời sống luân lý của người Công giáo. Người Công giáo không tin luân hồi, mà tin rằng: ta sống cuộc đời này chỉ một lần thôi, và sau đó là vĩnh cửu. Ta thấy rõ có sự khác biệt, và cội nguồn của sự khác biệt đó, chính là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người.
Tại sao tôi tin vào Đức Giêsu Kitô, mà lại không tin vào Đức Phật, Lão Tử, Khổng Tử hay ông Socrates? Mặc dù, tôi rất kính trọng các vị ấy. Bởi vì, các vị ấy cũng chỉ là con người thôi! Cho nên, dù họ có giúp tôi thấy chân lý thì cũng chỉ là một chân lý phiến diện. Chỉ có Đức Giêsu Kitô, là Thiên Chúa làm người, mới có thể cho tôi biết chân lý toàn diện về Thiên Chúa, về con người, về cuộc sống. Và chân lý đó giải thoát tôi. Chỉ có Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người, mới có thể chết thay cho tôi, mới có thể cứu độ tôi. Vì thế, lời tuyên xưng và sự xác tín: "Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống", là một điều hết sức quan trọng.
Chúng ta không coi thường các tôn giáo khác... Trên đất nước này, người Công giáo chưa được 10%! Ta phải ý thức rằng, quanh ta có nhiều người chưa biết Chúa Giêsu, và họ là người tốt. Ta phải tôn trọng và cộng tác với họ trong các việc tốt; nhưng phải giữ được căn tính của mình. Phải xác tín rõ: Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ, là Con Thiên Chúa làm người. Không chỉ xác tín về mặt lý luận, mà còn phải thể hiện trong cách sống hàng ngày của ta.
Mahatma Gandhi từng nói: Phúc Âm của Chúa Giêsu thật tuyệt! Giá mà các Kitô hữu đều sống Tám Mối Phúc Thật, thì cả dân tộc chúng tôi, đã theo Đạo Chúa lâu rồi! Vậy giờ đây, cùng với các môn đệ xưa, cùng Hội Thánh toàn cầu, chúng ta tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa của ta. Xin cho lời tuyên xưng đó, thực sự phát xuất từ cõi lòng, và hướng dẫn đời sống chúng ta.
【Lm. Gioan Baotixita Lê Xuân Tuyến】