Cây Thánh Giá Hôn Phối, hay câu chuyện về vùng đất mấy trăm năm chưa có ai ly dị
23.07.2022
0
Cây Thánh Giá (Tượng Chịu Nạn) từ lâu đã trở thành một biểu tượng diễn tả Bí tích Hôn phối, đó là biểu hiện rõ ràng nhất cho tình yêu và sự phục vụ hy sinh mà những người nam người nữ được kêu mời hướng tới.
Quả vậy, thánh Augustinô thậm chí còn mô tả thập tự chính là "chiếc giường tân hôn, nơi đó Chúa Kitô đã kết hợp với Hiền Thê của Người là Hội Thánh."
Một trong những truyền thống giúp chúng ta nhắc nhớ đến ý nghĩa trên, chính là truyền thống phụng vụ của Croatia. Trong lễ cưới của người Croatia có một cây thánh giá đặc biệt gọi là "Cây Thánh Giá Hôn Phối", sự hiện diện của Cây Thánh Giá lột tả rất rõ, rất trực quan ý nghĩa trên.
Lối cử hành lễ cưới với Cây Thánh Giá như vậy đã có lịch sử nhiều thế kỷ, bắt nguồn từ Siroki-Brijeg, một thị tứ ở Bosnia-Herzegovina. Cho đến nay vẫn là nơi duy nhất trên thế giới có tỷ lệ ly dị là 0%.
Đâu là bí quyết cho hôn nhân bền vững của họ vậy? Xin thưa: Hãy chọn Thập Giá Của Chúa Kitô làm nền cho cuộc hôn nhân của mình.
Khi đôi bạn nam nữ tiến lên bàn thờ, vị linh mục xướng lên thế này: "Vậy là các con đã tìm thấy cây thánh giá của mình. Và cây thánh giá này là cây để các con yêu thương, mang vác. Là cây thánh giá không phải để các con vứt bỏ đi, nhưng là cây thánh giá để các con trìu mến, trân trọng nâng niu."
Lúc đôi bạn nam nữ đoan hứa với nhau qua lời thề hôn phối, thì chú rể sẽ cầm bên tay phải của mình cây thánh giá, còn cô dâu sẽ đặt tay phải của mình trên cây thánh giá, tay họ đan kết vào nhau.
Đôi bạn nam nữ được liên kết lại trên Cây Thánh Giá, họ đoan kết với nhau ngay trên hình ảnh thống thiết, lúc Đấng chính là Tình Yêu tự hiến.
Rồi, trước khi cô dâu chú rể hôn nhau, họ sẽ hôn Tượng Chúa Kitô Chịu Nạn, Nguồn Cội Yêu Thương.
Truyền thống này được gọi là Marriage Crucifix (Cây Thánh Giá Hôn Phối) chứ không gọi là Wedding Crucifix (Cây Thánh Giá Lễ Cưới), cũng là để nhắc nhớ cho đôi bạn nam nữ về giao ước mà họ cùng đoan kết bước vào, giao ước này không chỉ diễn ra trong lễ cưới mà thôi, nhưng sẽ trải dài trong trọn đời sống của họ trên dương trần.
Vài cặp đôi đã chia sẻ với tôi rằng: họ đã cảm thấy cuộc đời mình kết nối với người bạn đời, ngay khi họ tay trong tay nhau và có Cây Thánh Giá ở giữa, để theo đoàn rước tiến vào thánh đường cử hành Thánh Lễ có thể nói là quan trọng bậc nhất cuộc đời mình.
Sau lễ cưới, cặp đôi sẽ mang Cây Thánh Giá về tư gia, và sẽ đặt ở một nơi trang trọng. Cây Thánh Giá sẽ mãi mãi trở thành điểm quy chiếu, trở thành nơi để gia đình cùng nhau cầu nguyện. Trong những lúc khó khăn, lấn cấn, bối rối, trước nhất (thay vì chạy tới luật sư hay các nhà trị liệu tâm lý) họ sẽ cùng nhau quỳ gối cầu nguyện trước Cây Thánh Giá, để xin Chúa Giêsu soi đàng chỉ lối. Họ sẽ quỳ gối, thậm chí sẽ khóc lóc, mở lòng xin Chúa và những thành viên khác trong gia đình tha thứ cho họ. Họ sẽ lên giường ngủ với cõi lòng bình an vì đã nhận được ơn tha thứ, từ Đấng duy nhất có quyền năng cứu độ.
Rồi họ sẽ làm cha làm mẹ, và họ sẽ dạy cho con cái họ biết hôn kính Cây Thánh Giá mỗi ngày, sẽ không giống con cái những người không có đức tin, con cái của họ sẽ chỉ đi ngủ sau khi đã cám ơn Chúa. Họ biết rằng, chính Chúa đang ôm ấp họ trong cánh tay của Người, và họ chẳng có gì phải hãi sợ cả.
▓ Siroki-Brijeg (Croatia), vùng đất mấy trăm năm nay, chưa có ai ly dị.
【Hoàng Long (Nhóm Phiên dịch Mai Khôi)】
Tags
Chia sẻ với ứng dụng khác