Kinh nghiệm hoán cải của Peter Seewald một nhà báo cộng sản

0
Peter Seewald sinh ra và lớn lên trong gia đình Công giáo ở vùng Niederbayern (Đức). Thời niên thiếu, ông là một chú giúp lễ nhiệt thành và sau đó còn làm trưởng ban giúp lễ của giáo xứ. Tuy nhiên khi học đại học, ông gia nhập đảng cộng sản và năm 1973 tuyên bố bỏ đạo. Năm 1976, ông thành lập và làm chủ biên một tờ báo địa phương. Từ 1981-1987, ông là tổng biên tập tờ báo Spiegel (khá có tiếng ở Đức). Từ đó, ông trở thành một nhà báo rất có tiếng tăm trong làng báo chí. Tuy rời bỏ Giáo hội, nhưng ông lại rất quan tâm đến các chủ đề về Công giáo. Năm 1996, ông có cuộc phỏng vấn đức hồng y Joseph Ratzinger (sau này là giáo hoàng Biển Đức XVI) và sau đó xuất bản thành cuốn "Muối Cho Đời". Cuộc phỏng vấn này đã hoán cải ông và ông trở lại đạo. NGUỒN: https://fb.com/m.hanh.tu.7/posts/pfbid0b8xk67ze3YLskgcNy8NnsWCWTwdqw9HkndkUn37ckJpqdndbfP5UGs7vXz5ZKojEl

Peter Seewald sinh ra và lớn lên trong gia đình Công giáo ở vùng Niederbayern (Đức). Thời niên thiếu, ông là một chú giúp lễ nhiệt thành và sau đó còn làm trưởng ban giúp lễ của giáo xứ. Tuy nhiên khi học đại học, ông gia nhập đảng cộng sản và năm 1973 tuyên bố bỏ đạo. Năm 1976, ông thành lập và làm chủ biên một tờ báo địa phương.

Từ 1981-1987, ông là tổng biên tập tờ báo Spiegel (khá có tiếng ở Đức). Từ đó, ông trở thành một nhà báo rất có tiếng tăm trong làng báo chí. Tuy rời bỏ Giáo hội, nhưng ông lại rất quan tâm đến các chủ đề về Công giáo. Năm 1996, ông có cuộc phỏng vấn đức hồng y Joseph Ratzinger (sau này là giáo hoàng Biển Đức XVI) và sau đó xuất bản thành cuốn "Muối Cho Đời". Cuộc phỏng vấn này đã hoán cải ông và ông trở lại đạo.

Sau khi trở lại sau hơn 20 năm bỏ đạo, ông càng tích cực nghiên cứu các chủ đề về đạo và dùng kinh nghiệm bản thân để thúc đẩy và kêu gọi sự hoán cải. Ông đã viết cuốn sách chia sẻ về kinh nghiệm hoán cải này. Cuốn sách có tựa đề "Khi tôi bắt đầu nghĩ về Thiên Chúa".

Lời chia sẻ ấn tượng của ông là: "Khi nào bạn thực sự nghĩ về Chúa, bạn đã bắt đầu hoán cải."

Phần 1: Tuổi thơ đạo đức


Tôi được sinh ra và được giáo dục trong một môi trường thuần Kitô giáo ở miền nam nước Đức, bang Bayern, đây cũng là bang có tỉ lệ Công giáo cao nhất nước Đức. Vào thời bấy giờ Công giáo ở Đức nói riêng và Châu Âu nói chung còn khá mạnh. Các sinh hoạt đạo rất sống động như những gì các bạn đang thấy hiện nay ở Châu Á và Châu Phi.

Cha mẹ tôi tuy không đạo đức cho lắm, nhưng rất nhiệt thành với công việc của giáo xứ, và tôi cũng được cha mẹ khuyến khích tham gia sinh hoạt của xứ đạo. Tôi tham gia ban lễ sinh khá sớm và hầu như ngày nào cũng dự lễ. Khi ấy, việc giữ đạo khá là dễ dàng vì khi sống trong một vùng toàn tòng Công giáo và lại là vùng quê yên bình, khi mà các thú vui giải trí hay phương tiện truyền thông hiện đại chưa như ngày nay, thì nhà thờ chính là một nơi gặp gỡ và vui chơi, đặc biệt là dành cho trẻ em.

Các lễ hội Công giáo truyền thống được tổ chức hoành tráng luôn là một điều gì đó thu hút đối với tôi và trẻ em thời ấy. Chúng tôi không dán mắt vào smartphone hay ti vi như bây giờ, mà chỉ học, đọc sách và vui chơi. Sự bình yên thời bấy giờ là điều mà trẻ em và giới trẻ thời nay không có. Và điểm đặc biệt tôi nhận thấy, là trẻ em và giới trẻ ngày nay không biết và không thích thinh lặng, đó là điều khó hiểu so với các thế hệ trước.

Ngày xưa, chúng tôi tận hưởng sự yên tĩnh của thôn quê để đọc sách thật nhiều, vui chơi với thiên nhiên thật thỏa thích. Còn ngày nay, đám trẻ không muốn hay đúng hơn là sợ sự thinh lặng. Chúng rất năng động, nhưng là một sự năng động bề nổi không chiều sầu: Luôn đeo tai phone để nghe nhạc hay tám điện thoại với bạn bè, tay lướt lướt điện thoại và đôi mắt gần như không rời khỏi màn hình điện thoại... đầu óc của chúng cứ hời hợt lướt qua như những thứ chúng đang lướt trên màn hình điện thoại. Kết quả như bạn đã thấy, mọi sự đều trở nên hời hợt.

Trong khi đó, để trau dồi trí thức và nhất là để cầu nguyện thì người ta cần thinh lặng. Bạn hãy nhìn rễ cây, chúng âm thầm đâm sâu vào lòng đất và hút lấy nhựa sống. Càng đâm sâu cây sẽ càng chắc khỏe. Trái lại, những bông hoa khoe sắc rực rỡ, chỉ được một ít thời gian là tàn lụi. Sự yên tĩnh và suy tư luôn đưa người ta vào chiều sâu, còn sự náo động chỉ khiến người ta vui vẻ trong chốc lát nhưng không bao giờ thỏa mãn được vì nó chóng qua.

Tuổi thơ của tôi gắn liền với đạo, với nhà thờ, vì tôi có nhiều thì giờ rảnh và có bầu khí tuyệt vời của xứ đạo thôn quê. Nhưng từ khi bước chân vào đại học, bước vào đời sống xô bồ của xã hội, tôi bắt đầu thay đổi...

Phần 2. Tuổi trẻ nổi loạn


Tuổi thơ của tôi trôi qua yên bình trong xứ đạo cho đến khi lớn lên và bước vào đại học ở thành phố lớn. Khi ấy thế giới đang trải qua cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, còn giới trẻ tây phương đang trải qua cuộc cách mạng lớn về tư tưởng tự do, đặc biệt là giải phóng tình dục và phá bỏ mọi rào cản tôn giáo...

Với một đầu óc non trẻ bước vào đời, tôi đã bị cuốn theo luồn tư tưởng mới này, đặc biệt là trường phái triết học vô thần của Karl Marx (Các Mác). Khi ấy, tên của Các Mác, Mao Trạch Đông thường được hô vang trong các cuộc biểu tình chống Giáo hội và chống tư bản. Người ta xem các vị này là biểu tượng cho sự đấu tranh, dù thực sự chúng tôi chỉ biết những người này do sự lớn mạnh và ảnh hưởng của Liên Xô.

Là một người trẻ háu thắng mang trong mình dòng máu Đức oai hùng, tôi thấy những tuyên truyền của triết học vô thần về đạo Công giáo rất hợp ý. Tôi thấy đúng, thế giới này cần Thiên Chúa quyền năng mạnh mẽ, chứ không cần một kẻ yếu nhược tới mức không tự cứu nổi mình và bị đóng đinh vào thập giá. Thế giới này cần đấu tranh cách mạng, làm kinh tế và tiến bộ, chứ không cần kinh kệ lễ lạy chỉ để mong ước hạnh phúc đời sau. Điều cần làm là xây dựng xã hội hiện tại, chứ không phải một thiên đường xa xôi nào cả. Tôi thấy giáo lý Công giáo thật nhu nhược và rắc rối, trong khi lý tưởng cộng sản rất thiết thực.

Tôi bị tiêm nhiễm tư tưởng này khá nhanh, và cùng với sự nổi loạn của tầng lớp giới trẻ thời ấy, tôi rời bỏ đạo. Tôi không muốn đóng thuế nuôi một tổ chức vô ích như Giáo hội. Tôi thậm chí còn ủng hộ và mong chủ nghĩa Cộng sản chiến thắng ở Tây Đức. Tôi mơ mộng về một thiên đường trên trần gian này do chủ nghĩa cộng sản xây dựng, chứ không cần thiên đường đời sau. Từ một cậu bé giúp lễ ngoan đạo, tôi thay đổi hoàn toàn, thành một chàng thanh niên vô thần quyết liệt.

Tuy rời bỏ Giáo hội, nhưng có lẽ vì đạo đã thấm vào máu nên tôi vẫn quan tâm đến những chủ đề Công giáo. Tôi viết báo về mảng này, và vì thế tôi khá đào sâu các khía cạnh tôn giáo. Tuy có vẻ vô tình, nhưng có lẽ đó là chiếc phao cứu sinh mà Thiên Chúa ban cho tôi, để tôi có cơ hội tìm hiểu về Ngài và giúp tôi trở lại sau này.

Phần 3: Những trải nghiệm đáng nhớ


Trong thời gian làm nhà báo tự do với lửa hăng hái sục sôi, nhóm thân cộng sản chúng tôi cố gắng viết báo tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, kêu gọi đấu tranh giai cấp... Chúng tôi in rồi đến các cổng trường đại học, chợ búa...phát tờ rơi tuyên truyền cho thứ chủ nghĩa mà khi ấy tôi nghĩ rằng, là cách duy nhất để thiết lập trật tự thế giới và xây dựng xã hội phồn thịnh. Tuy nhiên, việc làm của chúng tôi bị xem là bất hợp pháp, vì ở tây Đức người ta không chấp nhận cộng sản.

Nhóm chúng tôi nhẹ thì bị giải tán, nặng thì bị tịch thu máy in, tờ rơi, tài liệu và bị tạm giam ít ngày. Có lần tôi chạy trốn và hòa vào đám đông khách hành hương tại trung tâm Thánh Mẫu Altôting. Tôi ngồi xen lẫn giữa đám đông đang lần hạt Mân Côi để tránh bị cảnh sát phát hiện. Mục đích ban đầu chỉ là để lẩn trốn, nhưng rồi tôi bắt đầu mở miệng lần hạt theo lúc nào không hay, bởi những lời kinh này tôi đã thuộc lòng từ tấm bé. Từ tâm thế một kẻ lẩn trốn, lòng tôi bỗng dịu lại và cảm giác như hòa điệu với đám đông đang cầu nguyện. Tôi nhận ra rằng, mình đang ở giữa Giáo hội. Nơi ấy mọi người hiệp thông với nhau trong đức tin.

Lòng tôi cảm thấy được an ủi hơn nữa khi lời kinh Salve được cất lên: "Kính chào Nữ Vương... này con cháu Eva, ở chốn lưu đày, thung lũng nước mắt...". Tôi nghĩ đến ước mơ của mình khi theo đuổi chủ nghĩa cộng sản, đó là đấu tranh giai cấp, xây dựng một xã hội bình đẳng và hạnh phúc. Tôi đã từng khó chịu khi giáo lý Công giáo dạy rằng trần gian này là "thung lũng khóc lóc", nơi con người phải hi sinh chịu đựng để chờ mong thiên đàng. Ấy vậy mà lúc này, khi đang phải chạy trốn, tôi lại cảm thấy lời kinh ấy an ủi. Cái gốc Công giáo trong tôi vẫn còn.

Một tư tưởng khác của đức giáo hoàng Gioan Phaolo I, giáo hoàng của nụ cười, cũng khiến tôi thích thú. Ngài trả lời cho những người phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa với lý do không chứng minh được, rằng: "Đừng nói với tôi rằng vì không nhìn thấy Chúa nên các bạn không chắc chắn Chúa có hiện hữu hay không. Các bạn cũng đâu nhìn thấy ông cố, ông tổ của dòng họ, nhưng các bạn tin có các ngài. Đừng nói với tôi rằng thế giới này là sản phẩm của vật chất vĩnh cửu tự hình thành do ngẫu nhiên từ hư vô, rồi dần dần hoàn chỉnh theo thời gian. Không bao giờ có một chấm trắng có thể tự hình thành trên tấm bảng đen. Làm sao một thế giới đa dạng và phức tạp lại có thể tự xuất hiện từ hư không một cách ngẫu nhiên được? Liệu một cái không có, ngẫu nhiên tạo ra một cái có được không?

Giáo sư công nghệ thông tin Werner Gitt đã trở lại Công giáo dù ban đầu cũng nghi ngờ về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Ông dùng kiến thức chuyên ngành của mình lý giải như sau. Câu hỏi: Thông tin được hình thành như thế nào và từ đâu mà có? Câu trả lời là thông tin được hình thành đầu tiên từ não bộ con người, là sự tổng hợp các dữ liệu bằng trí hiểu... nói chung nó hoàn toàn thuộc phạm trù tinh thần chứ không phải vật chất. Vậy ai cho rằng thế giới được hình thành từ sự tiến hóa của vật chất là sai, bởi vì vật chất không bao giờ tạo ra tinh thần được. Tinh thần luôn phải có trước. Hãy hình dung người ta đặt một chiếc computer về hàng triệu năm trước, nó sẽ chẳng bao giờ tự hình thành hệ điều hành và tự hoạt động. Một chiếc computer dù hiện đại và tinh vi đến đâu đều là do con người làm ra. Vậy thì ai đã "lập trình" cho bộ não cực kỳ phức tạp và đặc biệt của chúng ta?

Phần 4: Trở về với Giáo hội


Tôi tuyên bố bỏ đạo và trở thành nhà báo cộng sản vô thần, vì mơ mộng cuồng nhiệt của tuổi trẻ về một thế giới bình đẳng và tốt đẹp mà triết học Karl Marx rao giảng. Tuy nhiên, tôi không phủ nhận được niềm tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa - và tôi tin rằng nhiều người giống như tôi, bỏ Giáo hội nhưng vẫn tin Chúa - Tôi không biết có phải do được giáo dục đức tin từ bé, hay là niềm tin khách quan do tự cảm nhận, nhưng rõ ràng sự hiện hữu của Thiên Chúa là điều tôi không phủ nhận được dù đã từng cố gắng. Thêm nữa, là một nhà báo chuyên viết về mảng tôn giáo, tôi tiếp cận khá nhiều nguồn tài liệu về chủ đề này, và trong tư cách là một nhà báo chuyên nghiệp, tôi không thể phủ nhận một sự thật lịch sử là, Châu Âu được xây dựng trên nền tảng Kitô giáo, và nếu không có Giáo hội thì không có Châu Âu như ngày nay.

Khi bước vào tuổi 40, tôi bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về quyết định rời bỏ Giáo hội của mình trước đây. Tôi tự hỏi về nguyên nhân và mục đích của quyết định ấy. Tôi nhận ra rằng lý do chính khiến tôi ra đi không phải do tôi không tin Chúa, mà là tôi thấy quá nhiều vấn đề trong Giáo hội, và nhiều câu hỏi giáo lý chưa ai trả lời cho tôi thỏa mãn. Trong khi đó chủ nghĩa cộng sản vô thần lúc ấy đang thắng thế và rao giảng một lý tưởng tuyệt vời. Tuy không nói ra, nhưng trong thâm tâm tôi luôn nghĩ rằng, nếu ai đó giải đáp được các câu hỏi ấy thỏa đáng, tôi sẽ trở lại.

Như đã nói, nhờ công việc viết lách chuyên về chủ đề tôn giáo, tôi tiếp cận và cập nhận thông tin từ Giáo hội liên tục. Tôi dám nói không ngoa rằng tuy không còn là tín hữu, nhưng tôi còn sành sõi về Giáo hội hơn nhiều tín hữu Công giáo. Và cũng chính nhờ công việc này, tôi có cơ hội tiếp cận những vị cấp cao trong Tòa thánh, trong số đó có đức hồng y Joseph Ratzinger, là một người tôi hết sức ngưỡng mộ, một phần vì là người đồng hương (Bayern - Đức), phần khác là vì kiến thức uyên bác của ngài. Tôi ngỏ ý với ngài mong muốn thực hiện một cuộc phỏng vấn về đề tài đức tin Công giáo, và ngài đồng ý.

Tôi soạn thảo một loạt những câu hỏi mà tôi trăn trở bấy lâu nay và gửi email cho ngài trước. Tôi cũng nói nửa thật nửa đùa với ngài rằng, nếu ngài trả lời thuyết phục thì tôi sẽ trở về với Giáo hội. Không ngờ rằng, Thiên Chúa đã dùng ngài để khuất phục tôi, và cuộc gặp gỡ ấy trở thành bước ngoặt giúp tôi trở về với Giáo hội Công giáo, và đức hồng y trở thành người cha thiêng liêng của tôi.

Tôi quay về với Giáo hội trong tình cảnh đời sống đạo ở Châu Âu, đặc biệt ở Đức xuống dốc trầm trọng. Thật không thể tin nổi một Châu Âu xây dựng trên nền tảng Kitô giáo từ 2000 năm nay, mà giờ đây lạnh lùng và cương quyết quay lưng với nguồn gốc ấy.

Tôi thấy mình có lỗi, bởi chính tôi cũng đã tham gia vào làn sóng rời bỏ Giáo hội, chính tôi đã làm tổn thương Giáo hội, mẹ của tôi. Quả thật, làn sóng nổi loạn những năm 1960-1980 khởi đầu cho sự lao dốc không phanh về mặt luân lý và tôn giáo ở Châu Âu. Giờ đây tôi trở lại, và tôi có cảm giác như mình đang đi ngược dòng, đang lạc lõng giữa một xã hội vắng bóng Thiên Chúa.

Tôi nhớ lại tuổi thơ tươi đẹp của mình trong xứ đạo. Khi ấy sinh hoạt đạo là một điều gì đó hết sức bình thường. Ở bang Bayer của tôi thì Công giáo hiển nhiên là quốc giáo. Do đó, ai không giữ đạo mới là không bình thường. Thời ấy, thiếu nhi chúng tôi hăng hái học giáo lý và sinh hoạt ở nhà thờ. Tôi là lễ sinh và là trưởng ban lễ sinh. Tôi cảm thấy hãnh diện về chức vụ nhỏ nhoi ấy. Tôi không nề hà lễ sớm lễ tối, những ngày mùa đông buốt giá tuyết ngập tới đầu gối, vẫn thức dậy sớm đi giúp lễ.

Ngày nay, các dấu hiệu tôn giáo đang biến mất dần. Người ta không quan tâm và thậm chí ngại ngùng khi nói về đạo. Các đứa trẻ công giáo không muốn đi lễ nữa, vì bạn bè chúng chê cười, bởi người có đạo bây giờ là thiểu số. Ngày xưa các linh mục và tu sĩ dạo phố trong bộ tu phục là điều hết sức quen thuộc. Ngày nay họ bị nhìn như những sinh vật lạ. Châu Âu ngày nay đã khác, đã quên nguồn cội Kitô giáo của nó mất rồi.

Tôi vui mừng vì được trở về với Giáo hội sau thời gian dài dài rời bỏ. Nhưng tôi đau buồn khi xã hội đã đổi khác theo hướng xấu đi về mặt tôn giáo, luân lý. Tôi thấy mình có lỗi và tôi nghĩ rằng nhiều người đã rời bỏ Giáo hội cũng vì những lý do vớ vẩn như tôi. Tôi thấy người ta muốn loại bỏ tôn giáo nhân danh tự do cá nhân hơn là vì những lý do tín lý thuyết phục. Người ta muốn tự do tình dục, tự do ly dị, phá thai, đồng tính, hoặc không phải đóng thuế nhà thờ... Vì những lý do này mà bỏ đạo thì hèn và trốn tránh trách nhiệm mà thôi. Tiếc là cái tốt khó học, còn cái xấu thì lan nhanh lắm. Ma quỷ hoạt động không ngừng để phá hoại Giáo hội và có vẻ nó đang thắng thế ở Châu Âu.

Thật đáng buồn!

Peter Seewald
M. Hạnh Tử (lược dịch)

Đăng nhận xét

0Nhận xét
* Xin đừng spam, cám ơn bạn nhiều. Các quản trị viên sẽ kiểm duyệt các bình luận...
Đăng nhận xét (0)
Về đầu trang