Louis Braille: nhạc sỹ Công giáo khiếm thị, phát minh ra chữ nổi (giúp người khiếm thị đọc hiểu)

0
Bạn có biết: người phát minh ra hệ thống chữ nổi Braille là một nhạc sỹ tài năng, và là một tín hữu Công giáo nhiệt thành? Louis Braille sinh ra trong một gia đình có nghề thuộc da ở thị trấn nhỏ Coupvray của Pháp vào ngày 4 Tháng Một 1809. Khi mới 3 tuổi, Braille - cố gắng bắt chước cha mình - nhặt một chiếc dùi để đục lỗ trên một mảnh da vụn. Nhắm mắt lại, cậu bé Braille ấn mạnh chiếc dùi (chuyên làm da) xuống và nó trượt khỏi miếng da, văng đi, và đâm vào mắt cậu.

Quả là thiên tài! Chỉ mới 15 tuổi, mà ông đã phát minh ra lối đọc viết Braille, tận dụng chính công cụ đã khiến ông không thể nhìn thấy được nữa.

Bạn có biết: người phát minh ra hệ thống chữ nổi Braille là một nhạc sỹ tài năng, và là một tín hữu Công giáo nhiệt thành?

Louis Braille sinh ra trong một gia đình có nghề thuộc da ở thị trấn nhỏ Coupvray của Pháp vào ngày 4 Tháng Một 1809. Khi mới 3 tuổi, Braille - cố gắng bắt chước cha mình - nhặt một chiếc dùi để đục lỗ trên một mảnh da vụn. Nhắm mắt lại, cậu bé Braille ấn mạnh chiếc dùi (chuyên làm da) xuống và nó trượt khỏi miếng da, văng đi, và đâm vào mắt cậu.

Không tìm được cách chữa trị, cậu đã chịu đau đớn rất nhiều khi mắt bị đâm, nhiễm trùng. Vết nhiễm trùng lan sang cả mắt phía bên kia. Đến 5 tuổi, cậu đã bị mù hoàn toàn. Cậu cứ hỏi bố mẹ, "Sao lại tối om vậy?", cậu không biết rằng, mình sẽ chẳng bao giờ còn nhìn lại được nữa.

Cha cậu làm cho cậu những chiếc gậy, và chỉ cho cậu cách để tự mình xác định phương hướng. Các giáo viên và linh mục vùng Coupvray ấn tượng về sự thông sáng và kiên trì của Braille, đã gợi ý cho cậu bé Braille khi ấy 13 tuổi, đến học tại Học viện Hoàng gia dành cho các trẻ em khiếm thị (Royal Institute for Blind Youth), một trong những ngôi trường đầu tiên trên thế giới, dành cho người khiếm thị. Học viện này được sáng lập bởi một người sáng mắt, là nhà hảo tâm Valentin Haüy.

Các học sinh học đọc bằng cách sử dụng hệ thống các ký tự do ông Haüy tạo ra. Tuy nhiên, để làm ra được các cuốn sách thì rất vất vả, và khi trường mở ra, chỉ có 3 cuốn thôi. Sử dụng hệ thống đó, đám trẻ không tài nào viết được.

Cha của Braille đã làm cho bé một bảng chữ cái bằng tấm da dày, để bé có thể thực tập đồ lại các con chữ tại nhà.

Lúc 12 tuổi, Braille đã học biết hệ thống liên lạc bằng các chấm và vạch được in lên trên giấy, đây là hệ thống do đại tá Charles Barbier chế ra để các binh sỹ có thể phổ biến mệnh lệnh vào ban đêm mà không cần phải lên tiếng hay sử dụng đến đèn điện. Nó đã bị bên quân đội đào thải vì quá phức tạp.

Trong vòng 3 năm ròng, Braille đã miệt mài để phát triển một hệ thống tương tự, nhưng đơn giản hơn dành cho người khiếm thị, bằng cách sử dụng một chiếc dùi, chính loại dùi đã khiến cậu mù loà.

Braille chia sẻ,
Có thể truyền thông, giao tiếp, theo nghĩa rộng nhất, nghĩa là có thể tiếp cận được với tri thức, và đó là điều hết sức quan trọng với chúng tôi, nếu chúng tôi (những người khiếm thị) không muốn bị những người sáng mắt xem thường hay tội nghiệp. Chúng tôi không cần thương hại, chúng tôi cũng không cần phải được xếp loại là dễ tổn thương. Chúng tôi cần được đối xử một cách bình đẳng - và truyền thông, giao tiếp (communication) chính là cách thế giúp mang lại những điều kể trên.

Thế rồi, sau vài lần chỉnh sửa, Braille đã tạo ra được một bảng chữ cái cho người khiếm thị lúc khoảng 15 tuổi. Cậu xuất bản nó 5 năm sau, sau khi thêm vào các ký hiệu âm nhạc và hình học. Braille thực sự đam mê âm nhạc, cậu là một tay chơi cello và organ cừ khôi. Cậu là người chơi organ cho Thánh đường Saint-Nicolas-des-Champs ở Paris từ 1834 đến 1839, sau này là cho Thánh đường Thánh Vincent de Paul. Chàng được mời trình tấu organ tại các thánh đường trên khắp nước Pháp.

Chữ nổi Braille phiên bản đầu, soạn cho bảng chữ cái dùng trong Tiếng Pháp

Khi Braille hoàn thành việc học, cậu được mời làm trợ tá cho một giáo viên. Và Braille đã được chỉ định làm giáo sư ở tuổi 24. Ông dạy lịch sử, hình học và đại số tại Học viện hầu như trọn đời.

Tuy vậy, hệ thống chữ viết của Braille không được chào đón tại Học viện. Những người kế nhiệm ông Haüy ghen tức với phát minh của Braille, họ đã sa thải hiệu trưởng là ông Alexandre Francois-René Pignier, vì vị tiến sỹ này đã cho chuyển một cuốn sách lịch sử sang chữ Braille.

Braille đã qua đời ở tuổi 43 do lao phổi. 2 năm sau khi ông mất, hệ thống của ông, sau những đấu tranh bền bỉ của các học sinh, cuối cùng cũng được Học viện đưa vào sử dụng. Và hệ thống này đã được áp dụng rộng rãi tại những nước nói Tiếng Pháp.

Hội nghị toàn Châu âu đầu tiên quy tụ các giáo viên trong các trường khiếm thị, được tổ chức vào năm 1873. Tiến sỹ, bác sỹ khiếm thị Thomas Rhodes Armitage đề cao và khuyến khích sử dụng chữ Braille tại hội nghị này, và từ đó thứ chữ này đã trở nên phổ dụng trên toàn thế giới. Giám đốc Trường dành người Khiếm thị California, tiến sỹ Richard Slating French khẳng định, "Thứ chữ này là thành quả của một thiên tài, y chang như bảng chữ cái Rô-ma vậy."

Giờ đây, đã gần 2 thế kỷ kể từ khi Louis Braille mò mẫm ghép các chấm, các vạch, chữ nổi Braille vẫn còn là một phương tiện giúp giao tiếp, truyền thông quan trọng. Nó được ứng dụng trong thang máy và các bảng hiệu công cộng. Chữ nổi Braille còn được ứng dụng trong công nghệ thông tin, với chuẩn email RoboBraille, và Mã Nemeth Braille trong toán học.

Bức tượng bán thân của Louis Braille và cây dùi của thợ thuộc da trong một cuộc triển lãm tại quê nhà ông.

Khi bạn nhìn thấy một ký hiệu Braille đâu đó, hãy cầu nguyện cho người đã phát minh ra thứ ký hiệu này, người đã biến thảm kịch tuổi thơ thành ân phúc cho nhiều triệu người chỉ nhìn "tất cả là bóng đêm". Xin ánh quang vĩnh cửu chiếu toả trên nhà sáng chế Louis Braille.

Jean Elizabeth Seah
Văn Nhân (Nhóm Phiên dịch Mai Khôi) lược dịch từ ALETEIA.ORG

Đăng nhận xét

0Nhận xét
* Xin đừng spam, cám ơn bạn nhiều. Các quản trị viên sẽ kiểm duyệt các bình luận...
Đăng nhận xét (0)
Về đầu trang